ĐCSTQ thiết lập rào cản ‘tự do tôn giáo’ của người nước ngoài tại TQ
- Phùng Nhưng
- •
Bắt đầu từ ngày 1/5/2025, “Chi tiết thực hiện Quy định về quản lý hoạt động tôn giáo của người nước ngoài trong lãnh thổ Trung Quốc” (sau đây gọi tắt là “Chi tiết quản lý hoạt động tôn giáo người nước ngoài ở Trung Quốc”) sẽ chính thức có hiệu lực. Văn bản này, do Cục Tôn giáo Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sửa đổi và ban hành, bao gồm 5 chương với 38 điều, đã đặt ra những rào cản và hạn chế chưa từng có đối với các hoạt động tôn giáo của người nước ngoài tại Trung Quốc. Cách tiếp cận quản trị mà văn bản này thể hiện, chắc chắn đáng để quan tâm và suy ngẫm.
Bề ngoài, “Chi tiết quản lý hoạt động tôn giáo người nước ngoài ở Trung Quốc” được trình bày dưới danh nghĩa “quản lý theo quy chuẩn”, đưa ra các sắp xếp mang tính thủ tục như: tiến hành các hoạt động tôn giáo trong các cơ sở tôn giáo đã đăng ký hợp pháp, nộp đơn xin thành lập địa điểm tôn giáo tạm thời, mời chức sắc tôn giáo Trung Quốc chủ trì nghi lễ… Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, không khó để nhận ra rằng hệ thống quy định này thực chất là một sự siết chặt có hệ thống đối với quyền thể hiện tôn giáo của người nước ngoài, với nội dung đã vượt xa phạm vi “giấy phép hành chính”, mà mang nhiều nét của một công cụ kiểm soát chính trị có tính phòng ngự.
Điểm đáng chú ý nhất là những điều khoản cấm rõ ràng như: “không được phát triển tín đồ Trung Quốc”, “không được tự ý giảng đạo”, “không được tổ chức hoạt động giáo dục tôn giáo”, “không được phát tán tài liệu tôn giáo”… Những quy định này gần như đã đóng lại mọi khả năng tiếp xúc tôn giáo không có sự cho phép của nhà nước. Đặc biệt là việc gắn hoạt động tôn giáo của người nước ngoài với những cụm từ mang tính đàn áp chính trị như “tư tưởng cực đoan tôn giáo”, “gây hại đến lợi ích quốc gia”. Điều này khiến “tự do tôn giáo” trong ngôn ngữ pháp trị trở thành một “mối đe dọa tiềm tàng” bị loại trừ.
Điều nghiêm ngặt hơn nữa là nếu người nước ngoài mang theo lượng sách và vật phẩm tôn giáo vượt quá mức “hợp lý cho sử dụng cá nhân” khi nhập cảnh, họ phải nộp nhiều tài liệu rườm rà khác như thư đồng ý của tổ chức tôn giáo, văn bản dự án giao lưu tôn giáo, v.v. Việc phát tán sách tôn giáo cũng bị nghiêm cấm rõ ràng. Sự kiểm duyệt nội dung văn bản tôn giáo như vậy, thoạt nhìn là “quy chuẩn”, nhưng thực chất là một sự phòng ngừa cao độ đối với sự lưu thông tư tưởng.
Điều cần phải chỉ ra đó là Điều 36 trong Hiến pháp của ĐCSTQ đã thiết lập quyền cơ bản là “công dân có tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Tuy nhiên, dù văn bản trên tuyên bố “bảo vệ hợp pháp hoạt động tôn giáo của người nước ngoài trong lãnh thổ Trung Quốc”, nhưng trên thực tế lại thiết lập cả một hệ thống rào cản hành chính và chính trị, khiến cho cái gọi là “tự do” trên thực tế gần như trở nên vô nghĩa.
Trong một xã hội cởi mở, việc người nước ngoài có thể tự do cầu nguyện, đọc kinh, tham gia các hoạt động tôn giáo tại các địa điểm tôn giáo hay không, chính là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tự do tôn giáo của một quốc gia. “Chi tiết quản lý hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Trung Quốc” mới ban hành này đã đặt hành vi tôn giáo dưới một lăng kính chính trị hóa và an ninh hóa cao độ, đưa những điều vốn thuộc về đức tin cá nhân và không gian tín ngưỡng tập thể vào hệ thống phòng vệ ý thức hệ của nhà nước. Bản thân điều này phản ánh một nỗi sợ mang tính thể chế.
Cần nhìn nhận rõ rằng tín ngưỡng tôn giáo không phải là kẻ thù của ý thức hệ. Việc cảnh giác cao độ và hạn chế hệ thống đối với hoạt động tôn giáo của người nước ngoài không những không thể mang lại nền tảng thực sự cho “ổn định xã hội”, mà ngược lại sẽ làm gia tăng sự nghi ngờ từ bên ngoài về tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc, khiến cam kết “quản lý đất nước theo pháp luật” phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín nhiệm trong lĩnh vực tôn giáo.
Trong một thế giới ngày càng kết nối, tự do tôn giáo không nên dừng lại ở biên giới quốc gia; nếu ĐCSTQ thực sự muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia lớn tự tin và cởi mở, thì nên cho phép sự thể hiện bình thường của các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau, chứ không phải nhân danh “phòng ngừa” để đàn áp những quyền tự do cơ bản nhất của con người.
Phùng Nhưng
Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, bản gốc đăng trên ipkmedia)
Từ khóa Tự do tôn giáo
