Hủy đăng ký hiến tạng đã trở thành một chủ đề nóng ở Hồng Kông
- Bình Minh
- •
Theo Cục Y tế và Sức khỏe Hồng Kông, gần đây xuất hiện hiện tượng hủy đăng ký bất thường trong hệ thống hiến tạng. Trong 5 tháng qua đã có 5.785 người hủy đăng ký, 50% trong số đó chưa đăng ký nhưng đã xin rút hoặc hủy nhiều lần.
Liên quan đến vụ việc này, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đã ra lệnh cho cảnh sát điều tra xem có liên quan đến các hành vi bất hợp pháp hay không. Vision Times đã phỏng vấn ông Thẩm Tứ Hải (Shum Sei-hoi), một nhân vật truyền thông cấp cao, về vấn đề này.
Hủy hiến tạng có vi phạm pháp luật?
Hôm thứ Hai (22/5), Chính phủ Hồng Kông đột ngột chỉ trích “một số ít người” đã kêu gọi người khác hủy đăng ký hiến tạng trên mạng Internet, và nói rằng những cá nhân này cố ý xúc phạm hoạt động hỗ trợ lẫn nhau về nội tạng thông thường giữa Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.
Chính phủ Hồng Kông cũng kêu gọi công chúng không nên bị “kích động” bởi những người có “động cơ thầm kín” trong việc hiến tạng.
Ông Lý Gia Siêu đã gặp gỡ các phóng viên trước khi tham dự cuộc họp hành chính vào ngày 23/5, đề cập đến việc hủy đăng ký bất thường trong hệ thống hiến tạng. Ông đã chỉ thị cho cảnh sát điều tra xem liệu vụ việc có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp hay không.
Hiến tạng là sự tự nguyện
Về việc hủy hiến tạng của 5.785 cá nhân, ông Thẩm Tứ Hải tin rằng đó là nguyện vọng cá nhân.
Ông nói: “Nếu đăng ký rồi lại hủy bỏ mà không có lý do hợp lý sẽ [bị coi là] phạm tội, thì không ai trên đời này sẽ quyên góp tiền! Bởi vì [nếu] hủy bỏ hiến tạng là bất hợp pháp, thì việc hủy bỏ quyên góp tiền cũng có thể là bất hợp pháp.”
“Hủy bỏ hiến tạng có thể là vì người đó cảm thấy sức khỏe của bản thân có vấn đề, như gan nhiễm mỡ quá mức, không phù hợp để hiến tạng, là có ý tốt. Như vậy có được phép không? Ngoài ra, nếu muốn hiến tạng nhưng đột nhiên lại không muốn hiến nữa, như vậy có phạm pháp không? Nếu Chính phủ không cho phép hủy hiến [tạng], thì mọi người hãy suy nghĩ sáng suốt trước khi đăng ký”.
Ông giải thích thêm về ý nghĩa của từ hiến tặng: “Hiến tặng là gì? Phải là tự nguyện. Nếu không tự nguyện, thì chính là cướp đoạt, cưỡng bức hoặc ép hiến. Cơ quan chức năng phải làm rõ thế nào gọi là hiến tặng. Có người đột nhiên không muốn hiến tạng, có lẽ do phát hiện ra tình trạng sức khỏe của bản thân không thích hợp để hiến, như vậy thì có gì phạm pháp?”
Ông Thẩm cũng đưa ra một ví dụ khác, một người nào đó đã quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện Po Leung Kuk trong nhiều năm, nhưng đột nhiên họ không muốn quyên góp nữa, chính phủ lại nói rằng họ phải quyên góp, nếu không sẽ phạm pháp. Nếu vậy thì chỉ dọa cho mọi người bỏ đi hết, không một ai sẽ quyên góp tiền nữa, vì ai cũng sợ phạm luật.
Cán bộ nên làm gương, đi đầu trong việc hiến tạng
Ông Thẩm Tứ Hải cũng nói rằng vì chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy hiến tạng, nên tất cả các quan chức cần đưa cả gia đình họ đi đăng ký hiến tạng, làm gương cho công chúng.
“Ông Lý Gia Siêu nên dẫn vợ, hai con trai quý tử của mình, cùng tất cả các nghị sĩ và gia đình của họ đến đăng ký hiến tạng, để người dân thấy. Như vậy mọi người sẽ đánh giá cao sự hy sinh của các vị cho đất nước. Nếu các vị đi đầu trong việc này, mọi người chắc chắn sẽ giơ tay ủng hộ kế hoạch của các vị.”
Ngoài ra, cư dân mạng cũng nhắc lại vụ việc năm 2019, bà Lương Mỹ Phân (Priscilla Leung), thành viên Hội đồng Lập pháp, nói rằng thông tin cá nhân của bà đã bị sử dụng gian lận để đăng ký hiến tạng. Lúc đó bà cũng tuyên bố rằng bà chưa đăng ký hiến tạng.
Ông Thẩm Tứ Hải cho rằng chuyện này thật nực cười. “Bà Lương Mỹ Phân làm quan nhiều năm như vậy, quốc gia lại chiếu cố tới bà ấy như vậy. Hóa ra cả nhà bà ấy không đăng ký hiến tạng, mà bà vẫn còn mặt mũi nói ra chuyện này! Bà nên đi đầu trong việc hiến tạng và dẫn dắt cả gia đình cùng đi hiến tạng mới đúng.”
Người dân Hồng Kông lo ngại về mổ cướp nội tạng?
Vì sao Trung Quốc Đại lục và Đặc khu Hành chính Hồng Kông muốn đẩy nhanh cơ chế hợp tác hiến tạng xuyên biên giới? Công chúng đặt câu hỏi về mức độ quá nhiệt tình của chính phủ.
Ông Thẩm Tứ Hải cho biết: “Trước đây, chúng ta đã xem rất nhiều tin tức về nạn thu hoạch nội tạng sống của những người có tín ngưỡng tôn giáo nhất định, khiến mọi người rùng mình. Những tin tức này không thể nhìn thấy ở Đại Lục.”
“Còn nhớ vài tháng trước, một em gái ở Hồng Kông được ghép tim từ Đại Lục không? Khi xem được tin tức này, tôi cũng hy vọng rằng em ấy sẽ khỏe mạnh. Nhưng sau khoảng thời gian khó khăn đó, cha mẹ em có nên hỏi về nguồn gốc của quả tim đó không? Họ có muốn tri ân người đã hiến tạng không? Về tình về lý, cũng đều nên làm như vậy.”
Theo The Chaser, vào tháng 12/2022, lần đầu tiên ở Hồng Kông, quả tim của một trẻ em từ Trung Quốc Đại Lục đã được cấy ghép cho một bé gái Hồng Kông có tên Chỉ Hy (Zhixi).
Sau đó vào tháng Ba, Chính phủ Hồng Kông tuyên bố sẽ thiết lập “cơ chế hỗ trợ lẫn nhau về ghép tạng” với Trung Quốc Đại Lục, khiến người dân Hồng Kông lo lắng về việc nội tạng của họ sẽ “được gửi đến Trung Quốc”.
Năm 2019, sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một tòa án độc lập ở London đã ra kết luận “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn đã được thực hiện ở Trung Quốc trong nhiều năm”, và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Ngày 27/3/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Dự luật chấm dứt mổ cướp nội tạng năm 2023”, nhằm trừng phạt Đảng Cộng sản Trung Quốc vì tội thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Dự luật hiện đang chờ Thượng viện thông qua và chữ ký của Tổng thống.
Từ khóa Dòng sự kiện Hồng Kông Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Thu hoạch nội tạng Cấy ghép tạng