Lần thứ hai viếng Mao Trạch Đông: Tập Cận Bình thân Mao hay chống Mao?
Ngày 30/9, đêm trước ngày Lễ kỷ niệm xây dựng chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tròn 70 năm, ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu Ban thường vụ Bộ Chính trị đến viếng cố lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông tại Nhà tưởng niệm Mao ở Thiên An Môn – Bắc Kinh. Kể từ khi trở thành lãnh đạo tối cao, đây là lần thứ hai Tập Cận Bình đi viếng Mao Trạch Đông.
Ngày 30/9, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã dẫn đầu Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến viếng Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông. Hình ảnh cảnh làm lễ tưởng niệm “liệt sĩ” bên ngoài Nhà tưởng niệm (Ảnh: Getty Images)
Theo truyền thông ĐCSTQ, sáng 30/9 ông Tập Cận Bình đã dẫn đoàn quan chức cấp cao đến Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông để làm lễ trước thi hài của Mao. Sau khi làm lễ trước linh cữu Mao, họ lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ bên ngoài Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, động thái lần này của ông Tập Cận Bình đã phá bỏ nguyên tắc cấm kỵ. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình “cải cách và mở cửa”, từng thời gian dài làm lãnh tụ ĐCSTQ nhưng chưa từng đi bái Mao Trạch Đông trong ngày kỷ niệm xây dựng chính quyền, chỉ làm nghi thức kỷ niệm dịp ngày sinh của Mao trong những năm tròn chục (số cuối là 0).
Lần bái Mao Trạch Đông trước của ông Tập Cận Bình là vào ngày 26/12/2013, tức kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông.
Giới quan sát có quan điểm cho rằng động thái lần này của giới quan chức cấp cao ĐCSTQ vì nhu cầu cấp bách về chính trị. Tiêu biểu như trang tin Hồng Kông 01 (Hk01) thân Bắc Kinh chỉ ra, hoạt động lần này của ông Tập Cận Bình nhằm nhấn mạnh địa vị lịch sử của Mao Trạch Đông là thủ lĩnh xây dựng chính quyền, qua đó nhấn mạnh tính hợp pháp quyền lực của ĐCSTQ.
Đài RFA dẫn nhận định cho rằng động thái này khiến nhiều người dân Trung Quốc lo ngại khuynh hướng chính trị của Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng “tả”. Một cựu công chức cho biết: “Thật khủng khiếp, như vậy không lẽ ông ta muốn đi lại con đường của Mao, tháng ngày gian khổ sắp đến!” Ông Lý, một giáo sư tại Bắc Kinh cho biết tình hình hiện nay vẫn khá nhạy cảm, họ không công khai thể hiện quan điểm: “Vấn đề này đòi hỏi mọi người hiểu ngầm, thời điểm hiện nay không tiện tuyên bố.”
Thực tế gần đây cũng từng xuất hiện động thái thể hiện quan điểm thân Mao Trạch Đông của Tập Cận Bình.
Ngày 12/9 Tập Cận Bình đã đến Công viên Hương Sơn ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh, trước tiên đến Biệt thự Song Khánh để thăm nơi Mao Trạch Đông sống và làm việc năm xưa, sau đó đến Nhà tưởng niệm Cách mạng Hương Sơn để tham quan triển lãm. Ngày 25/3/1949, Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đã đến Hương Sơn – Bắc Kinh, tại đây Mao Trạch Đông và tướng quân Chu Đức đã ban lệnh tiến quân trên toàn quốc.
Truyền thông ĐCSTQ chỉ ra tâm trạng “đặc biệt xúc động” của Tập Cận Bình trong hoạt động lần này. Ông Tập còn nhắc lại “thuyết đấu tranh” mà trong phát biểu ở Trường Đảng trung ương ngày 3/9 từng nhấn mạnh hơn chục lần.
Ông Dương Kiến Lợi, người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh Công dân” đã phân tích cho biết, bài phát biểu nhấn mạnh “thuyết đấu tranh” của Tập Cận Bình cho thấy triết lý đấu tranh của Mao Trạch Đông đã trở thành tư tưởng dẫn dắt Tập Cận Bình. Hiện nay ĐCSTQ bị lún sâu vào hai nguy cơ: một là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, và hai là vấn đề Hồng Kông. Thời khắc này khi mọi người đang theo dõi muốn biết lá bài cuối cùng của ông Tập nhằm giải quyết những khó khăn là gì thì ông Tập lại tung ra lý thuyết đấu tranh. Phải chăng đây là tư tưởng chỉ đạo để ông Tập giải quyết hai nguy cơ này?
Ông Dương Kiến Lợi cũng cho rằng bài phát biểu nhấn mạnh “thuyết đấu tranh” cho thấy cảm giác nguy cơ và bất an sâu sắc của Tập Cận Bình đối với chế độ ĐCSTQ và quyền lực cá nhân ông Tập.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, ngay đêm trước ngày lễ kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ xây dựng chính quyền, tại Bắc Kinh ngày 25/9 ông Tập Cận Bình đã tuyên dương 278 người gọi là “tấm gương đấu tranh đẹp nhất” do ĐCSTQ bình chọn. Vấn đề đáng chú ý là trong số người được tuyên dương có những nhân vật lịch sử “nhạy cảm”, tiêu biểu như bà Trương Chí Tân, cán bộ Ban Tuyên truyền tỉnh Liêu Ninh bị hành quyết cắt cổ vì dám chất vấn Cách mạng Văn hóa. Hay như ông Dung Quốc Đoàn, quán quân thế giới đầu tiên trong giới thể thao Trung Quốc, cũng bị bức hại đến chết trong Cách mạng Văn hóa.
Đặc biệt là bà Trương Chí Tân, người chịu kiếp nạn thê thảm vì trực tiếp lên án kế hoạch “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa” của Mao Trạch Đông cũng như tệ sùng bái cá nhân đối với Mao. Phải chăng điều này cho thấy ông Tập muốn xóa bỏ những nghi ngờ liên quan về việc ĐCSTQ đang dẫm vào vết xe đổ mà Mao Trạch Đông đã đi?
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Quốc khánh Trung Quốc Dòng sự kiện 70 năm ĐCSTQ giành chính quyền Tập Cận Bình Mao Trạch Đông