Chuyên gia cấy ghép phổi vô tình tiết lộ bí mật ĐCSTQ mổ cướp nội tạng
- Bình Minh
- •
Chuyên gia cấy ghép phổi Trung Quốc, ông Trần Tĩnh Du, đã công khai thừa nhận trên mạng xã hội rằng tất cả nội tạng mà ông ấy sử dụng đều đến từ cơ thể sống. Bình luận của ông đã cung cấp thêm bằng chứng để ngoại giới buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tội ác thu hoạch nội tạng sống.
Gần đây, nhóm của ông Trần Tĩnh Du, người được ĐCSTQ gọi là “người ghép phổi số 1 ở Trung Quốc” đã xuất bản một bài viết về ghép phổi ở Trung Quốc trên JAMA Network Open, một tạp chí phụ của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA). Theo Trung tâm cấy ghép phổi Vô Tích nơi ông Trần Tĩnh Du làm việc, đây là lần đầu tiên dữ liệu lâm sàng về ghép phổi của Trung Quốc được các tạp chí quốc tế hàng đầu chấp nhận.
Sau khi bài viết được công bố, ông Trần Tĩnh Du đã hào hứng đăng một bài phát biểu trên mạng xã hội Trung Quốc. Ngày 8/5, ông đã viết trên cả WeChat và Weibo rằng: “Trong một thời gian dài, vì chúng ta đã sử dụng nội tạng của các tử tù và vì các vấn đề đạo đức, và chính sách ‘3 không’ của nước ngoài đã tẩy chay việc cấy ghép nội tạng của nước ta. Chúng ta không được đăng bài, không được tham gia học thuật, hội họp, không được ra nước ngoài học tập, trao đổi.
Năm 2015, nước ta đã đẩy mạnh toàn diện việc hiến tặng nội tạng của những người chết não. Nguồn tạng hiến tặng của công dân chết não là nguồn tạng duy nhất của chúng ta. Cảm ơn 6.000 người tình nguyện hiến tạng ở nước ta mỗi năm, giúp cho việc ghép phổi của chúng ta đến được với thế giới.”
Ngoài việc công khai thừa nhận rằng ĐCSTQ đã sử dụng nội tạng của các tù nhân bị hành quyết trong một thời gian dài, bài phát biểu của ông Trần Tĩnh Du còn vô tình tiết lộ một bí mật gây sốc hơn: Tất cả nội tạng mà ông sử dụng đều đến từ những người hiến tặng “chết não”, chứ không phải từ những người hiến tặng “chết tim và não” như ĐCSTQ quảng bá trên bề mặt.
“Chết não” hoàn toàn khác với “chết tim và não”.
Ngày 21/5, Giáo sư Uông Chí Viễn, cựu học giả Harvard, bác sĩ trưởng của Bệnh viện Quân đội Trung Quốc, kiêm người đứng đầu Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), nói với Epoch Times rằng những bệnh nhân “chết não” sau khi mất chức năng não và ngừng thở tự nhiên vẫn có thể dựa vào máy thở để duy trì nhịp thở và nhịp tim trong một khoảng thời gian.
Vì vậy, dưới góc độ ghép tạng, người hiến tặng “chết não” vẫn là một cơ thể sống, còn nhịp thở và nhịp tim của người hiến tặng “chết tim và não” đã ngừng đập, dù theo bất kỳ nghĩa nào thì họ đều đã tử vong.
“Chết não” có thực sự là đã chết? Trong một bài báo năm 2009, Tiến sĩ F G Miller, giảng viên cao cấp của Khoa Đạo đức Sinh học tại Viện Y tế Quốc gia, cho biết: “Các bệnh nhân (phụ thuộc vào máy thở, chết não) vẫn duy trì một số khả năng, như tuần hoàn và thở, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, bài tiết chất thải, chữa lành vết thương, chống nhiễm trùng và quan trọng hơn là thụ thai (đã có trường hợp mang thai ở phụ nữ chết não).”
Tiêu chí đánh giá “chết não” hiện vẫn gây tranh cãi trong giới y học thế giới, quan trọng hơn là luật pháp Trung Quốc không thừa nhận “chết não”.
Luật pháp Trung Quốc hiện vẫn áp dụng một tiêu chuẩn toàn diện về cái chết. Cách giải thích tư pháp của Điều 232 trong “Luật Hình sự” của Trung Quốc cho thấy: “Tiêu chuẩn về cái chết theo truyền thống được coi là tiêu chuẩn toàn diện. Đó là ngừng thở tự nhiên, tim ngừng đập và chức năng phản xạ đồng tử ngừng hoạt động.”
Ông Uông Chí Viễn chỉ ra rằng đến nay, Trung Quốc vẫn không có luật về “chết não”. Ở Trung Quốc, không có tiêu chuẩn chẩn đoán chính thức cho “chết não”. Vì vậy, tất cả các ca cấy ghép nội tạng từ những người hiến tặng “chết não” ở Trung Quốc đều là bất hợp pháp.
Cuốn sách điện tử trên Minghui.org có tên “Phân tích ‘Chuỗi bằng chứng theo chiều dọc’ về mổ cướp nội tạng sống” (sau đây gọi là “Chuỗi bằng chứng theo chiều dọc”) chỉ ra rằng: “Vì người chết não không hề chết ở cấp độ pháp lý, nên phẫu thuật cắt bỏ cả khối tim và phổi để ghép phổi sẽ dẫn đến cái chết hoàn toàn của người hiến tặng. Do vậy, chúng tôi rút ra một kết luận có sức nặng rằng: Việc sử dụng người hiến tặng chết não để ghép tạng ở Trung Quốc bị nghi ngờ là mổ sống và mưu hại!”
“Người ghép phổi số 1 ở Trung Quốc”
Ông Trần Tĩnh Du từng là đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi tỉnh Giang Tô và Phó giám đốc Trung tâm Ghép phổi của Bệnh viện Trung – Nhật.
Thời báo Y Tế (Health Times), một hãng truyền thông dưới trướng của Nhân Dân Nhật Báo, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, tuyên bố ông Trần Tĩnh Du là “người ghép phổi số 1 ở Trung Quốc”, và rằng “70% ca ghép phổi ở Trung Quốc là do ông ấy thực hiện”.
Tháng 2/2022, ông Trần Tĩnh Du nói với Thời báo Y Tế rằng trong 20 năm làm công việc ghép phổi lâm sàng, ông đã thực hiện hơn 1.500 ca ghép phổi.
Thời báo Y Tế cho biết, trong số các ca ghép tạng, ghép phổi là khó nhất, và đòi hỏi sự đồng bộ của người cho và người nhận cao nhất, nên số ca ghép phổi ít hơn nhiều so với ghép gan và ghép thận.
Tuy nhiên, vào năm 2022, nhóm ghép phổi của Bệnh viện Nhân dân Vô Tích đã có thể thực hiện 4 ca ghép phổi cùng lúc, và lập kỷ lục hoàn thành 6 ca ghép phổi trong vòng 24 giờ. Dưới sự lãnh đạo của ông Trần Tĩnh Du, ông và nhóm của mình còn hỗ trợ việc ghép phổi tại hơn 30 bệnh viện ở 18 tỉnh của Trung Quốc.
Là người có thẩm quyền về cấy ghép phổi của ĐCSTQ, ông Trần Tĩnh Du hiểu rất rõ rằng tại Trung Quốc không có luật chết não.
Giáo sư Uông Chí Viễn nhận định, ông Trần Tĩnh Du biết rằng việc sử dụng nguồn hiến tặng chết não là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng lại dám phát biểu công khai, cho thấy phương pháp này đã trở nên rất phổ biến trong các hoạt động cấy ghép ở Trung Quốc. Cho dù trên bề mặt, ĐCSTQ luôn quảng bá rằng những người hiến tặng đã “chết tim” hoặc “chết tim và não”, nhưng thực ra đó chỉ là vỏ bọc.
Chuỗi bằng chứng về tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ
ĐCSTQ tuyên bố rằng việc sử dụng nội tạng của tử tù làm nguồn cấy ghép tạng đã hoàn toàn chấm dứt kể từ năm 2015. Tuy nhiên, số các ca ghép phổi ở Trung Quốc vẫn tăng lên hàng năm, từ 118 ca năm 2015 lên 403 ca năm 2018, tăng gấp 3,4 lần. Đây chỉ là dữ liệu công khai từ Bộ Y tế của ĐCSTQ.
Năm 2017, số ca ghép phổi ở Trung Quốc đứng đầu thế giới. Năm sau, ông Trần Tĩnh Du tuyên bố với truyền thông nhà nước The Paper rằng không thiếu người hiến phổi ở Trung Quốc, mà chỉ thiếu người nhận, “năm ngoái, hơn 5.400 bệnh nhân đã hiến phổi, nhưng sử dụng chưa đến 5 %.”
Tháng 11/2022, ông Trần Tĩnh Du cho biết trên Weibo: “Vô tình 9 ca ghép phổi đã được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau trong vòng 6 ngày. Việc ghép phổi đã trở thành một ca phẫu thuật lồng ngực thông thường.”
Số ca ghép phổi ở Trung Quốc tăng lên chóng mặt. Ca ghép phổi khó khăn nhất cũng trở thành “ca phẫu thuật thông thường” trong mắt ông Trần Tĩnh Du, nguồn hiến tặng nhiều đến mức dùng không hết. Vậy nguồn cung “chết não” dồi dào ấy đến từ đâu?
Cuối năm 2017, đài truyền hình TV Chosun của Hàn Quốc đã sản xuất và phát sóng bộ phim tài liệu “Giết người để sống” dựa trên cuộc điều tra 20.000 người Hàn Quốc sang Trung Quốc ghép tạng.
Trong bộ phim tài liệu này, “Thiết bị tác động gây chấn thương thân não sơ cấp” do ông Vương Lập Quân, cựu Phó thị trưởng, kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh, phát minh lại xuất hiện trước công chúng.
TV Chosun phát hiện ra rằng những người hiến tạng của các bệnh viện của ĐCSTQ đã sử dụng thiết bị này.
Thiết bị này có khả năng gây chết thân não một cách chính xác, mà không làm tổn thương các mô não khác. Cuốn sách “Chuỗi chứng cứ theo chiều dọc” viết rằng nạn nhân được đặt trên thiết bị này để cố định đầu, sau đó một quả bóng kim loại được đẩy với một lực tác động cực lớn, nhằm đập chính xác vào hộp sọ, khiến thân não chết đột ngột, nạn nhân ngừng thở và ngừng tim ngay lập tức. Đồng thời máy thở được đặt để duy trì hô hấp và tuần hoàn máu.
Các bộ phận khác của não lập tức rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Đệm giảm va đập loại bỏ những khả năng bị va chạm, khiến mô não không bị tổn thương trên diện rộng, và không gây tổn thương phổi. Đồng thời khi lấy tim, phổi ra, người hiến sẽ không có bất kỳ phản ứng giãy giụa nào.
Cuốn “Chuỗi bằng chứng theo chiều dọc” tuyên bố rằng thiết bị này chỉ được sử dụng để thu hoạch nội tạng sống. Có bao nhiêu người sống đã bị mang ra thử nghiệm để sử dụng thành công thiết bị này?! Có ai trong ĐCSTQ quan tâm đến việc liệu các nạn nhân có tỉnh táo, có tri giác và cảm thấy đau đớn khi họ bị giết hay không?!
Cuốn sách tuyên bố rằng với chuỗi bằng chứng do ông Trần Tĩnh Du cung cấp, thiết bị giết người này là bằng chứng vật chất cuối cùng cho một “chuỗi bằng chứng theo chiều dọc” liên quan đến tội ác thu hoạch sống của ĐCSTQ!
Tháng 8/2016, WOIPFG đã đưa ra thông báo rằng ông Trần Tĩnh Du bị nghi ngờ nghiêm trọng về việc tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công và tội mưu sát diệt chủng. WOIPFG đã khởi tố ông Trần Tĩnh Du và tiến hành điều tra.
Năm 2019, sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một tòa án độc lập ở London đã ra kết luận “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn đã được thực hiện ở Trung Quốc trong nhiều năm”, và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Ngày 27/3/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Dự luật chấm dứt mổ cướp nội tạng năm 2023”, nhằm trừng phạt ĐCSTQ vì tội thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Theo dự luật, các hình phạt đối với những người tham gia thu hoạch nội tạng sống bao gồm: Hình phạt dân sự lên tới 250.000 USD, hình phạt hình sự lên tới 1 triệu USD và 20 năm tù.
Từ khóa Dòng sự kiện Cấy ghép phổi Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Thu hoạch nội tạng Ghép tạng Máy làm chết não