Điểm chung của 12 ‘đại lão hổ’ “ngã ngựa” thuộc Ban Chính pháp Trung Quốc
- Tự Minh
- •
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền sau Đại hội 18, tổng cộng đã có 12 quan chức cấp cao thuộc Hệ thống Chính pháp (Chính trị – Pháp luật) “ngã ngựa”. Đa phần đều là người thuộc phe ông Giang Trạch Dân và có liên quan đến việc bức hại Pháp Luân Công.
Ngày 1/9, theo trang Tài Tân đưa tin, kể từ sau Đại hội 18 đến nay, đã có có 12 quan chức cấp cao thuộc Hệ thống Chính pháp bị bắt điều tra, trong đó 11 người đã ra hầu tòa.
Trong số này có 6 người lúc “ngã ngựa” vẫn đang giữ chức vụ trong Hệ thống Chính pháp như:
- Cựu Thường ủy viên và Bí thư Ban chính pháp tỉnh Hà Bắc Trương Việt;
- Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh;
- Cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Hề Hiểu Minh;
- Cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Mã Kiện;
- Cựu Phó chủ tịch Chính hiệp kiêm cựu Cục trưởng Cục Công an thành phố Thiên Tân là Võ Trường Thuận;
- Cựu Thường ủy viên và Bí thư Ban chính pháp tỉnh Liêu Ninh là Tô Hoành Chương.
Trừ Mã Kiện tạm thời chưa bị công bố kết quả điều tra, những người còn lại đều đã ra hầu tòa:
- Ngày 29/9/2015, Hề Hiểu Minh bị Viện Kiểm sát Tối cao lập án điều tra.
- Ngày 12/1/2016, Lý Đông Sinh bị kết án tù 15 năm.
- Ngày 3/6, Võ Trường Thuận bị khởi công tố.
- Ngày 25/7 và 9/8, Tô Hoành Chương và Trương Việt lần lượt bị Viện Kiểm sát Tối cao lập án điều tra.
Ngoài ra còn 6 người vào thời điểm bị bắt đã chuyển chức vụ khỏi Hệ thống Chính pháp là:
- Cựu Bí thư tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận;
- Cựu Chủ nhiệm thuộc Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc;
- Cựu Phó chủ nhiệm thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam Tần Ngọc Hải;
- Cựu Phó chủ nhiệm Đại hội Đại biểu Nhân dân Tây Tạng Nhạc Đại Khắc;
- Cựu Phó chủ tịch Chính hiệp Nội Mông Cổ là Triệu Lê Bình;
- Cựu Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Ủy ban chính pháp toàn quốc Chu Vĩnh Khang.
Sáu người nêu trên đều đã bị tiến hành điều tra tư pháp:
- Ngày 11/6/2015, Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân.
- Ngày 29/10/2015, Chu Bản Thuận bị Viện Kiểm sát Tối cao lập án điều tra.
- Ngày 30/10 Nhạc Đại Khắc bị lập án điều tra và đã bị bắt.
- Tháng 2 và tháng 4 năm 2016, đến lượt Triệu Lê Bình và Tần Ngọc Hải lần lượt bị khởi tố.
- Ngày 25/5, Chu Minh Quốc cũng bị đưa ra tòa.
12 quan chức ngã ngựa thuộc Hệ thống Chính pháp nêu trên, đa phần đều là quan chức thuộc phe cánh ông Giang Trạch Dân, tích cực giúp ông Giang đàn áp Pháp Luân Công.
Chu Vĩnh Khang: Trùm An ninh giúp ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công
Ngày 29/7/2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa”.
Chu Vĩnh Khang từ năm 1999 đến 2002, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, nhờ mạnh tay bức hại Pháp Luân Công mà được ông Giang Trạch Dân trọng dụng. Năm 2002 được chuyển lên làm Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó bí thư Ủy ban Chính pháp. Từ đó Chu càng tăng cường bức hại Pháp Luân Công hơn nữa.
Năm 2007, ông Giang Trạch Dân đưa Chu Vĩnh Khang vào làm Ủy viên Bộ Chính trị, thay La Cán đảm nhiệm vị trí Bí thư Ủy ban Chính pháp, Chu trở thành thân tín của ông Giang trong việc trực tiếp bức hại những người tu Pháp Luân Công.
Bên cạnh đó, Tổ chức Thế giới điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công công bố Chu Vĩnh Khang trực tiếp liên quan đến tội ác phản nhân loại là mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công.
Lý Đông Sinh: Cỗ máy tuyên truyền bức hại Pháp Luân Công
Ngày 20/12/2013, Chủ nhiệm Phòng 610 kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh “ngã ngựa”.
Lý Đông Sinh lúc còn là Phó giám đốc Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV, chương trình “Phỏng vấn tiêu điểm” do Lý chủ quản tiên phong trong việc tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Lý Đông Sinh sau đó cũng trực tiếp tham gia lập kế hoạch vụ “Ngụy tạo tự thiêu Thiên An Môn” cùng ông Giang Trạch Dân và La Cán, nhằm vu khống những người tu Pháp Luân Công có xu hướng tự sát. Tuy nhiên, vụ ngụy tạo chứng cứ này để lại nhiều sơ hở và đã bị truyền thống thế giới vạch trần.
Sau đó Lý Đông Sinh trở thành một thành viên của tập đoàn Giang Trạch Dân. Tháng 10/2009, Chu Vĩnh Khang đã đưa một người chưa từng có kinh nghiệm trong công tác chính pháp là Lý Đông Sinh vào Đảng ủy Bộ Công an, sau đó Lý Đông Sinh được thăng lên đến chức Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt còn đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm Phòng 610 (cơ quan chuyên trách bức hại Pháp Luân Công).
Trương Việt: Nhân vật trọng yếu bậc nhất trong Hệ thống Chính pháp của phái Giang
Ngày 16/4/2016, cựu Thường ủy viên kiêm Bí thư Ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc Trương Việt “ngã ngựa”.
Trương Việt lúc đầu công tác tại Cục Công an Bắc Kinh hơn 20 năm, từ năm 2001 bắt đầu giữ chức Phó cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh, kể từ đó tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Tháng 11/2003, Trương Việt được điều đến làm Cục trưởng Cục 28 “Cục chống tôn giáo X”, trở thành ‘hung đồ’ của phái Giang bức hại Pháp Luân Công. Vào thời điểm Trương Việt được thăng chức trong Bộ Công an, thì cấp trên cũng chính là Bộ trưởng Bộ Công an, Phó bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang.
Tháng 12/2007, dưới sự bố trí của Chu Vĩnh Khang, Trương Việt đến tỉnh Hà Bắc giữ chức Bí thư đảng ủy Phòng Công an, sau đó lên làm Trưởng phòng Công an tỉnh, Ủy viên thường vụ tỉnh, Bí thư Ban Chính pháp, đã trở thành người của phái Giang trực tiếp bức hại Pháp Luân Công tại tỉnh Hà Bắc.
Chu Bản Thuận: Tâm phúc trong Hệ thống Chính pháp của Chu Vĩnh Khang
Ngày 24/7/2015, Bí thư tỉnh ủy, Chủ nhiệm thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Bắc, Chu Bản Thuận “ngã ngựa”.
Chu Bản Thuận từng giữ chức Thường ủy viên, Bí thư Ban chính pháp kiêm Trưởng phòng Công an tỉnh Hồ Nam. Từ tháng 11/2003 – 3/2008, Chu Bản Thuận là Phó bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, từ tháng 3/2008 – 3/2013, là Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương.
Chu Bản Thuận nhờ tích cực theo ông Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang đàn áp Pháp Luân Công, được phái Giang đánh giá rất cao, cũng có liên quan đến kế hoạch đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang.
Võ Trường Thuận: Được nâng đỡ bởi Chu Vĩnh Khang
Ngày 20/7/2014, cựu Phó chủ tịch Chính hiệp, cựu Cục trưởng Cục Công an thành phố Thiên Tân, Võ Trường Thuận “ngã ngựa”.
Võ Trường Thuận từ năm 2003 giữ chức Cục trưởng Cục Công an, Phó bí thư đảng ủy Cục Công an thành phố Thiên Tân. Tháng 11/2005 giữ chức Phó bí thư Ban chính pháp, Bí thư đảng ủy Cục Công an thành phố Thiên Tân. Năm 2011, Võ Trường Thuận giữ chức Phó chủ tịch Chính hiệp thành phố Thiên Tân.
Võ Trường Thuận trong thời gian dài giữ chức Bí thư Ban Chính pháp, Cục trưởng Cục Công an thành phố Thiên Tân, đã một tay đề bạt nhiều tay sai tâm phúc, hơn nữa còn dốc toàn lực bức hại Pháp Luân Công.
Theo báo mạng Tài Tân của Đại Lục, nhân sĩ có quan hệ mật thiết với Võ Trường Thuận cho biết, Chu Vĩnh Khang đánh giá rất cao Võ Trường Thuận, hai người có quan hệ vô cùng mật thiết.
Tô Hoành Chương: Tích cực tham gia bức hại Pháp Luân Công tại Liêu Ninh
Ngày 6/4/2016, Thường ủy viên, Bí thư Ban Chính pháp tỉnh Liêu Ninh là Tô Hoành Chương “ngã ngựa”.
Tô Hoành Chương lúc trước từng giữ các chức vụ: Phó phòng Tuyên truyền tỉnh ủy Liêu Ninh, phó Bí thư thành phố Phổ Thuận, Phó bí thư thành phố Thẩm Dương.
Liêu Ninh là địa điểm mà phe cánh ông Giang Trạch Dân khống chế thế lực trong một thời gian dài. Tô Hoành Chương trong thời gian giữ chức vụ tại Liêu Ninh, đã nối gót theo phái Giang bức hại Pháp Luân Công.
Tần Ngọc Hải: Chống lưng bởi Chu Vĩnh Khang và Lý Trường Xuân
Ngày 21/9/2014, Bí thư tổ đảng kiêm Phó chủ nhiệm thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam, Tần Ngọc Hải “ngã ngựa”.
Theo truyền thông Hồng Kông, tờ “Đại Sự Kiện” cho biết, Tần Ngọc Hải sau lưng được Chu Vĩnh Khang và Lý Trường Xuân đặc biệt chiếu cố.
Tần Ngọc Hải trong thời gian công tác tại phòng dầu khí thành phố Đại Khánh, là thuộc cấp của Chu Vĩnh Khang. Năm 2003, khi Chu Vĩnh Khang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, thì năm sau Tần Ngọc Hải vốn không có kinh nghiệm gì trong ngành cũng được chuyển công tác vào hệ thống công an.
Năm 1999, khi ông Giang Trạch Dân bắt đầu tiến hành đàn áp Pháp Luân Công, lúc đó là thị trưởng thành phố Tiêu Tác thuộc tỉnh Hà Nam, Tần Ngọc Hải cũng nhanh chóng tham gia và được phái Giang đặc biệt chiếu cố. Tháng 1/2004, Tần Ngọc Hải được thăng lên đến Phó tỉnh trưởng kiêm Trưởng phòng Công an tỉnh Hà Nam, về sau đó tiếp tục 9 năm nắm giữ hệ thống công an, suốt thời gian đó tích cực đàn áp Pháp Luân Công.
Chu Minh Quốc: Tay sai của Chu Vĩnh Khang
Ngày 28/11/2014, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc “ngã ngựa”.
Chu Minh Quốc từng giữ chức Bí thư Ban Chính pháp tại 3 tỉnh thành là Trùng Khánh, Hải Nam và Quảng Đông. Theo tư liệu công khai, Chu Minh Quốc trong suốt sự nghiệp, phần lớn đều có liên quan trực tiếp đến cấp trên là Chu Vĩnh Khang.
Trong suốt thời gian giữ chức vụ trong Ban Chính pháp tại các tỉnh thành, Chu Minh Quốc cũng tích cực tham gia bức hại Pháp Luân Công.
Mã Kiện, Nhạc Đại Khắc được Tăng Khánh Hồng đề bạt
Tháng 1/2015, cựu Thứ trưởng Bộ An ninh là Mã Kiện “ngã ngựa”. Theo truyền thông hải ngoại, Mã Kiện là tay sai của Tăng Khánh Hồng. Tăng Khánh Hồng từng quản lý hệ thống an ninh trong thời gian dài. Báo cho biết, Mã Kiện và Tăng Khánh Hồng đều là người Giang Tây, Mã Kiện được lên đến Thứ trưởng Bộ An ninh là do Tăng Khánh Hồng sắp xếp.
Ngày 26/6/2015, Phó chủ nhiệm thuộc Đại hội Đại biểu Tây Tạng Nhạc Đại Khắc cũng bị “ngã ngựa”. Nhạc Đại Khắc từng giữ chức vụ trong hệ thống an ninh gần 20 năm, từng giữ chức Bí thư đảng ủy và Phó phòng An ninh tỉnh Giang Tây, Trưởng phòng An ninh khu tự trị Tây Tạng.
Truyền thông hải ngoại cho biết, Nhạc Đại Khắc lúc giữ chức vụ ở Giang Tây, được ông Tăng Khánh Hồng lúc đó đang là Phó chủ tịch nước để ý đến, vì vậy sau đó được thăng một mạch từ một trưởng ban lên đến chức Phó phòng An ninh Giang Tây, sau đó được bố trí đề bạt sang Phòng An ninh Tây Tạng. Tất cả đều do một tay ông Tăng Khánh Hồng an bài.
Trong 12 quan chức thuộc Hệ thống Chính pháp đã “ngã ngựa” nêu trên, thì Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh, Trương Việt, Chu Bản Thuận, Võ Trường Thuận, Chu Minh Quốc đều giúp ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, đều nằm trong danh sách bị truy cứu điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Chu Vĩnh Khang Pháp Luân Công Giang Trạch Dân Trương Việt Bức hại Pháp Luân Công Lý Đông Sinh Chu Bản Thuận