CLB phóng viên Hồng Kông yêu cầu chính quyền Đặc khu đảm bảo tự do báo chí
- Như Ngọc
- •
Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài Thường trú tại Hồng Kông (FCC) hôm thứ Năm (2/7) đã viết thư ngỏ gửi Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam yêu cầu chính quyền phải đảm bảo tự do báo chí và bảo vệ các nhà báo khỏi các rủi ro theo luật an ninh quốc gia vừa mới được thực thi.
FCC kêu gọi chính quyền Đặc khu phải bảo vệ tất cả các nhà báo để họ được phép đưa tin về tất cả các chủ đề và sẽ không bị các nhà chức trách và cảnh sát cản trở hoặc hăm dọa khi họ tác nghiệp.
Lá thư FCC gửi bà Carrie Lam đến sau khi chính quyền Hồng Kông không thể giải quyết những lo lắng của CLB phóng viên về luật an ninh quốc gia mới, trong đó có những định nghĩa rộng về các hành vi có thể bị khép tội hình sự như ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài.
FCC cũng yêu cầu chính quyền của bà Lam phải cam kết rằng các nhà báo sẽ không phải đối mặt với nguy cơ phạm pháp do phê bình chính phủ, trích dẫn các phê bình chính phủ hoặc chia sẻ các bài viết của họ lên mạng xã hội. Lá thư viết rằng công việc, những tuyên bố và hoạt động của các nhà báo trong FCC được thực hiện bên ngoài Trung Quốc và Hồng Kông nên họ không đáng bị đặt vào rủi ro phạm pháp theo luật an ninh mới áp đặt đối với Hồng Kông.
“Việc cấp mới và gia hạn thị thực cho các phóng viên nước ngoài sẽ không được sử dụng để kiểm soát hoặc hạn chế đưa tin về Hồng Kông, cũng như không được dùng làm biện pháp trừng phạt… Chính quyền sẽ không được ban hành một hệ thống đăng ký cho các nhà báo hoặc một thị thực báo chí đặc biệt”, lá thư viết.
Trong thư, FCC cũng nói thêm rằng các nhà báo không nên bị buộc phải nộp những ghi chép của họ hoặc buộc phải cho phép các nhà chức trách tiếp cận các thiết bị kỹ thuật số hay buộc phải tiết lộ thông tin về các nguồn tin của họ.
Trong khi đó, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã kêu gọi các quốc gia dân chủ hãy “hành động tức thì” để ngăn chặn Bắc Kinh “bóp nghẹt” quyền tự do báo chí tại Hồng Kông. Tổ chức phi chính phủ này cáo buộc chế độ Trung Quốc đang theo đuổi việc thiết lập một “trật tự truyền thông thế giới mới” theo luật an ninh quốc gia mới được thực thi.
Trưởng chi nhánh RSF Đông Á Cédric Alviani cho hay: “Quy định lố bịch này, mở rộng tới cả việc thông dịch, không chỉ cho chế độ Bắc Kinh một công cụ để quấy rối và trừng phạt các nhà báo tại Hồng Kông với vỏ bọc hợp pháp, mà nó còn cho phép Trung Quốc bắt nạt và đe dọa bỏ tù các nhà bình luận tin tức ở nước ngoài”.
Cảnh sát Hồng Kông phê bình truyền thông
Hôm thứ Năm (2/7), cảnh sát đã gửi văn bản tới 4 hiệp hội nhà báo địa phương để phản ánh những gì mà họ coi là cách hành xử không chuyên nghiệp của báo chí trong việc đưa tin về cuộc biểu tình ngày 1/7 vừa qua. Cảnh sát cho biết họ đã phát hiện một phụ nữ mặc áo khoác phản quang màu vàng, nhưng cô ta không phải là phóng viên. Cô ta sau đó đã bị bắt với cáo buộc tham gia vào cuộc tụ tập bất hợp pháp.
Cảnh sát cũng lên án một bài báo trên truyền thông trực tuyến đưa tin về vụ việc một sĩ quan cảnh sát bị đâm trong cuộc biểu tình hôm 1/7. Cảnh sát cáo buộc bài báo này “tô vẽ” cho hành vi tấn công vào sĩ quan và họ lên án đó là hành vi “hoàn toàn đáng khinh”.
Cảnh sát cũng bày tỏ đáng tiếc về việc các nhân viên truyền thông đã chụp ảnh cận cảnh một số tờ thông tin trong đó có ghi thông tin cá nhân của các sĩ quan cảnh sát.
“Việc quay phim từ cự ly gần và phát trực tiếp lên mạng về thông tin của các sĩ quan cảnh sát là hành vi cực kỳ không chuyên nghiệp và có thể vi phạm một lệnh cấm của tòa án”, cảnh sát tuyên bố trên Facebook.
Tháng Mười năm ngoái, Tòa án Tối cao Hồng Kông đã ban hành một lệnh cấm để hạn chế việc sử dụng, công khai và tiết lộ dữ liệu cá nhân của cảnh sát và các thành viên gia đình của họ nhằm ngăn chặn việc đánh cắp thông tin và quấy rối đời tư. Cảnh sát trước đó cũng đã bị chỉ trích vì hiển thị thẻ căn cước của các nhà báo trong khi tường thuật trực tiếp biểu tình.
Phóng viên ảnh tự do của HKFP bị lục soát
Trong cuộc biểu tình hôm 1/7 vừa qua, phóng viên ảnh tự do của HKFP May James đã bị cảnh sát chặn lại và lúc soát trong khi cô đang tác nghiệp trong khu vực biểu tình.
Cô May James đã từ chối tiết lộ mức lương của cô khi bị cảnh sát yêu cầu sau khi họ tuyên bố cô bị tình nghi mang theo một vật dụng có thể gây thương tích cho người khác. Cô May James đã được thả sau khi cô đồng ý bỏ khẩu trang và trưng thẻ căn cước và nói tên của cô trước máy quay của cảnh sát.
4 nhân viên phát báo Epoch Times Hồng Kông bị bắt giữ
Khoảng thời gian từ 2 giờ đến 4 giờ chiều ngày 1/7, trong lúc cảnh sát vây bắt người biểu tình, có 4 nhân viên của tờ Epoch Times Hồng Kông cũng bị bắt đưa lên xe cảnh sát và bị đưa đi. Trong số họ có một người đã cao tuổi.
Epoch Times lên án mạnh mẽ phía cảnh sát vì đã bắt bớ những nhân viên của Epoch Times Hồng Kông một cách bừa bãi, đồng thời yêu cầu thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người đã bị bắt.
Theo Epoch Times Hồng Kông, tối ngày 2/7, sau khi nộp 500 đô la Hồng Kông tiền bảo lãnh, 4 nhân viên của tờ báo này lần lượt được rời khỏi đồn cảnh sát. Cảnh sát yêu cầu họ ngày 4/8 quay trở lại đồn cảnh sát để trình diện.
Về việc 4 nhân viên phát báo của Epoch Times được trả tự do, Epoch Times Hồng Kông cảm ơn cộng đồng quốc tế và nhân sĩ các giới tại Hồng Kông đã quan tâm và ủng hộ.
Người phát ngôn Epoch Times Hồng Kông, bà Ngô Tuyết Nhi cho biết, bà cảm ơn bạn bè các giới đã kịp thời giúp đỡ. Epoch Times lên án hành vi lạm dụng bắt người của cảnh sát Hồng Kông, lần lạm dụng bắt bớ này đang hủy hoại tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền cơ bản, những điều vốn chỉ còn sót lại rất ít tại Hồng Kông hiện nay.
Bà Ngô nói: “Bấy lâu nay, Epoch Times tuân theo thiên chức của truyền thông độc lập, báo cáo đúng sự thực hiện trạng xã hội, kiên trì giữ vững giá trị phổ quát, kế thừa văn hóa Trung Hoa truyền thống, vạch trần Đảng Cộng sản Trung Quốc tà ác, bảo vệ sự thật. Nhân viên phát báo của công ty tham gia hoạt động phát báo bình thường như định kỳ và hợp pháp, họ không nên bị bắt bớ hoặc bị truy tố với bất cứ hình thức nào”.
Bà Ngô còn nói: “Chúng tôi không sợ luật tà ác, từ nay về sau vẫn đem hết sức có thể để duy hộ quyền được biết của người Hồng Kông, tuyệt đối không chùn bước. Chúng tôi sẽ tích cực theo sát các sự kiện bao gồm cả phản ánh đến cộng đồng quốc tế, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến Hồng Kông, xin hãy chú ý các loại áp lực mà hiện nay Epoch Times Hồng Kông đang gặp phải, cũng hy vọng người dân chính nghĩa tại Hồng Kông tiếp tục ủng hộ Epoch Times, giữ vững Hồng Kông”.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa tự do báo chí Dòng sự kiện luật an ninh Hồng Kông Hồng Kông