Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp tự do tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền trong suốt 100 năm cai trị. 

ĐCSTQ
Các học viên Pháp Luân Công tổ chức diễu hành hôm 18/4/2021 tại Flushing, New York. (Ảnh: The Epoch Times)

Các linh mục và nữ tu bị buộc phải quỳ xuống trước một đống lửa lớn, bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi các nhạc cụ thiêng liêng và đốt cháy da của họ.

Tại một thành phố khác của Trung Quốc, học sinh đeo băng tay đỏ dùng gậy gỗ sắc nhọn đánh những người Công giáo, ném một linh mục xuống hố lửa sau khi người này gục xuống vì đau đớn. Họ đã đánh tử vong một nữ tu sau khi cô từ chối dẫm lên bức tượng của Đức Mẹ Maria.

Một linh mục Công giáo đã bị chôn sống ở Bắc Kinh sau khi từ chối tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Dù những vụ việc này nghe rùng rợn thế nào, những hành động tàn bạo kể trên do nhà truyền giáo Sergio Ticozzi ở Hong Kong ghi lại không phải là điều hiếm xảy ra đối với những người Trung Quốc có đức tin trong gian đoạn điên cuồng của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ từ năm 1966, khi tất cả các hình thức tôn giáo đều bị coi là “mê tín dị đoan” và bị cấm đoán.

Cuộc đàn áp kiểu như vậy cũng không phải chỉ xảy ra trong giai đoạn cụ thể đó, mà là trong suốt hơn 70 năm ĐCSTQ cai trị đất nước.

Chế độ độc tài của ĐCSTQ

Trong 100 năm qua, ĐCSTQ theo chủ nghĩa vô thần đã tìm mọi cách nhằm kiểm soát tuyệt đối các đảng viên ĐCSTQ, cũng như người dân Trung Quốc.

Cựu đại sứ Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback nói với The Epoch Times rằng: “Họ không thể chấp nhận bất kỳ một lòng trung thành nào khác ngoài lòng trung thành đối với nhà cầm quyền”.

Kết quả là, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ liên tiếp đã phát động hết chiến dịch này đến chiến dịch khác nhằm đè bẹp và kiểm soát những người có đức tin ở Trung Quốc.

Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, đã giám sát một trong những chiến dịch triệt để nhất nhằm xóa sổ tôn giáo của Trung Quốc. Mao đã so sánh tôn giáo như là “chất độc” trong cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong cuốn tự truyện của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại việc Mao nói với ông vào năm 1954 rằng tôn giáo “làm suy yếu chủng tộc” và “cản trở sự tiến bộ của đất nước”.

Năm 1993, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân  tuyên bố rằng tự do tôn giáo là “không phù hợp với các Đảng viên ĐCSTQ”, và kêu gọi các Đảng viên ĐCSTQ “hãy kiên nhẫn giáo dục” những người có đức tin để giúp họ “thoát khỏi gông cùm tôn giáo”.

Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Cơ đốc giáo, 5 tôn giáo mà ĐCSTQ đã chính thức chấp nhận, vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, trong đó các quan chức ĐCSTQ sẽ đặt ra những điều khoản liên quan đến cách thức hoạt động của các nhóm tôn giáo này.

Các quan chức Trung Quốc về vấn đề tôn giáo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “hướng tôn giáo tới các giá trị xã hội chủ nghĩa” và để những người sùng đạo có “lòng biết ơn đối với ĐCSTQ”.

Theo quy định của ĐCSTQ, các thành viên cũng có thể bị trục xuất nếu tin vào tôn giáo hoặc tham gia vào “các hoạt động mê tín dị đoan”.

Kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, những người đứng đầu 6 hiệp hội tôn giáo cấp nhà nước đã nhóm họp vào tháng 6/2021, trong đó tán dương sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Thể hiện quyết tâm “luôn tuân theo ĐCSTQ”, họ cam kết bắt đầu chiến dịch giáo dục để tăng cường “tình yêu đối với ĐCSTQ” trong giới tôn giáo của họ.

Mục sư Bob Fu, người sáng lập nhóm nhân quyền của Cơ đốc giáo China Aid, đã mô tả ĐCSTQ là “Đảng vô thần cực đoan lớn nhất thế giới”.

Mục sư Fu nói với tờ The Epoch Times rằng: “ĐCSTQ đã thực hiện cuộc đàn áp tôn giáo và tội ác phản nhân loại tồi tệ nhất”.

Theo cựu Đại sứ Brownback, ĐCSTQ đang “chống lại đức tin” – có thể là với những người theo đạo Thiên chúa, Phật tử Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương và Pháp Luân Công, một tu luyện tinh thần an hòa, trong đó các học viên hành xử chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong đời sống hàng ngày. Ông Brownback cho hay: “Đó là một cuộc chiến mà họ [ĐCSTQ] sẽ không giành được phần thắng”.

Chính sách không khoan nhượng

Một năm sau khi ĐCSTQ nắm quyền cai trị Trung Quốc vào năm 1949, quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng và buộc người Tây Tạng phải đạt được thỏa thuận 17 điểm (17-point agreement) để hợp pháp hóa sự cai trị của ĐCSTQ. Tuy nhiên, bất chấp những hứa hẹn màu hồng tô vẽ về quyền tự trị của Tây Tạng trên giấy tờ, Bắc Kinh đã biến khu vực này thành một quốc gia bị giám sát và lập ra các trại lao động.

Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của khu vực, đã lưu vong ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi chế độ này dập tắt một cách tàn bạo một cuộc nổi dậy, giết chết hàng chục nghìn người Tây Tạng. Trong 20 năm sau đó, khoảng 1,2 triệu người Tây Tạng đã thiệt mạng dưới các chính sách đàn áp của ĐCSTQ, theo ước tính của chính phủ lưu vong Tây Tạng. Hơn 150 người đã dùng đến cách tự thiêu như một hành động nhằm phản đối ĐCSTQ.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, cảnh sát thường xuyên theo dõi thư từ riêng tư, lục soát nhà và kiểm tra hồ sơ điện thoại để tìm kiếm nội dung bị cấm, chẳng hạn như “âm nhạc phản động” từ Ấn Độ. Các quan chức tỉnh cũng cấm học sinh tham gia các hoạt động tôn giáo trong kỳ nghỉ học. Báo cáo đã trích dẫn 273 người Tây Tạng bị “giam giữ do vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế tính đến cuối năm 2019”.

Một người chăn gia súc người Tây Tạng tên Lhamo, 36 tuổi, là bà mẹ 3 con, đã bị bắt giữ vào tháng 6/2020 vì gửi tiền cho gia đình ở Ấn Độ. Theo nhóm ủng hộ nhân quyền Human Rights Watch, các thành viên trong gia đình gặp cô 2 tháng sau đó và phát hiện cô đã “bị bầm tím nặng và không thể nói được”. Cô qua đời vài ngày sau đó tại một bệnh viện địa phương và được hỏa táng ngay lập tức.

Với trường hợp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hiện đã ở tuổi 86, Bắc Kinh tỏ rõ ý muốn nhúng tay vào việc lựa chọn người kế nhiệm ông. Trong một cuốn sách trắng được phát hành vào tháng 5, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết họ đã xác định và phê duyệt “92 vị Phật sống tái sinh”, qua đó thể hiện ý định muốn chọn vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo khi người đương nhiệm qua đời.

Giám đốc điều hành Lobsang Tseten của nhóm hoạt động vì một Tây Tạng Tự do có trụ sở tại Mỹ cho biết: “ĐCSTQ thực hiện chính sách không khoan nhượng đối với các tín đồ tôn giáo”, đồng thời bổ sung thêm rằng “sự cai trị độc đoán của ĐCSTQ ở Tây Tạng là mối đe dọa trực tiếp đối với mọi khía cạnh cuộc sống của người Tây Tạng”.

Các nhà thờ bị “ĐCSTQ hóa”

Sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhà thờ Công giáo và Tin lành cũng đã tăng cường dưới sự theo dõi của nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã dỡ bỏ hàng nghìn cây thánh giá khỏi các nhà thờ, bắt giữ các mục sư, ra lệnh xóa bỏ các hình tượng Cơ đốc giáo và ráo riết theo đuổi chính sách “ĐCSTQ hóa” bằng cách thành lập “các nhà thờ yêu nước”, trong đó hình ảnh của Chúa Giê-su và Đức mẹ Mary được thay thế bằng chân dung của Tập hoặc Mao.

Chế độ độc tài của Trung Quốc cũng đang diễn giải lại và dịch lại Kinh thánh để quảng bá “Cơ đốc giáo kiểu Trung Quốc”, với một cuốn sách giáo khoa đạo đức của ĐCSTQ đổi trắng thay đen một câu chuyện trong Kinh thánh rằng Chúa Jesus đã ném đá một phụ nữ đến chết trong khi tự nhận mình là tội nhân.

Trong năm 2017, ít nhất 4 thành phố và một tỉnh đã hạn chế tổ chức lễ Giáng sinh, cấm trưng bày đồ trang trí, biểu diễn theo chủ đề và các hoạt động quảng cáo trong mùa Giáng sinh. Các quan chức ĐCSTQ ở một trường đại học đã cấm các hoạt động liên quan đến các ngày lễ tôn giáo phương Tây với danh nghĩa giúp thế hệ trẻ “xây dựng sự tự tin về văn hóa”. Một Cơ đốc nhân vào tháng 1 này đã phải chịu một khoản tiền phạt nặng trị giá 160.000 nhân dân tệ (khoảng gần 570 triệu VNĐ) vì tổ chức mừng lễ Giáng Sinh.

Các nhà thờ ngầm đã sinh sôi nảy nở dưới sự áp bức của ĐCSTQ. Đáp lại, các quan chức ĐCSTQ đã giam giữ những thành viên nhà thờ, và kết án các mục sư với các bản án tù dài hạn.

Mục sư Wang Yi ở Thành Đô thuộc miền trung Trung Quốc đã thành lập một trong những nhà thờ Thiên chúa giáo không đăng ký lớn nhất nước này. Tháng 12/2019, ông đã bị kết án 9 năm tù vì “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” và “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, một cáo buộc mà ĐCSTQ thường xuyên sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Vào tháng 4, Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin rằng Bắc Kinh đang điều hành các cơ sở tẩy não bí mật, thường liên quan đến các hoạt động tra tấn ở tỉnh Tứ Xuyên thuộc phía tây nam Trung Quốc, để buộc các tín đồ Cơ đốc giáo từ bỏ đức tin của họ.

ĐCSTQ ngày càng trở nên tàn bạo hơn

Ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại lao động của Trung Quốc – những nơi mà ĐCSTQ gọi là “trung tâm dạy nghề”. Bề ngoài các trại này được sử dụng để “kiềm chế chủ nghĩa cực đoan” – nơi những người bị giam giữ phải đối mặt với tình trạng lao động cưỡng bức, tra tấn, lạm dụng tình dục, tuyên truyền chính trị, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản.

Dẫn đầu bởi Mỹ, ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Litva, Hà LanVương quốc Anh, đã công nhận chiến dịch đàn áp này của ĐCSTQ là một hình thức diệt chủng.

Trong một tuyên bố hôm 30/6, một ngày trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của ĐCSTQ, giám đốc điều hành Rushan Abbas của Chiến dịch phi lợi nhuận dành cho người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Washington cho biết: “Đây là lời cảnh tỉnh cuối cùng của chúng tôi rằng ĐCSTQ phải bị ngăn chặn nếu chúng ta muốn bảo tồn một hệ thống nhân phẩm và trật tự toàn cầu được tất cả mọi người tôn trọng”.

Một báo cáo gần đây của 2 tổ chức có trụ sở tại Washington là Hiệp hội Oxus về các vấn đề Trung Á và Dự án về Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ đã chỉ ra rằng có ít nhất 28 quốc gia trên thế giới đã “đồng lõa với Trung Quốc trong việc quấy rối và đe dọa người Duy Ngô Nhĩ”. Nhiều quốc gia trong số này có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, bao gồm cả những quốc gia đã ký kết sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc (BRI).

Báo cáo cho biết: “Khi Trung Quốc mở rộng vai trò của mình trên toàn cầu thông qua BRI, nhiều quốc gia có thể sẽ bị trói buộc vào các mối quan hệ phụ thuộc, làm tăng khả năng của Trung Quốc trong việc ép buộc hoặc phối hợp với họ để hỗ trợ nhắm mục tiêu vào các thành viên người nước ngoài và người lưu vong”.

ĐCSTQ có thể khiến bạn biến mất

Không điều gì thể hiện rõ ràng lòng căm thù của ĐCSTQ đối với tôn giáo hơn cuộc đàn áp đẫm máu của chế độ này đối với các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện tinh thần an hòa, gồm 5 bài công pháp (trong đó có bài thiền định) và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, theo thông tin từ trang web của Pháp Luân Công.

My trung phat quan chuc DCSTQ vi buc hai Phap Luan Cong 1
Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đang luyện bài công pháp thứ 5. (Ảnh: Dai Bing/Epoch Times)

Vì lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vào ngày 20/7/1999, lãnh đạo của ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo đối với các học viên. Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã ra lệnh bí mật “bức hại thân thể, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thanh danh của các học viên Pháp Luân Công”, theo tiết lộ của một cựu đại tá quân đội.

Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, bệnh viện tâm thần và các cơ sở giam giữ khác ở Trung Quốc. Hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn tại những địa điểm đó với mục đích buộc các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của mình. Số lượng học viên đã thiệt mạng trong các vụ mổ cướp nội tạng cưỡng bức do nhà nước Trung Quốc trừng phạt không thể xác định được, nội tạng của họ bị cắt ra để bán trên thị trường cấy ghép tạng.

Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhiều ghi nhận cho thấy có 599 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án chỉ vì đức tin của họ. Một trong số họ đã 81 tuổi, bị kết án 9 năm tù, theo dữ liệu từ Minghui.org, một trang web chuyên theo dõi cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công. Hơn 15.000 trường hợp được ghi nhận là đã từng bị quấy nhiễu hoặc bắt giữ vào năm 2020.

Bị thu hút bởi những khoản tiền thưởng hấp dẫn, vào năm 2020, cảnh sát và các quan chức địa phương đã bắt đầu “Chiến dịch Xóa Sổ (Zero-Out Campagin)” nhằm theo dõi những học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc, theo Minghui đưa tin. Các học viên bị yêu cầu ký vào một tuyên bố từ bỏ đức tin của họ, nếu không sẽ bị mất lương hưu, sự nghiệp hoặc cản trở việc học hành của con cái.

Một sĩ quan đến từ tỉnh Hắc Long Giang ở cực bắc của Trung Quốc được cho là đã nói với một học viên Pháp Luân Công rằng: “Chúng tôi có thể khiến anh biến mất nếu chúng tôi ra lệnh làm điều đó”.

Học viên Guo Zhenfang, đến từ thành phố Xích Phong ở Đông Nam Nội Mông, đã tử vong vào tháng 6, một ngày sau khi bị xét xử. Tại bệnh viện, gia đình Guo phát hiện thấy vết máu ở mũi và vết thương quanh đầu gối. Theo Minghui, ở phần lưng của anh ấy, từ thắt lưng trở xuống đã chuyển sang màu “tím đỏ”. Hàng chục cảnh sát mặc thường phục đã ngăn chặn không để gia đình anh kiểm tra thêm phần thi thể và đưa đến lò hỏa táng mà không được sự đồng ý của họ.

buchaiPLC
Vào tháng 7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân bắt đầu chiến dịch đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công, đã bắt và kết án số lượng lớn học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Minghui.org)

Lü Songming, cựu giáo viên lịch sử tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, đã phải ngồi tù tổng cộng 14 năm. Ông đã mất khoảng 20 chiếc răng do bị đánh đập, bị lao động cưỡng bức, điện giật và các hình thức tra tấn khác. Khi được trả tự do vào năm 2018, ông chỉ còn 6 chiếc răng và không còn đủ sức khỏe để làm việc. Ông bị suy tim thường xuyên, cuối cùng qua đời vào tháng 3 ở tuổi 53.

Điểm yếu thực sự

Đại sứ Brownback nhận thấy rằng tại Trung Quốc dưới thời ông Tập ngày càng có thêm nhiều các chiến thuật tàn bạo, vô nhân đạo từ thời Mao đang quay trở lại.

Tuy nhiên, ông Brownback nói rằng ĐCSTQ đang “cho thấy một điểm yếu thực sự”. Cụ thể, ông cho biết: “Họ chắc hẳn đang cảm thấy mất kiểm soát và do đó họ đang thực hiện việc đàn áp và trở nên tàn bạo hơn nhiều”.

Đại sứ Brownback cho hay rằng việc lạm dụng nhân quyền và tự do tôn giáo đang khiến ĐCSTQ phải trả giá bằng hình ảnh toàn cầu, trong khi tại quê nhà, họ đang làm tổn hại đến khả năng duy trì sự cai trị của mình.

Theo ông Brownback, chủ nghĩa cộng sản và đức tin không thể cùng tồn tại, và đức tin sẽ không bị khuất phục, vậy nên cuối cùng chủ nghĩa cộng sản sẽ sụp đổ.

Mục sư Fu cho biết rằng những gì còn lại trong di sản 100 năm của ĐCSTQ sẽ chỉ là “kỷ lục” ghê rợn, khi đây là đảng chính trị duy nhất mà trong đó có nhiều người bị thiệt mạng một cách oan uổng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: