Con gái tiết lộ trái phép thông tin cá nhân người dùng, phó chủ tịch Baidu từ chức
- Lý Mộc Tử
- •
Mới đây, cô con gái 13 tuổi của phó chủ tịch Baidu Tạ Quảng Quân đã công khai thông tin cá nhân và bắt nạt một phụ nữ đang mang thai trên mạng xã hội, gây chấn động khiến đông đảo cư dân mạng lo ngại Baidu sẽ làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng. Tờ Liberty Times dẫn tin tức mới nhất ngày 27/3 cho biết, ông Tạ Quảng Quân đã chủ động từ chức.

Phó chủ tịch Baidu Tạ Quảng Quân được cho là đã từ chức
Theo tờ Liberty Times, ông Tạ Quảng Quân – phó chủ tịch Baidu Trung Quốc – được cho là đã từ chức vì con gái ông tiết lộ thông tin cá nhân và bắt nạt một phụ nữ đang mang thai trên mạng.
Liberty Times trích dẫn các bản tin của truyền thông Đại Lục cho biết, ngày 25/3, một người trong nội bộ Baidu nói rằng ông Tạ Quảng Quân có thể đã chủ động từ chức. Một nguồn tin cho biết, ông Tạ là người rất tốt bụng và ôn hòa với nhân viên, và rằng một số tin đồn trực tuyến có chứa yếu tố ma quỷ hóa. Hiện tại, Baidu vẫn chưa phản hồi về đơn xin từ chức của ông Tạ Quảng Quân.
Một nhân viên khác của Baidu cho biết, thông tin công việc của ông Tạ Quảng Quân vẫn có thể tìm kiếm trong hệ thống nội bộ, nhưng tình hình cụ thể thì không rõ.
Ngày 25/3, theo trang tin tức Trung Quốc Observer News đưa tin, một cư dân mạng đã tiết lộ lịch sử trò chuyện của con gái ông Tạ Quảng Quân, người được nghi là phó chủ tịch Baidu. Trong phần trò chuyện, cô gái này nói bằng tiếng Trung rằng “Bố đã từ chức”. Điều này cho thấy, chính ông Tạ Quảng Quân đã nộp đơn xin từ chức.
Ông Tạ Quảng Quân công khai xin lỗi vì hành động của con gái
Theo báo cáo từ truyền thông Đại Lục, gần đây, cô con gái vị thành niên của phó chủ tịch Baidu Tạ Quảng Quân đã tiết lộ thông tin của một phụ nữ mang thai và gia đình cô trên mạng xã hội, thậm chí còn gửi tin nhắn xúc phạm đến chồng cô.
Khi được chỉ ra rằng việc tiết lộ thông tin này là bất hợp pháp, cô bé đã nói rằng cô không ở trong nước và không sợ bị báo cảnh sát.
Ngày 17/3, ông Tạ đã đăng bài trên WeChat, long trọng xin lỗi tất cả những người bị ảnh hưởng.
Ông cho biết: “Con gái 13 tuổi của tôi đã cãi nhau với một người nào đó trên mạng và mất kiểm soát cảm xúc. Cháu đã đăng thông tin cá nhân của người này lên các trang mạng xã hội ở nước ngoài bằng tài khoản của mình, dẫn đến việc thông tin cá nhân của cháu bị lộ và khiến một lượng lớn bình luận tiêu cực lan truyền.”
Đáp lại lời xin lỗi của ông Tạ Quảng Quân, cư dân mạng từ Chiết Giang, Bắc Kinh, Cát Lâm và Quảng Đông cho biết: “Một năm trước, ông ấy không xin lỗi vì đã tiết lộ quyền riêng tư của người khác, nhưng giờ ông ấy lại xin lỗi ngay sau khi có người tiết lộ quyền riêng tư của con gái mình.“
“Nếu có chuyện như vậy thì đó là tội vi phạm chức vụ, không thể giải quyết bằng lời xin lỗi.”
“Ông ấy xin lỗi không phải vì ông ấy biết mình sai, mà vì ông ấy biết mình sắp chết.”
“Đây gọi là dung túng, chứ không phải xin lỗi!”
Cựu cảnh sát tiết lộ có thể kiểm tra định vị cá nhân với giá 2.000 nhân dân tệ (khoảng 276 USD)
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, sau khi sự việc con gái phó chủ tịch Baidu Tạ Quảng Quân tiết lộ thông tin trái phép bị cư dân mạng phanh phui, nhiều nạn nhân đã lên tiếng phản ánh trên mạng. Một blogger cho biết, anh đã bị bạo lực trực tuyến và quấy rối qua điện thoại vì bị tiết lộ thông tin cá nhân, nhưng vụ việc của anh vẫn không được giải quyết ngay cả sau khi anh gọi cảnh sát.
Blogger “Xuyên Liệt“ cho biết: “Thông tin hộ khẩu của tôi và gia đình tôi đã bị ghim vào một nhóm TG có hơn 14.000 người. Sau đó, số điện thoại và địa chỉ nhà được thêm vào, để khuyến khích những người khác vào giáo dục tôi và giải trí.
Trong một thời gian, thông tin hộ khẩu của gia đình tôi đã được lan truyền khắp Internet trên các nhóm QQ, nhóm WeChat và các nền tảng video ngắn trong nước. Các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản và các mối đe dọa chỉnh sửa ảnh ác ý vẫn tiếp tục. Gia đình tôi thực sự rất khốn khổ. Tôi đã bị khách hàng quấy rối vào tháng 6/2022 và tháng 2/2023. Tôi đã báo cáo vụ việc, nhưng cuối cùng, không có gì xảy ra.”
Bản báo cáo nêu rõ, một blogger từng làm việc trong ngành an ninh công cộng cho biết, hiện anh đang hỗ trợ những người bị bắt vì nghi ngờ có liên quan đến vụ tiết lộ thông tin trực tuyến.
Blogger “SIR Lao động Hình sự Quảng Châu“ cho biết: “Hôm nay, tôi đã gặp một người tại một trại giam ở Quảng Châu. Công ty này đã thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như kiểm tra hộ khẩu với số tiền 500 nhân dân tệ (khoảng 69 USD) và kiểm tra định vị với số tiền 2.000 nhân dân tệ (khoảng 276 USD) .
Người liên quan đã gửi một lượng lớn thông tin cho khách hàng theo chỉ dẫn của ông chủ, và không bao giờ nghĩ rằng nó chứa thông tin riêng tư, như thông tin nhận dạng và số điện thoại di động. Chúng tôi đã so sánh từng thông tin liên quan đến vụ án ngay trong đêm và đã thành công trong việc giảm số lượng thông tin ban đầu được xác định từ 100.000 tin xuống còn 60.000 tin.”
Yêu cầu đăng ký tên thật của ĐCSTQ là một lỗ hổng lớn gây rò rỉ thông tin cá nhân
Ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do rằng Chính phủ Trung Quốc đã thu thập được một lượng lớn thông tin cá nhân thông qua hệ thống tên thật, nhằm kiểm soát cuộc sống của người dân, nhưng điều này cũng khiến chính phủ trở thành kẽ hở chính cho việc rò rỉ thông tin cá nhân.
Ông cho biết: “Thông tin cá nhân, như số điện thoại và số CMND của bạn, có thể trở thành thông tin để kiếm tiền. Sở công an có thông tin toàn diện nhất. Thông qua trang web nội bộ của họ, có thể kiểm tra người này có những tài khoản nào, mối quan hệ gia đình, số điện thoại của họ, những khách sạn họ từng ở, v.v. Công an nắm rõ nhất.
Họ cũng có thể theo dõi nơi ở của một người. Chúng tôi (luật sư) nộp đơn lên sở công an để xin những thông tin cá nhân này. Nếu thông tin riêng tư cá nhân của một người bị rò rỉ, thì sở công an là nơi kẽ hở lớn nhất.”
Ngô Thiệu Bình cho biết, tình trạng tiết lộ trái phép thông tin cá nhân đã tồn tại ở Trung Quốc từ lâu, thậm chí đã có vụ kiện từ năm 2014 nhưng chính quyền vẫn luôn phớt lờ. Hiện giờ họ lại đột nhiên tích cực đàn áp và chỉ trích tình trạng rò rỉ thông tin ra nước ngoài.
Ông tin rằng sự việc này có liên quan đến “danh sách đen” do các tình nguyện viên ở nước ngoài lập ra gần đây, công bố một lượng lớn thông tin cá nhân của các quan chức ĐCSTQ, khiến chính quyền cảm thấy khủng hoảng và muốn nhân cơ hội này trấn áp các hoạt động thu thập thông tin.
Nhà bình luận thời sự Vương Kiếm cũng nói với Đài Á Châu Tự Do, rằng việc tiết lộ thông tin cá nhân đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các quan chức và người dân. Vì cô con gái 13 tuổi của Phó chủ tịch Baidu Tạ Quảng Quân bị tình nghi sử dụng nó để thực hiện hành vi bạo lực mạng. Điều này cũng làm nổi bật vấn đề xã hội sâu xa của tầng lớp được hưởng đặc quyền không giới hạn.
Từ khóa Baidu
