Chọn nằm ngửa, thanh niên Trung Quốc từ chối cuộc sống kiểu đua chuột
- Trí Đạt
- •
Những người trẻ tuổi Trung Quốc không muốn sống một cuộc sống cạnh tranh như một cuộc đua chuột, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không đồng ý.
Kể từ mùa xuân năm 2021, nhiều người trẻ đã chia sẻ câu chuyện của chính họ trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc như Douban, WeChat và Weibo, về lý do tại sao họ bỏ lại sự nghiệp và tham vọng của mình để theo đuổi lối sống đơn giản nhất, tự do về thời gian và không gian để khám phá bản thân.
Từ “nằm ngửa” đã trở thành một lựa chọn sống của giới trẻ Trung Quốc. Đối mặt với thị trường việc làm khốc liệt của Trung Quốc và áp lực kỳ vọng ngày càng lớn từ gia đình xã hội, họ cảm thấy tuyệt vọng cho tương lai của mình, vì vậy họ chỉ đơn giản là từ bỏ hoặc ngừng hành động và để mặc mọi thứ.
Ngày 27/8, Đài truyền hình Al Jazeera đưa tin, Ying Feng, một giáo viên tiểu học 21 tuổi ở Hạ Môn, vừa hoàn thành bằng đại học về âm nhạc và giảng dạy, nhưng khoảnh khắc này được đánh dấu không phải bởi sự ăn mừng mà là sự lo lắng.
Trước mặt cô là một mô hình làm việc 7 ngày một tuần, giáo viên tiểu học vào ban ngày, dạy thêm vào buổi tối, và dạy piano vào cuối tuần. Điều khiến cô thất vọng đó là ngay cả khi cô đã làm tất cả công việc của mình, cô cũng không thể kiếm đủ tiền để mua nhà hoặc lập gia đình.
Khi được hỏi liệu cuộc sống công việc căng thẳng và triển vọng thu nhập thấp có khiến cô suy nghĩ lại về con đường sự nghiệp của mình hay không, Feng Ying đã im lặng. Cô nói, “Nhiều lúc tôi chỉ muốn nằm ngửa, mặc cho sự việc tiếp tục phát triển.”
Alice Lu, 31 tuổi, từng làm việc trong bộ phận truyền thông của một công ty công nghệ thông tin lớn ở Thượng Hải. Sau một trận ốm nặng, cô quyết định nghỉ việc và chuyển sang mở quán mỳ.
Cô nói rằng sau khi làm việc 24/7 vào các ngày trong tuần, cuối tuần, cả ngày lẫn đêm trong vài năm, cô gần như suy sụp về thể chất và tinh thần.
Cô phải xin nghỉ làm để chỉnh đốn lại, và trong thời gian đó, cô bắt đầu đặt câu hỏi về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình. Cuối cùng, cô quyết định không đi làm lại mà mở một quán mỳ.
“Cửa hàng có thể không lớn, nhưng đó là công việc kinh doanh của riêng tôi. Bây giờ tôi có thể chủ động về thời gian của mình, tôi thấy rằng cuối cùng tôi cũng có thời gian để không làm gì cả,” cô nói.
Weizhe Wu, 29 tuổi, tại Tế Nam, bắt đầu suy nghĩ lại về sự nghiệp của mình sau khi chứng kiến một đồng nghiệp đột ngột ngất xỉu trong xưởng tại nơi làm việc, rằng đây liệu có phải là “vận mệnh cuối cùng” của anh hay không.
Weizhe Wu làm trưởng dự án tại một nhà máy hóa chất ở ngoại ô thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Mỗi tuần anh làm việc 6 ngày, từ 9:00 sáng đến 9:00 tối.
“Công việc đã chiếm hết thời gian của tôi, nhưng tôi ý thức được rằng ước mơ trong đời không thể thành hiện thực nếu làm việc trong một nhà máy.” Anh nói, khi nhìn ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Tế Nam, “Dù sao thì tôi cũng không bao giờ có thể sống ở đó được.”
Do đó, anh bỏ việc, chuyển về sống với bố mẹ và bắt đầu làm nghề tự do.
“Cha mẹ tôi có thể sẽ đẩy tôi trở lại chuồng chuột trước đây không lâu, nhưng bây giờ tôi có cảm thấy có thể nằm ngửa một cách tự do và khỏe mạnh hơn trước,” anh nói.
Tuy nhiên, ĐCSTQ cho rằng không thể chấp nhận được việc giới trẻ Trung Quốc “nằm ngửa”, “mặc kệ mọi thứ” và gán cho nhãn đây là “một trong những tội lỗi lớn nhất của xã hội Trung Quốc”.
- Thế hệ Z của Trung Quốc “nằm ngửa” khiến nền kinh tế mất động lực
- Số người kết hôn tại Trung Quốc thấp kỷ lục, giới trẻ “nằm ngửa” không lập gia đình
- Sự khác biệt trong “nằm ngửa” tại Trung Quốc và tại Mỹ
Nằm ngửa và “mặc kệ mọi thứ” xuất hiện trong thời kỳ một số khủng hoảng đan xen ở Trung Quốc
Ngoại giới cho rằng việc “nằm ngửa” và “mặc kệ mọi thứ”, cho đến cả việc chỉ trích giới lãnh đạo ĐCSTQ xảy ra vào thời điểm có nhiều cuộc khủng hoảng đan xen.
Ông Yao – Yuan Yeh, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Ngôn ngữ Hiện đại tại Đại học St. Thomas ở tiểu bang Texas, Mỹ, nói với Al Jazeera rằng cả những thách thức về nhân khẩu học và kinh tế đang ở phía trước mặt Trung Quốc.
“Điều quan trọng đối với ĐCSTQ là thanh niên Trung Quốc làm việc chăm chỉ và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là hiện tại, kỳ tích kinh tế – tốc độ tăng trưởng cao kinh tế Trung Quốc đã được xác định trong những thập kỷ gần đây – ngày càng khó có thể duy trì tiếp tục được,” ông nói.
Điều này khiến cho việc “nằm ngửa” và “mặc kệ mọi thứ” đối lập trực tiếp với các yêu cầu của ĐCSTQ.
Trong khi ông Tập Cận Bình kêu gọi những người trẻ tuổi cần ôm chí lớn, nỗ lực làm việc để đạt được mục tiêu của họ, thì phong trào nằm ngửa đại biểu rằng những người trẻ tuổi muốn hạ thấp kỳ vọng và cường độ làm việc. Trong khi ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự đoàn kết xung quanh các giá trị yêu nước do ĐCSTQ đưa ra, thì phong trào nằm ngửa là sự phản ánh của những người trẻ tìm thấy sự bình yên trong nội tâm.
Ông Yao – Yuan Yeh cho biết, ĐCSTQ không có khả năng cho phép hiện tượng này phát triển thành một phong trào chính trị, từ đó đe dọa đến sự thống trị của đảng hoặc ông Tập Cận Bình, người có khả năng sẽ nắm quyền thêm nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại đại hội ĐCSTQ vào cuối năm nay.
“Với nhận thức của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) về nằm ngửa, bất kỳ ý đồ mang tính tổ chức nào (do đảng nhận định) đều sẽ bị nghiền nát.”
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nếu việc nằm ngửa tiếp tục lan rộng và thanh niên Trung Quốc chọn lối sống không chịu làm việc chăm chỉ, thì đó là một mối nguy hiểm cho dã tâm của ĐCSTQ.
Khi được hỏi rằng liệu cô có cho việc nằm ngửa sẽ diễn biến thành mối đe dọa đối với ĐCSTQ hay không, Alice Lu hít một hơi sâu.
Cô nói, “Có một số việc tốt nhất là không nên thảo luận qua WeChat”.
Trí Đạt, theo Al Jazeera
Từ khóa Phong trào nằm ngửa Thanh niên Trung Quốc Nằm ngửa