Hơn 10 diễn viên Trung Quốc được mời sang Thái Lan, một số vẫn mất tích ở Myanmar
- Lê Tử Hy
- •
Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, Nhan X Lỗi (Yan X Lei, tên trên mạng là Nhan Thập Lục), nghi phạm hình sự quan trọng trong vụ án diễn viên Vương Tinh bị lừa bắt đến Myanmar, đã tự nguyện ra đầu thú và trở về Trung Quốc vào ngày 25/1. Tuy nhiên theo thống kê trước đó, nhiều người trong làng giải trí Trung Quốc Đại Lục đã bị lừa đến biên giới Thái Lan – Myanmar trong những tháng gần đây, và có ít nhất 10 người được mời bởi một người tự xưng là “Nhan Thập Lục” (Yan Shiliu); 4 người trong số họ, bao gồm cả Vương Tinh, đã bị lừa sang Thái Lan, một số người hiện vẫn đang mất tích.
Hơn 10 người trong làng giải trí được mời đóng phim, vẫn còn một số mất tích
Theo báo cáo trước đó của tờ “Tin tức Hồng Tinh” (Red Star News) của Trung Quốc, trước khi nam diễn viên Vương Tinh bị lừa sang Thái Lan, anh đã nhìn thấy thông báo tuyển dụng trong một nhóm diễn viên chuyên nghiệp. Đồng thời, trong nhóm đó còn thêm “Nhan Thập Lục”, người tự xưng là điều phối diễn viên từ “Công ty GMM Grammy Thái Lan”. Người mẫu 25 tuổi Dương Trạch Kỳ (Yang Zeqi), người mất liên lạc ở biên giới Thái Lan – Myanmar, đã nhận được thông tin tuyển dụng từ các công ty tổ chức quay phim, trong đó có một người tên là “Nhan Thập Lục” thuộc Công ty Điện ảnh Yanshi Tianyi Chiết Giang.
Ngoài diễn viên, các nhân viên trong đoàn phim cũng bị lừa. Theo thông tin, con trai 21 tuổi của bà Giả, một người làm nghề ánh sáng đến từ Hà Nam, cũng đã thông qua “Nhan Thập Lục” để sang Thái Lan “quay phim” và đến nay vẫn mất tích.
Theo thông tin công khai, GMM Grammy được thành lập năm 1983 bởi người Thái gốc Hoa có tên Hoàng Dân Huy (phiên âm tiếng Hoa: Huang Minhui; tên tiếng Thái: PaiboonDamrongchaitham). GMM Grammy đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 7/1, nói rằng công ty không liên quan gì đến việc diễn viên Vương Tinh bị lừa; công ty sẽ không liên hệ với bất kỳ cá nhân nào thông qua các kênh riêng tư.
Tuy nhiên theo “Tuần báo Châu Á” (Yazhou Zhoukan), ông Hoàng Dân Huy xuất thân từ một gia đình gốc Hoa, có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và nhanh chóng đầu tư vào các nhóm tập đoàn “Báo Dân ý” (Matichon) “Bangkok Post” của Thái Lan, nên bị dư luận coi là người “lũng đoạn truyền thông” và “nguy hại cho tự do báo chí”.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là khi một diễn viên nhận được lời mời đóng phim ở Thái Lan của “Nhan Thập Lục” đã hỏi anh ta về tình hình ekip, “Nhan Thập Lục” nói rằng không thể gửi thông tin, “vì nó liên quan đến quân đội”. Kênh “Đại Hà Báo” của Trung Quốc Đại Lục đưa tin, một nhà thiết kế trang phục cho biết vào năm 2017, “Nhan Thập Lục” đã vay tiền từ những người anh gặp ở Phim trường Hoành Điếm, vay nhiều vay ít đều có cả.
Sau khi vụ việc liên quan bùng nổ, “Nhan Thập Lục” đã tuyên bố tài khoản WeChat của mình bị hack: “WeChat của tôi đã bị hack, những việc xảy ra trong vòng một tháng qua không liên quan gì đến tôi. Tôi chưa từng liên lạc với bất kỳ ai. Khi nhận lời mời tham gia dự án, hãy cẩn thận. Nếu đó là dự án của tôi, xin hãy xác nhận xem có phải là tôi không.”
Theo thông tin công khai, từ tháng 12/2024, nhóm tội phạm này đã đăng tải một lượng lớn thông tin tuyển dụng giả mạo trong các nhóm WeChat, bao gồm tuyển diễn viên, người mẫu và nhân viên đoàn phim. Chúng sử dụng các chiêu thức như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn và sắp xếp phương tiện để lừa gạt những người có ý định tham gia sang Thái Lan, sau đó chuyển họ đến Myawaddy, Myanmar, và bán vào các khu vực hoạt động lừa đảo qua mạng.
Thủ phạm thực sự đằng sau vụ việc Vương Tinh là ai?
Mới đây, có thông tin cho rằng khu công nghiệp KK tại Myawaddy, phía Đông Myanmar, được xây dựng bởi Tập đoàn Công nghiệp Nặng Trung Quốc, thực chất là “một công viên tội phạm viễn thông lừa đảo với quy mô lớn, liên quan đến nhiều hoạt động phạm tội”. Một số cảnh sát Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước đã tiết lộ thêm chi tiết về các hoạt động lừa đảo tại khu vực miền Bắc Myanmar: Trước tiên, những công dân Trung Quốc bị dụ dỗ hoặc lừa gạt đến miền Bắc Myanmar sẽ bị xem như “lợn con” (cách gọi ám chỉ người bị buôn bán), và bị mua bán qua lại giữa các khu công viên lừa đảo; Sau đó, họ buộc phải tham gia vào công việc lừa đảo qua mạng. Nếu “thành tích không đạt yêu cầu, hoặc có hành vi chống đối”, họ sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, từ bị đánh đập tàn nhẫn đến bị “tra tấn, ngược đãi hoặc thậm chí bị giết hại”.
Ngoài “các phương pháp bạo lực và tra tấn như kéo móng tay, chặt ngón tay, ngâm nước, treo cổ và đánh đập”, “hàng loạt hoạt động tội phạm bắt nguồn từ tội phạm lừa đảo điện tử như giam giữ trái phép, bắt cóc, hãm hiếp, tống tiền, cố ý gây thương tích, và cố ý giết người” cũng đều “phổ biến trong công viên lừa đảo”.
Ngoài ra, có một bài viết được lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc Đại Lục, trong đó nói rằng “cái gọi là công viên ở Myawaddy thực chất là một trại buôn người quy mô lớn, công khai, hiện đại, đồng thời là một trung tâm buôn bán nội tạng và một xưởng giết người”; “Ở những nơi đó, một số lượng lớn người Trung Quốc được coi là hàng hóa rõ ràng, và giá trị thương mại của một người phụ thuộc vào các dự án lao động mà họ có thể thực hiện và giá trị nội tạng của họ”, “Mỗi ‘ngành nghề’ đều là một khoản lợi nhuận khổng lồ: lừa đảo, buôn bán nội tạng, khiêu dâm, cờ bạc và ma túy …”.
- 36 băng nhóm Trung Quốc với hơn 100.000 người lừa đảo viễn thông tập kết ở Myanmar
- Người thoát khỏi công viên lừa đảo Myanmar: Mổ lấy nội tạng mà không gây mê là thật
Một doanh nhân Trung Quốc trốn thoát thành công khỏi hang ổ lừa đảo ở phía bắc Myanmar khi tiết lộ câu chuyện mờ ám của họ với giới truyền thông đã cho biết: “Tất cả chủ sở hữu các công viên đều là người Trung Quốc, và tất cả chủ sở hữu các công ty điện tử đều là người Trung Quốc”, “còn người Myanmar, họ chỉ là cung cấp địa bàn mà thôi”. Sau khi trốn thoát khỏi công viên lừa đảo, anh rơi vào tay lực lượng vũ trang địa phương. Họ chỉ “đòi phí cảm ơn 300.000 bạt Thái Lan” và thả anh ra. Nhưng nếu đổi thành chủ công viên lừa đảo người Trung Quốc, “dù có đưa 800.000 bạt Thái Lan thì cũng chưa chắc họ đã thả”, bởi vì “họ không muốn tiền của bạn, mà họ muốn bạn”.
Hơn 1.700 người bị hại, ĐCSTQ “không lập hồ sơ vụ án”
Theo báo cáo của BBC, các vụ lừa đảo kiểu này hiện không chỉ giới hạn ở một khu vực nhất định ở Trung Quốc Đại Lục. Các nạn nhân đến từ Giang Tây, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và thậm chí cả 3 tỉnh đông bắc. Một nạn nhân ở Thượng Hải tiết lộ, vào tháng 7/2023 anh nhận lời tham gia diễn xuất ở Vân Nam, kết quả sau khi đến Vân Nam, điện thoại di động và hộ chiếu của anh đã bị tịch thu, đồng thời anh bị người ta dùng dao dài đe dọa để bắt leo núi và vượt biên sang Myanmar, và cuối cùng bị buộc trở thành thành viên của băng đảng lừa đảo.
Anh kể đã chứng kiến 4 người trong công viên bị bắn chết, những người không có thành tích làm việc tốt bị đánh bằng gậy, các nạn nhân đều có nguy cơ bị lấy nội tạng.
Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ lại tránh nói về tin tức này.
BBC tiết lộ, một tài liệu có tên “Dự án ngôi sao về nhà” do gia đình các nạn nhân bị mắc kẹt khởi xướng đã ghi lại hơn 1.700 trường hợp nạn nhân, trong đó gần một nửa cho biết cảnh sát Trung Quốc “sẽ không lập án”.
Báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc cho thấy, có hàng trăm ngàn người thực hiện lừa đảo điện tử ở Đông Nam Á, trong đó có khoảng 220.000 người ở Myanmar và Campuchia, chủ yếu là công dân Trung Quốc hoặc người Hoa.
Điều này trái ngược hoàn toàn với vụ án Vương Tinh nói trên được phát hiện nhanh chóng chỉ sau 4 ngày. Điều đáng nói là Vương Tinh đã cảm ơn chính quyền ĐCSTQ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan và Myanmar vì những nỗ lực của họ sau khi được giải cứu. Điều này cũng khiến người ta đặt câu hỏi rằng để giải cứu các nạn nhân Trung Quốc bị mắc kẹt ở Myanmar, thực chất chỉ cần ĐCSTQ “nỗ lực” thì có thể làm được?
Trên thực tế, khi bạn gái của Vương Tinh lần đầu báo án, cô đã bị chính quyền và cảnh sát thoái thác, trì hoãn và gây khó dễ. Bình luận của một cư dân mạng có nhiều lượt thích nhất viết: “Ban đầu, bạn gái của anh ấy đã gọi cảnh sát, cảnh sát nói rằng không phải người thân thích thì không thụ lý, sau đó em trai của Vương Tinh lại báo cảnh sát, nói rằng không ở trong nước nên không thụ lý, liên hệ đại sứ quán thì họ nói rằng cần đến Thái Lan báo cảnh sát, không còn cách nào khác nên mới đăng lên mạng, sau khi một số người nổi tiếng đã chia sẻ lại và đẩy vụ việc nóng lên, cảnh sát đã lập án, đại sứ quán cũng theo dõi tiến triển của vụ án. Chẳng phải điều này thật buồn cười sao? Do đó người bình thường thì đừng nghĩ đến báo án.”
Lê Tử Hy, Vision Times
Từ khóa Myanmar việc nhẹ lương cao Công viên lừa đảo