Đấu đá nội bộ ĐCSTQ: Báo đảng đăng lại bài viết về “xóa bỏ chế độ lãnh đạo trọn đời”
- Trí Đạt
- •
Dư âm khẩu hiệu “Tổng Bí thư vạn tuế” đối với ông Tập Cận Bình khi khảo sát tỉnh Cam Túc hồi tháng 8 vẫn chưa dứt, thì mới đây, tạp chí của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên đăng lại bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cách đây 5 năm, nói về việc xoá bỏ chế độ nhiệm kỳ trọn đời. Điều này khiến người ta liên tưởng đến bài viết gần đây đăng trên truyền thông của ĐCSTQ “Đặng Tiểu Bình xoá bỏ chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời”, bài viết này từng bị cho là “mũi tên ngầm” nhắm vào ông Tập.
Ngày 15/9, Tạp chí Cầu thị của ĐCSTQ đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cách đây 5 năm nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, nội dung chủ yếu nhấn mạnh chế độ chính trị được gọi là “ưu việt” của ĐCSTQ, tuyên truyền về “nguy hiểm” khi rập khuôn theo chế độ của quốc gia khác.
Trong bài phát biểu có nhắc đến, “đánh giá chế độ chính trị của một quốc gia liệu có phải là dân chủ hay không, có hiệu quả hay không, chủ yếu là nhìn xem tầng lãnh đạo liệu có thể thay thế theo trình tự theo pháp luật hay không.” Khi nói đến quyền lực đảng chấp chính “liệu có thể đạt được sự giám sát và chế ước một cách có hiệu quả hay không”, ông Tập Cận Bình cho biết ĐCSTQ “đã có được tiến triển mang tính quyết định trong việc giải quyết những vấn đề trọng điểm này”, biểu hiện cụ thể bao gồm thực hành “chế độ nhiệm kỳ cán bộ lãnh đạo”, “xoá bỏ chế độ chức vụ cán bộ lãnh đạo trọn đời tồn tại trong thực tế”.
Mấy tháng qua, Tạp chí Cầu Thị đã khởi động mô hình đăng những bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào mỗi kỳ. Lần này trích dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “xoá bỏ chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời”, liệu có ý gì hay không thì ngoại giới khó có thể xác định. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, sau khi sửa đổi Hiến pháp xoá bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, “xoá bỏ chế độ nhiệm kỳ trọn đời” đã trở thành chủ đề cấm kỵ trong nội bộ đảng ở một mức độ nào đó, tạp chí của ĐCSTQ lần này dẫn đầu “phạm huý” cũng đã thu hút được nhiều chú ý.
Có người phân tích cho rằng có thể là ông Tập Cận Bình chủ động biểu đạt thái độ sẽ không tại vị suốt đời, cũng có người cho rằng ông Tập Cận Bình sau khi bị áp chế tại Hội nghị Bắc Đới Hà bị ép rút lui. Tuy nhiên, cũng có người vì thế mà liên tưởng đến đấu đá tranh đoạt quyền lực một mất một còn trong nội bộ ĐCSTQ.
Ngày 22/8, tài khoản WeChat của Nhân dân Nhật báo đăng bài viết “Đặng Tiểu Bình xoá bỏ chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời”, để kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông. Khi đó, ông Tập Cận Bình vẫn còn đang đi khảo sát tại Cam Túc chưa quay về Bắc Kinh. Truyền thông ngoài Trung Quốc liên tiếp chỉ ra, đây là do thế lực chống ông Tập Cận Bình trong nội bộ đảng “mượn đề tài để nói chuyện của mình”, bắn mũi tên ngầm về phía ông Tập Cận Bình.
Hai ngày trước khi bài viết này được đăng, ông Tập Cận Bình vừa mới được hoan hô “Tổng Bí thư vạn tuế” ở huyện Cao Đài. Còn khi Hội nghị Bắc Đới Hà vừa mới kết thúc, ông Tập Cận Bình đã từ đầu đến cuối Gia Dục Quan thuộc Vạn Lý Trường Thành, trên đường ông còn thăm hang Mạc Cao, chuyến đi này cũng được coi là hành trình “xưng đế”.
Hai âm thanh mâu thuẫn nhau “Tổng Bí thư vạn tuế” và “Xoá bỏ chế độ nhiệm kỳ trọn đời”, được giới quan sát giải thích là biểu hiện của đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ. Mới đây, trong phát biểu tại trường đảng Trung ương, ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến 58 lần từ “đấu tranh”, cũng được cho là ngoài đối phó với loạn trong giặc ngoài, thì phần lớn là nhắm vào đấu đá quyền lực nội bộ.
Hai tờ Nhân dân Nhật báo và Tạp chí Cầu Thị đề cập đến “xoá bỏ chế độ nhiệm kỳ trọn đời”, đều thuộc quản lý của hệ thống tuyên truyền trung ương. Thời gian gần đây, truyền thông của ĐCSTQ cũng liên tiếp xuất hiện hiện tượng kích động kiểu thời kỳ Cách mạng Văn hoá đối với sùng bái cá nhân ông Tập Cận Bình, và hiện tượng “mượn lực đả lực” để mỉa mai chế độ lãnh đạo trọn đời của ông Tập Cận Bình cũng liên tiếp xuất hiện, khiến cho giới quan sát chú ý. Có phân tích cho rằng đây là biểu hiện của nội bộ đảng chia rẽ và đấu đá quyền lực, nhưng cũng có nhà quan sát cho rằng đây là thủ pháp tay trái nâng lên, tay phải kéo xuống của hệ thống tuyên truyền, nó cho thấy ông Tập Cận Bình đang mất kiểm soát đại cục.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tập Cận Bình Lãnh đạo trọn đời