ĐCSTQ chặn tin ‘mua bán hàng ngàn thi thể người’ trong nước, phóng đại chuyện ở Mỹ
- Trí Đạt
- •
Sau khi vụ án trộm và mua bán thi thể quy mô lớn ở Trung Quốc bị luật sư tiết lộ, dư luận đã dậy sóng. Bắc Kinh đã áp chế việc lan truyền thông tin “đánh cắp và mua bán thi thể” ở trong nước, đóng các bình luận trên Weibo, đồng thời thổi phồng cái gọi là “vụ giấu xác” ở Mỹ.
Như Trí Thức VN đã đưa tin, hôm 8/8, luật sư Trung Quốc Đại Lục, ông Dịch Thắng Hoa (Yi Shenghua) đã công khai trên mạng các tài liệu vụ án liên quan đến trộm, làm nhục và cố ý hủy hoại thi thể người. Theo hồ sơ vụ án, Công ty Vật liệu sinh học Shanxi Orui (Shanxi Osteorad Biomaterial) đã hợp tác với các nhà tang lễ, lò hỏa táng ở nhiều nơi để thu mua thi thể của những người từ 20 đến 60 tuổi chết không phải do bệnh tật. Thi thể sẽ được cắt nhỏ và phần xương được sử dụng làm vật liệu mô sinh học để bán cho các bệnh viện.
Theo tài liệu, tổng thu nhập hoạt động của công ty Shanxi Osteorad từ năm 2015 đến năm 2023 lên tới 380 triệu nhân dân tệ (gần 1.331 tỷ VNĐ). 18 tấn nguyên liệu bán thành phẩm xương người và 34.077 thành phẩm của công ty có liên quan đã bị tịch thu. Vụ án liên quan đến trộm và bán lại trái phép hơn 4.000 thi thể.
Tài liệu cho thấy có 75 nghi phạm trong vụ án này, các đơn vị liên quan bao gồm Shanxi Osteorad, Sichuan Hengpu Technology ở Tứ Xuyên, Trung tâm Bệnh gan trực thuộc Đại học Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông, Đại học Y Quế Lâm ở tỉnh Quảng Tây, Nhà tang lễ thành phố Quế Lâm, Nhà tang lễ huyện Bình Lạc (Quảng Tây), Nhà tang lễ huyện Vĩnh Phúc (Quảng Tây). Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà hỏa táng như Nhà hỏa táng thành phố Thủy Phúc của tỉnh Vân Nam, Nhà hỏa táng quận Ba Nam của thành phố Trùng Khánh, Nhà hỏa táng huyện Thạch Thiên của tỉnh Quý Châu và Nhà hỏa táng huyện Đại Anh của tỉnh Tứ Xuyên do nghi phạm họ Tô kiểm soát.
Tài liệu được Văn phòng Công an thành phố Thái Nguyên Sơn Tây đưa ra vào ngày 23/5 năm nay, cho thấy vụ án sẽ được chuyển đến Viện kiểm sát thành phố Thái Nguyên để xem xét và truy tố. Vào ngày 8/8, sau khi luật sư Dịch Thắng Hoa công khai tài liệu vụ án, nhiều phương tiện truyền thông trong đó có tờ Beijing News và The Paper đưa tin.
Sau khi vụ việc đang thu hút sự chú ý, luật sư Dịch Thắng Hoa đã đăng một bài viết khác trên Weibo vào chiều ngày 8/8, nói rằng: “Tôi nhận được cuộc gọi từ Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh để thảo luận với tôi xem có nên vạch trần tình tiết của các vụ án đang chờ xử lý hay không”. Đêm hôm đó, ông lại tiết lộ rằng Văn phòng Tư pháp quận Triều Dương, Bắc Kinh đã mời ông lên nói chuyện vào thứ Hai tuần sau; tin tức mà ông đưa ra trước đó liên quan đến “Vụ trộm và bán thi thể” đã bị chặn, và các thông tin liên quan không còn xem được nữa.
Ngoài ra, nhiều báo cáo gốc đã bị xóa sau khi được các phương tiện truyền thông khác đăng lại. Chính quyền không chỉ ngăn chặn sự lan truyền của thông tin về vụ án “trộm và mua bán thi thể” trong nước, mà còn phóng đại cái gọi là “vụ giấu xác” trong các nhà tang lễ tại Mỹ. Động thái này bị coi là chuyển trọng tâm chú ý của dư luận.
Những nỗ lực ngăn chặn ngôn luận và chuyển trọng tâm của chính quyền đã gây ra sự bất mãn trong cư dân mạng Đại Lục.
Một số người bình luận trên Weibo:
“Tôi đã xem tin tức về Mỹ vài ngày trước và bây giờ nó được sử dụng để ‘vây Ngụy cứu Triệu’. Thủ đoạn chuyển dịch mâu thuẫn này được dùng rất giỏi.”
“190 xác chết thối rữa đã được giấu kín và số tiền bồi thường là 950 triệu đô la Mỹ. Vậy hơn 4.000 thi thể ở nước chúng ta thì phải đền bao nhiêu?”
“Đã lôi nước Mỹ ra để nói, vậy thì tôi ủng hộ chúng ta làm theo tiêu chuẩn bồi thường này của Mỹ.”
Có cư dân mạng bình luận: “Mạng sống của người Trung Quốc không quý bằng xác người Mỹ. Sữa bột nhiễm melamine của Tập đoàn Sanlu đã làm hại 300.000 trẻ em. Số tiền bồi thường mua một lần là 3.300 nhân dân tệ. Phải mất 6 năm mới phân bổ được chưa đến 200 triệu nhân dân tệ. Điều nực cười là, công ty Sanlu có doanh thu hơn 10 tỷ năm 2008, tuyên bố phá sản năm 2008 và không có tiền bồi thường. Hiệp hội Công nghiệp Sữa đã huy động được 1,1 tỷ để bồi thường, phân bổ được 190 triệu tệ, công ty phá sản để bảo vệ tài sản còn kiếm được 900 tệ. Trong khi đó người dân cả một đời chỉ được bồi thường 3.300 tệ.”
Bình luận của Nghiêm Đan: Hé lộ một góc câu chuyện mờ ám về thu hoạch nội tạng sống
Cổ đông lớn nhất với 54,08% cổ phần, người đại diện theo pháp luật và chủ tịch của Công ty Shanxi Osteorad là Tùng Mậu Nghĩa (Cong Maoyi), Tổng giám đốc Tô Thành Trung (Su Chengzhong) nắm giữ 45,92% cổ phần. Người thực sự chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty là Lý Bảo Hưng (Li Baoxing). Tuy nhiên, trong mắt người khác, họ không phải là những ông trùm thực sự của chuỗi công nghiệp đen chuyên trộm cắp và bán thi thể.
Một số bài viết, hiện khi truy cập hiện lỗi 404, trước đó đã chỉ ra rằng Shanxi Osteorad được thành lập vào năm 1999 bởi Viện Bảo vệ Bức xạ Trung Quốc, đặt tại Thái Nguyên và thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, phạm vi kinh doanh của nó chủ yếu là “vật liệu cấy ghép xương dị sinh”, “nghiên cứu phát triển, sản xuất và bán hàng”.
Năm 1999, vật liệu sửa chữa xương này, chủ yếu được làm từ xương của người khác, được phân loại là thiết bị y tế Loại III. Vào thời điểm đó, ông Lý Bảo Hưng (Li Baoxing), giám đốc Ngân hàng mô Sơn Tây, doanh nghiệp tư nhân về ngân hàng mô nội địa đầu tiên được Sở Y tế tỉnh Sơn Tây phê duyệt, đã “thành lập và đăng ký Shanxi Orui (phiên âm tiếng Trung, tên tiếng Anh là Shanxi Osteorad) dưới hình thức hệ thống cổ phần”. Năm 2000, sản phẩm xương dị thể (xương của cơ thể này dùng cấy ghép cho cơ thể khác) của công ty là sản phẩm đầu tiên ở Trung Quốc được cấp giấy phép và tung ra thị trường. Hiệp hội Phẫu thuật Trung Quốc và Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc cũng hợp tác chặt chẽ và đồng tổ chức các hội thảo cấy ghép xương quy mô lớn với họ. Kể từ đó, Shanxi Orui đã gian lận bằng mọi cách. Năm 2001, sản lượng của công ty vượt quá 15.000, “gấp 5 lần so với những năm trước, đạt 20.000 chiếc trong năm 2002”; chỉ riêng năm 2005, thị phần của công ty này đã nhanh chóng tăng lên 80%.
Với nền tảng và quy mô như vậy, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, liệu có thể hoạt động nếu không có chống lưng của những người có quyền thế? Không chỉ chống lưng, một công ty như vậy có thể là con tốt của một số gia tộc đỏ và lực lượng quân sự. Thi thể của người chết nằm trong các nhà tang lễ, nhà hỏa táng, nhà xác, bệnh viện, không ai biết rõ hơn chính quyền ĐCSTQ rằng ở đó có bao nhiêu thi thể. Họ không chỉ thèm muốn mưu lợi bằng nội tạng của người sống, mà cả xác của người chết cũng không buông tha. ĐCSTQ phớt lờ luật pháp, đạo đức và luân lý con người, tiến hành nghiên cứu và phát triển một cách không kiềm chế, chế biến cơ thể con người thành nguyên liệu thô công nghiệp và đưa chúng ra thị trường để kiếm lợi nhuận. Đây là điều mà ĐCSTQ đã ban hành văn kiện có tiêu đề màu đỏ để khuyến khích và chủ trương vào những năm 1980.
Trang web chính thức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước ĐCSTQ cho thấy ngoài Shanxi Osteorad, còn có hơn 10 nhà sản xuất các sản phẩm xương như thế này, bao gồm Datsing Biotech, Beijing Yun Kang Heng Ye Biology Technology, OSTEOLINK, Nanjing Yitebo và Shanghai Anjiu Biotechnology, v.v. Một khi ông chủ của Shanxi Osteorad bị lôi ra, sẽ có thêm nhiều ông chủ khác không còn nơi nào để trốn. Một khi bằng chứng về việc nhiều quan chức cấp cao ăn ‘bánh hấp làm từ máu người’ và phát tài dựa vào người chết bị phơi bày trước công chúng, ĐCSTQ đang sụp đổ có lẽ sẽ không thể chịu nổi.
Ngoài ra, hành vi trộm cắp, bán thi thể người là sự tiếp nối của hành vi trộm cướp nội tạng. Chính vì nạn trộm cướp và buôn bán nội tạng tràn lan mà các ngành liên quan đã được thúc đẩy. Một bài viết hiển thị 404 do trang tin Caixin xuất bản đã chỉ ra mấu chốt: Xương dị thể được bán đến từ ngân hàng xương, tức là ngân hàng mô và những người hiến tặng đã chết, được hiến tặng bởi chính bản thân người đó khi còn sống hoặc được sự đồng ý của gia đình, và còn phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe. Ví dụ, bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ, bệnh nhân có khối u ác tính, bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh nhân viêm gan truyền nhiễm, AIDS, bệnh nhân mắc bệnh tự miễn, bệnh nhân bị ngộ độc, bệnh nhân sử dụng máy thở lâu dài, bệnh nhân điều trị rối loạn nội tiết tố, bệnh nhân có tổn thương tại chỗ xương được lấy, hoặc không rõ nguyên nhân tử vong đều “không thể được chọn”. Đôi khi cũng yêu cầu họ phải là những người trẻ và trung niên trên 18 tuổi, trẻ và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu cần phải được đồng ý hiến tặng, Shanxi Osteorad đã làm giả các mẫu đơn đăng ký hiến thi thể tự nguyện, báo cáo kiểm tra và các tài liệu khác để chứng minh tính hợp pháp và an toàn của nguồn thi thể, đồng thời tổ chức cho hầu hết các nhân viên công ty giả mạo người nhà ký tên trong bảng đăng ký hiến tặng. Ngoài ra, các lò hỏa táng do công ty kiểm soát đã lựa chọn “các thi thể trong độ tuổi từ 20 đến 60 không có bệnh tật”.
Điều này cho thấy người hiến thi thể rất ít, người hiến tạng lại càng khó xuất hiện hơn. Đối với những người thân trong gia đình, thi thể của người đã khuất còn quý giá thì nói gì đến nội tạng của người sống. Chết não nghĩa là vẫn còn hy vọng, thì gia đình sao có thể dễ dàng bỏ cuộc? Họ không quỳ xuống cầu xin các bác sĩ cố gắng hết sức để cứu người nhà mình, mà ngay lập tức quyết định hiến tặng nội tạng, có bao nhiêu người sẽ đi ngược lại lẽ thường như thế này?
Ngoài ra, liệu có đủ “xác không bệnh tật” để hỗ trợ cho thị trường xương người khổng lồ? Xét theo nhu cầu lựa chọn cẩn thận từ rất nhiều người chết ở lò hỏa táng, thì khả năng tìm được một thi thể phù hợp là không cao. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ, liệu có ai mạo hiểm biến một người sống khỏe mạnh thành một xác chết? Điều này không phải là không thể tưởng tượng được ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Chẳng phải ở Trung Quốc luôn có câu nói lãi 50% thì tư bản sẽ mạo hiểm; lãi 100% thì tư bản dám mạo hiểm treo đầu; lãi 300% thì tư bản dám chà đạp mọi luật lệ trên đời. Chớ quên, ở Trung Quốc Đại Lục, tư bản có quyền lực chống lưng. Tầng lớp ‘quyền quý đỏ’ (quan chức và người nhà) của ĐCSTQ là người cầm nòng súng và cán dao thì còn sợ gì pháp luật?
Nói chung, bệnh viện đã khám nghiệm cơ thể một người và thu thập thông tin bệnh nhân, sẽ có phán quyết tốt nhất về việc người đó có mắc bệnh hay không. Liệu các bệnh viện ở Trung Quốc có dám giết người và kiếm lợi từ việc đó hay không, Trung tâm Bệnh gan của Bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nơi phạm tội trộm và mua bán xác lần này, có rất nhiều điều để nói. Ông Lý Chí Cường, phó giám đốc trung tâm, không chỉ tách rời hơn chục thi thể và lấy xương người bán cho Shanxi Osteorad, mà còn hợp tác với các chuyên gia khác của trung tâm để thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại Lục đã đứng thứ hai trên thế giới. Nếu nội tạng không được hiến tặng tự nguyện, thì việc thu hoạch nội tạng sống đã trở thành phương pháp phổ biến nhất được sử dụng bởi những kẻ trộm cướp và bán nội tạng. Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) ở hải ngoại đã đưa ra số liệu thống kê dựa trên những bằng chứng thu được: Tính đến năm 2018, ít nhất 865 cơ sở y tế và 9.500 nhân viên y tế bị nghi ngờ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Điều này có nghĩa, ngân hàng nội tạng sống khổng lồ là nguồn cung cấp trực tiếp nhất cho ngân hàng thi thể người ở Trung Quốc Đại Lục. Việc thu hoạch sống đảm bảo cơ thể con người khỏe mạnh. Sau khi bán nội tạng, bác sĩ sẽ lấy xương người và bán cho công ty, điều này không chỉ khiến khách hàng yên tâm, mà còn kiếm được nhiều tiền hơn.
Được thúc đẩy bởi lợi nhuận, trộm cướp và mua bán thi thể có thể từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp ở Trung Quốc Đại Lục. Điều này cho thấy trộm cướp và mua bán nội tạng đã trở thành một hoạt động kinh doanh theo dây chuyền. Trong dây chuyền này, mọi tổ chức, thực thể hay cá nhân có liên quan chỉ là một “con ốc vít” trong cỗ máy giết người, người thực sự kích hoạt cỗ máy này và dùng toàn lực để tàn sát và giết hại thường dân, chỉ có ĐCSTQ mà thôi.
Một khi vụ án trộm và mua bán thi thể bị phanh phui, tội ác thu hoạch nội tạng từ người sống sẽ không còn bị che giấu nữa. ĐCSTQ đã bức hại những người dân vô tội và thiện lương trong nhiều thập kỷ, sợ nhất là bị thanh toán. Đây có lẽ là nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của chính quyền ĐCSTQ, và cũng là lý do chính khiến chính quyền này thậm chí không dám mở phiên tòa xét xử tội trộm cướp và mua bán thi thể một cách công khai, và chỉ đưa ra mức án tối đa là 3 năm.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Buôn bán thi thể Thi thể người