Theo báo cáo mới nhất của Henley & Partners, năm 2024 ước tính có khoảng 15.200 người giàu Trung Quốc có tài sản có thể đầu tư lưu động từ 1 triệu USD trở lên đã rời Trung Quốc, là nước có người giàu di dân lớn nhất thế giới. Những điểm đến được họ ưa chuộng nhất để di cư là Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông.

shutterstock 211339096
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Henley & Partners là một công ty tư vấn toàn cầu chuyên cung cấp dịch vụ về quyền công dân và các chương trình đầu tư định cư.

Xu hướng ‘mang tính trào lưu’ người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài là hiện tượng đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng bất mãn với hệ thống chính trị chuyên chế của Bắc Kinh đã “bùng nổ” kể từ thời gian dịch bệnh COVID-19, sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh đã ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc tăng tốc di cư ra nước ngoài.

Đài truyền hình Al Jazeera ngày 8/1 đưa tin trường hợp một doanh nhân tên Meng Jian (hóa danh), 5 năm trước từ Thượng Hải đến Hồng Kông, và dịp sinh nhật cô đã mua ‘món quà’ đặc biệt cho chính mình là bảo hiểm bệnh tật nghiêm trọng.

“Tôi không tin rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe và thị trường bảo hiểm của Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và bảo hiểm mà tôi có thể cần sau này”, Meng Jian nói với Al Jazeera – cô không muốn tiết lộ tên thật vì sợ gặp rắc rối. “Vì vậy, tôi quyết định mở một tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông và mua bảo hiểm ở đó”, cô nói.

Kể từ đó, cô chỉ mở rộng các giao dịch tài chính bên ngoài Đại Lục. Ngày nay, hầu hết các hoạt động kinh doanh của cô được thực hiện thông qua Hồng Kông. Gần đây, cô đã mở một tài khoản ngân hàng ở Singapore và chuyển phần lớn tài sản của mình vào tài khoản đó. “Tôi không muốn để quá nhiều tiền ở Trung Quốc, bởi vì tôi cảm thấy Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ trên nhiều phương diện”, cô cho hay.

Hệ thống toàn trị đã hà khắc ‘quá giới hạn’

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình thách thức nhất trong nhiều thập niên: giảm tốc phát triển kinh tế quá lớn gây tỷ lệ thất nghiệp cao với số thanh niên thất nghiệp dao động trên 17%; chi tiêu hộ gia đình chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là con số vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu; thị trường bất động sản tiếp tục rơi vào suy thoái kéo dài và giá đã giảm khoảng 8% so với mức đỉnh.

Đồng thời, trong những năm gần đây có số lượng lớn các ngành nghề từ khoa học và công nghệ đến tài chính và tư vấn tư nhân đã bị cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công toàn diện, khiến giới kinh doanh lo lắng…

Những lo ngại từ giới nhà giàu Trung Quốc thêm gia tăng qua những trường hợp doanh nhân nổi tiếng “biến mất’, ví dụ như Bảo Phàm, một trong những chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng trong giới công nghệ Trung Quốc, đã mất tích từ tháng 2/2023 sau khi công ty đầu tư Hua Xing Capital của ông tuyên bố “hợp tác” điều tra. Nhà chức trách không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về các cáo buộc chống lại ông, cũng không công khai tình trạng vụ án.

“Xem xét tất cả những gì đã xảy ra khiến tôi nhận thấy việc dựa vào thị trường Trung Quốc là không an toàn”, cô Meng nói, “Tình hình quá bất ổn”.

Sau khi chuyển phần lớn tiền ra khỏi Trung Quốc, cô Meng đang cân nhắc một ngày nào đó sẽ di cư khỏi Trung Quốc. “Tôi chỉ là một chủ doanh nghiệp nhỏ, tôi biết rất nhiều người giàu có hơn và có nhiều tài sản hơn cũng đang cân nhắc rời khỏi Trung Quốc”, cô chia sẻ.

Thực tế vấn đề di cư đã được nhiều người Trung Quốc giàu có thực hiện. “Báo cáo xu hướng thương hiệu của người có giá trị ròng cao Trung Quốc” do Viện nghiên cứu Hurun  (một tổ chức nghiên cứu và phân tích kinh tế tài chính có trụ sở tại Trung Quốc) công bố vào tháng 3/2024 cho thấy, gần 40% gia đình có giá trị ròng cao được khảo sát đang cân nhắc chuyển ra nước ngoài.

Theo Henley & Partners, vào năm 2023 Trung Quốc có 13.800 người có tài sản cao rời đi, tăng 28% so với năm 2022 và nhiều nhất so với bất kỳ nước nào, dự kiến năm 2024 Trung Quốc sẽ có 15.200 triệu phú rời khỏi đất nước – mức cao kỷ lục.

Nhà phân tích trưởng Allan Von Mehren của Danske Bank và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nói với Al Jazeera: “Nếu đây là sự khởi đầu của một xu hướng tăng tốc, thì xu hướng này có thể gây thách thức kinh tế cho Trung Quốc”. Danske Bank có trụ sở tại Đan Mạch, là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Bắc Âu.

Khi các triệu phú rời đi thì họ có xu hướng mang theo của cải, dòng vốn đó cũng đã có tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Quý 2/2024 Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn từ các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc cao kỷ lục là 15 tỷ USD. Nói với Al Jazeera về vấn đề này, phó giáo sư Sara Hsu chuyên nghiên cứu tài chính Trung Quốc tại Đại học Tennessee cho hay, xu thế gia tăng dòng vốn chảy ra sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn.