Trung Quốc xây hầm trú ẩn phòng trường hợp xung đột biên giới Trung-Ấn tái phát
- Minh Ngọc
- •
Cuối tháng Tám vừa qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã đi đến một thỏa thuận chung, kết thúc 73 ngày đối đầu xung đột biên giới Trung-Ấn. Phía Trung Quốc đã đồng ý rút quân khỏi khu vực tranh chấp và Ấn Độ cũng yêu cầu phía Trung Quốc không đào thêm đường hầm nữa. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, quân đội hai bên Trung-Ấn đều không rút quân, thậm chí đóng quân cách nhau chỉ khoảng 150m, mà phía Trung Quốc lại đang tăng cường đào thêm đường hầm trú ẩn. Ngoại giới lo ngại rằng xung đột giữa hai bên có khả năng tái phát.
Trang Wechat của website Globaltimes (Trung Quốc) hôm 14/9 đã dẫn lại bản tin đăng tải trên India Today, lãnh đạo cấp cao hai nước Trung Quốc và Ấn Độ hôm 8/9 đã tiến hành cuộc hội nghị định kỳ tại đèo Nathu La Pass ở khu vực biên giới hai nước. Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ với giới truyền thông rằng, vào ngày diễn ra hội nghị, quân đội Trung Quốc vẫn đi tuần ở khu vực đường hầm, do đó mà Ấn Độ và Trung Quốc đã phải đàm đạo lại về vấn đề này.
Trước đó, sau hơn 2 tháng tranh chấp, hai nước Trung – Ấn đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi cao nguyên Doklam vào ngày 28/8. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho biết, nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi các đường hầm trú ẩn, thì thỏa thuận này vẫn chưa thể hoàn thành.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Tiền Phong tại Khoa Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Thanh Hoa Quốc gia cho rằng, khu vực mà phía quân đội Trung Quốc xây dựng đường hầm trú ẩn hoặc đóng quân, là “hợp lý và hợp pháp.” Ông nói rằng những đường hầm này vốn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, điều này hết sức hợp lý, cũng hoàn toàn phù hợp với hiệp nghị ngày 28/8 của hai bên. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng cũng tuyên bố: “Khu vực này luôn nằm dưới thẩm quyền pháp lý hiển nhiên của Trung Quốc.”
Cuộc đối đầu Trung – Ấn bắt nguồn từ việc quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam, huyện Á Đông, thuộc khu tự trị Tây Tạng hồi tháng Sáu vừa qua. Đây là khu vực tam giác tranh chấp biên giới đến nay vẫn chưa phân định chủ quyền giữa 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Sau đó, Bhutan nhờ Ấn Độ giúp đỡ, Ấn Độ điều động quân đội đến khu vực biên giới. Trung Quốc thấy tình hình như vậy bèn chỉ trích Ấn Độ đến biên giới khiêu khích, xung đột tại khu vực biên giới Trung-Ấn không ngừng leo thang.
Đối với khu vực giáp ranh 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan, kênh truyền thông Initium Media (Hồng Kông) có bài bình luận và phân tích, 3 nước đều có những kiến giải khác nhau về vấn đề tranh chấp biên giới. Phía Trung Quốc cho rằng khu vực tiếp giáp 3 nước là núi Gipmochi, Ấn Độ và Bhutan lại cho rằng Batang La cách Gipmochi khoảng 6km mới là khu vực tiếp giáp 3 nước. Do đó mới xảy ra tranh chấp.
Hai nước Trung – Ấn có chung tới 3.488km đường biên và được chia thành 3 khu vực: tây, trung và đông của dãy Himalaya. Trong đó, nhiều khu vực vẫn chưa được phân định rõ ràng do chưa nhận được sự đồng thuận của cả hai.
Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời một chuyên gia tại Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc và Ấn Độ có thể giải quyết vĩnh viễn tranh chấp này không phụ thuộc vào việc họ có thực sự muốn hay không.
Mới đây, kênh truyền thông Ấn Độ trích dẫn phát biểu của một quan chức chính phủ nước này, trong đó khẳng định cuộc xung đột đối đầu Trung-Ấn phát sinh, chính là bởi “phía Trung Quốc có ý đồ thay đổi hiện trạng biên giới lãnh thổ Trung-Ấn”.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Ấn Độ căng thẳng biên giới Xung đột biên giới Trung-Ấn