Lợi ích của ĐCSTQ đối mặt nguy cơ trước khủng hoảng Nga – Ukraine
- Lý Nguyên
- •
Nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ đầu tư ngày càng nhiều vào Ukraine, còn thu được lượng lớn công nghệ quân sự từ nước này. Vậy nên, vấn đề lợi ích kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc sẽ bị tác động thế nào trước khủng hoảng Nga – Ukraine cũng được quan tâm.
Người dân Ukraine tham gia huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ Nội địa ngày 22/1/2022 (Nguồn: Sean Gallup / Getty).
Đối với ĐCSTQ, Ukraine có lợi ích mang tính chiến lược. Các lý do bao gồm: vị trí địa lý của Ukraine, thỏa thuận thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), nguồn cung cấp tài nguyên khoáng sản và nông nghiệp, và đặc biệt là tầm quan trọng đối với quốc phòng của ĐCSTQ.
Do khủng hoảng Nga – Ukraine ngày càng gia tăng cũng gây bất ổn đối hơn với các lợi ích kinh tế và quốc phòng của Bắc Kinh ở Ukraine, gần đây ĐCSTQ đã kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết các khác biệt qua đối thoại, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình “xấu đi” ở Ukraine.
Dưới đây là một số lợi ích kinh tế và quốc phòng chính của ĐCSTQ ở Ukraine dựa trên tóm lược từ Reuters và EurAsia Info.
Quan hệ thương mại
Ukraine từ năm 2013 thời Tổng thống Viktor Yanukovych thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ thương mại đáng kể với Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Ukraine, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine vào năm 2019, với tổng kim ngạch thương mại là 18,98 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 80% so với năm 2013.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Ukraine sang Trung Quốc vào năm 2021 đạt 8 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng như quặng sắt, ngô và dầu hướng dương; trong khi Ukraine nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc và hàng tiêu dùng với tổng trị giá 10,97 tỷ USD.
Trong năm 2020-21, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lúa mạch lớn nhất của Ukraine. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy năm ngoái khoảng 30% lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc (hơn 8 triệu tấn) đến từ Ukraine.
Ukraine và Trung Quốc cũng đã triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt trực tiếp giữa hai nước. Ukraine cũng là điểm dừng của tuyến Đường sắt Trung Quốc – EU, giúp giảm bớt các vấn đề về hậu cần cho các công ty Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.
“Vành đai và Con đường”
Từ năm 2017, Ukraine đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ và trở thành một trung tâm quan trọng, đến năm 2020 họ đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như tài chính và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các công ty lớn của Trung Quốc đang hoạt động tại Ukraine bao gồm: tập đoàn thực phẩm nhà nước COFCO Corp, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc (China Pacific Construction Group), Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC), và tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei.
Theo số liệu của Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019 các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào Ukraine đạt 150 triệu USD. Theo số liệu từ Đại sứ quán Ukraine tại Trung Quốc, trong ba quý đầu năm 2020 các công ty Trung Quốc đã đầu tư 75,7 triệu USD vào các dự án ở Ukraine.
Vào năm 2016 tập đoàn thực phẩm COFCO đã đưa vào hoạt động một nhà ga ngũ cốc trị giá 75 triệu USD tại cảng biển Nikolaev ở miền nam Ukraine. Năm 2019, Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đã hoàn thành dự án khơi thông ở cảng Chornomorsk.
Năm 2017 Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc đã ký một thỏa thuận xây dựng tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Kiev, trong khi vào năm 2019 công ty Huawei Trung Quốc giúp Ukraine phát triển mạng di động cũng đã thắng thầu lắp đặt mạng 4G trên tàu điện ngầm Kiev.
Năm 2021, nhà sản xuất điện gió lớn nhất Trung Quốc là China Longyuan Power Group cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành một trang trại gió lớn tại thành phố Yuzhne của Ukraine.
Tập đoàn Xây dựng Điện của Trung Quốc (Power Construction Corp of China) đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với một đối tác địa phương ở Donetsk để xây dựng một khu điện gió 800 megawatt. Đây cũng sẽ là khu điện gió trên bờ lớn nhất ở EU.
Công nghệ quân sự của Ukraine
Sau khi Liên Xô tan rã thì Ukraine được thừa hưởng rất nhiều công nghệ quân sự từ Liên Xô cũ, còn những công nghệ này cũng mang lại lợi ích cho ĐCSTQ.
Thời báo EurAsian đưa tin, nếu đối tác Ukraine trong Vành đai và Con đường của Bắc Kinh rơi vào hỗn loạn, điều đó có thể gây tổn hại cho hoạt động sản xuất vũ khí mô phỏng (làm nhái sản phẩm của nước khác) của Trung Quốc. Thông tin cho biết, ngành công nghiệp vũ khí mô phỏng của Bắc Kinh chủ yếu dựa vào một số công ty quốc phòng hàng đầu của Ukraine.
Điều đáng chú ý là sau khi độc lập, khoảng 30% công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ đã được Ukraine giữ lại trên lãnh thổ của họ, theo đó có hơn 1 triệu lao động làm việc trong khoảng 750 nhà máy và 140 tổ chức khoa học và công nghệ.
Ukraine cũng có một mạng lưới nhà máy tu sửa trang thiết bị quân sự giúp sửa chữa bất kỳ hệ thống phụ vũ khí quan trọng nào. Trong nhiều trường hợp, máy bay do Nga thiết kế được bảo trì bởi các công ty Ukraine hơn là OEM của Nga.
Ukraine cũng trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Nga, trong khi đó Trung Quốc cũng thiết kế mô phỏng nhiều hệ thống vũ khí của Nga, Ví dụ Công ty Máy bay Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh đã sao chép bất hợp pháp máy bay Su-27SK của Nga (Trung Quốc đặt tên là dòng J-11B).
Loạt tiêm kích J-11B của Trung Quốc đều được trang bị radar dòng NIIP N001 được sản xuất tại các nhà máy của Ukraine. Chuyên gia phân tích về Ukraine tại Casimir Pulaski Foundation (trụ sở tại Warsaw, Ba Lan), ông Reuben F. Johnson cho biết hầu hết các loại vũ khí không đối không mà các mẫu J-11B này sử dụng là được chế tạo từ các công cụ và máy móc được Ukraine bán cho Nhà máy Máy móc Đông Phương ở Tây An của Trung Quốc.
Ông chỉ ra: “Bắc Kinh đã cố gắng mua lại các doanh nghiệp quốc phòng có giá trị nhất của Ukraine, sau đó đưa cả công nghệ và chuyên gia liên quan sang Trung Quốc ở mức độ đáng cảnh giác. Mục tiêu của ĐCSTQ là giải quyết các lĩnh vực mà họ vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga, tiêu biểu như công nghệ động cơ hàng không, họ đang tận dụng khả năng công nghiệp của Ukraine mà trong nhiều năm đã không được cộng đồng quốc tế chú ý”.
ĐCSTQ cũng đã thu được nhiều công nghệ quân sự quan trọng từ Ukraine như động cơ hàng không, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Bison, tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ trên không Kh-55, và hệ thống mô phỏng tàu sân bay trên đất liền Nitka. Tháng 9/2017 tờ “Tin tức tham khảo” (Reference News) của ĐCSTQ đã đưa tin gây chấn động, cho biết tính đến năm 2012 ĐCSTQ đã nhập khẩu từ Ukraine hơn 30 danh mục và hơn 2.000 dự án công nghệ quân sự các loại.
Cả Mỹ và Ukraine đều đang cố gắng ngăn chặn việc ĐCSTQ tiếp quản một công ty chiến lược quan trọng của Ukraine là công ty MOTOR SICH, lý do vì việc này sẽ giúp ĐCSTQ thúc đẩy năng lực quân sự mạnh mẽ hơn nhiều.
MOTOR SICH là một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay và máy bay trực thăng lớn nhất trên thế giới, là công ty duy nhất ở Ukraine có động cơ máy bay và máy bay trực thăng cùng khả năng sản xuất tuabin công nghiệp, được mệnh danh là “trái tim của ngành công nghiệp hàng không Ukraine”. Ngay từ thời Liên Xô cũ, các sản phẩm của MOTOR SICH đã được xuất khẩu sang hơn 90 nước trên thế giới. Các nước châu Âu như Đức, Hungary, Ba Lan, Thụy Sĩ… đều là khách hàng của MOTOR SICH.
Từ khóa sáng kiến 'Vành đai và Con đường' xung đột Nga - Ukraine Dòng sự kiện căng thẳng Nga - Ukraine Lợi ích ĐCSTQ