Hồng Kông chi 19,1 tỉ HKD trợ cấp người dân trong bối cảnh biểu tình liên tiếp bùng nổ
- Trí Đạt
- •
Ảnh hưởng bởi phong trào phản đối dự luật dẫn độ, chính phủ Hồng Kông đang làm mất dần niềm tin của người dân, mới đây đột nhiên tuyên bố sẽ phân phát 19,1 tỉ Đô la Hồng Kông (khoảng 2,4 tỷ Đô la Mỹ) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tiền chưa tới tay, đã có một bộ phận người dân lập tức cho biết sẽ quyên tiền này cho “Quỹ nhân đạo 612” để giúp đỡ những người biểu tình phản đối luật dẫn độ.
Người đứng đầu Sở tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) hôm 15/8 đã tổ chức một cuộc họp báo, lấy lý do kinh tế đi xuống, để công bố biện pháp “giúp đỡ doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho người dân” với số tiền lên đến 19,1 tỉ Đô la Hồng Kông (HKD) và 15 hạng mục, trong đó có 7 biện pháp tháo gỡ khó khăn có tổng cộng số tiền công quỹ đến hơn 15,1 tỉ HKD, một số biện pháp liên quan đến sửa đổi luật và nguồn vốn quá lớn, cần Hội đồng lập pháp họp lại vào tháng 10 tới và xử lý.
Chính phủ Hồng Kông đưa ra biện pháp ưu đãi kinh tế lớn nhất đối với cá nhân bao gồm: trợ cấp một lần chi phí tiền điện 2.000 Đô la Hồng Kông (HKD) cho mỗi chủ hộ, tổng số tiền khoảng 5,6 tỉ HKD, và hơn 2,7 triệu gia đình được hưởng ưu đãi; trợ cấp cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học, mỗi người được nhận trợ cấp 2.500 HKD, tổng cộng cần 2,3 tỉ HKD; trả một tháng tiền thuê nhà cho những hộ có thu nhập thấp; mức giảm thuế lương bổng, thuế lợi nhuận thường niên năm 2018 và 2019, trong dự thảo dự toán năm nay kiến nghị tăng từ 75% lên 100%.
Ông Trần Mậu Ba cho biết, biện pháp tháo gỡ khó khăn là do áp lực kinh tế đi xuống, chính phủ Hồng Kông cần giảm áp lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân, đồng thời nhấn mạnh không phải là do áp lực chính trị từ sóng gió phản đối dự luật dẫn độ.
Do lực lượng chính trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ là sinh viên, cho nên khi được hỏi rằng, trong các biện pháp ưu đãi vì sao lại thiếu đối tượng sinh viên, ông Trần Mậu Ba nói cách làm của chính phủ “tương đối có tính mục tiêu”, xin đừng hiểu nhầm.
Theo tờ Apple Daily tại Hồng Kông đưa tin, người đứng đầu Mặt Nhân dân về Nhân quyền Sầm Tử Kiệt nói động cơ phát tiền này của chính phủ Hồng Kông đã rõ ràng, nhưng “một chút ân huệ nhỏ không phải tất cả đều có được, mọi người cũng sẽ không nghe theo”, ông nhấn mạnh, sự tín nhiệm của người dân với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga xuống thấp là vì bà ấy quá xa rời quần chúng, từ chối tiếp thu ý kiến người dân; ông kêu gọi người dân Hồng Kông dù có nhận được ưu đãi hay không, mọi người cũng nên tham dự cuộc diễu hành 18/8, yêu cầu chính phủ nhìn thẳng vào 5 yêu cầu lớn của người dân.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cho biết, do phong trào phản đối dự luật dẫn độ liên tiếp bùng nổ khiến niềm tin của người dân vào chính phủ đặc khu đã giảm mạnh, chính phủ Hồng Kông công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền lên tới 19,1 tỉ HKD, mục đích hiển nhiên là muốn dùng tiền để giảm bớt sự tức giận của xã hội. Nhưng tiền của chính phủ chưa đến tay người dân, một bộ phận người dân đã nói rằng sẽ đem khoản tiền họ nhận được quyên góp cho “Quỹ nhân đạo 612”, giúp đỡ những người biểu tình bị thương, bị cảnh sát bắt giữ, và truy tố.
Bản tin cho biết, từ khi phương án trợ cấp tiền được công bố, không ít cư dân mạng nói thẳng, “Các vị trợ cấp bao nhiêu, tôi mang đi quyên góp bấy nhiêu”, có người còn còn đăng cả phiếu chuyển khoản vào tài khoản của “Quỹ nhân đạo 612”.
Nhà báo Phan Tiểu Đào chia sẻ nội dung bài viết của một người mẹ chuyển tiền cho “Quỹ nhân đạo 612”: “Bạn nhỏ đang học mẫu giáo của tôi ‘may mắn’ được trợ cấp, tôi và chồng quyết định đem toàn bộ số tiền đó quyên góp cho Quỹ nhân đạo 612. Thực sự căm phẫn, ngay cả không nhận được tiền thì cũng không muốn có bất cứ quan hệ nào với viên kẹo dính máu người này! Chúng tôi không phải là gia đình giàu có gì, nhưng lương tri là vô giá! Dùng tiền thuế mà chúng tôi nộp để đi mua chuộc lại chúng tôi sao? Đừng có làm nhục người Hồng Kông có được không?”
Theo bà Hà Tú Lan – một trong những người được ủy thác của “Quỹ nhân đạo 612” cho biết, số tiền gây quỹ mới nhất của quỹ này đã hơn 50 triệu HKD. Tuy nhiên, không có tài liệu cho thấy, số tiền này là khoản quyên góp kể từ sau khi chính phủ Hồng Kông công bố khoản tiền trợ cấp cho người dân đến nay.
Bà Hà Tú Lan nói, kể từ sau khi xảy ra xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát tại Sheung Wan hôm 21/7, chính phủ Hồng Kông đã cáo buộc hơn 40 người biểu tình “tội bạo động”, sau đó các trường hợp cần hỗ trợ đã tăng mạnh. Bà cho biết, có người biểu tình bị thương lo lắng rằng thân phận bị tiết lộ nên không dám nhờ trợ giúp từ quỹ hoặc trợ giúp y tế, do đó bà tiếp tục kêu gọi tất cả những người biểu tình cần giúp đỡ hãy liên lạc với quỹ, quỹ nhất định sẽ bảo mật tất cả các thông tin liên quan.
“Quỹ nhân đạo 612” được chính thức thành lập ngày 6/7, mục đích là để viện trợ những người bị thương, bị bắt, rất có khả năng bị bắt và những người liên quan trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ. Người uỷ thác của quỹ này là Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, Tiến sĩ Ngô Ai Nghĩa (Margaret Ng Ngoi-yee), Phó Giáo sư Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông Hứa Bảo Cường, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông Hà Tú Lan (Cyd Ho Sau-lan), Ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho Wan-see).
Tên quỹ có chữ 612 là để kỷ niệm cuộc biểu tình ngày 12/6, cảnh sát dùng bạo lực để đàn áp người biểu tình, và kể từ sau sự kiện này, hầu như tất cả các cuộc biểu tình đều bị cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay, súng đạn cao su, đạn túi vải để trấn áp. Do đó, 6.12 có ý nghĩa tượng trưng rất lớn, đối tượng chi viện của quỹ này không chỉ giới hạn đối trong những người bị thương, bị bắt trong ngày 12/6.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ Hồng Kông