Tỉnh Giang Tây Trung Quốc đang đối mặt với thảm họa lũ lụt, nhiều trạm thủy văn có mực nước vượt mức lịch sử năm 1998. Bắt đầu từ ngày 12/7, tỉnh này đã có ít nhất 2 trấn (trấn Miên Thuyền và trấn Giang Châu) bắt đầu di tản cư dân.

Do mưa lớn tiếp tục kéo dài, cộng thêm đập Tam Hiệp đang toàn lực xả lũ, khiến cho khu vực hạ lưu như tỉnh Giang Tây phải hứng chịu lũ nghiêm trọng. Đến 11 giờ ngày 12/7, tỉnh Giang Tây đã có 4 trạm thủy văn có mực nước vượt mức lịch sử năm 1998 bao gồm trạm Bà Dương, trạm Khang Sơn, trạm Tinh Tử, trạm Đường Âm, hơn nữa mực nước vẫn đang tiếp tục dâng cao.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, trạm thủy văn Tinh Tử trên hồ Bà Dương thuộc lưu vực sông Trường Giang có mực nước đo được vào lúc 0 giờ ngày 12/7 là 22,53m, vượt mức lịch sử năm 1998 là 22,52m; mực nước đo được tại trạm thủy văn Đường Âm lúc 7 giờ sáng ngày 12/7 là 22,58m, cao hơn so với mực nước lịch sử (22,57m) vào ngày 30/7/1998.

Ngày 12/7, phóng viên của ThePaper đã nhận được thông tin từ nguồn đáng tin cậy ở huyện Bành Trạch thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây, theo đó, trong cùng ngày, trấn Miên Thuyền thuộc huyện Bành Trạch đã phát đi thông báo “Thông báo Di tản an toàn khẩn cấp để phòng chống lũ”.

Trong thông báo di tản cho biết, 12 giờ trưa ngày 12/7, mực nước ở Miên Thuyền đã đạt 21,12m, vượt mức cảnh báo 2,93m, trong vài ngày tới huyện sẽ có tỉ lệ mưa tương đối lớn, mực nước sông Trường Giang đoạn qua Miên Thuyền vẫn tiếp tục tăng cao, có thể xảy ra nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Trong thông báo của chính quyền trấn Miên Thuyền có nói, trấn này ưu tiên di tản người già, trẻ em và nhóm người đi lại khó khăn, “Sẽ di chuyển có trật tự một cách an toàn, những người khác hãy chuẩn bị để di chuyển bất cứ lúc nào, lấy tiếng chiêng làm tín hiệu, phục tùng theo bố trí sắp xếp di chuyển an toàn của cán bộ thôn, trấn.” Sau khi di tản, không được tự ý trở về, nếu không mọi hậu quả sẽ tự chịu.

Trong cùng ngày, trấn Giang Châu thuộc khu Sài Tang thành phố Cửu Giang cũng phát đi thông báo di chuyển.

Thông báo nói, mực nước sông Trường Giang đoạn qua thành phố Cửu Giang đã vượt đường cảnh báo 3m, và vẫn đang tiếp tục tăng, các hộ gia đình ở gần đê Bắc thuộc Cửu Châu, trại cây giống, hôm 12/7 buộc phải di chuyển, khuyến khích đến nhờ người thân bạn bè, hoặc chuyển đến nơi an toàn của đê.

815
Thông báo khẩn về việc di chuyển người dân tại trấn Giang Châu đến nơi an toàn. (Ảnh qua ThePaper/Weibo).

Khu Sài Tang, thành phố Cửu Giang nằm ở giao giới 3 tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, bốn mặt bị nước bao quanh, nước sông ập vào trấn Giang Châu. Ngày 10/7, chính quyền Giang Châu từng công bố thư công khai, kêu gọi phụ lão hương thân từ 18 đến 60 tuổi ở bên ngoài Giang Châu, nhanh chóng trở về Giang Châu chống lũ.

p2731351a826280124
4 trạm thủy văn tại tỉnh Giang Tây đều có mực nước cao vượt mức lịch sử năm 1998. (Ảnh cắt từ video).

Ngày 11/7, tỉnh Giang Tây khởi động mức ứng phó cẩn cấp cấp 1 (mức cao nhất). Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây Lưu Kỳ cho biết, công tác phòng chống lũ của tỉnh Giang Tây đã bước vào “trạng thái thời chiến”.

Do tỉnh Giang Tây gần đây xảy ra mưa lớn, cộng thêm đập Tam Hiệp bắt đầu mở cửa xả lũ từ cuối tháng trước, do đó, không ít cư dân mạng nghi ngờ, đập Tam Hiệp xả lũ toàn lực trong nhiều ngày, gây ra tình trạng lũ tràn lan khắp lưu vực Trường Giang.

Đài Khí tượng Trung ương cho biết, đêm ngày 12/7 đến ngày 13, một số khu vực ở Trùng Khánh, Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Quý Châu và Vân Nam có mưa lớn và rất lớn, trong đó đông bắc bộ tỉnh Vân Nam có một số nơi có mưa lớn (lượng mưa từ 100 – 120mm); một số khu vực nói trên có kèm theo mưa nặng hạt (lượng mưa lớn nhất là 30 – 50mm mỗi giờ, có nơi lên đến hơn 60mm mỗi giờ), một số nơi có hiện tượng thời tiết đối lưu mạnh như sấm sét, gió to.

Cơ quan Tổng chỉ huy phòng chống lũ lụt hạn hán quốc gia Trung Quốc hôm 12 đã khẩn cấp nâng mức ứng phó lũ khẩn cấp từ cấp 3 lên cấp 2, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận “tình hình phòng chống lũ lụt vô cùng gay go”.

Theo số liệu thống kê chính thức được cơ quan chức năng Trung Quốc công bố, đến 12 giờ trưa ngày 12/7, thảm họa lũ lụt năm nay tại Trung Quốc đã khiến cho 27 tỉnh thành như Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, v.v, bị ảnh hưởng. Ít nhất 37,89 triệu lượt người bị ảnh hưởng, 28.000 ngôi nhà bị sụp đổ, 141 người tử vong hoặc mất tích, 3,532 triệu ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế lên đến 82,23 tỷ nhân dân tệ.

Trí Đạt (tổng hợp)

Xem thêm: