Làn sóng di dân Trung Quốc: 7,4 triệu người từ đô thị đổ về nông thôn
- Trí Đạt
- •
Gần đây, Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc công bố thông tin, tại Trung Quốc Đại lục vài tháng gần đây có làn sóng di dân từ đô thị về thôn quê lập nghiệp, ước tính làn sóng di dân này vào khoảng 7,4 triệu người. Nhưng có quan điểm cho rằng cái gọi là làn sóng “về quê lập nghiệp” này về bản chất là “làn sóng thất nghiệp khổng lồ”. Có người đặt câu hỏi: “Như vậy trước đây tha hương kiếm sống là ngu ngốc?”
Ảnh minh họa từ Getty Images
Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc đưa ra hôm 8/11, hiện tại Trung Quốc Đại lục, số người đô thị về quê lập nghiệp lên đến 7,4 triệu người. Giới chức Trung Quốc cho biết thành phần những người về quê bao gồm nông dân tha hương làm công nhân, sinh viên đại học, nhà khoa học và cựu chiến binh, độ tuổi trung bình 40 tuổi, trong đó chiếm 40% có trình độ giáo dục trung học phổ thông trở lên, họ sẽ trở thành lực lượng chính giúp vùng nông thôn Trung Quốc trù phú.
“Lựa chọn tha hương kiếm sống là ngu ngốc?”
Tuy nhiên, blogger tài chính Chenglingxu có 320.000 fan theo dõi chỉ ra, làn sóng thất nghiệp này tương ứng với con số 5,04 triệu doanh nghiệp đóng cửa vào nửa đầu năm nay mà giới truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin.
Blogger này cho biết: “Rõ ràng là tình trạng thất nghiệp hàng loạt của giới lao động nhập cư tại các đô thị nhưng nhà cầm quyền lại tuyên bố là về quê khởi nghiệp! Từ dân thất nghiệp ở thành thị phải về nông thôn, thoắt cái biến thành về quê khởi nghiệp? Như vậy những người tha hương làm công nhân là ngu ngốc? Chẳng qua ông chủ của họ không duy trì được nữa, xưởng sản xuất đóng cửa nên họ phải trở về nhà”.
Về vấn đề này, cư dân mạng sôi nổi bàn tán: “Nhớ có thời nhà cầm quyền gọi giới công nhân thất nghiệp là mãn nhiệm, bây giờ lại gọi nông dân thất nghiệp là về quê khởi nghiệp, tổ quốc tôi thật lợi hại!” “Bi kịch bỗng trở thành ngày hội, điều xấu biến thành điều tốt, việc tang thành việc hỉ, lẽ nào đây không phải thủ đoạn tẩy não?”
Có cư dân mạng ở nước ngoài đã châm biếm: “Trung Quốc chưa bao giờ có chuyện thất nghiệp, ngày xưa công nhân thất nghiệp ban đầu nhà cầm quyền gọi là chờ việc, sau đó gọi là mãn nhiệm, bây giờ nông dân thất nghiệp được gọi là về quê khởi nghiệp. Ban Tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc giỏi nhất thế giới trong chế biến những trò thô bỉ này, ngay cả Ban Tuyên truyền của Đức Quốc xã ngày xưa cũng không bì kịp”.
Xuất hiện làn sóng sụp đổ doanh nghiệp tư nhân?
Cùng với chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tiếp tục leo thang làm cho nền kinh tế Trung Quốc đại lục đang đà suy thoái trong những năm gần đây lại càng tồi tệ hơn. Nguồn thông tin “5,04 triệu doanh nghiệp sụp đổ trong nửa đầu năm nay” mà blogger tài chính nêu trên đưa ra là từ trang NetEase của Trung Quốc.
Ngày 22/10, trang NetEase công bố bài viết có tựa đề “Nửa đầu năm nay 5,04 triệu doanh nghiệp trong nước đóng cửa, làm hơn hai triệu người thất nghiệp”, bài viết chỉ ra con số 5,04 triệu doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa trong nửa đầu năm 2018; tính đến tháng 03/2018 tổng số doanh nghiệp trên toàn Trung Quốc Đại lục vào khoảng 31 triệu, nhưng trong vòng nửa năm đã đóng cửa 1/6 số doanh nghiệp; cũng trong nửa đầu năm nay, 453 chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty niêm yết đã từ chức hoặc bị sa thải. Tổng cộng 3.551 công ty cổ phiếu loại A đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, thông tin liên quan sau đó đã bị gỡ bỏ.
Ngoài ra, theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc công bố hồi tháng Bảy, 5 tháng đầu năm nay số lượng doanh nghiệp công nghiệp có quy mô trở lên là 372.698 doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2017 con số là 378.959 doanh nghiệp, nhiều hơn năm nay khoảng 6.261 doanh nghiệp. Nói cách khác, tính từ tháng Năm năm ngoái đến tháng Năm năm nay, khoảng 6.261 doanh nghiệp công nghiệp có giá trị 20 triệu đô la Mỹ trở lên đã biến mất.
Theo thống kê, trong số doanh nghiệp biến mất này có 4.130 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như luyện kim, gia công cán ép, khai thác và rửa than; còn lại 2.131 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như sản xuất hóa chất, dệt may, công nghiệp chế biến nông-thực phẩm, giày dép.
Làn sóng đóng cửa doanh nghiệp tư nhân này đã khiến một số lượng lớn lao động nhập cư phải trở về quê hương, như vậy thì tuyên bố của nhà cầm quyền rằng họ về quê khởi nghiệp có phản ánh đúng sự thực không?
Sau khi về quê có khởi nghiệp được không?
Kênh truyền hình NTDTV tại Mỹ đã phỏng vấn ông Vương (Wang), một người hồi hương, được trả lời rằng ông lên thành phố và làm việc trong một công ty dịch vụ, nhưng hiện nay không nhận được lương, nhiều lần ông Vương lên tòa án kiện nhưng không ai xử lý, còn bị người của chính quyền cầm dùi cui xua đuổi, ông cũng cho biết rất nhiều người chịu chung số phận giống ông.
Đối với tuyên bố của nhà cầm quyền rằng “làn sóng nông dân về quê khởi nghiệp”, ông Vương nói rằng nếu về thôn quê mà có thể khởi nghiệp, có cuộc sống tốt đẹp, vậy thì trước đây ra đi làm gì? Ông hỏi lại, tay không có tiền thì trở về thôn quê có thể sáng nghiệp gì? Tại sao phải về? Vì không còn kiếm được tiền sống qua ngày ở nơi tha hương nữa.
Trả lời hãng tin Bloomberg, anh Dương Mạnh (Yang Meng), nông dân 30 tuổi ở Tứ Xuyên đến Thâm Quyến làm việc, miễn cưỡng nói: “Tôi đã rất nghèo, những người như tôi nếu muốn về nông thôn khởi nghiệp, nếu thất bại sẽ rơi vào đường cùng. Vùng nông thôn cũng chỉ có thể tiếp nhận được một số người hạn chế trong chúng tôi, không phải tất cả công nhân đều có thể về quê hương và tìm được việc làm”.
Một bài viết của tác giả ký tên “Duy Dương Ngọa Long” (Weiyang Wolong) cho biết, “Nông dân về lại làng quê, ngoại trừ một số rất ít có điều kiện khởi nghiệp, hầu hết mọi người thậm chí chuyện nuôi sống gia đình qua ngày còn khó khăn… Kiểu cổ vũ nông dân khởi nghiệp cũng không khác gì rêu rao sinh viên khởi nghiệp, đều là thủ đoạn xấu xa; trước cảnh người nông dân thất nghiệp lại hào hứng tuyên bố họ về quê khởi nghiệp thì thật là kinh khủng.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Nông thôn Trung Quốc thất nghiệp khởi nghiệp người dân Trung Quốc