Chuyên gia: Công nhân Foxconn TQ tháo chạy vì ‘Zero COVID’ giống cảnh chạy nạn đói năm 1942
- Hạ Trân
- •
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu – Hà Nam (Trung Quốc) gia công iPhone cho Apple đang chứng kiến cảnh làn sóng công nhân tháo chạy. Chuyên gia truyền thông Nhật Bản Akio Yaita đã ví cảnh này giống như làn sóng chạy nạn trong nạn đói ở Hà Nam (Trung Quốc) năm 1942.
Từ giữa tháng 10 tại nhà máy Foxconn gia công iPhone cho Apple ở Trịnh Châu – Hà Nam (Trung Quốc), cơ quan chức năng đã phát hiện có những trường hợp nhiễm COVID-19 nên lập tức cho phong tỏa toàn bộ công nhân nhà máy. Vì không chịu được chính sách ‘Zero COVID’ cực đoan, nhiều công nhân của Foxconn đã ‘đào thoát’ bằng cách đi bộ lang thang trên các cánh đồng mênh mông và đường cao tốc với hy vọng về được quê nhà.
Giám đốc Akio Yaita chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) – người từng là phóng viên trú tại Bắc Kinh – cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng những ngày qua có rất nhiều hình ảnh và video gây sốc, ghi lại cảnh công nhân bỏ trốn khỏi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu tỉnh Hà Nam – Trung Quốc. Hàng ngàn thanh niên mang theo hành lý đi băng qua những cánh đồng, làng mạc, lặng lẽ bất kể ngày đêm đi xuyên qua vùng đồng bằng trung nguyên rộng lớn.
Ông Yaita Akio nói rằng hầu hết các hình ảnh và video này chỉ tồn tại trên mạng internet trong một khoảng thời gian rất ngắn đã bị xóa bỏ, đọng lại nhiều thông tin phức tạp đan xen. Vẫn còn khó khăn để biết số người bỏ chạy này cùng hướng đi chính của họ, nhưng không có gì nghi ngờ về một thảm họa nhân đạo lớn đang diễn ra ở Hà Nam – Trung Quốc.
Ông cho hay nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã bị chính quyền địa phương phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19 được phát hiện cách đây hai tuần. Chính sách ‘Zero COVID’ khiến hàng chục ngàn công nhân bị nhốt trong ký túc xá, mỗi phòng trong ký túc xá có hơn chục người ở, không gian sống chật hẹp và thiếu trầm trọng lương thực; khẩu trang chỉ được cấp 3 ngày một lần; có người bị bệnh cũng không thể đi chữa trị. Các công nhân chịu đựng được hơn chục ngày thì không chịu thấu đành bất chấp tất cả vượt qua ngăn chặn của an ninh để tháo chạy.
Tại đây, nhiều công nhân được tuyển dụng từ các vùng nông thôn ở Hà Nam nên họ đã đi bộ theo đường cao tốc về quê. Cuộc sống trong ký túc xá của họ như thế nào trước khi phải bỏ trốn? Họ trải qua những khó khăn gian khổ nào để đi bộ vượt hàng trăm cây số trở về quê hương? Những chuyện này trước sau cũng được biết qua các kênh thông tin tự chia sẻ. Nhưng bây giờ có thể hình dung với cuộc đời họ thì chắc chắn đó là một trải nghiệm đau thương không thể quên.
Theo lời kể của ông Yaita Akio, chính quyền địa phương đã cử một lượng lớn quân cảnh đến với hy vọng ngăn chặn, nhưng đành chịu thua vì có quá nhiều người bỏ chạy. Giờ đây, người ta đã ngầm đồng ý chấp nhận cho các công nhân đi bộ trở về quê. Được biết một nhóm công tác từ chính quyền trung ương đã được cử đến Trịnh Châu để điều tra sự việc. Những công nhân dẫn đầu hoạt động phá bỏ hàng rào an ninh có khả năng phải đối mặt với tương lai bị trừng trị.
Chuyên gia Nhật Bản này chỉ trích cái gọi là ‘phòng chống dịch bệnh’ của nhà cầm quyền Trung Quốc là hoàn toàn không phù hợp với tình hình thực tế. Sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn cung cấp nguyên liệu, sự bất cân xứng về thông tin, sự hoảng loạn và các vấn đề khác đều đã được bộc lộ. Ông nói: “Biến cố tháo chạy này theo một nghĩa nào đó tượng trưng cho sự thất bại của chính sách ‘Zero COVID’ mà Chính phủ Trung Quốc chủ trương”.
Ông cho rằng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới thì chính phủ các nước cũng có những vấn đề bất cập, nhưng đến giờ thực tế cho thấy hành động tồi tệ nhất là Chính phủ Trung Quốc, lý do chính vì chỉ đạo vấn đề này là bộ máy chính trị thay vì chuyên gia chuyên môn. Vấn đề này lột trần điểm yếu nghiêm trọng nhất của chế độ độc tài, cho thấy sự khác biệt lớn giữa chế độ độc tài và chế độ dân chủ là như thế nào.
Phóng viên Stephen McDonell của BBC trú tại Bắc Kinh cũng đã tweet vào ngày 30/10 rằng “biện pháp ‘Zero COVID’ của Trung Quốc đang gây áp lực quá lớn cho nền kinh tế, sinh kế và ổn định xã hội Trung Quốc”.
Từ khóa iphone Foxconn Apple Zero COVID Foxconn Trung Quốc