Hồng Kông: 80 giáo viên bị bắt hoặc đình chỉ trong 6 tháng qua
- Minh Ngọc
- •
Trong các cuộc biểu tình suốt 6 tháng qua tại Hồng Kông, những người công tác trong ngành giáo dục, cộng đồng người từng biểu thị thái độ ủng hộ phản đối Dự luật Dẫn độ đang phải đối mặt với “đại thanh lý” của Chính phủ Hồng Kông. Ngày 20/12, Cục Giáo dục Hồng Kông cho biết gần 1.000 học sinh dưới 18 và 80 giáo viên hoặc trợ giảng dạy đã bị bắt giữ kể từ bắt đầu phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ. Hàng loạt giáo viên cũng rơi vào nguy cơ bị đình chỉ công tác.
Tờ Apple Daily của Hồng Kông đưa tin, Cục Giáo dục Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 20/12. Cục trưởng Dương Nhuận Hùng đã phát biểu trong cuộc họp báo rằng, có tới 80 giáo viên đã bị bắt trong sáu tháng qua.
Ông liên tục nhấn mạnh rằng, ông đã gửi thư tới tất cả các trường học ở Hồng Kông, đe dọa “nếu như giáo viên bị bắt vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, trường học sẽ không bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật đó và có thể ngay lập tức đình chỉ giáo viên. Ông còn nói trước đó đã có không ít giáo viên bị khiển trách, thậm chí bị đình chỉ công tác.
Ông Dương cũng cho biết, có 123 giáo viên bị điều tra về các tố giác là có “hành vi sai trái” liên quan đến chống đối nhà nước hoặc bài giảng trong lớp có nội dung kích động hay vi phạm luật pháp, trong đó 74 cuộc điều tra đã hoàn thành, và còn 13 cuộc điều tra đang được tiến hành.
Ông Dương còn kêu gọi các trường học hãy có biện pháp trừng phạt các giáo viên bị bắt vì tham gia biểu tình, lấy lý do là để “bảo vệ an toàn” cho học sinh. Ông khẳng định, ngoài các biện pháp kỷ luật của Bộ Giáo Dục, một số trường cũng đã có các hình thức khác để trừng phạt giáo viên đi biểu tình như giáng chức, ngừng tăng lương hay thuyên chuyển sang các công tác khác mà không được trực tiếp giảng dạy.
Tuy nhiên, ông Phùng Vĩ Hoa, Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Giáo dục Hồng Kông, nói với Đài Á Châu Tự do, “Sau khi giáo viên bị bắt, họ không thể bị định tội chỉ trong một ngày, căn bản không nói là có tội. Chính phủ làm như vậy, căn bản là không muốn để giáo viên phát biểu bất cứ ý kiến nào phản đối chính phủ.”
Ông nhấn mạnh, Hiệp hội Giáo dục đã tận lực giúp đỡ các giáo viên bị ảnh hưởng và hỗ trợ họ về mặt pháp lý.
Ông Phùng Vĩ Hoa còn cho biết: “Lần này họ sử dụng lý do là giáo viên gây ảnh hưởng đến học sinh, kỳ thực rất nhiều trường hợp giáo viên bị bắt không liên quan gì đến học sinh, chứ chưa nói đến trường học. Vì vậy, khi nói rằng sẽ ngay lập tức đình chỉ công tác của giáo viên, tôi thấy rằng Cục Giáo dục đang có ý đồ tạo ra ‘khủng bố trắng’ nhằm ngăn giáo viên biểu đạt sự bất mãn.”
Bản thân Chính phủ Hồng Kông có thái độ mập mờ, không đưa ra được các hướng dẫn rõ ràng thế nào là có bài giảng hay hành vi kích động. Và phần lớn các vụ tố giác chỉ căn cứ vào các bài viết đưa lên các mạng xã hội hay được gửi đến những người có mối liên hệ với những giáo viên bị bắt giữ.
Đài Á Châu Tự do cũng đưa tin, trên thực tế, từ tháng 8 đến nay, Hiệp hội Giáo dục đã nhận được hơn 20 vụ việc xin được trợ giúp của các giáo viên. Hầu hết họ chỉ công bố cảm xúc cá nhân trên mạng xã hội, nhưng sau đó lại bị định tội vi phạm “đạo đức nghề nghiệp”, còn bị khiển trách hoặc cảnh cáo.
Ông Dương Hà Bội, Bí thư thường trực của Cục Giáo dục Hồng Kông nhấn mạnh, họ sẽ chỉ truy cứu những ngôn luận liên quan đến kích động thù hận, khiêu khích hoặc phân biệt đối xử. Còn trường hợp giáo viên tham gia vào các cuộc diễu hành hợp pháp, hoặc biểu đạt ý kiến, thậm chí là chỉ trích chính phủ thì cũng không có vấn đề gì.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện biểu tình Hồng Kông Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình