Bài toán phong tỏa vì dịch bệnh của ông Tập Cận Bình trước Đại hội 20
- Trần Phá Không
- •
Càng gần Đại hội 20 thì bầu không khí xã hội Trung Quốc càng kỳ lạ: Gia tăng bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), đẩy mạnh thực thi ‘Zero COVID’ và phong tỏa các thành phố.
Ở Tân Cương, không chỉ người dân địa phương bị cấm ra khỏi địa bàn tỉnh này mà cả du khách nước ngoài cũng bị lưu giữ lại, thậm chí còn có chính sách hỗ trợ cho họ kiếm việc làm tạm thời tại địa phương như hái nho khô – gây cảm giác loại hình “lao động cưỡng bức” khác. Dường như điều đó cho thấy vấn đề “trại tập trung Tân Cương” [mà cộng đồng quốc tế cáo buộc] không chỉ được ĐCSTQ áp dụng với người Duy Ngô Nhĩ mà còn đối với người Hán, một khi đến Tân Cương thì “một đi không trở lại” giống như vào trại tập trung.
Ở Vân Nam, tại sân bay châu Thái Tây Song Bản Nạp, du khách bất ngờ bị phong tỏa khiến mọi người không thể rời khỏi sân bay cũng như không thể ra các tỉnh khác. Trước sự chất vấn giận dữ của du khách thì các vệ sĩ thậm chí còn giơ súng và chĩa vào. Có thể thấy lệnh tử thần đến từ cấp trên và chuyện cầm súng chống dịch bệnh không nhằm chống virus mà nhắm vào con người.
Hiện tượng kỳ lạ không chỉ giới hạn ở Tân Cương và Vân Nam, mà thực tế trên khắp đất nước Trung Quốc liên tục xảy ra những vụ phong tỏa thành phố đột ngột và cực đoan. Thậm chí có tin đồn chỉ đạo từ cấp cao nhất “không có dịch bệnh cũng cần tạo ra dịch bệnh”, và “đừng tính vấn đề kinh tế hay dân sinh mà hãy tập trung tính vấn đề chính trị”. Hàm ý ở đây là cần tập trung tất cả cho Đại hội 20, cho một người nào đó tại nhiệm duy trì chính thể chuyên chế để đưa mô hình cải cách và mở cửa quay lại theo mô hình Bắc Triều Tiên.
Dịch bệnh COVID-19 chỉ là cái cớ, mọi thứ đều có thể nhân danh dịch bệnh. Một số người có thể không hiểu hỏi “tại sao lại cực đoan như vậy”? Phải phân tích tâm lý của kẻ nắm quyền như thế nào? Có ít nhất 3 tính toán trong vấn đề tạo ra tình trạng leo thang của dịch bệnh và phong tỏa chặt thành phố:
Thứ nhất, phe ông Tập lo ngại sẽ xảy ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc nếu ông Tập tái nhiệm, do đó thúc đẩy phong tỏa trước. Bởi lẽ, việc Tập Cận Bình tái nhiệm là cưỡng bức kiểu đảo chính, không những hoàn toàn đi ngược lại ý nguyện của nhân dân và của ĐCSTQ mà còn vi phạm quy tắc của ĐCSTQ. Bởi theo quy tắc của ĐCSTQ thì động thái của ông Tập là bất hợp pháp, nên ông Tập tính toán cho khả năng vượt “chướng ngại vật”.
Thứ hai, nếu ông Tập Cận Bình giải nhiệm thì lại có vấn đề lo ngại khác là cảnh mọi người trên cả nước ăn mừng, như vậy sẽ khiến ông ta tủi hổ, nên càng cần phải phong tỏa thành phố trước. Rốt cuộc thì mọi người từ lâu đã khốn khổ vì ông Tập rồi!
Thứ ba là khổ nhục kế của phe Tập. Sau khi lấy lý do dịch bệnh để thúc đẩy phong tỏa cực đoan khắp nơi, chờ sau Đại hội 20 kết thúc và Tập Cận Bình tại nhiệm thành công sẽ [chọn thời cơ phù hợp] bất ngờ dỡ bỏ phong tỏa với lý do dịch bệnh đã thuyên giảm. Sau đó rầm rộ tuyên truyền “dưới lãnh đạo kiên quyết của Trung ương ĐCSTQ với Tập Cận Bình làm nòng cốt, công tác phòng chống dịch đã đạt được thắng lợi lớn, thể hiện lợi thế của thể chế tại Trung Quốc”. Sau đó tổ chức một hội nghị tuyên dương để những người dân Trung Quốc từng chịu cảnh khổ cực vì phong tỏa, bỗng chốc được tận hưởng không khí lễ hội thoải mái. Lúc đó, trong tình cảnh như con tin bị bắt cóc mới thoát khỏi cảnh địa ngục, họ sẽ thầm cảm ơn ĐCSTQ, cảm ơn Tổng Bí thư, sẽ cảm nhận công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ĐCSTQ ưu việt nhất thế giới. Không khí đó sẽ củng cố thành tựu của Đại hội 20 và tăng “tính hợp pháp” cho việc tái nhiệm, cho phép công chúng chấp nhận những hành động ngạo ngược “của ai đó”. Không ít người sẽ tự nhủ kiểu AQ: “Thôi thì kệ ông ta, chỉ cần mình có thể đi ra ngoài, chỉ cần được làm ăn duy trì cuộc sống!”…
Ngoài ra, việc viện cớ dịch bệnh và lần lượt phong tỏa các thành phố cũng là cách để ngăn chặn khả năng xảy ra đảo chính (nhắm vào các nguyên lão chính trị). Việc tăng cường phong tỏa với lý do dịch bệnh cũng có thể là cái cớ để nhốt những nguyên lão chính trị không thể ra khỏi nhà họ, hoặc bệnh viện hoặc viện dưỡng lão… với lý do bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của họ (biến tướng của hình thức giam lỏng). Người triển khai thi hành cụ thể là thân tín Vương Tiểu Hồng của ông Tập Cận Bình. Vương là Bộ trưởng Bộ công an kiêm Tổng cục trưởng Cục mật vụ ĐCSTQ. Bàn tay của ông Tập có thể ví như bàn tay của Stalin đối phó Lenin trong những năm cuối đời của ông ta; cũng có thể ví như bàn tay của Mao Trạch Đông đối phó Lưu Thiếu Kỳ: Phát động Cách mạng Văn hóa trên toàn quốc, lợi dụng hỗn loạn để tăng cường nắm quyền và lật đổ số lượng lớn kẻ thù chính trị trong đảng như Lưu Thiếu Kỳ.
Vì theo thông lệ trong ĐCSTQ, việc tổ chức lại quyền lực cấp cao sau mỗi 5 năm cùng vấn đề cho phép một người có được tại nhiệm phải được các nguyên lão chính trị thương lượng thông qua. Viện cớ dịch bệnh bùng phát để ngăn họ tham gia hội nghị cũng chính là tước đi tiếng nói của họ. Động thái này của phe Tập có thể xem là nham hiểm nhất, đen tối nhất và mạo hiểm nhất. Tập Cận Bình đang chơi một canh bạc lớn!
Nhưng phải lưu ý, với thủ đoạn cưỡng bức như vậy, ngay cả khi Tập Cận Bình tại nhiệm thành công thì quyền lực ông Tập có được cũng phủ bóng bất hợp pháp, như vậy nguy cơ đảo chính tại Trung Quốc không ngừng gia tăng theo thời gian là rất lớn.
Từ khóa Tập Cận Bình Trần Phá Không Dòng sự kiện Đại hội 20 của ĐCSTQ Zero COVID