Giới trẻ Trung Quốc và phong trào đặt câu hỏi: Học đại học để làm gì?
- Bình Minh
- •
Sau khi “co lại” và “nằm ngửa”, gần đây trên cộng đồng mạng, giới trẻ Trung Quốc lại rộ lên phong trào “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ”. Họ bắt chước những câu danh ngôn của Khổng Ất Kỷ do Lỗ Tấn viết, để cười nhạo bản thân vì nhiều năm khổ học nhưng lại không thể tìm được một công việc tốt. Một cách nhằm bày tỏ sự bất mãn với thực trạng xã hội.
Các bình luận cho rằng giới trẻ ngày nay đã tỉnh ngộ trước hiện thực. Họ không còn bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ ” trở nên nổi tiếng
“Nếu không học đại học, tôi nhất định sẽ an phận (đến nhà máy) bắt vít, nhưng không có nếu.”
“Khi còn đi học, tôi cảm thấy Khổng Ất Kỷ thật lố bịch, không ngờ rằng Khổng Ất Kỷ, người không thể cởi chiếc áo dài ấy, lại chính là tôi.”
“Học vấn là một bục cao mà tôi không thể bước xuống, và là chiếc áo dài mà Khổng Ất Kỷ không thể cởi ra.”
“Thuở thiếu thời không thể hiểu được Khổng Ất Kỷ, khi hiểu ra thì đã là người trong cuộc.”
Khổng Ất Kỷ là một thư sinh nghèo được nhà văn Lỗ Tấn mô tả vào thế kỷ trước. Ông mặc áo dài, miệng đầy chữ nghĩa, nhưng không đỗ tú tài. Cuộc sống tuy nghèo khó, nhưng ông vẫn có khí chất cao quý của một văn nhân, khiến ông không thể buông bỏ hình ảnh của mình. Ông là người duy nhất trong khách sạn Hàm Hưởng vừa đứng uống rượu vừa mặc áo dài.
Hoàn cảnh của Khổng Ất Kỷ đã gây được tiếng vang lớn trong giới trẻ ngày nay. Kết quả là “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ” đã nổi lên trong cộng đồng mạng Trung Quốc và lọt vào danh sách tìm kiếm nóng.
Bà Phó Nguyên Hoa, nhà sử học ở Úc, kiêm cựu Phó Giáo sư tại Học viện Khoa học Giáo dục, thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô (Capital Normal University), nói với The Epoch Times rằng “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ” nổi lên, phản ánh sự bất lực của giới trẻ trước hiện thực họ phải đối mặt.
“Bởi vì trong quá trình giáo dục từ nhỏ đến lớn, điều mà chúng ta nhận được từ xã hội, gia đình, nhà trường là ‘nếu học hành chăm chỉ, cuối cùng sẽ có được một tương lai tốt đẹp’.
Hiện giờ ai cũng học hành chăm chỉ, nhưng tương lai tốt đẹp thì chẳng thấy đâu, lại chẳng thể buông bỏ hình tượng của bản thân. Vì vậy đây thực sự là tâm trạng bất lực từ xã hội, gia đình và những kỳ vọng cá nhân đến tình trạng thực tế.”
Một số cư dân mạng than thở rằng 20 năm trước, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh đã gây náo động Trung Quốc khi phải đi bán thịt lợn. Giờ đây sau khi khởi nghiệp thất bại, một sinh viên Đại học Bắc Kinh có thể phải đi giao đồ ăn, chuyển phát nhanh, hoặc làm công việc quét dọn trong một nhà hàng lẩu. Trong thực tế, tình cảnh của nhiều người còn tồi tệ hơn nhiều.
Mới đây, một nữ sinh đại học ở tỉnh Hồ Nam đã đăng video than thở: “Tôi học đại học để làm gì?” sau khi tham dự hơn 30 cuộc phỏng vấn, nhưng không được tuyển dụng.
Do tình hình kinh tế hiện nay suy thoái và tình hình chung của môi trường việc làm không tốt, nên sinh viên sau đại học khó tìm được việc làm. Xu hướng chung là giới trẻ đang “nằm ngửa”, phó mặc sự đời.
Sinh viên đại học không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp cũng liên quan đến số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng lên hàng năm.
- Từ “nằm ngửa” đến “mặc kệ”, giới trẻ TQ cam chịu tầm thường dưới áp lực cuộc sống
- Chọn nằm ngửa, thanh niên Trung Quốc từ chối cuộc sống kiểu đua chuột
Những yếu tố góp phần tạo nên tình trạng thất nghiệp của giới trẻ hiện nay
Từ năm 2015, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc liên tục đạt mức cao mới. Năm nào, truyền thông Đại Lục cũng đưa tin về họ, với những tiêu đề bắt mắt như “nhiều sinh viên tốt nghiệp nhất trong lịch sử”, “mùa tốt nghiệp khó khăn nhất” và ” năm tìm kiếm việc làm khó khăn nhất”.
Thống kê cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ đạt 10,76 triệu vào năm 2022.
Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp sinh viên của họ, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học chưa bao giờ được thông báo về tình hình việc làm thay đổi hàng năm. Học sinh chỉ quan tâm đến tình hình việc làm trong xã hội khi họ chọn chuyên ngành trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
“Kỳ thực, tình hình thực tế của những người trẻ tuổi cũng liên quan đến hệ thống giáo dục của ĐCSTQ.”
Bà Lý Nguyên Hoa nói rằng trong quá trình công nghiệp hóa giáo dục, ĐCSTQ đã mở rộng tuyển sinh một cách mù quáng. Điều này khiến nhiều thành phố phải sử dụng các khoản vay để xây dựng thị trấn đại học và các trường đại học, để chạy theo các ngành được ưa chuộng.
“Tuy nhiên, trường học chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc ươm mầm nhân tài, mà chỉ theo đuổi một số điểm nóng. Giống như một ngành kinh doanh, miễn có người đóng học phí, thì mở ngành gì tôi cũng làm được. Tương lai sau này của sinh viên không liên quan gì đến tôi.”
Bà Lý Nguyên Hoa nói, đây là mâu thuẫn được gây ra bởi sự phát triển không cân bằng giữa hệ thống giáo dục, toàn bộ ngành giáo dục đại học và nhu cầu xã hội.
“Hơn nữa, chính sách zero-COVID của ĐCSTQ hơn 3 năm đã khiến nền kinh tế suy thoái toàn diện, toàn bộ nền kinh tế và ngành công nghiệp sụp đổ. Do đó, vấn đề việc làm trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Những người đã được giáo dục đại học, gồm cả những người kỳ vọng vào tương lai của chính họ, khi hòa nhập với xã hội, mới thấy khác xa so với thực tế. Đây là lý do gây ra tình trạng này.”
- Kinh tế Trung Quốc liên tiếp “mất máu”: Doanh nghiệp nước ngoài rút lui, thất nghiệp gia tăng
- Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn ở mức cao 17,9%
Giới chức quảng bá các giá trị quan của truyền thông đảng
“Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ” phản ánh sự bất mãn chung của giới trẻ trước thực trạng của họ. Điều này đã làm dấy lên sự cảnh giác của chính quyền ĐCSTQ.
Ngày 16/3, CCTV, kênh truyền thông của chính quyền, đã đăng một bài bình luận, kêu gọi mọi người đối mặt với sự lo lắng đằng sau phong trào “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ“.
Những bình luận thẳng thắn thừa nhận hiện trạng khó tìm được việc làm, thu nhập ngày càng giảm, và rằng không cần phê phán những lời than thở của giới trẻ trên mạng Internet. Đồng thời khẳng định, toàn xã hội sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước hoàn cảnh éo le của các bạn trẻ.
Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc lại trực tiếp chỉ trích “Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ” là một “sự xúc phạm không cần thiết” đối với những người trẻ tuổi đang an phận học tập chăm chỉ.
Bình luận này cho rằng nếu trong tư tưởng có “chiếc áo khoác dài không thể cởi ra”, sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm được việc làm.
Nói cách khác, xu hướng hiện tại của dư luận trong xã hội này và định hướng của truyền thông đảng đang khuyến khích giới trẻ, sinh viên đại học, và những sinh viên đạt thành tích cao đến nhà máy bắt ốc vít, thậm chí làm người quét dọn trong nhà máy. Do môi trường kinh tế chung không tốt và xã hội không thể cung cấp việc làm cho bạn, nên hiện nay chính phủ cũng không thể giải quyết vấn đề này.
Giới trẻ Trung Quốc không còn bị mắc lừa
Những lời hoa mỹ của truyền thông chính phủ liên tục bị phản bác trong phần bình luận. Nhiều bạn trẻ đã bình luận dưới tài khoản chính thức của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và Weibo, rằng thay vì buộc tội những người trẻ tuổi không thể hạ mình để tìm việc làm, thì tốt hơn hết là thực thi luật lao động, bảo vệ quyền lợi của họ.
“Xin hỏi truyền thông của chính phủ, nếu công việc đã không phân cao thấp, thì vì sao lại có các mức thù lao, lương hưu và phúc lợi xã hội khác nhau?”
Do có quá nhiều bình luận tiêu cực, CCTV đã mở phần bình luận chọn lọc dưới bài viết, và chỉ hiển thị những bình luận tích cực. Tài khoản WeChat chính thức của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng đóng chức năng bình luận.
Bà Lý Nguyên Hoa cho rằng giới trẻ ngày nay đã không còn chạy theo xu hướng dư luận do chính phủ tuyên truyền hay định hướng. Bởi thực tế rất tàn khốc, và nó không thể thay đổi bằng cách chạy theo xu hướng.
“Khi người trẻ phải đối diện với thực tế, họ sẽ không bị dao động bởi những lời dối trá và lừa lọc này. Họ sẽ thực sự suy nghĩ về những khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống, và nghĩ cách tiếp tục sinh tồn.”
Tuy nhiên, mới đây, tại một hội chợ việc làm do Đại học Kinh tế Luật Hà Nam Trung Quốc tổ chức đã đăng tuyển các vị trí bồi bàn, đầu bếp, lễ tân, rửa bát đĩa với mức lương thấp nhất chỉ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 287 USD).
Điều này khiến người ta vô cùng bất ngờ: Chẳng lẽ sinh viên của trường Đại học Kinh tế Luật, được mệnh danh là “trường Đại học Kinh tế Luật tốt nhất Hà Nam” lại bị phá giá đến mức như vậy? Nhân viên văn phòng có bằng thạc sĩ, nhân viên thu ngân có bằng cử nhân, nhân viên bảo vệ có bằng cao đẳng ngày càng nhiều…
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Lỗ Tấn Dòng sự kiện thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Khổng Ất Kỷ