Hôm 9/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng hàng năm của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12/2024 là 0,1%, và tốc độ tăng trưởng CPI hàng năm trong cả năm 2024 là 0,2%. Con số này cách biệt rất lớn so với ước tính ban đầu của Chính phủ Trung Quốc là 3%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) hằng năm của nước này giảm 2,3% trong tháng 12/2024, và giảm 2,2% trong cả năm (so với năm 2023). Chỉ số PPI đã giảm trong vòng 27 tháng liên tiếp. Dữ liệu CPI và PPI phản ảnh tình trạng sản xuất dư thừa và tình trạng thiếu hụt nhu cầu tiêu dùng đồng thời tồn tại ở Trung Quốc. Điều này thực sự cho thấy suy thoái kinh tế Trung Quốc vẫn chưa kết thúc.

ngoai giao chien lang
Các nhà ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ. (Ảnh: Epoch Times tổng hợp)

Chính sách kinh tế của Trung Quốc không thể giải quyết một cách hiệu quả nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu dùng không đủ

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang ì ạch, đầu tư tư nhân sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao. Đây đều là hậu quả của tình trạng nhu cầu tiêu dùng thấp. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về số lượng nhà được mua cũng như giảm số tiền đặt cọc trước, tuy nhiên những chính sách này không thể giúp tăng cầu bất động sản một cách tích cực. Tương tự, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra “Luật khuyến khích kinh tế tư nhân” và thành lập Cục phát triển kinh tế tư nhân nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề thiếu cầu do tâm lý kỳ vọng của người dân.

Trên thực tế, việc Trung Quốc gặp phải tình trạng giảm phát và nhu cầu tiêu dùng thấp là do mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này đã phải liên tiếp chịu nhận ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát xuất khẩu thương mại và công nghệ từ hai đời Tổng thống Mỹ là Trump và Biden. Thuận theo xu hướng tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế thì đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng giảm sút. Các nhà sản xuất trong nước cũng vì sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mà cần tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Bất luận khoản đầu tư vào Trung Quốc của các nhà sản xuất này có giảm hay không, chỉ cần họ gia tăng cơ sở sản xuất ở nước ngoài thì địa vị của các nhà máy Trung Quốc sẽ thấp đi. Điều này khiến số lượng việc làm trong các ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc giảm dần, tiền lương cũng theo đó không thể cải thiện.

Nói cách khác, khi cơ hội việc làm giảm đi và thu nhập không thể tăng lên thì nhu cầu cũng khó có thể tăng thêm. Do đó, tình trạng giảm phát kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ kéo dài.

Dựa trên dữ liệu xuất khẩu của Đài Loan, đánh giá tác động của việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng quốc tế đối với nền kinh tế Trung Quốc

Có thể kiểm nghiệm được ảnh hưởng của làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế đối với Trung Quốc từ những thay đổi trong dữ liệu xuất khẩu của Đài Loan. Theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của hải quan do Bộ Tài chính Đài Loan công bố vào tháng 12/2024, xuất khẩu của Đài Loan sang Hoa Kỳ tăng đáng kể lên 46,1% trong năm 2024, mức tăng cao nhất trong lịch sử, với giá trị xuất khẩu là 111,37 tỷ USD. Xuất khẩu của Đài Loan sang các nước ASEAN cũng tăng 15,1%, với giá trị xuất khẩu là 87,785 tỷ USD. Đây đều là những mức cao kỷ lục. Ngược lại, xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc và Hồng Kông giảm 1,1% mỗi năm trong 3 năm liên tiếp. Quy mô xuất khẩu hàng năm là 150,6 tỷ USD, gần bằng quy mô xuất khẩu năm 2020.

Từ số liệu xuất khẩu được thống kê bên trên có thể thấy, thứ nhất, việc các doanh nhân Đài Loan quay trở lại nước này đầu tư và xây dựng nhà máy khiến cho nhiều sản phẩm được sản xuất, lắp ráp tại Đài Loan, sau đó xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Do vậy, tỷ trọng hàng hóa trung gian (intermediate goods) được xuất khẩu của các nhà sản xuất Đài Loan giảm từ mức cao nhất là 79% vào năm 2022 xuống còn 66,8% vào năm 2024, và tỷ trọng tư liệu sản xuất (capital goods) được xuất khẩu tăng từ 11,7% vào năm 2015 lên 26,6% vào năm 2024. Từ những thay đổi về cơ cấu và thị trường xuất khẩu này, có thể thấy làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng quốc tế thực sự đang diễn ra và có lợi cho Đài Loan. Thứ hai, xuất khẩu của Đài Loan sang các nước ASEAN tiếp tục tăng do nhiều nhà sản xuất đã dần rời khỏi Trung Quốc để đặt nhà máy ở Đông Nam Á. Do vậy, từ dữ liệu xuất khẩu của Đài Loan, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang giảm dần, đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tiêu dùng của nước này ở mức thấp.

Cuối cùng, mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ vẫn chưa nhậm chức nhưng chính phủ các nước đều nhất trí rằng các chính sách thuế quan và công nghệ của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm tăng thêm sự khó lường trong nền kinh tế toàn cầu. Khi tính khó lường càng cao thì nó càng có tác động tiêu cực đến nhu cầu lao động và khả năng sản xuất của các nhà máy ở nhiều nước. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn thế giới có thể giảm hoặc không tăng đáng kể, thì số lượng các quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc về sản xuất sẽ tăng lên hoặc nhu cầu sử dụng các sản phẩm không phải của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên. Từ đó khiến xuất khẩu của nước này tiếp tục giảm, cơ hội việc làm thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Từ phân tích trên, có thể thấy rằng nếu Chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề thiếu hụt cầu thì nước này nên ngăn chặn việc các nhà sản xuất có tính cạnh tranh chuyển ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng không nên lựa chọn các chiến lược thương mại không công bằng để đối đầu với chính phủ các quốc gia khác mà cần phải giành được sự tin tưởng của họ. Nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các công cụ thương mại không công bằng và chính sách ngoại giao chiến lang thì nền kinh tế nước này sẽ không thể nào nhận được tin tốt.

Thái Minh Phương
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được “Up Media” ủy quyền độc quyền cho “Vision Times”. Vui lòng không sao chép hoặc đăng tải lại.)