Hàng ngàn thi thể bị trộm bán: Lời giải cho hàng loạt vụ mất tích tại Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Mới đây, vụ án chấn động về việc trộm và bán thi thể hàng ngàn người ở Trung Quốc đã bị luật sư Bắc Kinh Dịch Thắng Hoa vạch trần, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt của dư luận. Cựu nhân vật truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện lên tiếng rằng chuỗi công nghiệp đen này đã cấu thành tội ác chống lại loài người, và cũng giải đáp được bí ẩn về một lượng lớn người mất tích ở Trung Quốc.
- TQ: Phanh phui hệ thống mua bán trái phép hàng ngàn thi thể người làm nguyên liệu
- ĐCSTQ chặn tin ‘mua bán hàng ngàn thi thể người’ trong nước, phóng đại chuyện ở Mỹ
Ngay sau đó, tối ngày 8/8, các báo cáo có liên quan từ nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đã bị xóa. Các chủ đề liên quan cũng bị các nền tảng mạng xã hội cấm, Weibo của luật sư Dịch Thắng Hoa bị xóa hoặc chặn.
Ông Triệu Lan Kiện cho rằng vụ việc tàn bạo này là một hành động thực sự chống lại loài người. Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo sợ nhất là sự thật. Việc trấn áp sự thật của những vụ việc này là một cách để ĐCSTQ duy trì sự ổn định của chế độ.
Ông cũng tiết lộ mình là người đầu tiên đăng lại ảnh chụp màn hình Weibo của luật sư Dịch Thắng Hoa trên Twitter và dòng tweet này đã được gần một triệu người xem. Ông cho biết vấn đề số lượng lớn người mất tích ở Trung Quốc luôn khiến ông đau đầu cuối cùng đã có câu trả lời.
Theo báo cáo của truyền thông Đại Lục, một công ty dược phẩm Sơn Tây đã hợp tác với một số nhà tang lễ, thu mua trái phép hàng ngàn thi thể. 75 người liên quan đến vụ án. Các bác sĩ có thể kiếm được lợi nhuận từ 10.000 – 22.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu – 77 triệu VNĐ) cho mỗi một thi thể.
Điều đáng sợ hơn nữa là Trung tâm Cấy ghép Nội tạng của Bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo cũng liên quan đến vụ án. Vụ việc khiến cư dân mạng Trung Quốc bị sốc.
“Hai ngày qua, tôi đã không thể ngủ được và không thể nghỉ ngơi. Vụ việc kinh hoàng này liên quan đến thông tin tôi đã phỏng vấn nhiều gia đình nạn nhân bị buôn bán ở Vân Nam. Thực tế xã hội là cứ mỗi năm lại có 1 triệu người bị buôn bán và mất tích trên khắp đất nước, có vẻ như cuối cùng cũng có câu trả lời”, ông nói với Vision Times.
“Thông tin về việc xử lý hàng nghìn thi thể cho phép chúng tôi làm sáng tỏ thử thách to lớn của người phụ nữ bị xiềng xích.
Thông qua 4.000 thi thể này, người ta suy đoán rằng có thể có một lượng lớn người chết và bị giết ở Trung Quốc được xử lý và sử dụng, tạo thành một chuỗi công nghiệp và chuỗi đầu tư vốn khổng lồ.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là hệ sinh thái đáng sợ dưới sự phát triển của xã hội bất thường của Trung Quốc. Có một lượng lớn người tham gia vào các ngành công nghiệp bán lại xác chết và gia công sâu, thậm chí có thể có những công ty niêm yết sử dụng nguồn thi thể này.”
Hai năm trước, vụ việc “Người phụ nữ bị xích cổ” đã được đưa ra ánh sáng. Cô được tìm thấy tại một ngôi làng ở huyện Phong, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, bị nhốt trong một không gian nhỏ với một sợi dây xích cổ suốt một thời gian dài. Cô sinh 8 người con cho người đã bỏ tiền mua cô.
Ông Triệu Lan Kiện than thở, đằng sau hiện tượng xã hội này là sự tê liệt, thậm chí là méo mó của toàn xã hội.
“Sau khi vụ việc người phụ nữ bị xiềng xích bị vạch trần, vấn đề một lượng lớn người mất tích ở Trung Quốc hàng năm không nhận được sự quan tâm xứng đáng của toàn xã hội. Hàng loạt vụ việc Hồ Hâm Vũ sau đó cũng không khơi dậy được sự cảnh giác, mà lẽ ra cả xã hội phải có.
Vụ 4.000 xác chết lần này đã thu hút nhiều sự chú ý của cư dân mạng, nhưng lại một lần nữa bị bức tường phong tỏa Internet trấn áp. Sự thật một lần nữa bị dập tắt. Tuy nhiên, nó vẫn không ngăn được sự chú ý của cư dân mạng về vụ việc 4.000 thi thể.
Tham nhũng, thông đồng giữa quan chức ĐCSTQ và doanh nhân là nguyên nhân chính của tội ác
Ông Ngũ Lỗi, một luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện đang sống ở Nhật Bản, nói với Đài Á Châu Tự do, rằng vụ án này là một trường hợp điển hình cho thấy tình trạng nhân quyền xuống cấp trầm trọng ở Trung Quốc. Chuỗi ngành công nghiệp tội phạm trộm cắp và bán xác không thể tách rời khỏi sức mạnh của chính quyền ĐCSTQ.
“Về cơ bản mà nói, điều này phản ánh cơ bản về tình hình nhân quyền của một quốc gia. Chỉ là lần này nó phản ánh trên người đã chết và mọi người đều cảm thấy đặc biệt thống khổ. Kỳ thực, điều này chẳng phải cũng giống như vậy đối với người sống hay sao? Thi thể có thể được tôn trọng hay không?”, ông nói.
Ông cũng nói rằng chính phủ sẽ sử dụng nhiều quyền quản lý hơn để giám sát công dân, đồng thời đàn áp giới truyền thông, phóng viên điều tra, tổ chức phi chính phủ (NGO) và các lực lượng khác giám sát thị trường. Lần này luật sư Dịch Thắng Hoa đã mạo hiểm lên tiếng và bị trấn áp. Có thể đoán trước rằng những vụ án ác độc như vậy vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện.
Ông Quan Nghiêu, thành viên ban giám đốc “Đối thoại Trung Quốc” (Dialogue China) của Mỹ, cho biết Công ty Von Hagens Plastination (một công ty của Đức) dưới thời Bạc Hy Lai đã gia công thi thể và đưa đi trưng bày. Vào thời điểm đó, nguồn gốc của những thi thể này vẫn là một bí ẩn.
20 năm sau, một vụ án buôn bán và phân xác quy mô lớn bị phanh phui, liên quan đến nhiều đơn vị công cộng và bệnh viện, phản ánh tình trạng tham nhũng và thông đồng lâu dài giữa chính phủ và doanh nhân của Trung Quốc, đồng thời vạch trần sự thiếu giám sát của chính quyền ĐCSTQ đối với các vấn đề liên quan.
Ông Quan Nghiêu than thở rằng cơ thể của người Trung Quốc chỉ là công cụ kiếm lợi nhuận cho những doanh nhân và quan chức vô nhân đạo.
Chuỗi công nghiệp đen trộm cắp và buôn bán thi thể bị vạch trần lần này liên quan đến Công ty TNHH Công nghệ Hằng Phổ Tứ Xuyên, Trung tâm Bệnh gan tại bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo Sơn Đông, Đại học Y Quế Lâm, Nhà tang lễ thành phố Quế Lâm, Nhà tang lễ huyện Bình Lạc, Nhà tang lễ huyện Vĩnh Phúc và các đơn vị khác.
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Buôn bán thi thể Thi thể người