Sau kỳ nghỉ lễ dài Quốc khánh Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 1/10, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bất ngờ bùng phát trở lại tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Chính quyền phong tỏa khẩn cấp các khu dân cư. Cư dân của một số tiểu khu đã xuống đường phản đối việc phong tỏa và hét lên: “Bỏ chặn! Bỏ chặn!”

bieu tinh Tham Quyen
Sau kỳ nghỉ lễ dài Quốc khánh ĐCSTQ ngày 1/10 bị phong tỏa, cư dân của một số khu dân cư tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã xuống đường biểu tình và hét lên: “Bỏ chặn!”. (Ảnh cắt từ Video)

Dịch bệnh tại Thâm Quyến bùng phát trở lại, nhiều khu dân cư đã bị phong tỏa. Vào lúc nửa đêm, chính quyền vẫn miệt mài vận chuyển một lượng lớn cư dân và trẻ em đến các nơi riêng biệt để cách ly. Chỉ trong nháy mắt, tàu điện ngầm trở nên trống rỗng và hoang vắng, không một bóng người. Dịch bệnh ở Thâm Quyến cũng khiến các tuyến tàu điện ngầm bị đình chỉ hoạt động ngay sau đó.

Người dân Thâm Quyến tức giận xuống đường hò hét yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa

Ngày 13/10, một đoạn video YouTube được đăng tải trên Internet, cho thấy “động thái Zero COVID bất tận của Thâm Quyến khiến người dân không thể nén nổi cơn thịnh nộ”, “cư dân của Quận Bảo An 45 Thâm Quyến yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa.”

Trong video, có thể thấy dưới màn đêm, hai bên đường chật cứng các loại xe lớn nhỏ, trong đó có một số xe cảnh sát với đèn nhấp nháy, rất đông người dân tràn ra đường, hô to: “Bỏ chặn! Bỏ chặn!”

Rất đông cư dân vây quanh một khu dân cư đang bị phong tỏa, nhân viên an ninh tại hiện trường cũng rất nhiều. Loa phát thanh hô to rằng khu dân cư đã phát hiện ra ca dương tính và đang bước vào trạng thái khép kín.

Bất cứ nơi nào tại Thâm Quyến bị phong tỏa, đều sẽ có một lượng lớn nhân viên bảo an. Khi ca dương tính được phát hiện ở thôn Chính Long, quận Nam Sơn, một người đàn ông cho biết: “Thôn Chính Long đã bắt đầu bình thường hóa việc quản lý khép kín, lại xuất hiện một ca bệnh, toàn bộ đều bị đóng cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Năm nay khó quá!”

Về vấn đề này, một số cư dân mạng bình luận: “Không muốn nằm ngửa cũng không xong”; “Phong tỏa vì mục đích chính trị“; “Trời ơi! Bao nhiêu người đã phát điên vì bị phong tỏa dài hạn? Bao nhiêu người vì không thể đi làm mà ví tiền đã ‘về 0’? Bao nhiêu trường hợp khẩn cấp và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã chết vì không được chữa trị? Có Trời mới biết!”

Nhiều cư dân mạng bức xúc: “Đã đến lúc phải đứng dậy, hỡi những người không muốn làm nô lệ!”; “Một chính sách kinh khủng, không nói nên lời!”; “Cứ tiếp tục như vậy, không chết vì dịch, thì cũng bị bức chết vì nỗi khổ này, đây là quốc gia gì vậy?”; “Suốt ngày phong tỏa, còn muốn đi làm kiếm miếng cơm nữa không?”

Chính sách kiểm soát dịch bệnh Zero-COVID của ĐCSTQ đã trở thành thảm họa cho đất nước này, là thử thách tàn khốc đối với sinh kế của người dân. Chính sách Zero-COVID cũng tiêu hao tiền bảo hiểm y tế và tiền tiết kiệm của người dân, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất thải y tế.

Thực trạng quản lý vô tình đó khiến đông đảo người dân nguyền rủa ông Tập. Nhiều người ngày càng nghi ngờ việc thực hiện chính sách Zero-COVID chỉ là một trong những cái cớ để ông Tập bảo đảm duy trì quyền lực tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Nhiều nơi tại Thâm Quyến trở thành khu vực rủi ro, người dân bị cấm đến Thâm Quyến

Dịch bệnh ở nhiều nơi tại Trung Quốc Đại Lục đang lây lan cho nhau. Sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh dài ngày, các ca dương tính ở Thâm Quyến vẫn tiếp tục gia tăng, và hầu hết đều là những người đến từ ngoài thành phố.

Trong 5 ngày liên tiếp, Thâm Quyến có thêm 105 ca dương tính mới, trong khi số ca dương tính từ bên ngoài thành phố vào lên tới 75 người.

Giới chức Thâm Quyến đã chính thức thông báo rằng các ca bệnh từ ngày 9/10 đến nay hầu hết đều nhiễm chủng đột biến Omicron BF.7, BA.2.76 và BA.2.2, trong đó chủng đột biến BF.7 lần đầu tiên được phát hiện ở Thâm Quyến. BF.7 lây lan nhanh chóng, khả năng lây nhiễm mạnh, và khoảng thời gian giữa các thế hệ ngắn hơn, điều này có thể dễ dàng gây ra sự lây nhiễm trên diện rộng.

Hiện tại, người dân Thâm Quyến được yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ. Tất cả những người đến (hay trở về) Thâm Quyến đều được “xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày”, và phải có giấy chứng nhận axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ.

Những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao sẽ phải cách ly tập trung trong 7 ngày. Những người đến từ khu vực có nguy cơ trung bình sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày. Những người đến từ các khu vực có ổ dịch cộng đồng sẽ phải cách ly tại nhà trong 3 ngày, và theo dõi sức khỏe 4 ngày. Những người đến từ các khu vực có sự lây nhiễm rõ rệt trong cộng đồng sẽ phải cách ly tại nhà trong 3 ngày.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Thâm Quyến, những ngày gần đây, các nhà chức trách đã liên tiếp bổ sung các khu vực có nguy cơ cao và trung bình.

Tính đến 17h ngày 13/10, Thâm Quyến có tổng cộng 31 khu vực rủi ro cao, 27 khu vực rủi ro trung bình và 17 khu vực rủi ro thấp.

Theo quy định của giới chức, cư dân trong khu vực có nguy cơ cao không được rời khỏi nhà. Cư dân trong khu vực có nguy cơ trung bình không được rời khỏi khu vực. Cư dân trong khu vực có nguy cơ thấp “không được tụ tập”.

Zero-COVID là chính sách do đích thân ông Tập chỉ đạo, nên việc nghi ngờ chính sách này cũng tương đương với quyền lực của ông Tập sẽ bị đe dọa khi Đại hội 20 đang đến gần.

Ngày 6/9, Tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) nổi tiếng của Mỹ đã đăng một bài dài của bà Thái Hà, cựu giáo sư Trường Trung ương ĐCSTQ (bản tiếng Trung hơn 12.000 chữ). Bài viêt có tựa đề “Những điểm yếu của Tập Cận Bình: Ngông cuồng và cố chấp đe dọa tương lai của Trung Quốc như thế nào?”. Bà nhận định trước thềm Đại hội 20, cuộc đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ rất cam go.

Ngày 28/7, ông Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp Bộ Chính trị và nêu rõ “phải kiên định tuân thủ Zero-COVID, khi thấy dấu hiệu ca nhiễm phải lập tức phong tỏa ngăn chặn để kịp thời kiểm soát, không được buông lỏng.”

Bình Minh (t/h)