CCTV nói “bầu cử Mỹ là trò chơi đốt tiền” bị cư dân mạng chỉ trích
- Bình Minh
- •
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 được tổ chức vào ngày 5/11, các chủ đề liên quan đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Đại Lục. Cùng ngày, cơ quan truyền thông nhà nước CCTV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát hành một video ngắn trên mạng xã hội Weibo, tuyên bố cuộc bầu cử Mỹ là một “trò chơi đốt tiền” và bị cư dân mạng chế giễu.
Ngày 5/11, truyền thông nhà nước CCTV đã phát hành một đoạn video ngắn dài hơn 5 phút trên tài khoản công khai “CCTV Video”, cố tình nhắc nhở cư dân mạng Trung Quốc rằng cuộc bầu cử Mỹ là một “trò chơi đốt tiền”.
Video châm chọc: “Rốt cuộc để tranh cử tổng thống Hoa Kỳ phải tốn bao nhiêu tiền? Tiền được chi ở đâu trong chiến dịch tranh cử?”
“Một video sẽ giúp bạn hiểu vì sao cuộc bầu cử Hoa Kỳ là một trò chơi đốt tiền.”
Sau khi được tung ra, video đã nhanh chóng thu hút hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc vào xem. Tuy nhiên bất ngờ là video lại phản tác dụng, khu vực bình luận dưới video đầy những lời châm chọc.
Cư dân mạng Đại Lục để lại tin nhắn hỏi:
“Còn quản cả tiền của người khác tiêu vào đâu, tại sao không nói thử xem tiền của mình tiêu vào đâu? Tại sao nền kinh tế bây giờ lại khó khăn đến vậy?”
“Tiêu tiền của nhà ông à?”
“Có phải là tiền công không?”
“Người ta muốn tiêu bao nhiêu liên quan gì đến ông?”
Có người ghen tị nói: “Nhìn xem, người ta được chọn tổng thống mà mình thích.”
Một số cư dân mạng phàn nàn:
“Buồn cười chết mất, cười nhạo người ta, còn tiền nhà mình đi đâu thì không biết.”
“Tự mình gây quỹ tranh cử ở Hoa Kỳ chắc chắn tốt hơn là tiêu tiền của người nộp thuế và tiền tham nhũng.”
“Còn hơn là một chương trình nào đó tuyên bố sẽ đến Châu Phi để quay phim, nhưng hóa ra lại là một chuyến lưu diễn do nhà nước tài trợ.”
“Còn làm hẳn video ngắn, thật nhàn rỗi.”
Cư dân mạng X chế nhạo:
“Duy trì sự ổn định ở Trung Quốc là một công tác đốt tiền.”
“ĐCSTQ được nhất trí bầu chọn nên không cần phải tiêu tiền”.
“Thành thật mà nói, miễn là các kênh truyền thông nhà nước không tác quái, thì không ai thèm chú ý đến họ.”
“Việc cho phép người dân Trung Quốc bình thường trải nghiệm bỏ phiếu là điều mà ĐCSTQ sẽ không bao giờ dung thứ.”
Hiện tại, trên trang chủ Weibo của “CCTV Video” không thể tìm thấy video ngắn này. Hầu hết các bình luận của cư dân mạng cũng bị xóa.
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố hôm 6/11. Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã tái đắc cử và sẽ vào Nhà Trắng lần thứ hai.
Trên các nền tảng xã hội Đại Lục, những cụm từ như “Trump chính thức tuyên bố chiến thắng” đang là xu hướng, nhưng quyền phát biểu của cư dân mạng vẫn bị hạn chế như mọi khi.
Về vấn đề này, cựu kiểm duyệt Sina, Weibo Lực Bằng nói với Đài Á Châu Tự do, việc đảm bảo rằng dư luận trực tuyến phù hợp với định hướng của chính phủ là biện pháp kiểm duyệt nhất quán của chính quyền Trung Quốc.
Ông nói: “Vào mấy ngày bầu cử, gần như tất cả các chủ đề thịnh hành trên Weibo quá nửa đều liên quan đến bầu cử Mỹ…
Về việc kiểm soát ngôn luận trực tuyến, thì không được nói rằng hệ thống bầu cử của Mỹ tốt, cũng không được so sánh nó với toàn bộ quá trình dân chủ của Trung Quốc một cách ác ý.”
Ông Quý Phong sống ở Bắc Kinh và là người lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nói với Đài Á Châu Tự do rằng cả ngày ông đều chú ý đến tin tức bầu cử Mỹ, nhưng chỉ có thể dựa vào thông tin của truyền thông nước ngoài, vì nhiều cuộc thảo luận trong nước sẽ bị chặn.
“(Trên Internet Trung Quốc) có những người mong Trump đắc cử, nhưng nếu họ nói quá nhiều, họ sẽ bị chặn và về cơ bản là không đăng bài được…
Tôi vào WeChat mỗi ngày, ngay cả một số bài nhạy cảm tôi đăng cũng không thể gửi đi. Một số bài ít nhạy cảm hơn, mà tôi nói hơi thẳng vào vấn đề khi đăng lên, hễ người khác chia sẻ lại là bị chặn. Chỉ cần lượt đọc nhiều, được chú ý nhiều và chứa từ ngữ nhạy cảm thì về cơ bản đều sẽ bị chặn.”
Mạng xã hội Trung Quốc rất chú ý đến cuộc bầu cử Mỹ. Tính đến thứ Sáu (8/11), tìm kiếm nóng về “bầu cử Mỹ” đã vượt 15 tỷ lượt xem và 3,89 triệu lượt thảo luận.
Các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ cố tình đưa tin tiêu cực về cuộc bầu cử ở Mỹ, nhằm khiến dư luận tấn công hệ thống dân chủ Mỹ, nhưng phản tác dụng.
Gần đây, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã mất nhiều công sức để đưa tin về “sự hỗn loạn” của cuộc bầu cử Hoa Kỳ từ mọi góc độ, đồng thời phóng đại các bản tin của truyền thông Hoa Kỳ, nhằm miêu tả những ấn tượng như Hoa Kỳ “bị chia rẽ về chính trị”, “bầu cử dân chủ đi kèm với bạo lực”, “xung đột chủng tộc” và “phong cách dân chủ Mỹ đã thất bại”.
“Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times), CCTV và các kênh truyền thông nhà nước khác đã đăng lại với nhiều tiêu đề phóng đại khác nhau, như “hàng rào được dựng lên, cửa sổ bị bịt kín, tay súng bắn tỉa túc trực, bầu không khí bầu cử Mỹ căng thẳng.”
Ông Nghiêm Gia Kỳ (Yan Jiaqi), giám đốc Viện Khoa học Chính trị thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người đã sống lưu vong sau sự kiện thảm sát học sinh, sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nói rằng dù bà Harris hay ông Trump được bầu, thì họ đều được lựa chọn thông qua một quá trình dân chủ.
Quá trình này tuy còn chưa hoàn thiện nhưng có thể được cải thiện thông qua các thủ tục pháp lý. Ông thẳng thừng nói rằng đằng sau việc các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ dẫn dắt dư luận tấn công hệ thống dân chủ Mỹ, là vì họ không dám đối mặt với sự thật rằng họ hoàn toàn không có một hệ thống dân chủ.
Từ khóa CCTV Tuyên truyền của ĐCSTQ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 Bầu cử Mỹ 2024