Chuyên gia AI quân sự của ĐCSTQ tử vong vì tai nạn, cư dân mạng nghi ngờ “bị ám sát”
- Dương Thiên Tư
- •
Chuyên gia quân sự Phùng Dương Hách, được mệnh danh là “nhà khoa học thiên tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào ngày kỷ niệm 102 năm ĐCSTQ thành lập (1/7) đã bất ngờ qua đời vì tai nạn ô tô khi đang “thực hiện nhiệm vụ quan trọng”, hưởng dương 38 tuổi. Thông tin về cái chết của ông đã gây nhiều đồn đoán.
Truyền thông Đại Lục đưa tin, ngày 11/7 Wechat chính thức của “Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc” đã đưa ra cáo phó, nói rằng vào lúc 2h35 sáng ngày 1/7, ông Phùng Dương Hách đã qua đời ở Bắc Kinh khi đang trên đường thực hiện nhiệm vụ quan trọng, hưởng dương 38 tuổi.
Theo các báo cáo chính thức của Trung Quốc, sau khi tham dự một cuộc họp quan trọng ở Bắc Kinh, ông Phùng đã tử vong ngay trên chiếc xe quân dụng mà ông lái sau khi va chạm với xe tải chở xi măng.
Chính quyền ĐCSTQ đau buồn bày tỏ rằng vụ tai nạn này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến việc nghiên cứu và phát triển hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự của ĐCSTQ. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi, ông Phùng có thể đã tử vong do bị “ám sát” chứ không phải vì tai nạn.
Trên mạng lan truyền thông tin nói rằng vụ tai nạn xe không phải bất ngờ xảy ra, trước khi chết ông vẫn đang bảo vệ “thông tin quan trọng về tên lửa siêu thanh”. Cũng có một số cư dân mạng nói rằng ông Phùng Dương Hách làm thêm ngoài giờ cho đến sáng sớm, sau đó gọi xe Didi (hãng xe công nghệ) về nhà. Trên đường đi, xe của ông tông vào đuôi một chiếc xe tải lớn. Có người phàn nàn, “Thật vô lý, chuyên gia như thế này mà ngay cả xe chuyên dụng cũng không có. Không cần dựa vào Mỹ, một chiếc xe Didi cũng đã đánh bại khoa học kỹ thuật của Trung Quốc.”
Theo Sohu.com đưa tin, những người nắm rõ tình hình tiết lộ, ông Phùng Dương Hách đã làm thêm đến 2h sáng để thực hiện một nhiệm vụ bí mật quan trọng, khi đang ngồi xe Didi trên đường về thì va chạm với xe tải và xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến ông tử vong tại chỗ. Chi tiết này cũng khiến cư dân mạng thắc mắc, ông Phùng Dương Hách chấp hành nhiệm vụ quan trọng gì vào thời điểm đó, và phàn nàn rằng, “Chuyên gia quan trọng như thế này, làm việc đến sáng sớm mà chỉ có thể đi xe Didi về? Nhà nước không bảo vệ sao?”
Có kênh truyền thông tự phát cho rằng cái chết của ông Phùng sẽ gây ra tổn thất cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí không thể đo đếm trước sự ứng phó của Trung Quốc đối với hành động khiêu khích quân sự và ngăn chặn công nghệ quân sự của Mỹ hiện nay.
Nhiều cư dân mạng phàn nàn rằng nhà nước đã không tăng cường bảo vệ an ninh cho các nhân tài trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh: “Điều này cũng quá nực cười, một vị thượng tá quan trọng như vậy mà không có chuyên cơ sao?”; “Tôi thấy quá vô lý. Vào thời điểm đó, bình thường vào thời điểm đó, có rất nhiều ô tô đang đợi các nhà lãnh đạo ở lối vào hộp đêm.”
Truyền thông Hồng Kông chỉ ra rằng cái chết đột ngột của ông Phùng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến việc nghiên cứu và phát triển hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Theo báo cáo của “Sing Tao Toutiao“, ông Phùng từng là trợ lý cho trưởng nhóm chuyên nghiệp vũ khí và thiết bị trí tuệ nhân tạo của Cục Phát triển thiết bị Giải phóng quân (PLA), đồng thời là thư ký của nhóm chỉ huy và kiểm soát thông minh. Là chuyên gia của dự án trọng điểm thuộc Ủy ban Khoa học Công nghệ thuộc Quân ủy ĐCSTQ, và là tài năng trẻ hàng đầu của Đại học Công nghệ Quốc phòng ĐCSTQ.
Theo các nguồn tin, vào tối ngày 1/7, sau khi ông Phùng tham dự một cuộc họp quan trọng ở Bắc Kinh, chiếc xe riêng của ông đã va chạm với một chiếc xe khác, sau đó ông được xác nhận là đã tử vong trong vụ tai nạn. Dù đây là một vụ tai nạn ngoài ý muốn, nhưng vẫn được coi là vụ án hình sự và vẫn đang được điều tra.
Ông Phùng Dương Hách là một trong những nhà khoa học hàng đầu ở Trung Quốc, được xem là “nhà khoa học thiên tài”, sinh ngày 3/3/1985 tại thành phố Bình Lương tỉnh Cam Túc. Tháng 9/2003, ông trúng tuyển vào chuyên ngành kỹ thuật tự động hóa chỉ huy – Đại học Công nghệ Quốc phòng, từ năm 2011 – 2013 theo chương trình liên kết đào tạo làm trợ lý nghiên cứu bán thời gian tại Khoa Thống kê của Đại học Harvard và Phòng thí nghiệm Điện toán hiệu năng cao của Đại học Iowa (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Quốc phòng vào tháng 6/2014, ông ở lại trường giảng dạy, được phong là phó giáo sư, hướng dẫn tiến sĩ.
Ông Phùng Dương Hách từng là trợ lý cho lãnh đạo Nhóm chuyên gia vũ khí và AI của Ban Nghiên cứu Trang bị Quân sự ĐCSTQ, chuyên gia về các dự án trọng điểm Ban Khoa học và Công nghệ của Quân ủy Trung ương, thành viên chủ chốt Nhóm Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Bộ Giáo dục, Tài năng trẻ hàng đầu Đại học Công nghệ Quốc phòng, Phó chủ tịch Ban Toán AI của Hiệp hội Chiến lược Trung Quốc (Operations Research Society of China, ORSC), thành viên Ủy ban Kỹ thuật Hệ thống Điều khiển và Chỉ huy Thông minh của Hiệp hội Khoa học Máy tính Trung Quốc…
Ông Phùng chủ yếu tham gia nghiên cứu về học tăng cường, trò chơi thông minh, lập kế hoạch thông minh, công nghệ suy diễn trò chơi chiến tranh và lý thuyết Bayes, được cho là đã tạo ra những bước đột phá sáng tạo quan trọng trong nghiên cứu chỉ huy dùng AI. Phùng Dương Hách đã công bố hơn 60 bài báo khoa học và 4 cuốn sách, có tổng số hơn 1000 trích dẫn, ngoài ra chuyên gia này cũng sở hữu 22 bằng sáng chế.
Hướng nghiên cứu chính của ông là nhằm vào các vấn đề ra quyết định thông minh đa tác nhân trong môi trường đối đầu phức tạp, đề xuất xây dựng “bộ não mạnh nhất” để ra quyết định phụ trợ trong môi trường suy diễn trò chơi chiến tranh – “bộ óc chiến tranh”.
Theo báo cáo, việc nghiên cứu phát triển “bộ óc chiến tranh” dựa trên các nguyên tắc của kỹ thuật hệ thống thông minh, kết hợp các phương pháp như suy luận tri thức, học tập giám sát, học tập bán giám sát, học tập tích hợp và học tập củng cố để xây dựng một mô hình quyết định thông minh. Công cụ này tận dụng dữ liệu chất lượng cao, được tạo ra từ việc đối kháng giữa người và người, và dữ liệu lớn được tạo ra từ việc đối đầu giữa máy và máy, để huấn luyện các hệ thống thông minh. Nó đạt được sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố, xử lý thông tin hiệu quả và quyết định chính xác nhanh chóng, giải quyết các vấn đề mô phỏng quân sự truyền thống trong tác chiến mà phụ thuộc mạnh mẽ vào kinh nghiệm của chuyên gia, yếu tố khó khăn trong đối phó với thông tin không đầy đủ và điều chỉnh linh động tạm thời để nắm thời cơ, v.v.
Ông Phùng Dương Hách cùng đội của mình đã giành chiến thắng quán quân trong các phần thi “người và máy đối kháng” tại Cuộc thi Mô phỏng quân sự toàn quốc” lần thứ 3 năm 2019 và lần thứ 4 năm 2020 bằng công cụ thông minh “bộ óc chiến tranh”. Bằng cách sử dụng “Bộ óc chiến tranh 2” với chiến thuật linh hoạt hơn và quyết định thông minh hơn, đội của ông đã giành chiến thắng trong giải “Thi đấu thông minh giữa máy – máy” trong Cuộc thi Mô phỏng quân sự Toàn quốc lần thứ 4 năm 2020.
Ông Cao Tiểu Sơn (Gao Xiaoshan), một nhà nghiên cứu tại Viện Toán học và Hệ thống thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Phùng Dương Hách là một chuyên gia trẻ xuất sắc về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quốc phòng (Trung Quốc). Sự hy sinh của anh ấy là một mất mát to lớn đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của chúng ta.”
Tính đến sáng ngày 16/7, chủ đề Weibo “Phùng Dương Hách hy sinh khi làm nhiệm vụ” đã có hơn 130 triệu lượt xem và có hàng chục ngàn lượt thảo luận. Bởi vì có quá nhiều bình luận trên Weibo liên quan đến suy đoán và tin đồn, một số khu vực bình luận liên quan hiển thị rằng bình luận đã được lọc bởi chủ blog.
Ngoài ra, vụ tai nạn này cũng xảy ra tiếp sau cái chết đột ngột của ông Ngô Quốc Hoa (Wo Guohua) – Phó tổng tư lệnh “Quân chủng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân” của ĐCSTQ – vào ngày 9/7, và sự biến mất của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương sau khi xuất hiện ở một sự kiện công khai vào ngày 25/6. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc một lần nữa báo cáo rằng một sĩ quan cấp cao đã biến mất hoặc vô tình tử vong.
Nghi ngờ Phó tư lệnh Ngô Quốc Hoa ” bị tự sát”
Quân chủng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ được gọi là đội quân át chủ bài của ông Tập Cận Bình và bị cáo buộc là mối đe dọa chính đối với Đài Loan. Vào cùng ngày ông Tập Cận Bình thị sát Chiến khu Đông bộ hôm 6/7, trên Internet đã lan truyền thông tin nói rằng ông Ngô Quốc Hoa, Phó tổng tư lệnh Quân chủng Tên lửa, cũng đã “tự sát” vào đêm hôm đó. Nhưng thông báo được đưa ra nói rằng ông Ngô Quốc Hoa đột ngột qua đời vì xuất huyết não. Đây là vụ tai nạn thứ hai của Quân chủng Tên lửa sau khi ông Lý ngọc Siêu (Li Yuchao), Tư lệnh Quân chủng Tên lửa, bị bắt đi điều tra vào sáng 27/6.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ, đã tweet vào ngày 28/6: “Chỉ huy hiện tại của Quân chủng Tên lửa, Lý Ngọc Siêu, đã bị đưa khỏi văn phòng của ông ấy vào sáng ngày 27! Trong 3 tháng qua, trước sau có 3 tư lệnh, 2 phó tư lệnh Quân chủng Tên lửa, và một số cán bộ cấp sư đoàn quân đội đã bị ‘ngã ngựa’. Thông tin đang được xác thực thêm.”
Ông Diêu Thành chỉ: “Có thông tin cho rằng con trai của ông Lý Ngọc Siêu đang du học tại Mỹ, điều này có thể liên quan đến việc bán đứng tình báo quân đội Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy ông Ngụy Phượng Hòa, cựu Tư lệnh Quân chủng Tên lửa và sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đang bị điều tra”.
Từ khóa trí tuệ nhân tạo AI Phùng Dương Hách Chuyên gia AI Trung Quốc