Chuyên gia: 4 nguy cơ tình hình Hồng Kông ngày càng nghiêm trọng
- Lý Tùng Nhi
- •
Gần đây, liên quan đến vấn đề Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự ý áp đặt thúc đẩy “Luật An ninh ĐCSTQ” tại Hồng Kông, Vision Times đã phỏng vấn chuyên gia truyền thông kỳ cựu Trình Tường (Ching Cheong) là người am hiểu về tình hình Hồng Kông, nhờ ông phân tích sâu hơn về tình hình Hồng Kông hiện nay. Dưới đây là nội dung phỏng vấn:
Bốn vấn đề nguy cơ của Hồng Kông
Ông Trình Tường cho biết trước đây ông đã đề cập rằng sau khi Lương Chấn Anh lên Đặc khu Trưởng hành chính thì Hồng Kông sẽ đứng trước bốn loại nguy cơ: (1) Hai chế độ trở thành một chế độ (thống nhất với bộ máy chính trị ĐCSTQ); (2) Ý thức hệ (hệ tư tưởng) bị Trung Quốc Đại Lục thao túng; (3) Bình thường hóa kiểm soát của Sai Wan (nơi đặt Văn phòng Liên lạc Trung ương ĐCSTQ) đối với Hồng Kông; (4) Phe cánh tả cực đoan thống trị Hồng Kông.
Bốn nguy cơ này ngày càng hiện hữu rõ hơn sau khi Lương Chấn Anh nhậm chức. Hiện nay đã lộ rõ nguy cơ “hai thể chế” thành “một thể chế”. Còn liên quan đến việc bình thường hóa kiểm soát của Sai Wan đối với chính quyền Hồng Kông, vào tháng trước Văn phòng Liên lạc Trung ương ĐCSTQ đã cảnh báo: Sai Wan có quyền giám sát Chính phủ Hồng Kông (vi phạm Điều 22 của Luật cơ bản). Về hệ tư tưởng bị Trung Quốc Đại Lục thao túng, gần đây một câu hỏi thi của DSE liên quan đến rất nhiều cân nhắc chính trị để áp đặt ý thức hệ của Đại Lục đối với công dân Hồng Kông. Còn về Chính phủ Hồng Kông bị phe cực tả kiểm soát, hiện nay tất cả các quan chức Chính phủ Hồng Kông đều là phe cực tả hoặc thiên tả.
Xu hướng này đang ngày càng nghiêm trọng, và người dân Hồng Kông không muốn những điều này xảy ra, vì vậy họ buộc phải xuống đường để phản đối. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh còn muốn áp đặt thêm “Luật An ninh ĐCSTQ” vào Hồng Kông, hủy hoại hoàn toàn giá trị của Hồng Kông.
Trong quá khứ, ĐCSTQ cũng đã thúc đẩy Điều 23 nhằm đàn áp Pháp Luân Công
Người Hồng Kông từng đề cập nguyên tắc “một nước hai chế độ” thực tế là “một nước 1,5 chế độ”, nhưng giờ đây đã trở thành “một nước một chế độ”. Do ĐCSTQ hoàn toàn vi phạm các quy định văn minh của Luật Cơ bản, vì Luật Cơ bản có quy định rõ ràng: Điều 23 quy định người Hồng Kông tự xây dựng pháp luật. Việc ĐCSTQ tự ý xây dựng pháp luật cho Hồng Kông là áp đặt ý chí của mình đối với người dân Hồng Kông.
ĐCSTQ đã thất bại trong việc lập pháp Điều 23, bây giờ ĐCSTQ lại muốn bỏ qua Chính phủ Hồng Kông để tự ý lập pháp thay cho người Hồng Kông. Vấn đề lập pháp Điều 23 năm đó không phải là mong muốn của người dân Hồng Kông. Hồi đó, khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công đã thực hiện trên toàn bộ Trung Quốc Đại Lục. Họ thấy Pháp Luân Công có thể tiếp tục tập luyện và thỉnh nguyện ở Hồng Kông nên đã yêu cầu Chính phủ Hồng Kông cấm Pháp Luân Công. Nhưng tại Hồng Kông thì Pháp Luân Công được đăng ký hợp pháp, không làm bất cứ điều gì vi phạm luật pháp của Hồng Kông thì làm sao Chính phủ Hồng Kông có thể cấm Pháp Luân Công? Do đó, ĐCSTQ đã buộc Hồng Kông phải thực hiện lập pháp Điều 23, hành động này đã vi phạm nguyên tắc “tự lập pháp” của Hồng Kông. Quyền “tự lập pháp” là người Hồng Kông có thể tự chọn thời gian, phương pháp và nội dung của pháp luật.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tư pháp Lương Ái Thi (Elsie Leung Oi-sie) kiến nghị rằng luật pháp của thời kỳ Hồng Kông-Anh có thể được sửa đổi để áp dụng cho hoàn cảnh mới, trở thành phiên bản Hồng Kông của “Luật An ninh ĐCSTQ”. Trên thực tế, bảy nội dung của “Luật An ninh ĐCSTQ” khi đó đã trùm lên pháp luật Hồng Kông, không cần thêm luật mới. Đây là một đề xuất của Chính phủ Hồng Kông vào thời điểm đó, nhưng Bắc Kinh đã không chấp nhận mà kiên quyết đòi lập pháp Điều 23. Điều này trở thành mồi lửa dẫn đến hoạt động biểu tình của 500.000 người. Sau đó Điều 23 đã bị hoãn vô thời hạn, cũng kể từ đó Bắc Kinh luôn có ác cảm, nghĩ rằng người Hồng Kông không có cái gọi là “ý thức quốc gia”, vì vậy chính sách đối với Hồng Kông ngày càng thắt chặt.
Thúc đẩy cưỡng ép “Luật An ninh ĐCSTQ” để ngăn chặn phái dân chủ tham gia Hội đồng Lập pháp
Tại sao bây giờ ĐCSTQ muốn ép thi hành “Luật An ninh ĐCSTQ” ở Hồng Kông? Bởi vì họ thấy rằng kể từ năm ngoái khi nổ ra chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ thì ngày càng nhiều người Hồng Kông bắt đầu chống ĐCSTQ. Nếu chỉ dựa vào chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các thành viên phe kiến chế để hộ tống Điều 23 là không hiệu quả. Hơn nữa, ĐCSTQ rất lo lắng phe dân chủ sẽ đại thắng trong bầu cử Hội đồng lập pháp vào tháng 9 sắp tới, nếu vậy phe kiến chế sẽ bị mất đa số ghế.
Khẩu hiệu của những người biểu tình dân chủ Hồng Kông là “35 + 1”, nghĩa là chỉ cần có được số ghế “35 + 1” là phe dân chủ sẽ trở thành đa số tại Hội đồng Lập pháp và kiểm soát được các chính sách của Chính phủ Hồng Kông, thậm chí là luận tội bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga… Phe dân chủ cũng có thể trở thành lực lượng chính trong cuộc bầu cử Đặc khu Trưởng mới và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Đối với ĐCSTQ thì đây là biểu hiện của tước đoạt quyền lực của họ, do đó họ phải bằng mọi cách ngăn chặn phe dân chủ giành chiến thắng. Tháng 11 năm ngoái phe dân chủ đã giành được thắng lợi lớn trong bầu cử Hội đồng quận, ĐCSTQ lo lắng một lần nữa những điều như vậy lại xảy ra, vì vậy đã thúc đẩy “Luật An ninh” tại Hồng Kông.
Đối với đông đảo người dân Hồng Kông thì đây là hoạt động bầu cử bình thường, kết quả cũng rất bình thường. Nhưng ĐCSTQ xem đó là chiếm đoạt quyền lực, nghĩa là tranh quyền kiểm soát với ĐCSTQ, vì vậy ĐCSTQ sẽ không từ bỏ. Sau khi ban hành “Luật An ninh ĐCSTQ” thì họ có thể tùy ý bắt giữ, truy tố hoặc tạo áp lực công khai đối với phe dân chủ của Hồng Kông. Do đó, có hai mục đích trong thúc đẩy “Luật An ninh ĐCSTQ” tại Hồng Kông: một là để ngăn chặn phe dân chủ tham gia trong Hội đồng lập pháp sắp tới; hai là ngăn chặn phe dân chủ vào Ủy ban bầu cử Đặc khu Trưởng, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Đặc khu Trưởng.
Luật An ninh ĐCSTQ nhằm loại bỏ những người bất đồng chính kiến
Ông Trình Tường cho biết, ĐCSTQ cũng có thể dùng công nghệ, ví dụ nhận dạng khuôn mặt AI, theo dõi hồ sơ trò chuyện trên điện thoại di động, hồ sơ trò chuyện nhóm, động thái cá nhân… để xác định một ai đó có vi phạm “Luật An ninh ĐCSTQ” hay không, có hay không quan điểm “chia rẽ đất nước”, “lật đổ quyền lực nhà nước”, hoặc “thông đồng cùng các lực lượng bên ngoài”.
Nhiều người tại Đại Lục đã bị bắt vì các cáo buộc như trên. Ví dụ ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) là một học giả, chỉ vì bài viết và phát ngôn trái ý mà bị kết án “tội kích động lật đổ chính quyền nhà nước”. ĐCSTQ có thể lập pháp để kết tội nhiều người. Ví dụ, người soạn nhạc và viết lời ca khúc “Mong vinh quang trở lại Hồng Kông” bị ĐCSTQ kết tội “ca khúc ủng hộ Hồng Kông độc lập”, gây nguy hiểm cho thống nhất quốc gia.” Nếu người soạn nhạc và người viết lời hoặc người truyền bá ca khúc đó mà muốn tranh cử vào Hội đồng Lập pháp thì họ sẽ bị ĐCSTQ xem là “ủng hộ Hồng Kông độc lập”. Tóm lại ĐCSTQ có thể tùy ý tăng thêm tội trạng.
Trong thời gian chống Dự luật Dẫn độ, nhiều người Hồng Kông đã chiến đấu trên mặt trận quốc tế nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài cũng như đăng quảng cáo ở nước ngoài, họ bị ĐCSTQ kết tội “thông đồng của các lực lượng nước ngoài”. Do đó, nếu Luật An ninh về Hồng Kông được thông qua thì ĐCSTQ sẽ buộc tội những người đấu tranh phản đối Dự luật Dẫn độ. ĐCSTQ sẽ sử dụng “Luật An ninh ĐCSTQ” làm vũ khí để loại bỏ những người mà họ không thích. Ngoài ra, việc ĐCSTQ dùng từ “chủ nghĩa khủng bố” để mô tả giới trẻ Hồng Kông đấu tranh dân chủ là rất không phù hợp. Hoạt động đấu tranh có vũ lực của những người trẻ tuổi đó cũng bị giới cảnh sát thực thi pháp luật bằng vũ lực. Không có vũ lực trước của cảnh sát thì sẽ không có vũ lực chống lại.
ĐCSTQ vẫn không ngừng bội tín
Ông Trình Tường cho biết rằng “Luật An ninh ĐCSTQ” này nhằm vào tất cả người dân Hồng Kông. ĐCSTQ muốn gặt hái được thành quả lớn trong lần này, ví dụ giống như trận càn quét bắt giữ quy mô lớn vào ngày 18/4 vừa qua, những người bị thanh trừng đều là tinh hoa của Phong trào Dân chủ Hồng Kông, ĐCSTQ nhằm vào bắt giữ người dân trên quy mô lớn, dùng mọi thủ đoạn ngông cuồng để trấn áp những người đấu tranh. Xem bề ngoài thì ĐCSTQ có lực lượng hùng hậu áp đảo nhưng tâm lý họ luôn sống trong hoang mang lo lắng. Một vùng Hồng Kông nhỏ bé như vậy mà luôn khiến ĐCSTQ lo sợ. Vì họ luôn bất chính và biết rõ hành động bất chính của họ, cả chặng đường lịch sử đã cho thấy họ luôn thất tín tráo trở.
Sau năm 1949, ĐCSTQ đã cam kết thực hiện nền dân chủ mới, cho biết thực hiện chủ nghĩa xã hội sau ba lần kế hoạch 5 năm, họ gọi đó là giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 15 năm. Hồi đó đông đảo mọi người đều tin điều này, nhưng ba năm sau thì Mao Trạch Đông muốn xây dựng xã hội cộng sản. Tiếp theo là các chiến dịch trấn áp như “tam phản”, “ngũ phản” nổi tiếng. ĐCSTQ đã mất chữ tín và bị người dân oán hận sâu sắc. ĐCSTQ cũng biết rõ tâm trạng bất bình của công chúng đang tăng vọt, vì vậy họ nói rằng cần phải loại bỏ từ trong trứng nước tất cả các yếu tố bất ổn. Nợ máu của ĐCSTQ quá nhiều nên luôn sợ hãi, lo ngại rằng người dân sẽ nổi dậy lật đổ.
Ngày nay, ĐCSTQ cũng bội tín với người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế. Trước đây ĐCSTQ và Vương quốc Anh đã ký “Tuyên bố chung Trung-Anh”, đã trình lên Liên Hợp Quốc và mời các nước ủng hộ “Tuyên bố chung”. Thế mà chỉ sau 23 năm, ĐCSTQ đã đơn phương tuyên bố rằng “Tuyên bố chung” không còn hiệu lực. Khi một kẻ bội tín nhiều lần thì chẳng còn ai tin hắn ta.
Hồng Kông tin vào các giá trị phổ quát, cần “quốc tế hóa” trong tranh đấu với ĐCSTQ
Do đó trong đấu tranh của người Hồng Kông có vài điều quan trọng: thứ nhất phải kiên định tin tưởng; thứ hai là phải đoàn kết với người dân Đại Lục, vì họ cũng là nạn nhân của chế độ chuyên chế của ĐCSTQ; thứ ba là phải tận dụng lợi thế tự nhiên của Hồng Kông để liên kết rộng rãi với cộng đồng quốc tế, cho cộng đồng quốc tế thấy trong 20 năm chế độ độc tài ĐCSTQ đã phá hủy một Hồng Kông tự do như thế nào.
Ngoài ra, người dân Hồng Kông cũng cần cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế. Vì vấn đề ở Hồng Kông hiện nay không chỉ là chuyện của riêng Hồng Kông mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới tự do và tất cả các quốc gia yêu trọng dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền. Hồng Kông giúp các nước phương Tây nhận rõ ĐCSTQ, còn các nước phương Tây ủng hộ Hồng Kông cũng chính là giương cao các giá trị phổ quát.
Cách sống mà người dân Hồng Kông gìn giữ là theo những giá trị phổ quát bao gồm tự do tư tưởng, tự do tinh thần, tự do khỏi sợ hãi, còn ĐCSTQ đang phá hủy những quyền tự do này. Có quan điểm cho rằng “Luật An ninh ĐCSTQ” chỉ nhắm vào một số ít người Hồng Kông, vì vậy đông đảo người Hồng Kông không cần phải lo ngại. Nhưng khi xã hội gây áp bức một cách vô lý đối với một nhóm người nào đó, nghĩa là xã hội đã bắt đầu méo mó. Đừng tưởng rằng hôm nay bạn ẩn mình làm ngơ, không đi thị uy thì bạn được sống trong êm đềm. Khi tự do bị xói mòn từng chút một thì đến một ngày nào đó bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Hồng Kông tin vào các giá trị phổ quát, vì vậy Hồng Kông phải đoàn kết cùng cộng đồng quốc tế để đấu tranh chống lại ĐCSTQ. Cộng đồng quốc tế không nên áp dụng các chính sách xoa dịu ĐCSTQ. Gần đây Mỹ đã đưa ra một báo cáo chỉ ra xã hội phương Tây đã phạm phải hai sai lầm đối với ĐCSTQ: thứ nhất là phương Tây nhầm tưởng rằng việc quan hệ thân thiện với ĐCSTQ có thể thay đổi chủ nghĩa toàn trị và ứng xử tàn bạo của ĐCSTQ; thứ hai là xã hội phương Tây đánh giá thấp mối đe dọa của ĐCSTQ đối với phương Tây. Nếu Mỹ đã nhận ra điều này, hy vọng rằng các nước phương Tây khác cũng sẽ có sự đồng thuận về vấn đề này, để từ bỏ chính sách xoa dịu nhẹ nhàng ĐCSTQ, thay vào đó là mạnh mẽ hợp lực để chống lại thái độ hung hăng tàn bạo của ĐCSTQ. Tổng thống Mỹ Trump đã cho biết rằng nếu ĐCSTQ đưa ra “Luật An ninh ĐCSTQ” ở Hồng Kông thì Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ, hy vọng rằng Mỹ sẽ có hành động.
Vương quốc Anh cũng nên có hành động vì là nước ký kết “Tuyên bố chung Trung – Anh”
Vương quốc Anh với tư cách là nước ký kết “Tuyên bố chung Trung-Anh” nên có tư cách nhất để lên án và tranh luận với ĐCSTQ. Vương quốc Anh cũng có trách nhiệm về mặt đạo đức và lịch sử để lên tiếng về Hồng Kông. Vương quốc Anh có thể liệt kê quá trình thực hiện “Tuyên bố chung” 23 năm qua để viết báo cáo cho Liên Hợp Quốc. Báo cáo cần nêu chi tiết vấn đề ĐCSTQ vi phạm “Tuyên bố chung” như thế nào, báo cáo cũng cần lập hồ sơ tại Liên Hợp Quốc. Đây là điều mà Vương quốc Anh phải làm và ít nhất Vương quốc Anh có thể làm được, có lẽ báo cáo không thể chế ước được ĐCSTQ, nhưng báo cáo này sẽ được lưu giữ như một tài liệu lịch sử, vì vậy nó rất đáng để thực hiện.
Chính phủ Anh có trách nhiệm bảo vệ những người nắm giữ BNO (Quốc tịch Anh). Trước đây Vương quốc Anh không cấp thân phận công dân Anh cho người Hồng Kông, một phần vì hồi đó cũng không thể tưởng tượng được ĐCSTQ sẽ hành động như hiện nay. Nhưng 23 năm qua đã chứng minh rằng tự do và nhân quyền của người Hồng Kông đã bị đe dọa. Do đó, Vương quốc Anh có trách nhiệm bảo vệ người dân Hồng Kông, cung cấp cho Hồng Kông cánh cửa an toàn và một lối thoát.
Lý Tùng Nhi
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông luật an ninh Hồng Kông Trình Tường