Đình chỉ quan chức, dịch bệnh ở Thanh Đảo (Trung Quốc) nghiêm trọng thế nào?
- Lâm Trung Vũ
- •
Sau ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức “Quốc khánh (1/10)” thì thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông thông báo về sự gia tăng trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và bắt đầu thực hiện kiểm tra virus toàn dân. Nhưng cộng đồng mạng internet bùng nổ thông tin dịch bệnh tại địa phương đã bùng phát vào cuối tháng Chín và một lượng lớn khách du lịch có thể đã bị lây nhiễm.
Trong tình huống vẫn chưa điều tra rõ ràng về nguồn gốc dịch bệnh, cơ quan phòng chống dịch bệnh Thanh Đảo vì để giảm nhiệt tình hình nên đã tuyên bố quá trình xét nghiệm trên diện rộng không phát hiện ca xác nhận lây nhiễm mới nào. Đồng thời chính quyền cũng khẩn cấp tìm ‘dê thế tội’ đình chỉ quan chức. Những hành động này đều khiến ngoại giới đặt nghi vấn về tình hình dịch bệnh rốt cuộc nghiêm trọng đến mức độ nào.
Cư dân Thanh Đảo xếp hàng dài chờ xét nghiệm virus toàn dân ngày 12/10/2020. (Ảnh: Getty Images)
Vào ngày 24/9 ở Thanh Đảo xảy ra hai trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán không có triệu chứng, cả hai đều là công nhân bốc xếp của công ty Cảng Thanh Đảo (Qingdao Port). Tính đến ngày 13/10 thì thành phố này phát hiện tổng số 12 trường hợp viêm phổi Vũ Hán, trong đó có 1 trường hợp bị bệnh nguy kịch và 3 trường hợp bị bệnh nặng. Nhưng dữ liệu của nhà chức trách luôn bị công chúng nghi vấn. Sau khi Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông trở thành thành phố trọng điểm trong đợt dịch mới thì các tỉnh và thành phố khác đã lần lượt cấm du khách khiến các chuyến bay đến sân bay Lưu Đình tại Thanh Đảo bị hủy trên diện rộng. Những thông tin từ cộng đồng mạng Internet có tiết lộ rằng dịch viêm phổi Vũ Hán ở Thanh Đảo đã bùng phát vào cuối tháng Chín, và một lượng lớn du khách đến trong kỳ nghỉ dài ngày 1/10 đã bị ảnh hưởng.
Việc thành phố Thanh Đảo bùng phát làn sóng dịch mới, khiến cho việc chính quyền Trung Quốc đảm bảo không có ca nhiễm bản địa nào đã bị vỡ kế hoạch, chính quyền gấp rút tìm người để “khai đao”. Thị ủy Thanh Đảo hôm 15/10 tuyên bố, Bí thư đảng bộ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố là Tùy Chấn Hoa đã bị đình chỉ chức vụ, còn Phó Bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Bệnh viện Lồng ngực thành phố Thanh Đảo là Đặng Khải cũng bị miễn nhiệm chức vụ và bị điều tra.
Tổng hợp báo cáo của truyền thông Trung Quốc, hôm 15/10, Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc thông báo trong lãnh thổ Trung Quốc có thêm 11 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới, bao gồm 10 ca từ bên ngoài nhập cảnh vào và 1 ca nhiễm từ địa phương. Ca nhiễm tại địa phương cũng là đến từ thành phố Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông.
Cộng thêm 12 ca nhiễm trước đó, theo thông báo chính thức thì Thanh Đảo cũng chỉ có tổng cộng 13 người xác nhận lây nhiễm.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 15/10, buổi họp báo về tình hình kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của thành phố Thanh Đảo, đã công bố thông tin cho biết, đến 8 giờ sáng ngày 15/10, thành phố Thanh Đảo đã hoàn thành xét nghiệm axit nucleic 9.947.304 mẫu, đã có kết quả của 7.646.353 mẫu. Ngoài các ca nhiễm được xác nhận và đã công bố, chưa thấy có mẫu xét nghiệm nào cho kết quả dương tính. Thành phố Thanh Đảo cũng đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic cho hơn 200.000 nhân viên công tác trong cơ quan điều trị y tế, bệnh nhân nằm viện và những người chăm sóc bệnh nhân (bao gồm cả những người liên quan đến Bệnh viện Lồng ngực thành phố Thanh Đảo), kết quả đều hiển thị âm tính.
Tuy nhiên, từ hành động của chính quyền có thể thấy, không ít cư dân mạng bày tỏ nghi ngờ chính quyền đang che giấu tình hình dịch.
Khắp các nơi trên toàn Trung Quốc liên tiếp có đội ngũ y tế đến Thanh Đảo chi viện, cư dân mạng chia sẻ video cho thấy, các đội ngũ nhân viên y tế liên tiếp đến Thanh Đảo. Thậm chí ở các nơi xa hơn 1.500 km như huyện Thành thành phố Lũng Nam tỉnh Cam Túc cũng điều động đội ngũ y tế đến chi viện.
Trên Internet đang lan truyền thông tin nói dịch bệnh ở Thanh Đảo là sự bùng phát trở lại vào mùa thu và mùa đông, nhưng các quan chức đã bác bỏ tin đồn và nói rằng dịch bệnh bùng phát ngẫu nhiên. Nhưng cư dân mạng tiết lộ rằng Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Quân y Hải quân, tức là Bệnh viện Trường Hải Thượng Hải, đã đưa ra một thông báo nội bộ vào ngày 29/9: Bất kỳ ai có kế hoạch đến Thanh Đảo trong kỳ nghỉ lễ, vui lòng tạm thời không xuất hành. Cư dân mạng cho rằng: Điều này cho phép ĐCSTQ cố tình tạo ra bầu không khí hài hòa trong những ngày lễ và che đậy dịch bệnh một lần nữa.
Ngày 12/10, truyền thông của ĐCSTQ là Nhân dân Nhật báo từng đưa tin: “Kỳ nghỉ dịp hai lễ tết, Thanh Đảo đón tiếp 4.475.800 lượt du khách, họ đến từ đâu?”. Cư dân mạng châm biếm nói rằng: Đây không phải là cố ý phát tán virus ra toàn quốc hay sao?
Chính quyền thành phố Tế Nam đã thông qua ứng dụng di động để đưa ra thông báo, yêu cầu từ ngày 23/9, cư dân từ Thanh Đảo trở về Tế Nam cần lập tức thông báo thông tin cho ủy ban cư dân nơi sở tại. Các thành phố các cũng lần lượt có thông báo tương tự.
Bà Kim, một người dân ở Tế Nam đã nói với Đài Á châu Tự do rằng, dịch bệnh ở Trung Quốc dường như đã bị chính trị hóa. Bà nói rằng các nước khác đều có tình hình dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng, chỉ có Trung Quốc là phòng và kiểm soát tương đối tốt. Do đó, tin rằng bên trong có lẫn cả nhân tố chính trị. Bà cũng luôn nghi ngờ về con số mà chính quyền công bố.
Theo truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục là Nhật báo Bắc Kinh, Phó ban Tuyên truyền Thị ủy Bắc Kinh, Chủ nhiệm Văn phòng tin tức thành phố Bắc Kinh kiêm người phát ngôn Thị ủy Bắc Kinh Từ Hòa Kiến đã nói trong cuộc họp báo về phòng dịch vào chiều ngày 14/10, cơ quan chức năng đang ngăn chặn nghiêm ngặt dịch bệnh xâm nhập vào Bắc Kinh. “Cơ chế điều phối phối hợp phòng ngừa kiểm soát dịch nghiêm ngặt đối với người vào Bắc Kinh” đã khởi động thực thi biện pháp quản lý cần thiết đối với người từ Thanh Đảo đến Bắc Kinh. Hiện tại, người ở Thanh Đảo trong thời gian gần đây nếu “không cần thiết thì không vào Bắc Kinh”, còn người dân Bắc Kinh nếu không có việc gì cần thiết thì cũng không nên đi đến Thanh Đảo.
Điều đáng chú ý là, đây không phải lần đầu có tiếng nói yêu cầu “bảo vệ Bắc Kinh”.
Cuối tháng Ba, sau khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và gây sự chú ý, ĐCSTQ đã từng tuyên bố rằng không có ca bệnh mới, đồng thời yêu cầu khôi phục làm việc và sản xuất ở nhiều nơi, một mặt lại cấm tất cả các chuyến bay quốc tế hạ cánh tại Bắc Kinh. Còn yêu cầu người ở Hồ Bắc công tác và thăm gia đình, tất cả đều không được trở lại Bắc Kinh.
Khi đó, Đài Phát thành Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin chỉ ra, biểu hiện của chính quyền ĐCSTQ vô cùng kỳ lạ, tín hiệu đưa ra rất mâu thuẫn. Bài viết còn trích dẫn lời của cư dân mạng “Tú tài giang hồ” nói rằng, Hồ Bắc không có ca nhiễm mới, nhưng lại không có phép người từ Hồ Bắc về Bắc Kinh, bởi vì tự trong lòng họ rõ nhất, bản thân họ nói lời nào là thật, lời nào là giả.
Con trai cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào nhậm chức Bí thư Thanh Đảo?
Cũng trong dịp này, cộng đồng mạng xuất hiện tin đồn rằng con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong đã được chuyển đến làm Thị trưởng Thanh Đảo.
Vào ngày 13/10, một cư dân mạng Twitter đã đăng một đoạn video về Hồ Hải Phong và cho biết: “Cần xác minh, công tử Hồ nhậm chức thị trưởng Thanh Đảo trong thời khắc khó khăn.”
Đoạn video cho thấy Hồ Hải Phong bắt tay và nói chuyện với một người có vẻ là người vừa được tuyên dương, xung quanh có nhiều người và một số có vẻ là phóng viên ghi hình hiện trường. Trong đám đông có người đeo khẩu trang có người không đeo.
求证
胡公子临危受命调任青岛市长 pic.twitter.com/5tmuDz5Fvx— 沉默的力量The power of silence (@2mmbPkM00IJwIUV) October 13, 2020
Hiện tại rất khó để đoán thời gian cũng như địa điểm của cảnh video này. Cộng đồng mạng cũng đã có nhiều chia sẻ:
“Ngay khi Thanh Đảo bùng phát dịch bệnh thì nổ ra tin đồn Hồ Hải Phong nhậm chức thị trưởng Thanh Đảo, đây là thuận nước đẩy thuyền. Nghĩ kỹ trong chuyện này rất kỳ lạ.”
“Không có nhiều khả năng.”
“Có tin từ hơn 10 ngày rồi.”
“Già quá, tóc bạc nhiều hơn cha, quầng mắt to làm sao, mới sinh sau năm 1970”.
….
Tìm kiếm trên Internet thấy rằng vào cuối tháng trước (ngày 30/9), các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin Thị trưởng Thanh Đảo là Mạnh Phàm Lợi (Meng Fanli) đã được điều động về Ban Thường vụ Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông, đồng thời giữ chức Bí thư thành phố Bao Đầu. Sau đó, có tin đồn rằng Hồ Hải Phong sẽ kế nhiệm làm thị trưởng Thanh Đảo.
Hồ Hải Phong tốt nghiệp EMBA tại Đại học Giao thông Bắc và Đại học Thanh Hoa, từng là Bí thư Đảng ủy của Viện nghiên cứu Đồng bằng sông Dương Tử thuộc Đại học Thanh Hoa. Ông bắt đầu bước vào chính trường từ tháng 5/2013 và được bổ nhiệm làm Phó bí thư thành phố Gia Hưng tỉnh Chiết Giang, đến tháng 3/2016 ông trở thành Thị trưởng thành phố Gia Hưng, tháng 4/2017 tái nhậm chức Thị trưởng Gia Hưng, tháng 7/2018 được điều chuyển làm Bí thư thành phố Lệ Thủy.
Là con trai của Hồ Cẩm Đào nên sự nghiệp của Hồ Hải Phong thu hút chú ý, theo đó cũng thường xuyên có những tin đồn về việc thăng chức, nhưng tất cả đều không đúng. Khi mới làm phó bí thư kiêm thị trưởng Gia Hưng cũng nổ ra tin đồn ông Hồ Hải Phong chuyển sang làm bí thư của thành phố Ninh Ba – thủ phủ tỉnh Chiết Giang.
Ngày 30/9/2016, Reuters đưa tin ông Tập Cận Bình có thể đề bạt Hồ Hải Phong, con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào, làm thị trưởng thành phố Ninh Ba tỉnh Chiết Giang như bước đệm thăng làm Phó Bí thư tỉnh ủy. Nhưng rồi vào năm 2018, Hồ Hải Phong đã được chuyển sang làm Bí thư thành phố Lệ Thủy.
Sau khi được chuyển đến Lệ Thủy thì cũng xuất hiện nhiều tin đồn liên quan Hồ Hải Phong được thăng chức. Thời điểm trước sau “lưỡng hội” vào tháng 3/2019, đầu tiên là tin đồn đến Phúc Kiến, sau đó lại đồn sẽ giữ chức Bí thư thành phố Tây An và ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thiểm Tây. Nhưng ngày 3/9, ĐCSTQ đã chính thức thông báo ông Vương Hạo được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ tỉnh ủy Thiểm Tây và giữ chức Bí thư thành phố Tây An, vậy là tin đồn Hồ Hải Phong nắm quyền Tây An cũng không đúng.
Tháng 10/2019, sau khi Thị trưởng Đại Liên là Đàm Thành Húc (Tan Chengxu) được chuyển sang làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Ansteel thì lại có tin đồn Hồ Hải Phong sẽ được thăng chức làm Thị trưởng thành phố Đại Liên. Tuy nhiên ngày 23/3, Đại Liên có thị trưởng mới là ông Trần Thiệu Vượng (Chen Shaowang) được lên từ Bí thư quận Hòa Bình thành phố Thiên Tân, vậy là tin đồn về việc Hồ Hải Phong được thăng chức lại sai.
Người cha Hồ Cẩm Đào của của ông Hồ Hải Phong từng được xem là đồng minh chính trị của ông Tập Cận Bình, nhiều tin đồn cho rằng chuyện ông Hồ Cẩm Đào rút hoàn toàn khỏi mọi chức vụ tại Đại hội 18 ĐCSTQ nhằm tập trung quyền lực cho ông Tập Cận Bình để cùng đối phó với phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Vài năm gần đây trong những nhiệm kỳ liên tiếp của Hồ Hải Phong ở Gia Hưng và Lệ Thủy đã liên tục làm theo “chỉ thị” của Tập Cận Bình để thể hiện lòng trung thành, biểu hiện của ông được xem là nổi bật trong quan trường ĐCSTQ. Nhưng thời đại Tập Cận Bình vài năm qua đã chịu nhiều khốn khó từ trong và ngoài nước, qua đó cũng có tin cho rằng ông Hồ Cẩm Đào cũng bất mãn với ông Tập Cận Bình, điều này có thể ảnh hưởng đến quan lộ của Hồ Hải Phong.
Gần đây khi Mỹ tăng cường bao vây và cấm vận ĐCSTQ thì đấu đá nội bộ ở Trung Nam Hải cũng theo đó căng hơn, đồng thời ông Tập Cận Bình cũng đang bố trí thế lực cho Đại hội 20 ĐCSTQ, do đó giới quan sát cho rằng có thể ông Tập đang lôi kéo lại các nguyên lão để tìm cách lập lại liên minh, vì vậy có cơ sở để tin rằng lần thăng chức của Hồ Hải Phong lần này có khả năng là đúng.
Lâm Trung Vũ
MỜI XEM VIDEO:
Xem thêm:
Từ khóa Hồ Cẩm Đào Hồ Hải Phong Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19 virus Trung Cộng Thanh Đảo Dịch bệnh ở Trung Quốc