Hồng Kông: Quan chức thân Bắc Kinh công khai ủng hộ hoãn dự luật dẫn độ
- Xuân Thành
- •
Sau khi chỉ trích lan rộng về việc cảnh sát Hồng Kông sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, một số quan chức hành pháp và lập pháp thân Bắc Kinh hôm 14/6 đã công khai bày tỏ ủng hộ hoãn dự luật gây tranh cãi này.
Ông Bernard Chan – Thành viên Hội đồng Hành pháp Hồng Kông
Nhiều quan chức hành pháp thân Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi hoãn dự luật
Hội đồng Hành pháp Đặc khu Hồng Kông gồm 33 thành viên, trong đó bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) làm Trưởng Đặc khu; có 16 thành viên chính thức và 16 thành viên không chính thức. Tất cả 16 thành viên không chính thức của Hội đồng Hành pháp đều thân Bắc Kinh.
Ông Bernard Chan là điều phối trưởng của 16 thành viên không chính thức Hội đồng Hành pháp. Ông Chan cũng là thành viên phái đoàn Hồng Kông tham gia Quốc hội Trung Quốc từ năm 2008.
Trao đổi trên chương trình phát thanh qua điện thoại hôm 14/6 của hãng truyền thông địa phương RTHK, ông Bernard Chan cho hay: “Tôi nghĩ không thể thảo luận dự luật dưới sự đối đầu như vậy. Điều đó sẽ rất khó khăn.”
Ông Chan bày tỏ thất vọng khi “xung đột lớn” giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 12/6 đã khiến hơn 80 người biểu tình bị thương. “Ít nhất chúng ta không nên leo thang sự đối kháng này,” ông Chan nói.
“Nhiệm vụ trước tiên của chúng ta hiện nay là làm thế nào để làm dịu công chúng nhằm tránh nhiều cuộc đụng độ hơn nữa trong tương lai. Chúng ta thực sự cần đánh giá lại điều chúng ta phải làm,” ông Chan nhấn mạnh.
Ông Ronny Tong Ka-wah, một thành viên Hội đồng Hành pháp không chính thức, thân Bắc Kinh, cũng nói trên chương trình phát thanh của RTHK rằng ông sẽ không phản đối hoãn dự luật dẫn độ và đề nghị những người ủng hộ và phản đối dự luật này nên có một cuộc đối thoại để tìm ra giải pháp trung gian.
Hai thành viên không chính thức khác của Hội đồng Hành pháp là Lam Ching-choi và Fanny Law Fan Chiu-fan cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự như ông Chan và ông Tong Ka-wah. Cũng trong cuộc phỏng vấn trên RTHK, ông Lam Ching-choi nói: “Chính quyền không nên cố chấp”. Ông Lam cho rằng chính quyền hoàn toàn có thể nhượng bộ.
Nhà lập pháp thân Bắc Kinh đầu tiên lên tiếng ủng hộ hoãn dự luật
Tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, tất cả nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đều chống dự luật dẫn độ, trong khi tất cả nhà lập pháp thân Bắc Kinh ủng hộ dự luật này. Những nhà lập pháp thân Bắc Kinh chiếm đa số trong Hội đồng Lập pháp.
Ông Michael Tien là thành viên Hội đồng Lập pháp thân Bắc Kinh đầu tiên công khai yêu cầu chính quyền Đặc khu “phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình”.
“Hiện tại, người Hồng Kông rất lo lắng về tình huống này. Những người vốn ít lên tiếng trong quá khư như các giáo sư ôn hòa, tầng lớp trung lưu, các chuyên gia và học giả cũng đều đang bày tỏ lo lắng. Tôi bây giờ yêu cầu các nhà chức trách Hồng Kông hãy đi đầu trong việc hạ nhiệt vụ việc này thông qua sự hiểu biết và ôn hòa,” ông Michael Tien viết trên Facebook hôm 14/6.
Trưởng Đặc khu Carrie Lam tuyên bố rằng mục đích của sửa đổi dự luật là để dẫn độ một nghi phạm sát nhân người Hồng Kông Chan Tong-kai, đang bị Đài Loan truy nã. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới tại Hội đồng Lập pháp hôm 14/6, ông Michael Tien cho biết Đài Loan đã khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ không yêu cầu dẫn độ Chan Tong-kai ngay cả khi dự luật dẫn độ được giới chức Hồng Kông thông qua.
“Tôi không hiểu sao bà Carrie Lam lại vẫn rất kiên quyết về điều đó,” ông Michael Tien đặt nghi vấn.
Phát biểu trên truyền thông hôm 13/6, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nói rằng bà sẽ không chấp nhận vụ án giết người liên quan tới nghi phạm Chan Tong-kai làm cái cớ cho việc thông qua dự luật dẫn độ. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc sửa luật vì một trường hợp đặc biệt… Chúng tôi không sẵn sàng đồng lõa với điều luật xấu xa đó,” bà Thái khẳng định.
Ông Michael Tien cũng lo lắng rằng phe thân Bắc Kinh có thể mất đa số tại Hội đồng Lập pháp trong kỳ bầu cử năm 2020 nếu bà Carrie Lam khăng khăng ép thông qua dự luật dẫn độ.
Cũng trong ngày 14/6, Peter Lai Hing-ling, cựu bộ trưởng an ninh; Anson Chan Fang On-sang, cựu chánh văn phòng; Elizabeth Bosher, cựu thứ trưởng bộ kinh tế; và Allen Lee Peng-fei, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp nằm trong số 22 cựu quan chức hành pháp và lập pháp Hồng Kông đã ký vào tuyên bố kêu gọi Trưởng Đặc khu Carrie Lam phải rút lại dự luật dẫn độ.
Một nguồn tin giấu tên trong chính quyền Hồng Kông hôm 14/6 tiết lộ với tờ The Epoch Times rằng bà Carrie Lam có thể đưa ra quyết định dừng thông qua dự luật dẫn độ vào thứ Bảy (15/6).
Hôm 14/6, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông phát đi thông báo cho biết các cuộc họp thảo luận dự luật dẫn độ dự kiến diễn ra vào ngày 17 và 18/6 vẫn đang treo. Trước đó, do áp lực của người biểu tình, Hội đồng Lập pháp đều phải hủy các cuộc thảo luận dự luật vào các ngày 12, 13 và 14/6.
Trước đó, lãnh đạo của phe thân Bắc Kinh trong Hội đồng Lập pháp nói rằng ông ta sẽ đẩy nhanh tiến trình thảo luận dự luật dẫn độ và kêu gọi bỏ phiếu thông qua dự luật này vào ngày 20/6.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Luật dẫn độ Hồng Kông