Đạt 90% số phiếu bầu tại Đại hội trù bị, Vương Kỳ Sơn chắc chắn sẽ ở lại Ủy ban Thường vụ?
- Hồng Ngọc
- •
Gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành hội nghị nhằm dự tuyển các thành viên tham gia vào Bộ Chính trị Đại hội 19. Hội nghị có tổng cộng có 512 đầu phiếu, kết quả cho thấy, có 3 nhân vật được thông qua đến 90% số phiếu bầu, trong đó ông Tập Cận Bình chiếm số phiếu cao nhất, còn ông Vương Kỳ Sơn có số lượng phiếu bầu xếp thứ 3.
Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chọn người “nhập thường” (vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị) cho Đại hội 19 đã trở thành tâm điểm chú ý của ngoại giới, đặc biệt là gần đây cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, một trong những ứng cử viên “nặng ký” sẽ “nhập thường” đã bất ngờ “ngã ngựa”. Điều này khiến ngoại giới càng chú ý hơn đến việc sắp xếp nhân sự thượng tầng của ĐCSTQ trước Đại hội 19.
Theo tạp chí Tranh Minh của Hồng Kông, tối ngày 14/7, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ và nhóm lãnh đạo trù bị cho Đại hội 19 đã tiến hành hội nghị tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhằm chuẩn bị danh sách dự tuyển các ủy viên Bộ Chính trị cho kỳ Đại hội sắp tới. Có 512 người tham gia quá trình dự tuyển, kết quả bỏ phiếu cho thấy, có 3 ứng cử viên tiềm năng cho Bộ Chính trị với số phiếu vượt quá con số 500.
Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giành được 508 phiếu bầu, ông Vương Hỗ Ninh, Giám đốc Nghiên cứu chính sách trung ương ĐCSTQ được 504 phiếu, và ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ được 501 phiếu.
Ngoài ra, trong vòng chuẩn bị dự tuyển các thành viên cho Bộ Chính trị này, nhiều lãnh đạo tỉnh cũng giành được số phiếu bầu tỷ lệ cao hơn, như ông Lưu Gia Nghĩa, nguyên Giám đốc Cơ quan Kiểm toán quốc gia (NAO), Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, và ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Một số nhà phân tích nhận định việc ông Vương Kỳ Sơn giành được hơn 500 phiếu bầu minh xác rằng vị trí của ông trong Ủy ban Thường vụ đã được định sẵn.
Trước thềm Đại hội 19, việc rời đi hay ở lại của ông Vương Kỳ Sơn cũng đã trở thành một tâm điểm chú ý của ngoại giới đối với cục diện chính trị Trung Quốc. Trước đây, kênh truyền thông của Đức từng phân tích, ông Vương Kỳ Sơn đóng vai trò là “tướng đả hổ” đắc lực của ông Tập Cận Bình, có thể sẽ phá vỡ quy tắc ngầm “7 lên 8 xuống” (tức 67 tuổi vẫn được ở lại Ủy ban Thường vụ Đại hội 19, còn 68 tuổi thì về hưu).
Ngày 4/8, ông Victor Shih, chuyên gia người Mỹ về các vấn đề kinh tế chính trị Trung Quốc đã phát biểu với kênh Deutsche Welle của Đức, rằng ông Vương Kỳ Sơn nên tiếp tục phá lệ ở lại Ủy ban Thường vụ, bởi vì “Ông Vương Kỳ Sơn trợ giúp ông Tập Cận Bình điều tra rất nhiều quan chức, do đó mà ông này có ảnh hưởng nhất định đến giới chức Trung Quốc. Nếu như hiện tại ông Vương Kỳ Sơn nghỉ hưu, đối với ông Tập Cận Bình mà nói, rủi ro là khá lớn. Biện pháp duy nhất để bảo đảm sự an toàn cho ông Tập, chính là để ông Vương tiếp tục ở lại trong ban lãnh đạo quốc gia.”
Trang Up Media Đài Loan cũng đưa tin, từ ngày 26-27/7, ông Tập Cận Bình đã tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp lãnh đạo tỉnh, bộ tại Khách sạn Kinh Tây. Tại đây, ông Tập đã từng nói miệng đến 4 điều “phải làm bằng mọi giá”, gồm có “Trung ương bằng mọi giá phải bảo vệ những lãnh đạo cấp cao đang ở đầu sóng ngọn gió”, “Bằng mọi giá thanh trừ thế lực phản đối trong nội bộ Đảng”, “Bằng mọi giá ứng phó với các áp lực bên ngoài trong khoảng thời gian diễn ra Đại hội 19”, “Bằng mọi giá trấn áp các nhân tố bất ổn định trong nội bộ”.
Đài phát thanh Pháp RFI hôm 4/8 có bình luận về tin này, câu nói “bằng mọi giá bảo vệ lãnh đạo cấp cao nhất đang ở đầu sóng ngọn gió” mà ông Tập Cận Bình nhắc đến, được cho là nói đến Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn.
Ông Trình Hiểu Nông, học giả kinh tế chính trị, tiến sĩ tại Đại học Princeton cũng phát biểu, ông Vương Kỳ Sơn trong những năm chống tham nhũng gần đây đã tích lũy nhiều kinh nghiệm cũng như lực chấn nhiếp nhất định, trở thành một trợ thủ đắc lực của ông Tập Cận Bình, do đó mà ông Vương không thể nào nghỉ hưu tại Đại hội 19 sắp tới.
Mấy tháng gần đây, ông Vương Kỳ Sơn bị doanh nhân Quách Văn Quý vạch trần tại nước ngoài. Có quan điểm cho rằng, đứng sau hành động này là phe phái và thế lực của ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng.
Trả lời phỏng vấn của trang Vision Times hồi tháng trước, học giả Tân Tử Lăng có nói, mưu kế “quét sạch gian thần, xu nịnh bên cạnh vua” của phe ông Giang Trạch Dân có mục đích là ngăn cản ông Vương Kỳ Sơn ở lại sau Đại hội 19. Ông cho rằng, càng vạch trần thì vị trí của ông Vương Kỳ Sơn có thể càng vững chắc hơn.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Vương Kỳ Sơn Chính trị Trung Quốc Đại hội 19 Quan trường Trung Quốc Tập Cận Bình Giang Trạch Dân