Hồng Kông kết án 14 nhà dân chủ, nhiều nước và tổ chức nhân quyền lên án
- Bình Minh
- •
Sáng 30/5, trong vụ án 47 nhân sĩ ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị truy tố theo Luật An ninh Quốc gia, tòa đã tuyên án 16 bị cáo không nhận tội. Trong đó 14 người bị buộc tội “Âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước”, vi phạm Luật An ninh Quốc gia và 2 người vô tội. Tuy nhiên, Sở Tư pháp từ chối thả 2 người vô tội và làm đơn kháng cáo vào buổi chiều. Vụ việc bị nhiều quốc gia và tổ chức nhân quyền lên án.
Vụ án lớn nhất theo Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, vụ 47 người trong cuộc bầu cử sơ bộ, cuối cùng đã có phán quyết sau 3 năm thu thập chứng cứ và thẩm vấn kéo dài.
Đầu năm 2021, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhân sĩ ủng hộ dân chủ, cáo buộc họ tham gia và tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ năm 2020 cho Hội đồng Lập pháp, vi phạm điều khoản “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước” trong Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông.
Tháng 2/2021, 47 người trong số họ đã bị truy tố. Nhiều người không được tại ngoại và 32 người trong số họ đã bị tạm giam hơn 3 năm.
Vụ án cuối cùng đã được đưa ra xét xử vào ngày 30/5. Đối với 16 bị cáo không nhận tội, Thẩm phán Trần Khánh Vĩ (Andrew Chan) tuyên bố, ngoài Lý Dư Tín (Lee Yue-shun) và Lưu Vĩ Thông (Lawrence Lau), 14 người còn lại bị kết tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước”.
Sau phiên tòa chiều ngày 30/5, Bộ Tư pháp tuyên bố sẽ kháng cáo tuyên trắng án cho 2 bị cáo. Thẩm phán Trần Khánh Vĩ cho phép Lưu Vĩ Thông và Lý Dư Tín ra ngoài với điều kiện tại ngoại ban đầu của họ. Số lần họ đến báo cáo tại đồn cảnh sát giảm xuống mỗi tháng một lần cho đến khi có chỉ thị mới từ Tòa phúc thẩm.
Cơ quan công tố chỉ ra “tội” của các bị cáo trong vụ án 47 người là: Tham gia cuộc bầu cử sơ bộ dân chủ “35+”, lạm dụng quyền lực của các thành viên Hội đồng Lập pháp, nhằm mục đích lật đổ quyền lực nhà nước.
Theo định nghĩa của “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”: “Bất kỳ người nào tổ chức, lập kế hoạch, thực hiện hoặc tham gia thực hiện một trong các hành vi sau đây, nhằm mục đích lật đổ quyền lực nhà nước, gồm sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc tiến hành các biện pháp trái pháp luật khác nhằm mục đích lật đổ quyền lực nhà nước đều là phạm tội.”
Ngoài ra, sự can thiệp, hành vi làm suy yếu chức năng của chính quyền trung ương hoặc chính quyền đặc khu cũng là phạm tội.
ReNews nhận xét, theo lý giải của tòa án, kế hoạch của 35+ nhằm giành quyền kiểm soát Hội đồng Lập pháp, rồi phủ quyết dự luật ngân sách, buộc chính phủ phải đáp ứng 5 yêu cầu lớn là âm mưu lật đổ đất nước theo định nghĩa trên.
Luật sư bào chữa đề xuất rằng “các biện pháp trái pháp luật khác” được nói đến phải được giới hạn ở tội hình sự. Nếu không, định nghĩa của Luật An ninh Quốc gia sẽ quá chung chung và tạo thêm quá nhiều điều không chắc chắn.
Tuy nhiên, tòa không đồng ý và chỉ ra rằng theo cách giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân, Luật An ninh Quốc gia bao gồm một mục đích là ngăn chặn cơ quan lập pháp bị tê liệt.
ReNews than thở: “Kết quả là một định nghĩa về tội lật đổ rộng hơn cả biển đang dần hình thành”.
Phán quyết của tòa án đã tự giải thích và chỉ ra rằng quyền lực quốc gia là “quyền lực nhà nước”, và quyền lực trong trường hợp này ám chỉ “thẩm quyền”, tức là “thẩm quyền” của Chính phủ Hồng Kông.
Theo Luật Cơ bản, một trong những “quyền hạn” là “chuẩn bị và trình bày ngân sách tài chính và tài khoản cuối cùng”.
Do đó, các nhà dân chủ tuyên bố rằng họ sẽ phủ quyết ngân sách sau khi vào Hội đồng Lập pháp tương đương với việc họ can thiệp, cản trở và làm suy yếu việc Chính phủ Hồng Kông thực thi “quyền” chuẩn bị ngân sách, tức là lật đổ quyền lực nhà nước.
Nhưng vì sao việc các thành viên bỏ phiếu chống lại là bất hợp pháp? Tòa án lập luận rằng phe dân chủ đã vi phạm Luật Cơ bản, kế hoạch 35+ là một hành vi thực thi quyền lực bất hợp pháp. Thẩm phán tin rằng nếu các thành viên phủ quyết dự luật ngân sách này thì đó sẽ là sự lạm dụng quyền lực, tức một biện pháp bất hợp pháp.
ReNews cho biết: “Sau cuộc tranh luận dài dòng này, với những lập luận logic có vẻ chặt chẽ và có cơ sở pháp lý, một tội ác lật đổ quyền lực nhà nước chưa từng xảy ra đã được kết luận”.
Nhiều cư dân mạng Hồng Kông để lại bình luận cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói có tội thì là có tội, như câu “những người theo ta là hợp pháp, những người chống lại ta là phi pháp”.
Cư dân mạng Alain Wong để lại lời nhắn: “Dưới chiêu bài công lý, thẩm phán đã từ bỏ ý nghĩa thực sự của công lý”. Anh tin không phải không có quả báo, mà chỉ là vấn đề thời gian.
Nhiều nước và tổ chức nhân quyền lên án
Hôm thứ Năm (30/5), hai chủ tịch Ủy ban Điều hành-Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các thẩm phán và công tố viên có liên quan của Hồng Kông.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Trung Quốc John Moolenaar cũng lên án phán quyết này. Ông nói, vụ việc thể hiện một dấu hiệu mới cho thấy các quyền lợi và sự tự do của người dân Hồng Kông đang tiếp tục bị suy thoái.
Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), quyền giám đốc Trung Quốc của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, tuyên bố việc tòa án Hồng Kông kết án 14 nhà hoạt động ôn hòa còn lại, cho thấy chính quyền hoàn toàn coi thường nền chính trị dân chủ và pháp quyền ở Hồng Kông.
Người dân chỉ yêu cầu quyền tự do bầu cử chính phủ của họ. Bất kể Chính phủ Trung Quốc và các thẩm phán an ninh quốc gia lựa chọn nói gì, thì dân chủ tuyệt đối không phải là một tội ác.
Bà nói: “Quyền bầu cử phổ thông là lời hứa của Chính phủ Trung Quốc với người dân Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì những hành vi liên tục vi phạm cam kết của mình, phủ nhận một cách trắng trợn các quyền cơ bản của con người được luật pháp và Luật Cơ bản của Hồng Kông bảo hộ.”
Ngày 30/5, người phát ngôn ngoại giao EU đưa ra tuyên bố cho biết, trong vụ án “Hồng Kông 47 người” này, các chính trị gia và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị kết án theo Luật An ninh Quốc gia. Điều này đánh dấu các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông và sự tham gia của đảng Dân chủ ngày càng xấu đi.
Từ khóa Hồng Kông Luật An ninh quốc gia Hồng Kông