Bắc Kinh dùng Hồng Kông và Afghanistan để đánh một ‘trận chiến không giới hạn’
- Lý Gia Hoành
- •
Cuộc chơi quyền lực siêu cường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng trở nên khốc liệt. Ông Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Y.S. Lau), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, kiêm nhà bình luận về các vấn đề thời sự, đã viết trên báo rằng cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đã trở thành “cuộc chiến không giới hạn.”
Có thể thấy điều đó qua việc Bắc Kinh truy đuổi các nhóm công dân Hồng Kông, và việc mượn tay Taliban để thực hiện kế “vây Ngụy cứu Triệu” trong vấn đề Afghanistan gần đây. Nhưng ông tin rằng hiệu ứng này có thể sẽ phản tác dụng và thành ‘gậy ông đập lưng ông’.
Ông Lưu Nhuệ Thiệu đã viết trên tờ “Ming Pao” (Minh Báo) rằng: “Cuộc chiến không giới hạn” chỉ cuộc chiến tranh hiện đại đã vượt quá các cấp độ tác chiến thực tế truyền thống trên biển, trên bộ và trên không. Nó còn bao gồm các cấp độ vô hình và vô hạn như: Máy tính, công nghệ, vũ trụ, kinh tế, tài chính, thông tin, ngoại giao, tuyên truyền và tâm lý chính trị, v.v. “Cuộc chiến không giới hạn” giữa Trung Quốc và phương Tây cũng được thể hiện ở Hồng Kông. Đây là cuộc chiến tranh giành lãnh thổ chính trị và sức ảnh hưởng tại Hồng Kông.
Việc xoá bỏ các đoàn thể dân sự ở Hồng Kông không thể tiêu diệt linh hồn của mảnh đất này
Ông nói rằng Bắc Kinh nhìn thấy việc Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã sử dụng sức mạnh dân sự và dư luận chính thống của Hồng Kông, để tạo ra “cục diện hỗn loạn chống Trung Quốc và chống lại xã hội.” Do đó, họ đã thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia”, nhằm nỗ lực ổn định Hồng Kông.
Động thái mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là gây áp lực lên “các tổ chức chống chính phủ” của Hồng Kông, như Hiệp hội Giáo dục, Mặt trận Nhân dân Trung Quốc, Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc và Hiệp hội Nhà báo, nhằm buộc các tổ chức này phải tự biến mất. Hơn nữa, việc chúng ngừng hoạt động vẫn không đủ, ĐCSTQ muốn chúng phải bị “xóa sổ”, cho đến khi “không còn một mảnh giáp”, mới có thể tránh được hậu họa về sau.
Đồng thời, các quan chức này liên tiếp hành động rất nhanh chóng, từ việc tấn công dư luận, vận động những người liên quan, đến gây áp lực cụ thể, cộng với việc phòng bị giữa phe kiến chế (thân cộng) và các đoàn thể dân sự.
Giới quan chức dường như đã có một “thời gian biểu xoá sổ”. Trong năm nay (có tin đồn là trước tháng Mười), họ muốn nhanh chóng “ổn định nội bộ triệt để”, bằng cách xử lý xong dự án bầu cử tân trưởng đặc khu và hội đồng lập pháp. Năm tới, ĐCSTQ sẽ tập trung xử lý các vấn đề kinh tế và giao dịch với nước ngoài.
Ông Lưu Nhuệ Thiệu cũng nói rằng chính phủ đã có ý định tạo ra “sự phân biệt đối xử.” Nếu nhóm bị chỉ trích tự giải tán, chính phủ có thể sẽ thực thi các hành động giám sát nới lỏng. Tuy nhiên, sau khi các đoàn thể dân sự tan rã, họ sẽ cao giọng liên tục truy cứu trách nhiệm cá nhân. Điều này nhằm tạo ra áp lực ngay lập tức và liên tiếp, để không có bất kỳ sự kháng cự nào được phép xuất hiện.
Nhưng đối với “cuộc chiến không giới hạn” này, ông Lưu Nhuệ Thiệu thẳng thắn cho rằng nếu giới chức chỉ biết áp dụng các biện pháp cứng rắn và gây áp lực cao, cũng có thể sẽ phản tác dụng.
Bởi dẫu “thể xác” bị hủy hoại, “linh hồn” cũng không thể bị tiêu diệt. Bởi linh hồn này là giá trị phổ quát và chủ đạo mà người dân Hồng Kông theo đuổi: Quyền tự do ngôn luận, biểu đạt và tự do đi lại. Nhu cầu này vẫn tồn tại, chỉ là chúng không thể được thể hiện ra như trước kia.
Việc giới chức đàn áp các nhóm dân sự đã khiến người dân cảm thấy xã hội dân sự đang thoái trào và họ đang bị đàn áp. “Đây là lý do tại sao càng đàn áp, lại càng không thể khuất phục lòng người.” Ý chí đấu tranh vẫn âm thầm tiềm ẩn trong nhân dân.
Lệnh cấm chính thức giống như sự khuyến khích cho các cuộc biểu tình tương tự diễn ra. “Tôi chỉ hy vọng rằng giới chức thực sự hiểu được ý dân, và mà không vác đá tự đập vào chân mình”, ông Lưu Nhuệ Thiệu nói.
Dùng Taliban để “vây Ngụy cứu Triệu” liệu có phản tác dụng?
Sự giằng co giữa ĐCSTQ với Hoa Kỳ và các nước phương Tây cũng được phản ánh trong tình hình tại Afghanistan. Khi Taliban nhanh chóng cướp chính quyền, các quan chức và người dân Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ vô trách nhiệm và gây rối cho Afghanistan.
Đồng thời, Chính phủ ĐCSTQ cũng không né tránh mối quan hệ hữu nghị với Taliban. Khi gặp gỡ quan chức cấp cao của Taliban, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, tỏ ra rất vui mừng vì Taliban đã giành được quyền lực, thậm chí là trở thành một địch thủ của Hoa Kỳ. Từ đó có thể phân tán áp lực của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Ông Lưu Nhuệ Thiệu mô tả đây là kế “Vây Ngụy cứu Triệu phiên bản hiện đại.”
Tuy nhiên, ông Lưu Nhuệ Thiệu cũng chỉ ra rằng nếu Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ sẽ có thể tập trung hợp tác với các đồng minh phương Tây nhằm vào Trung Quốc. Điều này há chẳng càng bất lợi hơn cho ĐCSTQ hay sao?
Taliban đã đánh bom hủy hoại tượng Phật Bamyan và bảo vệ tổ chức khủng bố al-Qaeda. Liệu họ có thể là một đối tác đáng tin cậy? Đồng thời, mối quan hệ của Taliban với Nga không tốt. Trong khi đó ĐCSTQ lại phải thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga để chống lại sự bao vây của phương Tây. Vậy làm thế nào mới có thể cân bằng? Điều này sẽ đặt ra một thách thức không nhỏ đối với chiến lược của Trung Quốc.
Video Taliban đã đánh bom hủy hoại tượng Phật Bamyan:
Lý Gia Hoành, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Cuộc chiến không giới hạn Hồng Kông Afghanistan Taliban Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Taliban