Dữ liệu cho thấy vắc-xin COVID-19 Trung Quốc có hiệu quả rất hạn chế
- Mộc San
- •
Hiệu quả của vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) do các hãng dược Trung Quốc sản xuất luôn bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ. Giờ đây, những dẫn chứng từ nhiều nước đã cho thấy vắc-xin của Trung Quốc có rất ít tác dụng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, đặc biệt là chống lại virus biến thể.
Một thông tin trên tờ New York Times vào ngày 23/6 cho biết nhiều nước dùng vắc-xin COVID-19 Trung Quốc đang phải vật lộn ngăn chặn tình trạng dịch bệnh gia tăng.
Dữ liệu từ dự án theo dõi Our World in Data cho thấy trong số 10 nước đang bị dịch COVID-19 tồi tệ nhất có 4 nước tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cả Mỹ với 50% đến 68% dân số, đó là Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ. Bốn nước này đang sử dụng vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc của Sinopharm hoặc của Sinovac.
Thống kê của Đại học Oxford ở Vương quốc Anh cũng cho thấy tính đến ngày 9/6, trong số 10 nước xét nghiệm trên một triệu người mỗi ngày có tỷ lệ người nhiễm COVID-19 cao nhất thì có 9 nước đã dùng một lượng lớn hoặc một phần vắc-xin Trung Quốc sản xuất. Ở Seychelles, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gần 60% vắc-xin được sử dụng là vắc-xin Sinopharm; trong số các loại vắc-xin được tiêm ở Uruguay, 80% là vắc-xin Sinovac.
Thông qua cơ hội ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc, Mông Cổ đã có được hàng triệu liều vắc-xin Sinopharm. Giờ đây 52% dân số Mông Cổ đã được tiêm phòng. Nhưng hôm Chủ nhật, Mông Cổ đã có thêm 2.400 ca nhiễm mới, gấp 4 lần con số cách đây một tháng.
Bahrain cũng là một trong những nước đầu tiên phê duyệt vắc-xin Sinopharm, nước này đã phê duyệt việc sử dụng vắc-xin Sinopharm trước khi vắc-xin này công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Nhưng kể từ đó, Bahrain tiếp tục báo cáo một số lượng lớn người đã tiêm chủng vẫn bị nhiễm COVID-19.
Tại Seychelles, nơi chủ yếu dựa vào vắc-xin Sinopharm, số ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận trong số một triệu người xét nghiệm lên tới 716 người. Trong khi tại Israel, nước được tiêm vắc-xin Pfizer, con số chỉ là 4,95.
New York Times chỉ ra rằng “hiệu quả tương đối thấp của vắc-xin Trung Quốc đã được xác định là nguyên nhân có thể gây ra những đợt bùng phát gần đây”. Trong vài tháng hoặc năm tới, Trung Quốc và hơn 90 nước chủ yếu dùng vắc-xin của Trung Quốc, có thể phải đối mặt tình trạng liên tục chịu phong tỏa và xét nghiệm, cuộc sống hàng ngày chịu kiểm soát chặt chẽ vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã làm ngơ trước những tác động tiêu cực của vắc-xin do họ sản xuất, thậm chí cố gắng rũ bỏ trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng không có mối liên hệ nào giữa dịch bệnh gần đây và vắc-xin của nước này.
Nikolai Petrovsky, một giáo sư tại Viện Y tế và Sức khỏe Công cộng (College of Medicine and Public Health) tại Đại học Flinders ở Úc, đã chỉ ra mọi chứng cứ cho thấy tác dụng kiềm chế virus lây lan của vắc-xin Sinopharm là rất nhỏ. Ông cũng đề cập rằng vắc-xin Trung Quốc có thể khiến người tiêm chủng có ít hoặc không có triệu chứng sau khi bị nhiễm virus, nhưng vẫn lây truyền virus sang người khác.
William Schaffner, giám đốc y tế của Quỹ Bệnh truyền nhiễm quốc gia Đại học Vanderbilt (National Foundation for Infectious Diseases at Vanderbilt University) cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc có thể đủ thấp để “duy trì mức lây lan nhất định, và gây ra một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 trong số những người được tiêm chủng”.
Mộc San, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Vắc-xin Sinopharm Vắc-xin Sinovac vắc-xin Trung Quốc Vắc xin COVID-19