Giới chức Trung Quốc lần đầu lên tiếng về vấn đề sửa Hiến pháp
- Tuyết Mai
- •
Ngày 04/3, giới chức Trung Quốc đã lần đầu lên tiếng về việc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc liên quan đến bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước.
Ông Tập Cận Bình đang bước vào hội trường khai mạc Chính hiệp Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)
Vào lúc 11 giờ sáng ngày 04/3 đã diễn ra buổi họp báo trước khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Hội nghị Nhân đại). Hội nghị có tổng cộng 10 chương trình nghị sự, bao gồm xem xét báo cáo công việc của Chính phủ, xem xét bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Dự thảo Luật Giám sát.
Tại cuộc họp, phóng viên của CNN (Mỹ) đã hỏi về vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch nước, người phát ngôn Nhân đại là ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) trả lời rằng, chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong Điều lệ Đảng hiện hành của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong Hiến pháp Trung Quốc đều không có quy định “giữ chức không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Ông Trương Nghiệp Toại nói rằng, hiện nay quy định liên quan đến chức Chủ tịch nước trong Hiến pháp cũng áp dụng tương tự, điều này có lợi cho “Tập hạt nhân”. Đây cũng là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này.
Ngày 25/2, Tân Hoa xã Trung Quốc công bố “Kiến nghị về sửa đổi một phần nội dung Hiến pháp”. Trong đó nêu rõ hủy bỏ nội dung quy dịnh “giữ chức không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” đối với chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc được ghi trong Khoản 3 Điều 79 Hiến pháp. Thông tin gây làn sóng chỉ trích trong dư luận, cho rằng ĐCSTQ đi vào con đường xây dựng chế độ lãnh đạo tập quyền trọn đời.
Ngày 01/3, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết và nhận định, việc sửa đổi quy định thời hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước có lợi cho tính nhất quán của cơ chế lãnh đạo “tam vị nhất thể” (Đảng, Nhà nước và Quân đội). Sửa đổi này không có nghĩa thay đổi chế độ nghỉ hưu của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng không hàm ý người lãnh đạo sẽ giữ chức “trọn đời”, khi tình hình tuổi tác và sức khỏe không thể tiếp tục công việc thì cũng phải nghỉ hưu.
>>Bỏ hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước: Báo đảng Trung Quốc nói gì?
Báo Người Úc (The Australian) dẫn lời Tiến sĩ Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết, ông không ngạc nhiên trước thông tin sửa đổi Hiến pháp của Bắc Kinh lần này. Ông Tập Cận Bình đã nỗ lực tập trung hóa quyền lực trong 5 năm qua, hiện muốn dùng công cụ pháp luật để củng cố vị trí.
Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI dẫn quan điểm của ông Jeffrey A Bader, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Brookings, ông cho rằng Tập Cận Bình không phải kiểu lãnh đạo nông nổi, suy nghĩ nhất thời hoặc thiếu trí tuệ, nếu tiếp tục nắm quyền thì cũng không phải là hoàn toàn không thích hợp.
Đặc biệt, Bader chỉ ra, việc sửa đổi Hiến pháp cho thấy tình hình bất ổn của Trung Quốc.
Hồ Bình (Hu Ping), một học giả Trung Quốc sống ở Mỹ phân tích, không nghi ngờ gì điểm nóng tại “lưỡng hội” Trung Quốc lần này là chuyện sửa đổi Hiến pháp. Ông nói: “Trong vấn đề hủy giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước này phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt trong giới chóp bu ĐCSTQ, tiền ẩn nhiều nguy cơ.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Chính trị Trung Quốc Hạn chế nhiệm kỳ sửa đổi hiến pháp