Che đậy, mua chuộc và ép buộc: Âm mưu thiết lập trật tự truyền thông toàn cầu mới của TQ
- Eva Fu
- •
Chế độ Trung Quốc đang triển khai các biện pháp “che đậy, hối lộ và ép buộc” để vũ khí hóa truyền thông tiếng Trung và truyền thông phương Tây trong một chiến dịch nhằm áp đặt tầm nhìn của họ với phần còn lại của thế giới, một báo cáo của viện nghiên cứu quân đội Pháp gần đây cho biết.
Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xuất khẩu những câu chuyện của họ đã kéo dài nhiều thập kỷ. Tờ báo tiếng Anh đầu tiên do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát, Trung Hoa Nhật báo, đã xuất hiện từ năm 1981.
Năm 2008 đã đánh dấu một bước ngoặt. Thế vận hội Bắc Kinh, một sự kiện được chế độ đặt hy vọng làm đòn bẩy để khoe khoang về thành tựu kinh tế, đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình ở gần một chục thành phố khắp thế giới và làm gián đoạn cuộc rước đuốc.
Tình trạng bẽ bàng mà Bắc Kinh phải chịu đựng khi đó là kết quả của nhiều bài báo đưa tin tiêu cực và khiến nhà chức trách nhức nhối. Để kiểm soát tốt hơn hình ảnh toàn cầu của chế độ, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhanh chóng đưa ra “Kế hoạch 10 năm”, theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu chiến lược quân sự (IRSEM), một cơ sở nghiên cứu được Bộ Quốc phòng tài trợ.
Công trình nghiên cứu dày 650 trang dựa trên các nguồn thông tin công khai, các báo cáo nghiên cứu và các cuộc phỏng vấn độc lập, đã nghiên cứu cách Bắc Kinh đã lợi dụng sự cởi mở của phương Tây để khuếch đại những câu chuyện tuyên truyền của họ, tạo thành một bộ phận trong chiến dịch bành trướng gây ảnh hưởng trên toàn cầu của chế độ.
Những giá trị về lòng khoan dung đặc trưng của nền dân chủ phương Tây đã mang đến cho Bắc Kinh “sự tự do hành động đáng kể,” cho phép họ mở nhiều văn phòng nước ngoài, tuyển các nhà báo nước ngoài để làm cho thông điệp của họ thích ứng với các nhóm khán thính giả khác nhau, thu thập tin tức báo chí địa phương bằng quà tặng và những lợi ích vật chất khác, trong khi tung hàng tỷ đôla quảng cáo trên các phương tiện truyền thông phương Tây để mở rộng hơn số người tiếp cận nội dung của họ, báo cáo cho biết.
Tại Trung Quốc, báo chí của chế độ Bắc Kinh đã trở thành một công cụ phục vụ đảng. Tầm nhìn như vậy được giải thích rõ ràng trong một bài diễn văn năm 2006 của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, khi ông nói chuyện với khoảng 180 đại diện các cơ quan truyền thông nhà nước nhằm đảm bảo báo chí “nói lên ý chí của Đảng… và bảo vệ uy quyền của Đảng,” theo một bài của Tân Hoa xã.
Đối với một số phóng viên của Tân Hoa xã, việc ông Tập nắm quyền lực đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi truyền thông Trung Quốc “không còn phải xấu hổ khi là truyền thông cộng sản,” một phóng viên của Tân Hoa xã nói với một trong những tác giả của báo cáo năm 2018.
Mua ảnh hưởng
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tích cực trên tất cả các mạng xã hội và có ảnh hưởng to lớn tại Twitter, Facebook, YouTube, hay Instagram, dù tất cả các công cụ này đều bị chặn ở Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thành lập các trang tin tiếng Anh và ngôn ngữ khác trên Facebook năm 2013. Sau tám năm, họ đã đứng đầu truyền thông thế giới về lượt theo dõi với bốn trang chính. CGTN, Trung Quốc Nhật báo, Tân Hoa xã, và Nhân dân Nhật báo có từ 86 triệu đến 116 triệu lượt theo dõi vào lúc báo cáo của Pháp xuất bản, nhiều hơn của CNN từ 2,5 đến 3 lần.
“Tỷ số ngoạn mục” này là hệ quả của một nỗ lực có tính toán để thổi phồng số lượng đăng ký một cách giả tạo, các tác giả cho biết, chỉ ra sự vô lý giữa “tỷ lệ gia tăng đặc biệt và “tỷ lệ tương tác thấp khác thường” mà những tài khoản này nhận được.
Theo báo cáo, khoảng tám phương tiện truyền thông lớn bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc có tỷ lệ tăng trưởng trung bình 37,8% trong giai đoạn từ 1/1/2019 đến 31/3/2020, cao hơn truyền thông dòng chính của Mỹ khoảng 5.000 lần, nhưng mức tương tác của họ thấp hơn 68 lần.
Các tài liệu từ 2018 và 2019 tiết lộ rằng các cơ sở truyền thông do nhà nước điều hành đã tiêu hàng trăm nghìn đôla để thu hút người theo dõi trên Twitter và Facebook nhằm tạo ấn tượng họ là các hãng tin quyền lực.
“Khi… bạn thấy họ có hàng triệu người theo dõi, bạn cảm thấy như là điều này khá đáng tin,” Sarah Cook, một nhà phân tích Trung Quốc của Tổ chức theo dõi nhân quyền Freedom House, nói với Epoch Times lúc ấy. Bà mô tả đó là một “mặt trận mới”, đó là “một cách tiếp cận cơ sở xã hội và công chúng tại các nước khác.”
Trên Twitter, tỷ lệ tài khoản giả mạo của bốn hãng truyền thông nêu trên là từ 34,3% đến 38,4%. Với các phiên bản tiếng Pháp, con số lên tới 62,8%, các nhà nghiên cứu cho biết.
Cùng thời điểm đó, tờ Trung Hoa Nhật báo do ĐCSTQ kiểm soát đã vung hàng triệu đôla để đăng tải nội dung của họ thông qua một vài xuất bản phẩm có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Từ tháng 12/2916 đến tháng 4/2020, tờ Trung Hoa nhật báo đã chi gần 19 triệu đôla cho các tờ báo của Mỹ để chèn vào bản phụ trương miễn phí của họ có tên Theo dõi Trung Quốc (China Watch).
Các tác giả cho biết sự cộng tác có lợi ở ba khía cạnh. Nó không chỉ giúp truyền thông Trung Quốc vươn tới khán giả mục tiêu của họ, nó còn khiến họ tỏ ra đáng tin hơn, và đem lại cho họ đòn bẩy tài chính đối với các hãng truyền thông đối tác.
Tờ Telegraph của Anh, cho tới tháng 4 năm ngoái đã nhận xấp xỉ 750.000 bảng Anh (xấp xỉ 1 triệu đôla) mỗi năm để đăng tải Theo dõi Trung Quốc, đồng thời đăng ít nhất 20 bài báo của đại sứ Trung Quốc tại Anh từ 2016 đến 2018 – gấp hai lần số được xuất bản bởi các tờ Daily Mail, Guardian, và Financial Times cộng lại, theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố tại Royal United Services Institute, một tổ chức nghiên cứu về an ninh và quốc phòng của Anh.
Một trật tự truyền thông toàn cầu mới
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ rõ tổng số 15 cơ sở truyền thông của nhà nước Trung Quốc đặt trụ sở tại đất nước là các cơ quan tuyên truyền nước ngoài vì họ “thực chất bị sở hữu hoặc bị kiểm soát” bởi một chính phủ nước ngoài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với Epoch Times hồi tháng 9.
Trường hợp tờ Hãng tin nhà nước Tân Hoa xã, các nhà báo địa phương của họ có “nhiệm vụ duy nhất là dịch các bài báo do do nhân viên Trung Quốc viết trước,” báo cáo của Pháp nói. Một nhà báo Pháp làm cho Tân Hoa xã nói với một tác giả báo cáo năm 2018 rằng những bài báo của Tân Hoa xã gồm 80% bản dịch từ tiếng Anh và 20% từ tiếng Trung. Các bản dịch và đôi khi bài báo nguyên gốc đều được một nhà báo Trung Quốc thông thạo tiếng Pháp đọc soát và làm cho hoà hợp với “mong muốn của Đảng cũng như những câu chuyện được ưu tiên,” theo phóng viên của Tân Hoa xã.
Các cựu nhân viên của tờ báo Hồng Kông thân Bắc Kinh Sing Tao đã thuật lại chi tiết với Epoch Times những câu chuyện tương tự sau khi ấn phẩm này đăng ký năm cơ sở ở Mỹ của họ là phái bộ nước ngoài theo lệnh từ Bộ Tư pháp vào tháng 8.
David, một cựu biên tập cao cấp của văn phòng Sing Bao ở New York, nói rằng anh đã được chỉ dẫn tường tận về “hai nguyên tắc” trong ngày làm việc đầu tiên: không đưa tin về Pháp Luân Công, một nhóm tinh thần bị Bắc Kinh đàn áp, và sự độc lập của Đài Loan. Một người khác từng làm việc cho văn phòng truyền thông ở San Francisco nhiều năm trước, nói cô được cho biết không sử dụng từ ĐCSTQ – tên viết tắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc – hoặc từ “Cộng hoà Trung Hoa” tên chính thức của hòn đảo bán tự trị Đài Loan mà chế độ tuyên bố là của riêng họ. Thay vào đó, cô nên sử dụng các từ tương đương “Trung Quốc” và “tỉnh Đài Loan của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, cô nói với Epoch Times.
Theo báo cáo, mua các hãng truyền thông nước ngoài, huấn luyện các nhà báo, tặng quà và thiết bị, dùng áp lực ngoại giao, sử dụng đe dọa về thị thực, đe dọa qua điện thoại là một vài chiến thuật khác do Bắc Kinh triển khai để định hình lại bức tranh truyền thông nước ngoài theo ý của họ.
Tại Nam Phi, nhà báo Azad Essa nhận thấy chuyên mục hàng tuần của anh bị huỷ khỏi Independent Media, tập đoàn truyền thông lớn thứ hai của đất nước, vài giờ sau khi xuất bản câu chuyện lên án việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương. Tập đoàn truyền thông này có 20% thuộc sở hữu của hai cơ quan Trung Quốc do Bắc Kinh hậu thuẫn hoặc kiểm soát.
Ấn bản Epoch Times tại Hồng Kông đã trở thành mục tiêu của hàng loạt vụ phá hoại có chủ ý, mà các nhà phê bình cho là các dấu hiệu đặc trưng của chiến thuật đe dọa của chế độ nhằm bịt miệng việc báo cáo độc lập.
Do lo sợ bị trả thù, các tập đoàn truyền thông tiếng Trung ở Úc đã chọn cách chủ động tự kiểm duyệt, theo một nghiên cứu hồi tháng 9 của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney.
“Các chủ đề chính trị nhạy cảm hoặc những chỉ trích chống chính phủ Trung Quốc sẽ đặt các nhân viên của chúng tôi hoặc gia đình của họ vào vòng nguy hiểm. Chúng tôi không muốn họ hoặc gia đình họ ở Trung Quốc bị bắt giữ,” một người chủ sở hữu phương tiện truyền thông nói với viện nghiên cứu.
Ngân Hà dịch, theo The Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa trật tự truyền thông toàn cầu mới ảnh hưởng của tuyên truyền ĐCSTQ ở nước ngoài