Lầu Năm Góc: Cấp cao ĐCSTQ tham nhũng làm ảnh hưởng đến hiện đại hóa quân đội
- Trí Đạt
- •
Một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết “một đợt tham nhũng mới” ở cấp cao nhất của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất hiện vào năm ngoái, có khả năng làm gián đoạn các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của nước này.
“Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc” thường niên (link) do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm thứ Tư (18/12) cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, ít nhất 15 sĩ quan quân đội cấp cao và giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã bị cách chức. Một số tướng lĩnh từng phụ trách giám sát các dự án hiện đại hóa tên lửa hạt nhân trên đất liền và tên lửa thông thường của Trung Quốc đã bị điều tra và cách chức do tham nhũng.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ tham nhũng đã có một số tác động”. Theo các quy tắc cơ bản của Lầu năm góc, vị quan chức này yêu cầu giấu tên.
Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, vấn đề tham nhũng đã ảnh hưởng đến quân đội Trung Quốc vì việc thay thế các quan chức cấp cao có thể gây rối loạn, trong khi việc tìm cách vạch trần tham nhũng có thể làm chậm tiến độ của các dự án quân sự, bao gồm cả các dự án công nghiệp quốc phòng.
Vị quan chức này cho biết: “Một khi họ phát hiện ra hành vi tham nhũng ở một nơi nào đó thì có thể liên quan đến một quan chức cấp cao, và sẽ sinh ra một hiệu ứng xoắn ốc mà dường như không thể tránh khỏi việc có thêm nhiều quan chức tham gia”.
Tham nhũng trong quân đội Trung Quốc không phải là chuyện gì mới, nhưng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc bị cách chức vào cuối tháng 10 năm ngoái, tin tức về tham nhũng trong giới lãnh đạo quân sự cấp cao lần lượt xuất hiện. Ông Lý Thượng Phúc Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ từ năm 2017 đến năm 2022. Trước khi trở thành bộ trưởng quốc phòng, ông đã phê duyệt tất cả các hoạt động mua sắm vũ khí cho Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ.
Các mục tiêu quân sự của ĐCSTQ bao gồm hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành quân đội “đẳng cấp thế giới” vào cuối năm 2049. ĐCSTQ cũng đã đặt ra các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2027 để đảm bảo rằng các kế hoạch hiện đại hóa tiếp tục tiến triển. Năm 2027, Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập.
Báo cáo của Lầu Năm Góc gọi tiến trình của Trung Quốc trong việc đạt được cột mốc năng lực quân sự đến năm 2027 là “không đồng đều” nhưng không cho biết rõ liệu thực lực quân sự của ĐCSTQ có suy giảm hay không.
Vị quan chức này nói thêm: “Chúng tôi nhấn mạnh và rất coi trọng những tiến bộ mà họ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực được đề cập trong báo cáo, đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng chú ý những lĩnh vực mà họ vẫn còn thiếu sót.”
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nhưng chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh vẫn được ước tính cao hơn từ 40% đến 90% so với ngân sách quốc phòng công được công bố, với tổng chi tiêu quốc phòng tương đương 330 tỷ USD đến 450 tỷ USD vào năm 2024.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, tổng quân số lực lượng vũ trang Trung Quốc vượt quá 3 triệu người, với 965.000 quân nhân tại ngũ. Không quân Trung Quốc có 3.150 máy bay. Theo báo cáo, Hải quân ĐCSTQ là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm, dự kiến sẽ tăng lên 395 tàu vào năm 2025 và 435 tàu vào năm 2030.
Năng lực hạt nhân và tên lửa của ĐCSTQ
Lầu Năm Góc cho biết, quân đội của ĐCSTQ đã cố gắng hiện đại hóa trong nhiều thập kỷ, và dù sao cũng đã đạt được một số tiến bộ, đặc biệt là về khả năng vận hành đầu đạn hạt nhân. Báo cáo cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân trong quân đội của ĐCSTQ đã tăng từ hơn 500 năm ngoái lên hơn 600 vào năm 2024.
Báo cáo nêu rõ, tính đến giữa năm 2024, ĐCSTQ có hơn 600 đầu đạn hạt nhân có thể đưa vào chiến đấu thực tế trong kho vũ khí hạt nhân của mình, đến năm 2030 sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân. Sự tăng trưởng trong kho vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ phù hợp với ước tính năm ngoái.
Theo thỏa thuận hiệp ước, Mỹ có khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân có thể đưa vào trong thực chiến, nhưng kho vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng của nước này đang “già đi”. Lầu Năm Góc có kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ tới để cập nhật và thay thế chúng.
Ngoài ra báo cáo cũng cho biết, ĐCSTQ đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, điều này sẽ tăng cường đáng kể khả năng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, và cũng có thể đang khám phá việc phát triển các hệ thống tên lửa liên lục địa mang vũ khí thông thường.
Báo cáo cho biết: “Một khi được phát triển và đưa vào sử dụng, những khả năng như vậy sẽ cho phép Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành các cuộc tấn công thông thường nhằm vào các mục tiêu ở lục địa của Mỹ, Hawaii và Alaska.”
ĐCSTQ tiếp tục sở hữu kho tên lửa siêu thanh hàng đầu thế giới. Vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có thể thay đổi quỹ đạo trong giai đoạn lướt đi, khiến chúng khó phòng thủ hơn tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo cũng bay với tốc độ siêu thanh, nhưng theo một quỹ đạo xác định trước. Theo tờ Báo Hải quân Nhân dân của ĐCSTQ đưa tin, vào năm 2023, tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) của ĐCSTQ đã 3 lần triển khai tới khu vực Biển Philippine, lập kỷ lục mới về số lần triển khai của tàu sân bay Trung Quốc trong một năm. Hải quân của ĐCSTQ cũng lần đầu tiên tiến hành triển khai quy mô lớn các tàu tấn công đổ bộ lớp Yushen mới.
Những đợt triển khai này chứng tỏ rằng Hải quân của ĐCSTQ tiếp tục nâng cao khả năng thực hiện các nhiệm vụ ngoài chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia và một phần của Philippines.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao nhấn mạnh rằng mặc dù quân đội của ĐCSTQ đã thể hiện một số khả năng hoạt động chung hạn chế ngoài chuỗi đảo thứ nhất, nhưng các hoạt động ở nước ngoài của hải quân nước này thường thiếu sự tham gia của Lục quân hoặc Không quân và không liên quan đến các hoạt động tác chiến.
ĐCSTQ có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới dựa trên số lượng hạm đội, số lượng của nước này phù hợp với đánh giá năm ngoái. ĐCSTQ có hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó có hơn 140 chiếc được coi là tàu mặt nước cỡ lớn.
Báo cáo cho biết, về mặt sản xuất tàu chiến, vũ khí hàng hải và hệ thống điện tử, ngành công nghiệp quốc phòng của ĐCSTQ “gần như có thể đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu đóng tàu”.
Lầu Năm Góc cũng cho biết, quân đội ĐCSTQ cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể và đang “nhanh chóng tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật thông dụng của Mỹ”.
Đài Loan và Philippines
Báo cáo cho biết ĐCSTQ đã gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan vào năm 2023 và “tiếp tục làm xói mòn các chuẩn mực lâu đời trên và xung quanh hòn đảo dân chủ”.
Bắc Kinh cho biết họ hy vọng sẽ sẵn sàng kiểm soát Đài Loan vào năm 2027, khi cần thiết thì sẽ sử dụng vũ lực. Trung Quốc duy trì sự hiện diện hải quân xung quanh Đài Loan, tăng cường đi vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần đó.
Trong tháng này, ĐCSTQ đã huy động hàng chục tàu hải quân và tàu cảnh sát biển tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất nhắm vào Đài Loan kể từ những năm 1990.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, chỉ riêng trong tuần này, ĐCSTQ đã phái nhiều máy bay quân sự tới Đài Loan, trong đó có 4 máy bay vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan.
Bất chấp hành vi ngày càng hung hăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan, quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng xung đột với Trung Quốc về Đài Loan không phải là “sắp xảy ra hay không thể tránh khỏi”.
Vị quan chức này nói với phóng viên VOA: “Chúng tôi tin rằng ngày nay chúng tôi có khả năng răn đe thực sự và mạnh mẽ. Chúng tôi đang làm hết nỗ lực có thể để duy trì khả năng răn đe đó”.
Báo cáo cho biết, căng thẳng giữa ĐCSTQ và Philippines “đã gia tăng đáng kể” vào năm ngoái. Các tàu hải cảnh của ĐCSTQ đã dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines và thậm chí đâm vào các tàu đang cố gắng tiếp tế cho Bãi cạn Second Thomas.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết kể từ cuối năm 2023, quân đội của ĐCSTQ đã giảm số vụ đánh chặn nguy hiểm trên không đối với máy bay quân sự Mỹ, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục tiến hành “những hành động không an toàn” đối với các lực lượng đồng minh của Mỹ gần khu vực.
Báo cáo cho biết sự thay đổi trong hành vi quân sự của Mỹ dường như khớp với các diễn biến ngoại giao: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại trao đổi quân sự vào cuối năm 2023.
Ông Bradley Bowman, giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, cảnh báo rằng thái độ hung hăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan và Philippines có thể sẽ tiếp tục cho đến khi Mỹ và các đồng minh thay đổi phân tích hiệu quả chi phí của Bắc Kinh.
Ông nói với VOA: “Bất kỳ biện pháp nào nào nhằm giảm bớt sự gây hấn trực tiếp đối với Mỹ đều là tạm thời, và không nên hiểu sai đó là một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược lớn hoặc thái độ thù địch của Bắc Kinh đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ.”
Mỹ coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21, nhưng nhấn mạnh xung đột quân sự là không thể tránh khỏi. Washington tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh tấn công Đài Loan bằng cách triển khai lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương và tăng cường liên minh trong khu vực.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa Lầu Năm Góc Quân đội ĐCSTQ mối quan hệ Mỹ - Trung tham nhũng quan tham Trung quốc