Hồng Kông: Toàn bộ nghị sĩ đối lập đồng loạt từ chức sau quyết định của Bắc Kinh
- Minh Nhật
- •
Các nhà lập pháp theo khuynh hướng dân chủ của Hồng Kông đã đồng loạt từ chức vào thứ Tư (11/11). Đây được xem như một động thái gây ấn tượng mạnh diễn ra sau khi 4 nhà lập pháp khác thuộc phe đối lập bị mất tư cách nghị sĩ theo một quyết định mới từ phía Bắc Kinh.
Động thái từ chức hàng loạt của 15 nhà lập pháp đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp Hồng Kông sẽ hoạt động mà không vấp phải sự đối lập nào trong suốt nhiệm kỳ kéo dài còn lại, điều này không khác gì so với quốc hội bù nhìn ở Trung Quốc Đại Lục.
“Quyết định hôm nay cho thấy Bắc Kinh đã hoàn toàn từ bỏ hệ thống ‘một quốc gia, hai chế độ’,” ông Wu Chi-wa, Chủ tịch Đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất ở Hồng Kông, tại cuộc họp báo lúc chiều muộn ngày 11/11 đã nhắc lại chính sách quản lý đặc khu này kể từ khi Anh chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong 23 năm qua để giữ cho Trung Quốc thực hiện lời hứa tuân thủ nguyên tắc phổ thông đầu phiếu của mình,” ông Wu nói. “Chúng tôi sẽ tìm ra một con đường mới để tiếp tục đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi sẽ không bị đánh bại.”
Bốn nhà lập pháp theo trường phái ủng hộ dân chủ đã bị mất tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp ngay lập tức sau khi Bắc Kinh thông qua “Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.
Quyết định này nêu rõ: Những nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Hồng Kông có các hành vi ủng hộ chủ trương của “thế lực thúc đẩy Hồng Kông độc lập“; từ chối công nhận Trung Quốc có và thi hành quyền chủ quyền đối với Hồng Kông; tìm kiếm thế lực nước ngoài hoặc ngoài Trung Quốc can thiệp vào công việc của Hồng Kông; hoặc các hành vi khác làm tổn hại an ninh quốc gia, sẽ lập tức mất đi tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp.
Các nhà lập pháp bị xóa bỏ tư cách gồm: Alvin Yeung, Kwok Ka-ki, Dennis Kwok và Kenneth Leung, đã bị cấm tranh cử trong cuộc bầu Hội đồng Lập pháp được lên lịch vào tháng 9 nhưng đã hoãn, do họ đã không ủng hộ Luật Cơ bản Hồng Kông – bộ luật đóng vai trò như một văn bản hiến pháp của đặc khu này.
“Sẽ không có tương lai cho cơ quan lập pháp này”, ông Leung, một trong 4 nghị sĩ bị truất quyền, bày tỏ sau thông báo của chính phủ. “Việc không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cơ quan lập pháp của Hồng Kông hoạt động kém hiệu quả.”
Trong một cuộc họp báo trước khi hàng loạt nghị sĩ từ chức, trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đã bảo vệ quyết định của Bắc Kinh, nói rằng chính quyền trung ương có thẩm quyền giải thích Luật Cơ bản và xử lý các vấn đề phát sinh từ việc thực thi Luật.
“Quyết định không trao quyền cho tôi loại bỏ các nhà lập pháp”, bà Carrie Lam nói và cho biết thêm rằng quyết định được đưa ra dựa trên Luật Cơ bản và các sắc lệnh khác của địa phương, bao gồm cả Luật An ninh Quốc gia được ban hành gần đây.
Bà Lam cho biết, bà rất “hào hứng” khi các dự luật của chính phủ có thể được thông qua nhanh hơn trong Hội đồng Lập pháp với sự vắng mặt của các nhà lập pháp thuộc phe đối lập, nhưng khẳng định đây sẽ không phải là một cơ quan “bù nhìn“.
“Ngay cả trong nội bộ phe thân Bắc Kinh vẫn có những tiếng nói khác nhau,” bà nói, “Bản thân chúng tôi hoan nghênh những ý kiến đa chiều.”
Ông Ivan Choy Chi-keung, giảng viên cao cấp tại khoa chính phủ và hành chính công thuộc Đại học Hồng Kông đã chỉ ra rằng quyết định này cho thấy Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược “đàn áp toàn diện” các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Ông nói: “Luật An ninh Quốc gia đàn áp phần cực đoan của phe ủng hộ dân chủ. Nhưng quyết định ngày hôm nay cho thấy rõ ràng rằng ngay cả không gian tồn tại cho những tiếng nói nhẹ nhàng hơn cũng đã bị tước đoạt.”
Quyết định được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPCSC) thông qua quy định rằng các nhà lập pháp sẽ bị hủy tư cách nếu họ bị phán quyết là đã thúc đẩy hoặc ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông, từ chối thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hồng Kông, tìm kiếm sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào các vấn đề của Hồng Kông hoặc thực hiện các hành vi khác gây nguy hiểm cho nền an ninh của quốc gia.
Ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPCSC) nói rằng nghị quyết là “cần thiết” và “phù hợp” để bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Hai văn phòng giám sát các vấn đề Hồng Kông của Bắc Kinh trong các tuyên bố riêng biệt cũng lên tiếng ủng hộ quyết định này.
Tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc mô tả việc phế truất 4 nghị sĩ này là “một động thái hợp lý và được chờ đợi từ lâu” để ngăn việc các nhà lập pháp không yêu nước đắc cử.
Hồng Kông đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị kể từ tháng 6/2019 khi các cuộc biểu tình lớn trên đường phố buộc chính phủ phải rút lại Dự luật dẫn độ các nghi phạm tội phạm sang Trung Quốc Đại lục và những nơi khác.
Vài tháng sau đó, trước sự phẫn nộ của công chúng về phản ứng mạnh mẽ của cảnh sát đối với các cuộc biểu tình kéo dài và việc chính phủ từ chối giải quyết các yêu cầu khác của người biểu tình, các đảng đối lập đã tiến hành những cuộc bầu cử cho các hội đồng khu phố.
Bầu không khí chính trị lại thay đổi vào tháng 6 vừa qua khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới đối với thành phốnày, khiến bất kỳ ai bị nghi ngờ có hành vi ly khai, lật đổ hoặc cấu kết với các lực lượng nước ngoài đều có khả năng đối mặt với án tù chung thân ở Đại lục.
Ông Kwok, một trong 4 nhà lập pháp bị buộc phải rời khỏi Hội đồng Lập pháp, cho biết: “Nếu việc tuân thủ đúng quy trình, bảo vệ các hệ thống và chức năng cũng như đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền dẫn đến hậu quả là bị loại bỏ, thì đó sẽ là vinh dự của tôi”.
Minh Nhật (Theo Asia.nikkei)
Xem thêm:
Từ khóa Lâm Trịnh Nguyệt Nga Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông đấu tranh dân chủ Hồng Kông Dân chủ Hồng Kông Hội đồng Lập Pháp Hồng Kông