ĐCSTQ đưa “thành tích” chống dịch vào sách giáo khoa
- Hạ Tùng
- •
ĐCSTQ tuyên bố rằng cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã “đạt được thành quả tích cực to lớn”. Câu chuyện về thành quả này đã được đưa vào tập hai của phiên bản mới của sách giáo khoa lịch sử trung học cơ sở lớp 8, khiến cư dân mạng phẫn nộ.
Vào ngày 24/4, một cư dân mạng ở Thiên Tân đã đăng một video TikTok (Douyin), trong đó một giáo viên lịch sử lớp 8 đã chỉ ra COVID-19 đã được đưa vào phiên bản mới của sách giáo khoa lịch sử lớp 8.
Đoạn video cho thấy, ở góc dưới bên trái trang 98 SGK có đoạn “các sự kiện lịch sử liên quan”, viết rằng: “Đầu năm 2020, dịch viêm phổi virus corona mới bất ngờ bùng phát. Nước ta kiên trì nhân dân trên hết, tính mạng trên hết, đồng thời triển khai cuộc chiến tranh nhân dân chống dịch, cuộc chiến tổng lực, cuộc chiến ngăn chặn, để bảo vệ tối đa an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân; phối hợp phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội đạt được những kết quả tích cực, đã tạo nên tinh thần chống dịch to lớn, đặt tính mạng lên trên hết, cả nước đồng lòng, quên sống chết, tôn trọng khoa học, cùng chung vận mệnh.”
Video kết thúc với câu: “Xin chào mọi người, tôi là giáo viên Tống Siêu (Song Chao), người tạo ra video! Tất cả chúng ta đều sống và đã chứng kiến lịch sử”. Video này đã thu hút được hơn 40.000 bình luận của cư dân mạng.
Cũng có cư dân mạng bình luận: “Tôi là người tham gia và là nhân chứng của lịch sử này. Đến bây giờ tôi mới hiểu ẩn chứa đằng sau vài câu văn trong sử sách nặng nề đến mức nào.”
“Còn thiếu một câu, nước ta là nước có số người dương tính với virus corona mới nhiều nhất.”
“Hãy viết lịch sử đàng hoàng. Hy vọng đừng bóp méo lịch sử.”
Vào ngày 26/4, sau khi một số phương tiện truyền thông Đại Lục đăng lại video, bên dưới chủ đề tìm kiếm hot (bằng tiếng Trung) trên Weibo “#Cư dân mạng phát hiện dịch bệnh được viết vào sách giáo khoa lịch sử sơ trung”, một số cư dân mạng còn nói: “Nếu vẫn còn cổ súy thành quả chống dịch trong sách giáo khoa, vậy thì thực sự không còn gì để nói”; “Lịch sử bị bất cứ ai bôi nhọ, đại dịch vừa mới kết thúc không lâu, mọi người còn nhớ như in”.
Trên thực tế, Wall Street Journal đã đăng một bài báo vào ngày 11/4 tiết lộ rằng chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng định hình ký ức của mọi người về dịch bệnh, không tiết lộ dữ liệu liên quan về tác động của dịch bệnh, đồng thời cấm những người không đồng ý với những thành tựu phòng chống dịch bệnh.
Chính quyền ĐCSTQ ngăn chặn các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về tổn thương tâm lý lâu dài do chính sách “Zero-COVID linh động” gây ra. Trong những tuần gần đây, các hoạt động kỷ niệm một năm phong tỏa Thượng Hải đã bị cản trở. Một phòng trưng bày tư nhân ở Khu tô giới Pháp cũ có lịch sử lâu đời của Thượng Hải, một triển lãm nghệ thuật với chủ đề về cuộc sống trong thời kỳ phong tỏa, bất ngờ đóng cửa vào cuối tháng 3, đơn vị triển lãm không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Tháng trước, người dân Thượng Hải đã phá vỡ sự im lặng trước đó về chính sách chống dịch bệnh của chính phủ bằng cách đăng lại thông báo đóng cửa nhận được một năm trước trên mạng xã hội. Một số đã thẳng thừng trong bài viết của họ: “Không quên; Không tha thứ.”
Ngoài ra, có bao nhiêu người đã chết vì đợt bùng phát này? Câu hỏi lớn này vẫn chưa có đáp án.
WSJ phát hiện, báo cáo chính thức về số lượng thi thể được hỏa táng thường được phát hành hàng quý bởi hơn hơn 30 tỉnh thành và khu tự trị đã biến mất hoặc không được cập nhật kịp thời. Trong quý 4 năm ngoái, dữ liệu hỏa táng ở 10 thành phố bị bỏ trống. Một số nơi trì hoãn việc công bố báo cáo và không cho biết khi nào dữ liệu sẽ được công bố.
Không chỉ vậy, Nam Kinh còn xóa mục số lượng hài cốt được hỏa táng trong mọi báo cáo được công bố kể từ quý 1 năm 2020.
ĐCSTQ không chỉ che giấu số người chết mà còn che giấu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Trong báo cáo thường niên gần đây được công bố trên trang web chính thức của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, một số công ty hoàn toàn không đề cập đến tác động của dịch bệnh đối với bản thân công ty họ.
Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc không viện dẫn đại dịch là lý do khiến họ thua lỗ tài chính, mà nói rằng thiệt hại là do xung đột địa chính trị hoặc giá nhiên liệu cao. Những người khác đổ lỗi cho “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” hoặc “sự cố ngoài ý muốn”.
Từ khóa Dịch bệnh ở Trung Quốc Sách giáo khoa Trung Quốc