ĐCSTQ kết án nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi liên quan đến vắc-xin hơn 5 năm tù
- Theo VOA
- •
Cô Hà Phương Mỹ (He Fangmei), một nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi liên quan đến vắc-xin ở Hà Nam, và là người sáng lập nhóm bảo vệ quyền lợi “Ngôi nhà trẻ em tiêm vắc-xin”, gần đây đã bị tòa án Trung Quốc kết án 5 năm 6 tháng tù vì tội “trùng hôn” (kết hôn với một người khác trong khi đang có vợ hoặc chồng) cùng các tội danh khác, sau khi đã bị giam giữ hơn 4 năm. Tin tức này gây ra sự chú ý rộng rãi về tình trạng 3 đứa con nhỏ của cô, thậm chí dư luận còn cho rằng những đứa trẻ này đã trở thành những “tù nhân chính trị” nhỏ tuổi nhất, do hành động bảo vệ quyền lợi của cha mẹ chúng.
Hôm 23/10, Tòa án huyện Huy của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã tuyên án tại Trại giam thành phố Tân Hương và kết luận tội danh “trùng hôn” và “gây rối” của cô Hà Phương Mỹ được thành lập. Vào tháng 3/2018, con gái hơn một tuổi của cô Hà Phương Mỹ được tiêm vắc-xin hỗn hợp ngừa bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván. Hai tháng sau, con gái cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và sau đó được chẩn đoán mắc bệnh viêm tủy do virus, khiến chân tay cháu bị liệt và teo đi. Cô cho rằng bệnh của con gái mình có liên quan đến vấn đề chất lượng vắc-xin, nên bắt đầu khiếu nại bảo vệ quyền lợi và cùng các bậc cha mẹ khác thúc đẩy lập pháp luật an toàn vắc-xin của Trung Quốc.
Trong kỳ họp lưỡng hội của ĐCSTQ vào tháng 3/2019, Hà Phương Mỹ và phụ huynh của các nạn nhân trẻ em khác đã gây quỹ ở Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh. Kể từ đó, cô và gia đình mình đã trở thành mục tiêu “duy trì sự ổn định” của chính quyền. Tháng 10 năm sau, Hà Phương Mỹ cáo buộc chính quyền ngăn cản cô đưa con gái bị tàn tật đến Bắc Kinh chữa trị, đồng thời hắt sơn trước trụ sở chính quyền huyện Huy ở tỉnh Hà Nam. Cô và chồng mình là anh Lý Tân liên tiếp bị cảnh sát bắt giữ.
Luật sư: Bản án quá nặng, nghi ngờ về tội bị cáo buộc
Ông Trương Khoa Khoa (Zhang Keke), một trong những luật sư đại diện cho cô Hà Phương Mỹ, nói với các phóng viên rằng ông phản đối cái gọi là “trùng hôn”, chủ yếu là vì chồng cũ của cô Hà chưa bao giờ khiếu nại với cơ quan tư pháp về việc cô Hà vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Ông Trương Khoa Khoa cho biết: “Tội trùng hôn có nghĩa là cô ấy sống với người khác và có con trong khi đã kết hôn với người khác. Sẽ là tội nếu chồng cũ kiện cô ấy, nhưng chồng cũ lại không kiện cô ấy, do đó có thể được miễn hình phạt. Về việc gây rối, có lẽ cô ấy không gây rối trật tự công cộng, nhưng cô ấy đã thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hắt mực vào cổng chính của chính quyền, vì con gái cô ấy bị tàn tật do tiêm vắc-xin. Cô ấy bảo vệ quyền lợi nhưng lại không nhận được tiền bồi thường thỏa đáng, cho nên việc gây gổ, gây rối phải là hành vi bảo vệ quyền lợi, chứ không phải là hành vi phạm tội, và mức án sẽ không quá nghiêm khắc nếu không đến mức vi phạm pháp luật.”
Vụ án của Hà Phương Mỹ bắt đầu được đưa ra tòa ngay từ tháng 3/2022, nhưng bản án mãi đến hơn 2 năm sau mới được công bố. Một luật sư khác của Hà Phương Mỹ tin rằng không có văn bản nào được đưa ra để hoãn phiên tòa kể từ khi phiên tòa sơ thẩm bắt đầu. Ông tin rằng việc giam giữ kéo dài của chính quyền là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Luật sư từ chối nêu tên vì lo ngại về an toàn, ông nói với các phóng viên rằng cả hai cáo buộc đều có dư địa để tranh luận.
Luật sư cho biết: “Cô ấy đã ly hôn với chồng cũ cách đây hai năm. Tình trạng trùng hôn đã chấm dứt. Trong trường hợp này, cô ấy nên được giảm án. (Bản án) nhiều nhất là 6 tháng hoặc 8 tháng. Nhưng cuối tùng tòa án theo mức án một năm rưỡi hoặc 2 năm, tôi thực sự nghĩ rằng việc đó không cấu thành tội phạm. Cô ấy đổ sơn lên biển hiệu của chính quyền, tức là hủy hoại tài sản, và mức án nhiều nhất chỉ là 1 hoặc 2 năm. Tôi cảm thấy rất không công bằng và không công chính. Cô ấy đã nộp đơn khiếu nại trong một thời gian dài vì con cô ấy bị tổn hại. Điều đó có thể đã ảnh hưởng đến thành tích chính trị của chính quyền địa phương. Chính quyền xuất phát từ nhu cầu duy trì sự ổn định, tôi cho rằng đó là hành động trả đũa của chính quyền.”
Phân tích: Tuyên án nhằm răn đe
Hai năm trước, thế giới bên ngoài biết được Lý Tân đã bị chính quyền kết án và hiện đang thụ án tại Nhà tù thành phố Tiêu Tác.
Bà Trần Lập Quần (Chen Liqun), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Mỹ, đã rất chú ý đến những gì đã xảy ra với gia đình cô Hà Phương Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên, bà nói rằng Hà Phương Mỹ và Lý Tân đến với nhau vì bảo vệ quyền lợi của họ.
Bà Trần Lập Quần cho biết: “Lý Tân là một người làm truyền thông. Anh ấy biết đến Hà Phương Mỹ vì anh ấy đã giúp đỡ cô ấy trong suốt quá trình bảo vệ quyền lợi cho con gái mình. Sau khi gặp nhau, họ đã xác định mối quan hệ yêu đương. Sau đó họ kết hôn. Huyện Huy của tỉnh Hà Nam, huyện mà Hà Phương Mỹ ở cũng rất nghèo và lạc hậu. Sau khi chuyển đến sống với Lý Tân, cô ấy về nói với chồng nhưng chồng cô không hề bày tỏ bất cứ điều gì về cuộc hôn nhân của cô. Cô chưa chấm dứt cuộc hôn nhân trước đó thì đã về ở cùng Lý Tân và sinh con.”
Bà Trần Lập Quân cho rằng bản án nặng đối với Hà Phương Mỹ có liên quan trực tiếp đến việc cô thành lập nhóm bảo vệ quyền lợi “Ngôi nhà của những trẻ tiêm vắc-xin”.
Bà nói: “Ngoài nhiều vấn đề xảy ra sau khi tiêm vắc-xin truyền thống, nhiều người còn bị di chứng do vắc-xin COVID-19, một số trẻ em còn gặp nhiều vấn đề sau khi tiêm. Để răn đe gia đình những nạn nhân này, họ (chính quyền) đã kết án Hà Phương Mỹ với mức án cực kỳ nặng. Mức án 5 năm rưỡi là không thể tưởng tượng được, cô ấy có 3 đứa con chưa thành niên. Tác dụng răn đe của bản án này lớn hơn nhiều so với hình phạt.”
Vào tháng 10/2020, Hà Phương Mỹ có thai thì cô bị chính quyền giam giữ. Cô và hai đứa con, lúc đó 7 tuổi và 4 tuổi, được gửi đến viện dưỡng lão liên kết với một bệnh viện tâm thần ở thành phố Tân Hương. Hà Phương Mỹ bị giam trong trại tạm giam vào năm thứ hai sau khi sinh con gái nhỏ. Điều này có nghĩa là cô đã phải xa cách 3 đứa con của mình trong một thời gian dài. Theo tìm hiểu của bà Trần Lập Quần, người con trai lớn sống với người khác, còn 2 cô con gái ở viện dưỡng lão.
Bà Trần Lập Quần cho biết: “Con trai cả của cô ấy sau này được một gia đình nuôi dưỡng và cho đi học. Gia đình này đối xử với nó rất tệ, cháu phải chịu những tổn hại lớn về tâm lý và có nhiều ám ảnh. Sau này, đứa trẻ được nhận nuôi ở một gia đình khác. Người ta nói rằng gia đình này đối xử với cháu tốt hơn một chút. Nhưng trong số 2 cô con gái, cô con gái lớn khuyết tật đã 7 tuổi và cô bé chưa đi học, sẽ có nhiều vấn đề.”
Người thân của Hà Phương Mỹ đã tiếp xúc với 2 cô gái hai năm trước và nhận thấy chúng thiếu sự quan tâm. Người thân hy vọng có thể tự mình chăm sóc cháu nhưng không thể thực hiện theo ý nguyện.
Bà Trần Lập Quần cho biết: “Chúng (hai đứa trẻ) nằm trên giường và rất hôi. Giường, ga trải giường, chăn bông và cơ thể đều rất nặng mùi. Sau đó, dì của chúng đã tắm và thay quần áo cho chúng. Người bên ngoài chúng tôi cũng nghĩ một số cách để hỗ trợ nhân đạo cho họ, hy vọng chúng sẽ có người thân chăm sóc nhưng em gái của Hà Phương Mỹ không có cách nào để giành được quyền giám hộ. Sau đó, nghe nói đã giành được quyền giám hộ, nhưng họ (chính quyền) liên tục trốn tránh, đến tháng Sáu năm nay thì không tìm thấy chúng đâu. Tôi nghĩ chính quyền sợ sức ảnh hưởng của cô ấy sẽ mở rộng và ảnh hưởng đến sự ổn định của họ, nên họ không quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như sự trưởng thành của 3 đứa trẻ, và làm mọi thứ vì sự ổn định.”
Hai con gái không rõ tung tích vì thiếu sự chăm sóc
Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), người sáng lập Cơ sở dữ liệu Truy cứu trách nhiệm Nhân quyền Trung Quốc (China Human Right Accountability Database), nói với phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng trong mắt ông, 3 đứa con của Hà Phương Mỹ (hiện 11, 7 và 4 tuổi), đã trở thành tù nhân chính trị trẻ nhất Trung Quốc.
Ông nói: “Trong trường hợp của Hà Phương Mỹ, chính quyền ĐCSTQ đã không thả các con của cô ấy. Những đứa trẻ đều bị giam lỏng trong một thời gian dài. Theo tình hình hiện tại, các cháu có lẽ là tù nhân chính trị trẻ nhất. Chúng tôi không thể phán đoán về sự đãi ngộ mà các cháu gặp phải. Ngay cả khi có cơ hội tiếp xúc với người thân, vì trí lực của chúng chưa phát triển nên chúng không thể mô tả trung thực những gì chúng đã trải qua, và những tổn thương do ám ảnh tâm lý này gây ra. Kiểu đàn áp nhân quyền này đã vượt qua tất cả nhận thức của chúng ta.”
Hiện tại, một nhóm quan chức chính phủ liên quan đến vụ án Hà Phương Mỹ đã được liệt kê trong cơ sở dữ liệu truy cứu trách nhiệm nhân quyền Trung Quốc, trước đây được gọi là “Danh sách kẻ ác”. Ông Lâm Sinh Lượng hy vọng sẽ tạo ra áp lực dư luận bằng việc tiết lộ thông tin của những quan chức này.
Ông nói: “Cơ sở dữ liệu truy cứu trách nhiệm nhân quyền Trung Quốc đã thu thập và ghi lại thông tin chi tiết của hơn chục quan chức vào năm ngoái, bao gồm các sĩ quan cảnh sát tại các đồn cảnh sát, nhân viên an ninh quốc gia, các bí thư đảng ủy có trách nhiệm, thị trưởng thị trấn và các lãnh đạo cấp cao tại tất cả các cấp. Chúng tôi đã thu thập thông tin chính thức gồm tên cá nhân, chức vụ, thông tin ID, số điện thoại, thông tin liên hệ của họ, v.v. Nhiều tình nguyện viên cũng đang gọi điện cho các quan chức này để đưa ra một số cảnh báo cho họ. Chúng tôi không loại trừ việc công bố thông tin các quan chức cá nhân, bao gồm cả thông tin vợ/chồng, con cái và cả tài sản của họ.”
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc