Biểu tình ở Hồng Kông ngày 18/8: Khoảng 1,7 triệu người tiếp tục phản đối dự luật dẫn độ
- Trí Đạt
- •
Tiếp nối phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài hơn 2 tháng qua, hôm qua (18/8), khoảng hơn 1,7 triệu người đã tham gia mít tinh tại Công viên Victoria. Chủ đề của cuộc mít tinh lần này là phản đối cảnh sát dùng bạo lực, nhắc lại 5 yêu cầu lớn.
Khoảng 1 giờ chiều (giờ Hồng Kông), sân bóng trong Công viên Victoria đã có rất nhiều người tập trung, đến hơn 2 giờ, 6 sân bóng trong công viên đã chật kín người.
Khoảng 2:30 chiều, cuộc mít tinh chính thức bắt đầu, người triệu tập Mặt trận Nhân dân về nhân quyền Sầm Tử Kiệt đứng ra đọc tuyên ngôn đại hội, phê bình cảnh sát đứng ở trên cao ném lựu đạn hơi cay, ở cự ly gần bắn người biểu tình, hành động đã vượt khỏi phạm vi nhân tính có thể chấp nhận được, đồng thời lên án hành vi bạo lực vi phạm pháp luật của cảnh sát, xã hội đen, cũng như việc cảnh sát và xã hội đen ngầm cấu kết nhau.
Sầm Tử Kiệt còn nói, lãnh đạo lực lượng cảnh sát và cục trưởng cần bị truy cứu trách nhiệm và từ chức: “Yêu cầu Cục trưởng Cục an ninh Lý Gia Siêu và Cục trưởng Cục cảnh vụ Lư Vĩ Thông cùng các lãnh đạo lực lượng cảnh sát khác chịu trách nhiệm và từ chức.”
Khoảng 3 giờ chiều, sau khi đọc tuyên ngôn xong, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền đã khởi động mít tinh theo kiểu nước chảy, nhiều nhân sĩ phe dân chủ như Lý Trác Nhân, Hà Tuấn Nhân dẫn đầu rời khỏi công viên Victoria, lúc này trời cũng bắt đầu mưa lớn, người dân vừa đi vừa hô các khẩu hiệu như “Hồng Kông cố lên”.
Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền một lần nữa tổ chức hoạt động phản đối dự luật dẫn độ, Chủ tịch đảng Dân chủ Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai) nhấn mạnh bởi vì chính phủ đến nay vẫn không hồi đáp về 5 yêu cầu lớn, vẫn không nhận sai: “Một mặt là biểu đạt bất mãn đối với việc chính phủ im lặng; một mặt là bởi vì đối mặt với sự đe dọa tấn công bằng vũ lực từ chính phủ đặc khu và chính phủ Trung ương Trung Quốc, đe doạ đến xã hội Hồng Kông, khiến chúng ta phải đối mặt với khủng bố trắng, chúng ta tuyệt đối không khuất phục, cũng không chấp nhận.”
Ông nhắc nhở chính phủ Bắc Kinh và Hồng Kông không nên cho rằng thông qua việc trấn áp là có thể giải quyết được sự tức giận của xã hội.
Ông Trần Kính Minh (Chan King-ming) – Thành viên của Tổ chức Đồng minh dân chủ mới, cho rằng, phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài 2 tháng qua đã trở thành phong trào toàn dân chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dù đến tháng 9 cũng khó mà lắng xuống: “Tháng 9 có thể là bắt đầu của bãi khoá, là bắt đầu của một làn sóng mới, thời khắc mang tính quyết định được rất nhiều bình luận nói là vào ngày 1/10, thời điểm quốc khánh liệu có 1 triệu người xuống đường kháng nghị đấu tranh hay không, điều này rất đáng chú ý.”
Cùng với đó, rất nhiều người dân hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền, kiên trì đợi đi vào bên trong công viên Victoria để tham gia cuộc mít tinh.
Khoảng 4 giờ chiều, đầu đoàn mít tinh đã đến Toà án Chung thẩm tại Trung Hoàn. Tuy nhiên, dòng người đợi vào công viên Victoria vẫn đứng chật bên ngoài đường. Dòng người rời khỏi công viên Victoria, đi theo tuyến phía Tây đường đường Gloucester, tạo thành một tuyến đường diễu hành, người diễu hành chật kín cả lối ra đường hầm Cross-Harbor.
Trải qua hơn 2 tháng trấn áp đẫm máu của cảnh sát bằng lựu đạn hơi cay, súng đạn cao su, đạn túi vải, còn có cả xã hội đen tấn công. Người Hồng Kông vẫn kiên trì mặc áo đen, tham gia cuộc mít tinh hoà bình, lý tính, phi bạo lực.
Tập trung trong hoà bình, lý tính và phi bạo lực; mưa lớn thể hiện quyết tâm của người dân
Trong suốt quá trình tham gia mít tinh, trời đổ mưa lớn, tuy nhiên người dân không hề rút lui, và vẫn cầm ô một cách kiên nhẫn để đợi vào công viên Victoria. Có người dân cho biết, người dân Hồng Kông đều không sợ trúng lựu đạn hơi cay, “mưa rơi ngược lại lại thể hiện quyết tâm của người Hồng Kông”.
Một người dân họ Lý và vợ mình dẫn theo 5 bạn nhỏ nữa đến tham gia, họ cầm các biểu ngữ “5 yêu cầu, không thể thiếu 1”, “Điều tra triệt để cảnh sát, truy cứu cảnh sát sử dụng bạo lực”, “Chúng tôi không phải là bia đỡ đạn”, v.v. Anh Lý cho biết, Trưởng đặc khu chần chừ không lắng nghe ý kiến của người dân, do đó muốn đem thế hệ sau đi theo, “để cảm thụ một chút xem Hồng Kông rốt cuộc xảy ra chuyện gì … Cảnh sát lạm quyền bắt bớ, dùng vũ lực quá mức. Chúng ta ở nhà, dù được coi là không đích thân đến hiện trường để cảm thụ, nhưng cũng đều cũng thấy rất phẫn nộ.”
Phóng viên hỏi một người 12 tuổi rằng có sợ khi tham gia diễu hành không, và nhận được câu trả lời: “Sợ chứ ạ, nhưng cũng cần phải bước ra tham dự vào, bởi là một phần tử của Hồng Kông. Do đó cháu không muốn sau khi các cháu lớn lên, chỉ vì một câu nói, mà liền lập tức bị bắt. Đồng thời cũng là bì bản thân mình và tương lai của thế hệ sau. Cháu không hiểu, những cảnh sát này lại muốn hợp tác với xã hội đen và đánh người biểu tình như vậy. Trước đó thầy giáo đã nói với cháu, cảnh sát là phụ trách giữ gìn trật tự, nhưng hiện nay cháu không thể nói họ liệu có đang giữ gìn trật tự hay không.”
Một nhóm người làm trong lĩnh vực y tế, đã che mắt phải lại để tham gia mít tinh. Một vị đại diện cho biết, giới y tế quan tâm đến từng công dân, mong muốn cùng với người dân cùng bước qua thời kỳ đen tối, đồng thời cũng muốn nói với cô gái bị thương ở mắt vì trúng đạn túi vải, “Chúng tôi có thể cảm nhận được sự sợ hãi và đau đớn của cô”. Đồng thời, cũng là để chỉ trích chính phủ và cảnh sát chấp pháp theo kiểu “một nhắm mắt mở”.
Cảnh sát Hồng Kông trở thành công cụ lạm quyền của chính phủ ĐCSTQ tại Hồng Kông
Ông Âu, người từng tham gia nhiều cuộc diễu hành phản đối dự luật dẫn độ, tận mắt chứng kiến dòng người ngày hôm qua tràn vào Vịnh Causeway, khiến ông cảm nhận được sự kiên trì của người Hồng Kông, “Làm đến ngày hôm nay đã là hai tháng rưỡi, vẫn có rất nhiều người đứng ra, đã là việc khó có thể tưởng tượng được.”
Ông bất mãn với việc chính phủ Hồng Kông đăng tuyên bố chỉ trích khẩu hiệu nhắm vào cảnh sát của cuộc mít tinh lần này trong khi cuộc diễu hành còn chưa bắt đầu, “Chính phủ này rốt cuộc là phục vụ vì người dân hay là phục vụ vì cảnh sát đây?” Ông nghi ngờ quyền lực của cảnh sát không được được ngăn chặn, “Có sự chống đỡ của quốc gia, của chính phủ, toàn bộ chế độ chính là khiến họ (cảnh sát) không cần phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm, khiến họ trở lên lạm quyền, trở thành công cụ quản trị của chính quyền”.
Đối với việc chính phủ Hồng Kông và ĐCSTQ bôi nhọ người dân phản đối dự luật dẫn độ, ông Âu cũng nói thẳng: “Cô gái bị đạn túi vải làm bị thương, cảnh sát lại có thể không thừa nhận, ĐCSTQ lại càng công nhiên giả tạo. “nói dối 1,4 tỉ người dân”. Tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ chỉ trích người biểu tình Hồng Kông xâm phạm tự do báo chí, càng khiến cho người ta cảm thấy đáng cười, “Ông nhìn thấy trong nước Trung Quốc Đại lục có bao nhiêu phóng viên bị chặn miệng, tất cả các báo chí đều không phải là tin tức, mà chỉ là công cụ tuyên truyền, vậy mà ông ta còn nói từ do báo chí …”
1,7 triệu người tham gia mít tinh tại công viên victoria, vắng bóng cảnh sát
Từ lúc trời còn sáng cho đến tối muộn, không ít người dân phải chờ đến tối mới tiến vào được bên trong công viên tham gia cuộc mít tinh lưu động này. Khoảng 8:30 tối vẫn còn rất nhiều người mới vừa xuất phát khỏi công viên Victoria. Có sinh viên đại học cho biết, đã đợi hơn 6 tiếng đồng hồ, mới xuất phát được. Mặc dù mệt, nhưng vì bảo vệ Hồng Kông, nhất định cần phải đứng ra. Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền tuyên bố giải tán cuộc mít tinh lúc 9 giờ tối.
Lúc 10 giờ tối, người triệu tập Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Sầm Tử Kiệt tuyên bố, cuộc mít tinh lưu động ngày 18/8 có số người tham dự vào thời điểm cao nhất lên đến 1,7 triệu người, xấp xỉ với số người tham gia diễu hành hôm 16/6 (có khoảng 2 triệu người tham gia). Còn có có rất nhiều người không thể vào được công viên vì quá đông.
Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền cho biết, cảnh sát dường như mất tích, cuộc mít tinh được tiến hành trong hoà bình, càng thể hiện được sự duy trì trật tự của bản thân người dân Hồng Kông, chứ không phải là cảnh sát lạm dụng bạo lực trong mấy ngày qua. Cảnh sát không có lý do để có thể phản đối các đơn xin diễu hành, đàn áp quyền lợi biểu đạt hoà bình của người Hồng Kông trong tương lai.
Ngày 31/8, là ngày kỷ niệm 5 năm ĐCSTQ phủ quyết bầu cử phổ thông ở Hồng Kông. Sầm Tử Kiệt cho biết, Mặt trận Nhân nhân về Nhân quyền đã nộp đơn xin diễu hành từ Công viên Chater Garden đến Văn phòng liên lạc Trung ương Bắc Kinh vào ngày 31/8, hy vọng cảnh sát Hồng Kông tôn trọng quyền tự do biểu tình và mít tinh của người Hồng Kông.
Giới chính trị xuống đường “Tình thế mặc dù hung hiểm, nhưng người Hồng Kông càng chiến đấu càng dũng cảm”
Cựu nghị viên Hội đồng lập pháp, Luật sư Ngô Ai Nghĩa cho biết, tận mắt chứng kiến chính phủ Hồng Kông phớt lờ ý nguyện của người dân, cảnh sát dùng bạo lực ngày càng tàn bạo: “Đã vi phạm tất cả các ràng buộc của pháp luật, dùng vũ lực độc ác để đối phó với người dân Hồng Kông, đây mới là đe doạ và tổn hại lớn nhất đến nền pháp trị.”
Bà hình dung tình hình hiện nay của Hồng Kông “vô cùng hung hiểm”, nhưng bà cũng cảm thấy rất có lòng tin “Trong 2 tháng đấu tranh, người Hồng Kông càng chiến đấu càng dũng cảm, dù là hoà bình lý tính phi bạo lực, dù là tiền tuyến hay ở đằng sau chi viện, bà vẫn có lòng tin đối với việc bảo vệ giá trị của Hồng Kông… Thế giới cũng ngày càng hiểu ra, người Hồng Kông vì sao cần phải phấn đấu cho tự do dân chủ của chính mình.”
Đối với việc giới thương nhân gần đây bị buộc phải liên tiếp biểu thị thái độ đứng về bên nào, bà Ngô Ai Nghĩa chỉ ra dự luật dẫn độ gây tổn thất rất lớn đối với giới thương nhân, “Ngăn chặn luật tà ác này, thì mới khiến Hồng Kông tiếp tục trở thành trung tâm tài chính và trung tâm thương mại thế giới”. Bà khuyên giới thương nhân nên đứng về phía người Hồng Kông nói với chính phủ Hồng Kông rằng, “Kẻ gây tổn hại đến kinh tế Hồng Kông là bản thân chính phủ, không phải là người biểu tình”.
Lý Trụ Minh chỉ trích quân đội và cảnh sát ĐCSTQ can dự là trái pháp luật
Nguyên lão phe dân chủ Lý Trụ Minh (Martin Lee) cũng tới tham gia cuộc mít tinh. Đối với những đe doạ của ĐCSTQ về phong trào phản đối dự luật dẫn độ, thậm chí còn nói điều binh đồn trú cũng không vi phạm ‘một quốc gia, hai chế độ’, ông Lý Trụ Minh chỉ ra, căn cứ vào điều 14 Luật cơ bản, cần do chính phủ đặc khu hành chính quyết định có mời Giải phóng quân giúp đỡ duy trì trị an hay không, và trong tình hình hiện nay, chính phủ đặc khu hoàn toàn có năng lực kiểm soát.
“Những người biểu tình không hề có súng, cũng không có vũ khí gì, giống như hôm qua, chỉ có ném chuối và trứng, đương nhiên có một số người dùng cả gạch, nhưng chúng tôi đã biết có cảnh sát trà trộn vào trong người biểu tình, do đó chúng tôi không biết liệu có phải người ném gạch là cảnh sát hay không.
Về thông tin nói ĐCSTQ sẽ sử dụng cảnh sát vũ trang đàn áp người biểu tình Hồng Kông, và việc công an Đại lục thâm nhập vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông, ông nói thẳng, điều này hoàn toàn vi phạm quy định ‘một quốc gia, hai chế độ’, “Luật cơ bản hoàn toàn không có đề cập đến việc có thể dùng cảnh sát vũ trang chấp pháp … không hề nói cảnh sát vũ trang có thể tham gia vào đội ngũ cảnh sát Hồng Kông, đây không phải là người Hồng Kông cai trị Hồng Kông sao. Duy trì trị an Hồng Kông là trách nhiệm của chính phủ đặc khu.”
Hiện quốc tế cũng đang theo dõi sát sao tình hình Hồng Kông, ông Lý Trụ Minh cho biết, nước Mỹ và chính phủ các nước năm xưa được mời ủng hộ ‘một quốc gia, hai chế độ’ trong “Tuyên bố chung Trung – Anh”, “Do đó họ có một loại trách nhiệm về đạo đức đối với người Hồng Kông. Khi chính quyền ĐCSTQ không tuân thủ tuyên bố chung mà mình đã ký, vậy thì chính phủ Mỹ có trách nhiệm nói rõ với họ.”
Tham gia cuộc minh tinh này còn có ca sĩ Hoàng Diệu Minh, anh bày tỏ lo lắng về việc cảnh sát Hồng Kông “chấp pháp có lựa chọn” đối với người biểu tình áo đen, người mặc áo trắng và người áo đỏ. Hiện tại, tình hình trấn áp bạo lực đối với phong trào này ngày càng leo thang, Hồng Kông đang trong tình thế vô cùng cấp bách. “Hôm nay, một cuộc mít tinh trong hoà bình, lý tính, phi bạo lực là rất quan trọng. Chúng ta tiếp tục tập hợp sức mạnh của người dân, nhất định phải nói với chính quyền về thái độ của chúng ta.” Hoàng Diệu Minh hy vọng người trong các ngành nghề khác nhau tiếp tục chú ý và bảo vệ Hồng Kông, “đừng để người Hồng Kông cô đơn”.
Trí Đạt (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ