Gần đây, nhiều báo cáo ngoài Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh đang không tiếc công sức quảng bá hệ thống diễn ngôn của họ ra cộng đồng quốc tế, nhằm tác động đến dư luận quốc tế. Đặc biệt, “người nổi tiếng trên Internet” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đào tạo và thổi phồng, được sử dụng như một kênh tuyên truyền đối ngoại lớn.

p3061051a706616600
Hai cha con người Anh “Lee and Oli Barrett” nổi tiếng trên YouTube là nhóm “những người nước ngoài nổi tiếng trên Internet” thân ĐCSTQ. Họ không chỉ làm phim miêu tả cảnh những người nước ngoài sống hạnh phúc ở Trung Quốc, mà còn thường đứng sau bộ máy tuyên truyền quốc gia quy mô lớn của Bắc Kinh. (Ảnh: YouTube “Lee and Oli Barrett”)

ĐCSTQ chiêu mộ “những người nước ngoài nổi tiếng trên Internet”

Các tài liệu của Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng Chính phủ Trung Quốc đã thuê những người nổi tiếng trên mạng xã hội Mỹ để quảng bá Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Trang The Washington Free Beacon của Mỹ đưa tin, theo “Luật đăng ký Đại diện Nước ngoài” (FARA) được trình lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York đã thuê một công ty quan hệ công chúng Vippi Media của Mỹ với mức giá 300.000 đô la Mỹ.

Công ty này sẽ chiêu mộ những người nổi tiếng trên các nền tảng xã hội như Instagram và TikTok để quảng bá Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, và thổi phồng sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về biến đổi khí hậu cũng như các các vấn đề khác.

Hợp đồng yêu cầu công ty quan hệ công chúng thuê 8 nhân vật nổi tiếng trên Internet để sản xuất ít nhất 24 bài đăng về Thế vận hội, lịch sử Bắc Kinh, mối quan hệ Mỹ – Trung và các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài. 70% trong số đó cần tập trung vào Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và lịch sử Bắc Kinh.

Ông Hàn Sơn (Tim Niven), Giám đốc Phòng thí nghiệm Dân chủ Đài Loan (Doublethink Lab), chuyên nghiên cứu về việc ĐCSTQ phổ biến thông tin sai lệch, cho rằng việc nhét lời vào miệng người khác là một thủ đoạn tuyên truyền đối ngoại thường dùng của ĐCSTQ.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do: “Tất nhiên họ có những mục tiêu nhất định. Đầu tiên là quyền lực của Đảng Cộng sản ở trong nước, phải ổn định, phải an toàn. Sau đó họ phải tẩy trắng hình ảnh của Trung Quốc.”

New York Times: ĐCSTQ sử dụng những người nước ngoài nổi tiếng trên Internet để tuyên truyền đối ngoại

Ngoài việc mở rộng hoạt động của mình sang Hoa Kỳ, Úc, Liên minh Châu Âu và các cộng đồng quốc tế khác, ĐCSTQ cũng tích cực hợp tác với các “nhân vật nổi tiếng trên Internet” nước ngoài được nuôi dưỡng ở Trung Quốc, để quảng bá các thông điệp ủng hộ Trung Quốc và phủ nhận cuộc đàn áp nhân quyền của Chính phủ Trung Quốc.

Ngày 13/12, New York Times đưa tin, một lượng lớn người nổi tiếng nước ngoài trên Internet ở Trung Quốc đã nhận được tài trợ hoặc thù lao từ chính quyền Bắc Kinh. Họ hợp tác với truyền thông nhà nước để đến thăm và quay phim tại những nơi mà các nhà báo nước ngoài bị hạn chế đưa tin.

Họ đi bộ đến cánh đồng bông ở Tân Cương, nếm thử thịt dê nướng. Đồng thời bác bỏ cáo buộc của quốc tế về trại cải tạo và lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Qua video, họ giới thiệu tới hàng triệu người hâm mộ và khán giả về những năm bình yên của Trung Quốc.

New York Times đưa tin nhóm hai cha con Lee and Oli Barrett là một trong những nhóm người nước ngoài nổi tiếng trên Internet thân ĐCSTQ, hoạt động tích cực trên YouTube. Không chỉ quay video mô tả cảnh những người nước ngoài sống hạnh phúc ở Trung Quốc, họ còn tấn công những chỉ trích về chế độ độc tài Bắc Kinh, cuộc đàn áp các dân tộc thiểu số và việc xử lý dịch bệnh không thỏa đáng.

Theo tài liệu của chính phủ và lời kể từ những người nước ngoài nổi tiếng trên Internet, các kênh truyền thông nhà nước và chính quyền địa phương lập kế hoạch và tài trợ cho các chuyến du lịch của họ ở Trung Quốc.

ĐCSTQ cũng trả tiền hoặc đề xuất trả tiền cho những người quay các video này. Đồng thời chia sẻ video của người nổi tiếng nước ngoài trên Internet đến hàng ngàn người hâm mộ, trên các nền tảng xã hội như YouTube, Twitter và Facebook, nhằm mang lại lưu lượng truy cập và danh tiếng cho họ.

Với sự hỗ trợ của truyền thông nhà nước, những nhà sản xuất video này có thể đến thăm và quay phim ở một số khu vực mà chính quyền Bắc Kinh ngăn cản các nhà báo nước ngoài đưa tin.

Hầu hết những YouTuber này đã sống ở Trung Quốc nhiều năm. Họ tuyên bố rằng mục tiêu của mình là cân bằng quan điểm ngày càng tiêu cực của phương Tây về Trung Quốc.

New York Times chỉ ra rằng mặc dù những người sản xuất này không coi mình là công cụ tuyên truyền, nhưng Bắc Kinh thực sự đang sử dụng họ theo cách này. Tại các cuộc họp báo, các nhà ngoại giao và đại diện của ĐCSTQ từng khoe phim của những người nước ngoài nổi tiếng trên Internet này, và quảng bá video của họ trên mạng xã hội. 6 người nổi tiếng mạng xã hội có sức ảnh hưởng nhất thân ĐCSTQ đã đạt được hơn 130 triệu lượt xem trên YouTube và thu hút hơn 1,1 triệu người đăng ký.

Vũ khí tuyên truyền mới quy mô lớn ở nước ngoài

Nhiều hãng truyền thông quốc tế, gồm BBC, VOA và Deutsche Welle (DW, Đài tiếng nói Đức), phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tuyển dụng nhiều người nước ngoài nổi tiếng trên Internet, để sản xuất các bộ phim liên quan đến Tân Cương trên YouTube, hòng tẩy trắng hình ảnh Bắc Kinh với công chúng nước ngoài.

Ngày 21/7 năm nay, VOA đưa tin nếu bạn tìm kiếm bính âm Hán ngữ của từ “Tân Cương” trên YouTube gần đây, ngoài những thông tin do báo chí phương Tây báo cáo, rất có thể sẽ có video của các YouTuber nước ngoài về Tân Cương.

Trong những video này, YouTuber nước ngoài đã chia sẻ những gì họ thấy và nghe khi trực tiếp đến thăm Tân Cương, hoặc bác bỏ các báo cáo của phương Tây. Trong đó quan điểm và ý kiến ​​của nhiều người gần như phù hợp với những lời tự thuật của Chính phủ Trung Quốc.

Theo báo cáo, trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã triển khai một số hoạt động, nhằm cố gắng tìm kiếm những người nước ngoài có thể “kể tốt hơn câu chuyện về Trung Quốc và ĐCSTQ.”

Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc CGTN đã phát động một cuộc thi có tên “Những người thách thức truyền thông” (Media Challengers), nhằm khám phá các nhà báo, YouTuber và những cư dân mạng nổi tiếng trên toàn thế giới.

Cuối cùng, người chiến thắng sẽ nhận được số tiền thưởng lên đến 10.000 USD và có cơ hội nhận được công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại CGTN.

BBC dẫn lời một số người thông thạo vấn đề này và chỉ ra rằng CGTN hiện tập trung vào việc sử dụng “những người nổi tiếng và người nổi tiếng trên Internet” để chống lại các báo cáo của giới truyền thông nước ngoài.

Vì mục đích này, một bộ phận đặc biệt “người nổi tiếng trên Internet” được thành lập. Bộ phận này phụ trách liên lạc với người nước ngoài, thảo luận về việc sử dụng phim của họ, hoặc các vấn đề liên quan đến đồng sản xuất video, và sắp xếp cho họ đến Tân Cương.

Theo báo cáo của Deutsche Welle, hai nhà báo Đức đã đến Tân Cương phỏng vấn một nhà máy địa phương do Đức làm chủ. Nhưng cả hai đều bị chính quyền Trung Quốc theo dõi suốt hành trình và nhiều lần bị cảnh sát thẩm vấn. Khi những phóng viên đứng ngoài cổng một nơi bị nghi ngờ là “trại cải tạo”, họ nghe thấy “bài hát yêu nước” phát ra từ bên trong. Sau khi cả hai người đứng ở ngoài cổng vài phút, họ bị 8 cảnh sát bao vây truy hỏi danh tính.

Chỉ là những cảnh này sẽ không xuất hiện trong các video của “người nước ngoài nổi tiếng trên Internet.”

Dương Thiên Tư / Vision Times

Xem thêm: