Căn cứ trú ẩn chống vũ khí hạt nhân của lãnh đạo cao cấp Trung Quốc nằm ở đâu?
- Mộc Mai
- •
Gần đây, một nghiên cứu địa chất đã phân tích về nơi trú ẩn nhằm đảm bảo an toàn cho giới lãnh đạo Trung Quốc đối phó với chiến tranh hạt nhân khi xảy ra. Khảo sát địa chất này chỉ ra, khu công sự chống bom hạt nhân của Trung Quốc này được xây dựng trong khu quần thể hang đá vôi nằm sâu hơn hai cây số dưới lòng đất, ở dưới tầng nham thạch đặc biệt dày và cứng.
Theo Botanwang dịch lại thông tin ngày 7/1 từ SCMP (South China Morning Post) của Hồng Kông, nghiên cứu do chính phủ tài trợ này đã chỉ ra khu hầm trú ẩn hạt nhân này nằm cách Trung Nam Hải ở Bắc Kinh khoảng 20 km về phía tây bắc, nằm bên dưới Công viên Rừng Quốc gia Tây Sơn, trong một quần thể hang động, giống như một thành phố nhỏ.
Các nhà địa chất học nghiên cứu khu vực đã phát hiện những hang động đá vôi này nằm sâu hơn 2 km dưới lòng đất. Độ sâu của quần thể này được cho là tương đương với Krubera, hang động sâu nhất ở Gruzia có độ sâu khoảng 2.200 mét.
Những hang đá vôi được hình thành nhờ hàng triệu năm khu địa tầng đá vôi bị xói mòn. Các nhà nghiên cứu cho biết những hang động đá vôi ở Tây Sơn nằm dưới lớp đá đặc biệt cứng. Tầng đá này gồm cả đá granit, một trong những vật liệu cứng nhất trong tự nhiên, với độ dày trung bình là 1.000 mét.
Nhưng hiện tại vẫn chưa biết rõ khu tránh hạt nhân này nằm sâu như thế nào. Các chuyên gia hạt nhân cho biết, một lô cốt cần phải có lớp nham thạch dày hơn 100 mét để làm đệm thì nó có thể chịu được tấn công hạt nhân.
Tờ SCMP cho rằng công trình lô cốt này là một phần của Trung tâm chỉ huy hợp tác chiến đấu Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Vì lối vào chính của hầm nằm ở Công viên Rừng Quốc gia Tây Sơn, nếu có đe dọa nghiêm trọng về khả năng tấn công hạt nhân, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nhà cầm quyền Trung Quốc từ trụ sở chính của họ ở Trung Nam Hải sẽ không phải đi quá xa để có thể vào được khu hầm trú ẩn.
Ông Tần Đại Quân nhà nghiên cứu hàng đầu về vùng nước ngầm Sơn Tây hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Địa chất Trung Quốc cho biết, mục đích của dự án nghiên cứu là để điều tra xem liệu trung tâm chỉ huy quân đội có bị khủng hoảng về nước trong “kịch bản ngày tàn của thế giới” hay không. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ khủng hoảng nước thấp hơn so với dự đoán trước đây.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng đưa tin, các cơ sở này được cho là đã bắt đầu thi công từ nhiều thập kỷ trước, gần đây đã có nâng cấp quan trọng. Kể từ những năm 1950 người ta đã cho rằng chính quyền Trung Quốc đã cho xây dựng một số cơ sở ngầm kiểu này tại vài nơi, nhưng vị trí chính xác là bí mật.
Theo Wikipedia, Trung tâm chỉ huy hợp tác chiến đấu Quân ủy Trung ương Trung Quốc được thành lập đầu thế kỷ 21, là cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc, ban đầu thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân ủy Trung ương, sau cải cách quân đội thuộc về Ban Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương. Trung tâm chỉ huy được chia thành hai cấp độ, cấp Quân ủy và cấp Chiến khu. Cơ quan thường trực phụ trách chỉ huy kết hợp ba quân (không quân, lục quân, hải quân), các chiến khu có trung tâm chỉ huy hợp tác chiến đấu riêng, phụ trách chỉ huy phối hợp tác chiến ba quân trong nội bộ chiến khu.
Trung tâm chỉ huy hợp tác chiến đấu Quân ủy Trung ương Trung Quốc là cơ quan đầu não phối hợp tác chiến, kể từ khi hình đã được bảo mật tuyệt đối, mọi hoạt động diễn ra âm thầm.
Kể từ năm 2013, sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đã nhiều lần viếng thăm trung tâm chỉ huy này để thẩm định phương án quân sự.
Tháng 9/2014, nguyện san quân sự Kanwa của Canada có chỉ ra, căn cứ của Trung tâm chỉ huy hợp tác chiến đấu Quân ủy Trung ương Trung Quốc nằm tại Tây Sơn, nằm sâu dưới đất hàng trăm mét tại Kim Sơn (còn gọi là Đại Chiêu Sơn) phía tây nam thôn Đổng Tứ Mạc gần quận Hải Định – Bắc Kinh, có thể chống được tấn công hạt nhân.
Năm 2016, nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết nhiệm vụ của kế hoạch cải tạo quan trọng Ban Chỉ huy liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã hoàn thành.
Ngày 20/4/2016, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Tập Cận Bình lần đầu mang đồng phục chiến đấu kiểu Military (đường vân rằn ri) đến Cơ quan chỉ huy liên hợp Quân ủy Trung ương theo dõi tình hình. Đây được xem là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc tiết lộ khung cảnh bên trong căn cứ này.
Vào ngày 3/11/2017, ông Tập Cận Bình thêm một lần đến quan sát cơ quan chỉ huy liên hợp quân ủy này với vai trò là tổng chỉ huy.
Mộc Mai
Xem thêm:
Từ khóa bom hạt nhân Trung Nam Hải hầm trú ẩn hạt nhân lãnh đạo Trung Quốc