Vì sao nói triển lãm thi thể người vi phạm cả luật lẫn đạo đức?
- Xuân Tường
- •
Chúng ta đều biết rằng, pháp luật luôn luôn được xây dựng trên nền tảng là đạo đức, phong tục, tập quán của một dân tộc, một cộng đồng, hoặc thông lệ quốc tế. Do vậy, pháp luật, đến lượt mình, luôn có sứ mệnh bảo vệ đạo đức, phong tục, tập quán mà trên cơ sở đó nó sinh thành và phát triển.
Bởi vậy, pháp luật của các quốc gia khác nhau là khác nhau. Tuy nhiên, những chế định hình sự hoàn toàn phải tuân thủ “Nguyên tắc lãnh thổ”. Quyền tài phán của một quốc gia về hình sự là bất khả xâm phạm. Vậy nên, nếu một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì hành vi này phải bị xử lý.
Luật pháp được xây dựng để bảo vệ thuần phong mỹ tục
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery Of Human Body) do Sở VH-TT TP.HCM cấp phép, đại diện Mega Vina tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Niên (Q.1, TP.HCM) thực tế là triển lãm các bộ phận thật của người và thi thể người thật. Điều này là hoàn toàn không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt, lịch sử cũng chưa từng có tiền lệ này.
Sự phơi bày một cách lạnh lùng, vô cảm, trần trụi đến ghê rợn những mảnh, phần riêng rẽ của cơ thể một con người, cả những phần nhạy cảm nhất, thiêng liêng nhất, hay một sinh linh nhỏ bé, mong manh, đáng thương như một thai nhi… để thu tiền… cho thấy nhiều điều đáng lên tiếng cả về mặt luật định lẫn đạo đức xã hội.
Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một thứ tín ngưỡng. Bàn thờ tổ tiên trở thành nơi tôn kính nhất trong nhà. Đó là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.
Tang lễ cũng là một trong những phong tục quan trọng của người Việt, bao gồm nhiều quy trình của những người đang sống thực hiện đối với người vừa qua đời. Các lễ nghi (lễ khâm liệm, lễ nhập quan, lễ viếng, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt và lễ viếng mộ, cúng tuần, giỗ đầu, mãn tang…) được thực hiện trình tự, cẩn trọng để đưa tiễn một người về với thế giới bên kia.
Đó là những chế định về văn hóa để xây dựng nên quy phạm đạo đức xã hội. Người Việt luôn làm mọi việc để người đã khuất được “mồ yên, mả đẹp”, đó là một biểu hiện cho lòng tôn trọng người đã khuất. Cha ông chúng ta có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, trong lúc sinh thời, dù mình có ân oán gì với người đã an nghỉ kia thì khi họ chết, đều là buông bỏ hết: “Sống vì mồ vì mả, không ai vì cả bát cơm”.
Trong nhận thức của người xưa, “sống gửi, thác về”, cái chết của con người không phải là hết. Người xưa coi cái chết là “đi về cõi vĩnh hằng”, là “yên giấc ngàn thu”. Họ luôn cho rằng, linh hồn của người chết yên ổn thì con cháu thịnh vượng, vì vậy các thầy phong thủy coi trọng âm trạch hơn dương trạch rất nhiều. Trong suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt, phong thủy đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trong luật pháp, việc xâm phạm tới nơi an nghỉ của người đã khuất đã được quy định là tội hình sự: “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo Điều 319, Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, kinh doanh thi thể là một hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Điều này không chỉ không tôn trọng người đã khuất mà còn là việc trục lợi trên thi thể của người đã khuất. Hành vi này gây ảnh hưởng rộng lớn tới toàn xã hội khi gây nên phản ứng phản cảm dữ dội, mặt khác, chúng khiến con người dần trở nên vô cảm, thờ ơ, lòng nhân ái, thiện niệm đánh mất dần.
Triển lãm thi thể là vi phạm pháp luật Việt Nam
Trong khi việc bảo vệ thuần phong mỹ tục đã được đưa thành một nguyên tắc Hiến định (Điều 60, Hiến pháp 2013), và nguyên tắc này được bảo vệ bởi Bộ luật Hình sự, cụ thể hóa thành các tội phạm những hành vi xâm hại thuần phong, mỹ tục, những giá trị đạo đức… thì một cuộc triển lãm nội tạng và thi thể người thật được cấp phép tổ chức tại Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trưng bày, triển lãm thi thể với mục đích thương mại là hành vi bị cấm.
Cho dù nguồn cung cấp và việc sử dụng các bộ phận người và thi thể người là hoàn toàn minh bạch, đúng pháp luật thì theo quy định của pháp luật Việt Nam, trưng bày, triển lãm thi thể với mục đích thương mại là hành vi bị cấm. Luật số 75/2006/QH11 về Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 19/11/2006 quy định:
- Điều 4. Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
- Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
- Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
- Không nhằm mục đích thương mại.
- Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.
- Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.
- Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
- Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
- Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.
Ở Việt Nam, xuất phát từ phong tục, truyền thống tín ngưỡng nên luật đã quy định: Người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (Điều 25). Lễ Tri ân được tổ chức trang trọng, nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với người hiến tặng thi thể.
Do đó, triển lãm không nên được cấp phép tổ chức, khai thác thương mại vì mâu thuẫn với luật hiến xác của Việt Nam. Thậm chí, những “mẫu vật” được trưng bày trong triển lãm cũng đang vi phạm nghiêm trọng về quyền nhân thân theo luật định của Việt Nam.
Đơn vị tổ chức triển lãm thi thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được, mà phải đạt những điều kiện về khả năng nhận thức cũng như năng lực về hành vi.
Điều 5 của Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Điều cần lưu ý là, tại cuộc triển lãm có nhiều “mẫu vật” là các thai nhi được trưng bày, gồm thai nhi còn nằm trong bụng mẹ (thi thể người phụ nữ đang mang thai), và nhiều bào thai ở những giai đoạn thai kỳ khác nhau. Bởi việc hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng, việc hiến mô, bộ phận cơ thể phải do chính chủ thể quyết định, không ai được làm thay, kể cả bố mẹ của thai nhi. Do đó, bất kể là các thai nhi đó được cung cấp bởi bất kể phương pháp nào thì cũng là phạm luật ở Việt Nam.
Luật Việt Nam tuy chưa có chế định riêng về “Khái niệm người” nhưng khi cụ thể hóa quan hệ pháp luật thì Bộ luật Dân sự 2015 đã xác định khái niệm “con người” dưới góc độ pháp lý, một sinh linh được coi là “con người” với tư cách là chủ thể pháp luật là khi “đã thành thai nhưng chưa sinh ra”. Như Điều 660 quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng“.
Kết hợp với những vi phạm kể trên, hoàn toàn có thể truy tố những người tổ chức, kể cả người cấp phép triển lãm thi thể ra trước pháp đình tại Việt Nam.
Tùy theo việc xác định trong những trường hợp cụ thể đối với các bộ phận thi thể, thi thể nguyên vẹn về nguồn gốc xuất xứ của nó mà có thể quy kết với những tội danh tương ứng. Cụ thể, Bộ Luật hình sự 2015 quy định: Tội giết người (Điều 123); Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154).
Ở đây, xin nói rõ hơn về trách nhiệm của người tổ chức triển lãm.
Đành rằng, các mẫu vật được tạm nhập vào Việt Nam từ nước ngoài để phục vụ cho cuộc triển lãm, nhưng chiểu theo luật Việt Nam thì việc thu thập thi thể, đặc biệt là thai nhi để trưng-bày, thu-tiền là phạm pháp.
Những chế định hình sự hoàn toàn phải tuân thủ “nguyên tắc lãnh thổ”. “Quốc có quốc pháp. Gia có gia quy”. Đó là nguyên tắc.
Quyền tài phán của một quốc gia về hình sự là bất khả xâm phạm. Vậy nên, nếu một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm làm rõ và xử lý.
Đối với trách nhiệm của cơ quan cấp phép, vì pháp luật đã quy định chặt chẽ tại Luật số 75/2006/QH11 về Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 19/11/2006, nên việc cấp phép cho việc “Triển lãm thi thể người thật” là hành vi trái pháp luật.
Từ góc độ khách tham gia triển lãm, ngoài tâm lý tò mò, sự quảng bá về mặt giáo dục y học khiến một số lượng lớn khách đăng ký tham gia triển lãm. Tuy nhiên, thực tế, chương trình triển lãm cho thấy có nhiều yếu tố về mặt đạo đức, văn hóa, tâm linh và pháp luật không được đảm bảo, thậm chí vi phạm. Để tránh tham dự vào một hành vi trái luật, công chúng có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp thông tin về nguồn gốc của những thi thể trưng bày triển lãm. Thiết nghĩ, điều này không chỉ giúp người dân tự bảo vệ mình, không bị trục lợi từ hành vi khai thác thương mại trái luật, mà còn thể hiện ý thức xã hội khi văn hóa dân tộc, giá trị giáo dục, đạo đức của quốc gia bị xâm phạm, coi thường nghiêm trọng.
Xuân Tường
Xem thêm:
Từ khóa nguồn gốc cơ thể triển lãm nhựa hóa cơ thể người Triễn lãm thi thể người