Hopson Development dự định mua 51% cổ phần của Evergrande Property
- Trí Đạt
- •
Sáng ngày 4/10, chứng khoán Hồng Kông mở cửa, China Evergrande và Evergrande Properties tạm ngừng giao dịch, nhưng lý do không được tiết lộ. Có thông tin cho biết Hopson Development sẽ mua lại cổ phần của Evergrande Properties.
Theo Cailianshe tại Trung Quốc Đại Lục dẫn nguồn tin cho biết, nhà phát triển bất động sản Quảng Châu Hopson Development dự định mua lại khoảng 51% cổ phần của Evergrande Property và nắm cổ phần chi phối tại Evergrande Property. Số tiền giao dịch ước tính vượt quá 40 tỷ đô la Hồng Kông.
Theo trang tin Yicai (thuộc China Business Network) đưa tin, có nhiều đồn đoán trên thị trường rằng Hopson Development sẽ mua lại 51% cổ phần của Evergrande Property và đã nhận được sự chấp thuận đặc biệt của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Đồng thời, Hopson Development Group cũng đưa ra thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông cho biết công ty đã đồng ý mua lại cổ phần của một công ty niêm yết tại Hồng Kông và công ty này đã tạm ngừng giao dịch.
Theo tìm hiểu, do Evergrande Property được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông chưa đầy một năm, nên giao dịch này phải được sự chấp thuận đặc biệt của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Hopson Development đã hồi đáp về thông tin này rằng, “Mọi thứ đều lấy thông báo làm chuẩn”.
Thông báo của China Evergrande chỉ ra rằng cổ phiếu của công ty tạm thời đình chỉ để chờ “một thông báo giao dịch lớn có chứa thông tin nội tình”. Khi Evergrande nổ ra cuộc khủng hoảng nợ vào tháng 8 năm nay, công ty đã lên kế hoạch bán một phần cổ phần của Evergrande Property và Evergrande Auto, nhưng đều chưa giao dịch thành công.
Hopson Development được thành lập vào năm 1992 và niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào năm 1998. Hopson Development cùng Country Garden, Evergrande, R&F Properties và Agile Property được xếp vào danh sách năm nhà phát triển bất động sản hàng đầu ở tỉnh Quảng Đông, được gọi là “Hoa Nam ngũ hổ”, chủ yếu là phát triển bất động sản với các khu nhà ở quy mô lớn từ trung cấp đến cao cấp.
Năm 2004, Hopson Development từng trở thành công ty Đại Lục đầu tiên có doanh thu hàng năm vượt quá 10 tỷ NDT, và từng được ông Vương Thạch (Wang Shi), người sáng lập tập đoàn bất động sản Vanke, gọi là “tàu sân bay bất động sản”.
Kể từ đó, do làm theo mô hình kinh doanh của công ty bất động sản Hồng Kông đầu tư là “giá cao, tích trữ nhiều đất, và quay vòng chậm“, nên thứ hạng đã dần bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, trong hai năm qua, Hopson Development đã có những dấu hiệu cho thấy đang nỗ lực đổi mới. Trong nửa đầu năm 2021, Hopson Development đạt doanh thu 21,23 tỷ nhân dân tệ, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các công ty cùng ngành.
Sau khi khủng hoảng nợ bùng nổ, vào tháng 8, China Evergrande đã thăm dò về việc bán một phần cổ phần của mình tại Evergrande Property và Evergrande Auto. Một ‘gã khổng lồ’ bất động sản khác là Country Garden từng có thời điểm được đồn là người mua tiềm năng, nhưng về sau đã bị loại.
Hopson Development của Chu Mạnh Y có liên quan quan đến Diệp Kiếm Anh
Hopson Development được tiết lộ có lai lịch lớn. Người kiểm soát thực tế là ông Chu Mạnh Y (Zhu Mengyi), quê ở Mai Châu, tỉnh Quảng Đông; được biết đến là “cá sấu” tư bản kỳ cựu ở Trung Quốc Đại Lục và có mối liên hệ sâu với gia đình Diệp Kiếm Anh.
Có thông tin cho rằng Chu Mạnh Y sinh tháng 8/1959, ở huyện Phong Thuận, tỉnh Quảng Đông. Ông là người sáng lập Hopson Development Group và Pearl River Investment Group. Ông được cho là nhân vật bí ẩn nhất trong ngành bất động sản Trung Quốc. Năm 2008, ông được bầu làm thành viên Ủy ban toàn quốc lần thứ 11 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Một nhân sĩ trong giới đầu tư từng phân tích khi trả lời phỏng vấn rằng, “phảng phất có thể cảm giác được đằng sau nhà họ Chu có một lực lượng lớn mạnh”.
Trang tin QQ News tại Đại Lục có bài viết tiết lộ, thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông là quê nhà của Chu Mạnh Y, đồng thời cũng là quê của Diệp Kiếm Anh, trùng hợp là cả hai đều người ở huyện Phong Thuận.
Vào tháng 11/1992, Công ty Kỹ thuật Xây dựng và Lắp đặt Hàn Giang (tại huyện Thuận Phong tỉnh Quảng Đông) đã đạt được thỏa thuận với Hiệp hội Nghiên cứu Diệp Kiếm Anh Quảng Đông (thành lập vào tháng 5/1992), và Công ty Hàn Giang chịu trách nhiệm toàn quyền cho việc thành lập Công ty Đầu tư Chu Giang (Pearl River Investment).
Công ty Hàn Giang đã trả 2,8 triệu nhân dân tệ làm vốn đăng ký của Pearl River Investment, đổi lại, Công ty Hàn Giang sẽ chiếm 50% tài sản và vốn chủ sở hữu của Pearl River Investment. Khi đó, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hàn Giang là Chu Mạnh Y. Ông cũng từng là phó chủ tịch của “Hiệp hội nghiên cứu Diệp Kiếm Anh”, và phần lớn các thành viên của tổ chức này đến từ các quan chức của Ủy ban chính hiệp tỉnh Quảng Đông và Trường Đảng của tỉnh ủy Quảng Đông.
Chu Mạnh Y và gia đình được gọi là “cá sấu” kỳ cựu trong lĩnh vực vốn Trung Quốc, ngoài Hopson Development, Pearl River Investment là một tập đoàn đầu tư công nghiệp đa dạng dưới trướng Chu Mạnh Y. Các khoản đầu tư của bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, công nghệ và bất động sản. Ngoại giới nhắc đến Pearl River Investment như một đế chế giàu có vô hình của Chu Mạnh Y.
Chu Mạnh Y được các chuyên gia trong ngành đánh giá là “người đi đường trên”, gia đình ông đứng thứ 312 trên thế giới trong “Danh sách người giàu toàn cầu năm 2021 của Hurun” với khối tài sản 55,5 tỷ nhân dân tệ. Trong danh sách từ thiện của Forbes Trung Quốc năm 2021, Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin – người sáng lập của Evergrande) đứng thứ hai và Chu Mạnh Y đứng thứ chín. Kể từ tháng 1 năm 2020, vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Hopson Development do con gái của Chu Mạnh Y là Chu Quất Dung (Zhu Jurong) nắm giữ.
Gia đình họ Diệp là lực lượng thái tử đảng sau lưng Tập Cận Bình
Vào trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ năm 2012, có tin đồn rằng Bạc Hy Lai kéo bè kết phái muốn đảo chính và thay thế ông Tập Cận Bình ngồi lên chiếc ghế Tổng Bí thư ĐCSTQ. Vào thời điểm mà cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Nam Hải trở nên công khai, “lãnh tụ tinh thần của các thái tử đảng” Diệp Tuyển Ninh (Ye Xuanning, con trai của ông Diệp Kiếm Anh) đã công khai ủng hộ ông Tập Cận Bình, và cuối cùng ông Tập thượng vị thành công.
Trước đó, cũng có tin đồn rằng ông Diệp Tuyển Ninh đã cử 3.000 thành viên thái tử đảng đi học ở nước ngoài trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng liên lạc của Tổng cục Chính trị Giải phóng quân ĐCSTQ. Sau đó Diệp Tuyển Ninh đã bàn giao toàn bộ 3000 “phục binh” này cho Tập Cận Bình, do ông Tập chỉ huy và bố trí.
Ngay khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, ông ta đã dùng danh nghĩa chống tham nhũng bắt giữ một số quan chức cấp bộ trưởng và cấp nhà nước trong tập đoàn Giang Trạch Dân, nhà họ Diệp cũng nhiều lần ủng hộ việc ông Tập Cận Bình “đả hổ”. Sau khi nghỉ hưu, ông Diệp Tuyển Ninh đã xuất hiện nhiều trong những năm gần đây và được ngoại giới cho là ủng hộ chính quyền Tập Cận Bình.
Cấp bậc quân hàm của ông Diệp Tuyển Ninh trong quân đội không đặc biệt cao, cấp bậc quan chức cả đời của người được coi là “lãnh tụ tinh thần của thái tử đảng” cũng không cao, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với các “hồng nhị đại”.
Đám tang của ông Diệp Tuyển Ninh cũng được coi là “quy cách cao nhất“, cho thấy khoảng cách giữa “gia tộc đỏ” của ĐCSTQ. Truyền thông Mỹ cũng từng đăng một bài viết nói rằng điều này làm nổi bật mối quan hệ thân thiết giữa gia đình Diệp Kiếm Anh và gia đình Tập Trọng Huân (bố của ông Tập Cận Bình).
Đài Á Châu Tự Do đăng bài viết nói, quân hàm cao nhất của ông Diệp Tuyển Ninh khi còn sống không quá Thiếu tướng, nhưng tang lễ của ông lại được được tổ chức với quy cách cao như thế, là bởi vì “gia đình Diệp Kiếm Anh có ân trọng như núi đối với gia đình Tập Cận Bình”.
Người sáng lập Evergrande quan hệ mật thiết với phe Giang
Theo các thông tin cho thấy, người sáng lập của Evergrande – ông Hứa Gia Ấn có quan hệ mật thiết với Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng. Evergrande từ lâu vẫn luôn là nguồn kinh tế quan trọng của phe Giang Trạch Dân và tăng Khánh Hồng.
Theo Wall Street Journal đưa tin hôm 23/9, chính quyền Bắc Kinh đã thông báo cho chính quyền các địa phương, cần sẵn sàng đối mặt với sóng gió tài chính có khả năng xảy ra nếu Evergrande sụp đổ.
Được biết, ông Hứa Gia Ấn có quan hệ mật thiết với giới tài chính kinh tế Hồng Kông, theo Thời báo Tự do tại Đài Loan tiết lộ, ông Hứa Gia Ấn từng là giám đốc của Liên đoàn Công nghiệp Văn hóa Hồng Kông. Liên đoàn các ngành công nghiệp văn hóa Hồng Kông được gọi là Câu lạc bộ Vương giả Hồng Kông. Ông Hứa Gia Ấn đã sử dụng danh nghĩa này để tiếp cận với gia đình của cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng.
Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai, em trai của Tăng Khánh Hồng) từng là thanh tra đặc biệt của Bộ Văn hóa Trung Quốc tại Hồng Kông. Con gái của Tăng Khánh Hoài là Tăng Bảo Bảo (Zeng Baobao), sở hữu một công ty bất động sản có tên Fantasia Holdings. Theo danh sách các nhà đầu tư được Fantasia Holdings công bố, những người bạn của ông Hứa Gia Ấn là Trịnh Dụ Đồng và Lý Loan Hùng và nhiều cá nhân giàu có khác đã đăng ký mua cổ phần với tổng số tiền khoảng 78 triệu đô la Hồng Kông.
Ngoài ra, ông Hứa Gia Ấn cũng có mối quan hệ riêng tư tốt với ông Đới Vĩnh Cách (Dai Yongge) của Renhe Commercial Holdings, hai người không những là bạn đánh bài, mà còn là người hâm mộ bóng đá, Tăng Khánh Hoài cũng là một người hâm mộ bóng đá. Về sau, Hứa Gia Ấn mua lại Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu, có thể có ý lấy lòng người người khác.
Đới Vĩnh Cách và Tăng Vĩ (con trai Tăng Khánh Hồng) cũng là bạn tâm đầu ý hợp. Đới Vĩnh Cách từng giúp Tăng Vĩ mua một căn biệt thư sang trọng trị giá 32 triệu đô la Úc tại Úc, thời điểm đó tương đương với 250 triệu nhân tệ. Ngoài ra, Đới Vĩnh Cách còn đem 40% cổ phần của Renhe Commercial Holdings chuyển nhượng cho vợ của Tăng Vĩ là Tưởng Mai, cựu MC của CCTV.
Đới Vĩnh Cách và Tăng Vĩ có mối quan hệ như thế, cộng thêm mối quan hệ giữa Trịnh Dụ Đồng, Lưu Loan Hùng và Tăng Khánh Hoài, cho nên Hứa Gia Ấn hiển nhiên cũng sẽ có mối quan hệ với gia đình họ Tăng.
Trí Đạt (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Tăng Khánh Hồng Diệp Kiếm Anh Hứa Gia Ấn Dòng sự kiện Tăng Khánh Hoài Evergrande Group Evergrande Hopson Development Tập Cận Bình Giang Trạch Dân