Bé gái 8 tuổi ở Vân Nam mất tích, chính quyền TQ chặn thông tin tìm người
- Thái Tư Vân
- •
Những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên xảy ra trường hợp trẻ em mất tích gây nhiều lo ngại. Mới đây, vụ bé gái 8 tuổi mất tích ở Vân Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận. Điều kỳ lạ là những thông tin về người mất tích và các bài đăng liên quan này đã nhanh chóng bị xóa, thậm chí cả những tài khoản thảo luận về vụ việc cũng bị cấm. Cựu nhân vật truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện chỉ ra rằng có 8 triệu người mất tích ở Trung Quốc mỗi năm, nhưng phản ứng của ĐCSTQ là chặn thông tin, đàn áp người nhà và che đậy sự thật.
ĐCSTQ chặn thông tin Doãn Tiêu Nam mất tích
Hôm 19/1, bé gái 8 tuổi Doãn Tiêu Nam (Yin Xiaonan) ở Thanh Đào Lĩnh, thành phố Đằng Xung, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã biến mất một cách bí ẩn khi đang chơi cùng gia đình. Gia đình ngay lập tức đăng thông báo tìm người mất tích lên mạng xã hội và treo thưởng 1 triệu nhân dân tệ cho ai có manh mối thích đáng. Tuy nhiên, những thông tin về người mất tích này nhanh chóng biến mất, các bài đăng có liên quan trên nền tảng xã hội cũng bị xóa, thậm chí các tài khoản thảo luận về vụ việc cũng bị cấm.
Hôm 17/2, ông Triệu Lan Kiện đã đăng bài viết trên mạng xã hội X nói rằng là một phóng viên điều tra từ lâu đã chú ý đến vấn đề người mất tích ở Trung Quốc, ông ngay lập tức nhận ra đây không chỉ là một vụ mất tích thông thường, mà là một ví dụ khác về câu chuyện mờ ám về những người mất tích ở Trung Quốc.
中国失踪人口的黑幕:被掩盖的800万悲剧
文 | [赵兰健] 尹肖楠失踪案:又一个被消失的孩子… pic.twitter.com/REIinJC44O— 赵兰健[Lanjian Zhao] (@uyunistar) February 17, 2025
Triệu Lan Kiện nói rằng ông đã điều tra một số lượng lớn các trường hợp mất tích ở Vân Nam, Quý Châu, tỉnh Tứ Xuyên và những nơi khác, đồng thời tận mắt chứng kiến các gia đình chật vật tìm kiếm con cái của họ một cách đau khổ trong khi chính quyền đàn áp và phong tỏa thông tin. Lần này, vụ Doãn Tiêu Nam một lần nữa chứng minh việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngăn chặn hoàn toàn thông tin về những người mất tích.
Hôm 14/2, ông đã liên lạc với một người tự làm truyền thông đã bị cảnh sát giam giữ 2 lần, mỗi lần 20 ngày vì đưa tin về vụ án Hồ Hâm Vũ và vụ án cô gái Đường Sơn bị đánh. Người này nói với ông rằng gia đình Doãn Tiêu Nam đã bị chính quyền địa phương triệu tập để “nói chuyện”, và họ bị cấm nhận lời phỏng vấn của giới truyền thông hoặc tiết lộ thông tin mới về người mất tích. Đồng thời, nhiều tài khoản mạng xã hội đã bị cấm vì đăng thông tin liên quan.
Điều này khiến ông Triệu Lan Kiện nhớ lại kinh nghiệm điều tra ở Nộ Giang, Vân Nam vào năm 2022. Khi đó, ông đã giúp 3 gia đình nạn nhân công bố thông tin người mất tích. Một trong những người mẹ, A Na, người dân tộc Lật Tú (Lisu), đang tìm kiếm đứa con gái mất tích Ni La Ngôn (Ni Luoyan). Sau khi yêu cầu giúp đỡ của cô được lan truyền một thời gian ngắn, nó đã nhanh chóng bị xóa. Điều này cho thấy chính quyền ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa có hệ thống đối với các trường hợp người mất tích, để ngăn cản thế giới bên ngoài biết được sự thật.
8 triệu người mất tích ở Trung Quốc mỗi năm
Chính quyền ĐCSTQ luôn giữ kín như bưng về số liệu về những người mất tích. Dữ liệu được lưu hành trên Internet luôn dao động từ 1 triệu đến 2 triệu mỗi năm. Tuy nhiên, trong một báo cáo của hãng tin “Dịch vụ Tin tức Trung Quốc” (China News Service) năm 2017, cơ quan công an tỉnh Phúc Kiến đã vô tình làm rò rỉ một số liệu thống kê gây sốc – Trung Quốc có tới 8 triệu người mất tích mỗi năm.
Ông Triệu Lan Kiện chỉ ra rằng 8 triệu người biến mất mỗi năm, nghĩa là 22.000 người biến mất mỗi ngày và hơn 900 người biến mất mỗi giờ. Đây không chỉ là một con số, mà còn là sự tan vỡ của vô số gia đình. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ vẫn giữ im lặng về vấn đề này, thậm chí còn chủ động xóa thông tin về những người mất tích, ngăn chặn thảo luận và đe dọa người nhà. Cách làm này khiến người ta nghi ngờ chính quyền ĐCSTQ đang che đậy một số bí mật đen tối.
Ông Triệu Lan Kiện đề cập rằng ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông chính thức sẽ không bao giờ chủ động đưa tin sự thật về những người mất tích, trong khi một số phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ cũng đang che đậy những sự thật này.
Ông nói rằng khi vụ người phụ nữ bị xích cổ thu hút sự chú ý của toàn cầu, các phương tiện truyền thông như New York Times, Wall Street Journal, NPR, đã phỏng vấn ông, nhưng sau đó đã cùng nhau dập tắt các báo cáo. Hơn nữa, tờ New York Times đã cố tình đăng một bài báo nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng và hạ nhiệt vụ án phụ nữ bị xích cổ ở Trung Quốc với câu chuyện rằng “ở Mỹ cũng có những phụ nữ bị xích”.
Ông Triệu Lan Kiện nói rằng điều buồn cười hơn nữa là vài năm sau, chính phóng viên của New York Times liên lạc lại với ông và cố gắng dàn dựng một bài báo có tiêu đề “Ai đang ngăn cản việc đưa tin về vụ người phụ nữ bị xích” hy vọng rằng ông sẽ hợp tác diễn xuất và tẩy trắng cho New York Times. Ông đã từ chối không chút do dự và tiết lộ rằng chính tờ báo này đứng đằng sau việc bưng bít sự thật về vụ người phụ nữ bị xích cổ.
Ông tiết lộ rằng ngoài việc kiểm duyệt tin tức trong thế giới nói tiếng Anh, ĐCSTQ còn cài cắm một số lượng lớn nhân viên tuyên truyền vào các phương tiện truyền thông tiếng Trung ở Mỹ. Những người này đã thâm nhập vào các tổ chức thông tấn của Mỹ và chịu trách nhiệm kiểm soát các vấn đề tin tức liên quan đến Trung Quốc cũng như ngăn chặn các báo cáo gây bất lợi cho ĐCSTQ. Điều này giải thích tại sao việc Trung Quốc có 8 triệu người mất tích chưa bao giờ được truyền thông chính thống ở thế giới tiếng Trung và tiếng Anh đưa tin.
Buôn bán người và thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Ông Triệu Lan Kiện chỉ ra rằng vấn đề người mất tích ở Trung Quốc không chỉ đơn giản như việc bắt cóc trẻ em, mà còn liên quan đến chuỗi công nghiệp đen tối hơn. Nhiều người mất tích không chỉ bị buôn bán đến các vùng nông thôn xa xôi, mà còn dính líu đến mạng lưới buôn lậu người và thu hoạch nội tạng.
Ông nói rằng bác sĩ thực tập Hồ Nam, anh La Soái Vũ (Luo Shuaiyu), đã tiết lộ trước khi qua đời rằng Trung Quốc có một chuỗi cung cấp nội tạng hoàn chỉnh và nhiều nạn nhân là thanh thiếu niên mất tích. Điều này cũng giải thích vì sao ĐCSTQ lại bưng bít thông tin về những người mất tích, bởi nó không chỉ liên quan đến vấn đề an ninh mà còn liên quan đến mạng lưới tội phạm cấp quốc gia.
Ông thừa nhận rằng bất cứ ai điều tra vấn đề người mất tích ở Trung Quốc đều phải đối mặt với rủi ro rất lớn. Áp lực như thế cũng tồn tại ở ngoài Trung Quốc, đặc biệt là khi truyền thông phương Tây âm mưu cùng ĐCSTQ ngăn chặn tin tức, khiến việc truyền bá sự thật càng trở nên khó khăn hơn.
Ông nhắc nhở: “Các bậc cha mẹ Trung Quốc phải cảnh giác hơn để bảo vệ con mình, đừng để chúng trở thành Doãn Tiêu Nam tiếp theo.” Đồng thời, ông cũng kêu gọi những người nhìn thấy bài đăng của ông hãy lan truyền để nhiều người biết rằng có 8 triệu người mất tích ở Trung Quốc mỗi năm, còn ứng của chính quyền ĐCSTQ là chặn thông tin, đàn áp người nhà và che đậy sự thật.
Ông nói: “Trong thời kỳ đen tối, sự thật chính là sức mạnh.”
Bác sĩ thực tập Hồ Nam tố cáo vụ bê bối nội tạng đã bị diệt khẩu
Vào tháng 10 năm ngoái, cha mẹ của bác sĩ thực tập Hồ Nam là La Soái Vũ đã đăng một báo cáo tên thật lên mạng, nói rằng con trai họ đã qua đời do rơi từ tầng cao vào ngày 8/5 năm ngoái với nguyên nhân không rõ ràng, sau khi tố giác Bệnh viện số 2 Tương Nhã (Xiangya) ở Hồ Nam có liên quan đến việc thu thập và buôn bán nội tạng người bất hợp pháp.
Cha mẹ của gia đình La Soái Vũ cho biết, con trai họ là sinh viên tốt nghiệp khoa Cấy ghép thận của Bệnh viện Xiangya số 2. Sau khi khôi phục dữ liệu trên máy tính của anh, thì phát hiện một lượng lớn tài liệu tố cáo Lưu Tường Phong (Liu Xiangfeng) và các nhân viên liên quan của bệnh viện về hành vi tổ chức, thu thập và buôn bán nội tạng người bất hợp pháp, bao gồm một loạt bản ghi âm điện thoại và nhiều tài liệu văn bản.
Trong một đoạn ghi âm, người của Bệnh viện Xiangya số 2 đã giao cho La Soái Vũ một nhiệm vụ, yêu cầu anh tìm 12 người hiến tặng trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 9. Mục đích là để sử dụng trong các nghiên cứu về ghép thận từ những người hiến thận nhi khoa và làm dữ liệu thực nghiệm cho các luận án.
Một người trong cuộc tiết lộ, vì La Soái Vũ từ chối tìm 12 người cung cấp nội tạng là trẻ em, nên anh đã bị điều chuyển đến phòng cấp cứu. Một ngày trước khi xảy ra tai nạn, cấp trên lại buộc anh phải làm gì đó. Anh trở nên lo lắng và nói sẽ tố cáo, kết quả là ngày hôm sau đã xảy ra chuyện.
Từ khóa New York Times Trẻ em mất tích Xã hội Trung Quốc Mổ cướp nội tạng
