Mộ tổ của Tưởng Giới Thạch bị phá hủy trong Cách mạng Văn hóa
- Trí Đạt
- •
Chiều 25/4/1949, hai cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc đến tổ đường ở Khê Khẩu, thị trấn Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Đây là lần bái tổ cuối cùng của họ trong những năm còn sống. Từ đó về sau, họ rút về Đài Loan và chỉ có thể bái cúng tổ tiên từ xa. Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới đó là, trong Đại cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động, mộ tổ nhà họ Tưởng cũng không thể thoát được kiếp nạn, hài cốt của các bậc tiền bối bị đào lên và bị thiêu hủy.
Năm 2014, một người tự nhận là người Khê Khẩu, thị trấn Phụng Hóa, đã đăng bài trên internet kể lại chi tiết quá trình mộ tổ nhà họ Tưởng bị Cách mạng Văn hóa hủy hoại. Tác giả cho biết mình đã tận mắt chứng kiến sự việc này.
Mộ tổ họ Tưởng bị phá hoại
Một buổi chiều tháng 4/1968, hơn 30 Hồng vệ binh Trường Trung học Từ Diêu, đi đến Khê Khẩu, thị trấn Phụng Hóa, sau khi nghe ngóng tình hình tại trạm tiếp đón, họ trực tiếp tìm đến Bí thư khu Khê Khẩu Trương Chính Thụ và chất vấn: “Đại cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản trên toàn quốc đang diễn ra rầm rộ như thế này, phá tứ cựu, lập tứ tân, nhưng ở Khê Khẩu các vị lại án binh bất động. Mộ của gia tộc Tưởng Giới Thạch- kẻ thù chung của nhân dân, cho đến nay vẫn chưa bị động đến, thái độ của các vị đối với Đại cách mạng Văn hóa do Mao chủ tịch phát động và lãnh đạo là gì đây?”
Trương Chính Thụ trả lời: “Các vị tiểu tướng Hồng vệ binh, tôi phải học tập tinh thần cách mạng của các vị. Nhưng, chúng tôi cũng chỉ làm theo chỉ thị của cấp trên, đó là bảo vệ mộ của nhà họ Tưởng, không được tùy tiện phá hoại. Không bảo vệ tốt, nếu bị phá hoại thì tôi phải chịu trách nhiệm.”
Câu trả lời này của ông làm Hồng vệ binh ầm ĩ lên: “Ông đúng là chó săn trung thành của Tưởng Giới Thạch, ông đúng là con hiếu cháu thảo của nhà họ Tưởng. Ông đúng là thuộc phe nắm quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa. Lần này chúng tôi đến đây là muốn quét tứ cựu, chúng tôi muốn đập nát mộ của kẻ thù của nhân dân! Không đạt được mục đích, không thu quân về!”
Trương Chính Thụ cho biết muốn hỏi ý cấp trên, sau đó mới quyết định có hành động hay không. Nhưng sáng sớm ngày hôm sau, chưa đợi được hồi âm từ cấp trên, Hồng vệ binh Trường Trung học Dư Diêu đã giương cờ đỏ, cầm cuốc và búa mới tinh đến Đảng ủy khu Khê Khẩu, hô hào khẩu hiệu cách mạng, yêu cầu hành động.
Trương Chính Thụ đoán công việc tỉnh ủy và khu ủy đã bị tê liệt, vì thế ông gửi điện báo cho Quốc vụ viện, nhưng không đợi được đến lúc có chỉ thị. Hồng vệ binh bắt Trương Chính Thụ cầm 2 thùng dầu hỏa, đi trước dẫn đường đến mộ tổ họ Tưởng.
Họ đến mộ người vợ chính thức đầu tiên của Tưởng Giới Thạch là bà Mao Phúc Mai – mẹ của Tưởng Kinh Quốc trước. Họ đào đất mộ lên, đập nát tấm đá trên mộ, mở tung quan tài rồi tưới dầu hỏa để đốt. Bia mộ cũng bị họ đập vỡ làm đôi.
Bà Mao Phúc Mai sinh ngày 12/12/1939, chết do bị bom của quân Nhật oanh tạc. Sau khi quân Nhật chiếm được Khê Khẩu, do sự hiếu kỳ, muốn xem mộ của Mao Phúc Mai rốt cuộc chôn thứ gì nên đã đào lên để xem. Quân Nhật thông báo cho người nhà họ Tưởng trước, sau khi thắp hương cúng bái xong, họ đào lên nhưng không phát hiện có gì đặc biệt, xong rồi lại lấp trở lại. Còn lần đào mộ này của Hồng vệ binh, lại hủy hoại sạch sẽ cả trong lẫn ngoài mộ của Mao Phúc Mai.
Hồng vệ binh còn không dừng lại ở đó, họ còn tiếp tục khai quật mộ của bà Vương Thái Ngọc – mẹ của Tưởng Giới Thạch. Sau khi đến mộ của bà Vương Thái Ngọc, Hồng vệ binh lại dùng cuốc đào, đào xong thì phần đỉnh lộ ra tấm đá khắc hoa sen. Tấm đá này bị họ dùng búa đập nát, sau đó cỗ quan tài bằng gỗ lim bị lôi lên mặt đất. Nắp quan tài bị mở tung, trang phục bên trong quan tài vẫn còn nguyên, thi thể đã bị thối rữa, tóc vẫn nguyên, trên ngực còn có một viên ngọc và một chiếc nhẫn.
Hồng vệ binh không nói thêm lời nào, lật đổ quan tài, rồi đập nát, và tưới dầu hỏa đốt. Tác giả của bài viết nói rằng chính mình đã tận mắt chứng kiến cảnh này. Lúc đó nghe tin mộ của mẹ Tưởng Giới Thạch bị đập nát, tác giả cùng một người bạn đến xem tình hình và đã tận mắt nhìn thấy quan tài gỗ bị phá nát, quần áo lẫn lộn với bùn đất đang bốc khói cháy âm ỉ; xương trắng văng xung quanh, nhưng khi đó Hồng vệ binh đã quên mất Từ Am của mẹ Tưởng Giới Thạch.
Không lâu sau khi Hồng vệ binh phá hủy mộ của mẹ và vợ Tưởng Giới Thạch, lại có người đến phá hủy mộ của cha và em trai ông. Đồng thời họ cũng phá luôn Từ Am của mẹ ông, do quá kiên cố nên họ sử dụng thuốc nổ, nổ xong, những vật liệu gỗ, đá, gạch, v.v. cũng nhanh chóng bị mang đi.
Sau vụ đó, “Ủy ban Công xã Cách mạng Nhân dân đã gửi bức điện tín kính trọng cho Mao Trạch Đông, nói đã làm theo chỉ thị của Giang Thanh san phẳng và trồng hoa màu trên mộ của nhà họ Tưởng Giới Thạch”.
Tưởng Giới Thạch coi đây là “thù nhà và nỗi nhục của đất nước”
Theo cuốn sách “Tưởng Giới Thạch hậu truyện: Chính trị địa lý Đài Loan 26 năm Tưởng Giới Thạch” xuất bản tại Đại Lục tiết lộ, Tưởng Giới Thạch rút lui về Đài Loan, điều ông nhớ nhất có lẽ vẫn là quê hương và an nguy của mộ tổ. Giữa những năm 50, có không ít lời đồn rằng nhà cũ và mộ tổ của Tưởng Giới Thạch bị san phẳng làm ông ăn ngủ không yên.
Mùa thu năm 1956, Tưởng Giới Thạch nhận được một bức thư của trung ương ĐCSTQ, trong thư đề xuất tiến hành hợp tác lần thứ 3 giữa Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản, hoàn thành thống nhất đại nghiệp, bên cạnh đó cũng nhấn mạnh “mộ ở Phụng Hóa vẫn y nguyên, hoa cỏ Khê Khẩu vẫn như cũ”. Bức thư này làm Tưởng Giới Thạch đồng ý hợp tác với Bắc Kinh.
Lúc đó, trí thức tả khuynh Tào Tụ Nhân – người có giao tình với Tưởng Kinh Quốc khi ông ở Cống Nam, đồng thời có giao tình với Chu Ân Lai và Thiệu Lực Tử, trở thành bí mật lịch sử giữa Tưởng Giới Thạch và Bắc Kinh. Tào Tụ Nhân còn đi tới Khê Khẩu, đến quét dọn Từ Am và chụp ảnh.
Sau khi bùng nổ Đại cách mạng Văn hóa, Tưởng Giới Thạch đã vô cùng tức giận khi nghe nói một số Hồng Vệ Binh đã đến quê nhà Khê Khẩu của ông, phá hủy Từ Am, do đó, Tưởng Giới Thạch căn dặn con cháu phải báo mối “thù nhà và nhục nước này”. Trao đổi qua lại giữa hai bờ eo biển bị gián đoạn.
Chu Ân Lai không sai người đi tu sửa lại mộ tổ nhà họ Tưởng
Theo cách nói của truyền thông chính quyền Trung Quốc, sau khi Hồng vệ binh phá hoại mộ tổ nhà họ Tưởng, Chu Ân Lai đã sai người đi tu sửa lại, đồng thời xuất phát từ yêu cầu mặt trận thống nhất, nên đã chụp lại ảnh và gửi cho người trung gian để chuyển cho Tưởng Giới Thạch.
Nhưng theo lời của người tiết lộ trên mạng, việc này không tồn tại. Mãi đến năm 1976 khi Chu Ân Lai chết, mộ tổ của nhà họ Tưởng vẫn chưa được sửa chữa, bên ngoài vẫn là đất bằng phẳng được trồng hoa màu. Tu sửa nơi ở cũ và mộ tổ của Tưởng Giới Thạch là chuyện của đầu những năm 1980.
Hiện tại, mộ tổ nhà họ Tưởng được xây lại mới nhưng lại trống rỗng bên trong, không có hài cốt, không có quan tài. Mộ của em Tưởng Giới Thạch không được khôi phục lại. Có người nắm rõ thông tin cho biết, bia mộ trên mộ được xây lại của bà Mao Phúc Mai, thân mẫu của Tưởng Kinh Quốc đầy những vết sứt mẻ, không trơn nhẵn, còn bia mộ ban đầu được làm nhẵn bóng, không vết sứt mẻ.
Năm 1958, Mao Trạch Đông chỉ huy “toàn dân luyện gang”, đào phá vô số di tích cổ, san phẳng mồ mả, phá hoại mộ cổ. Năm 1966 cuộc vận động “phá tứ cựu” đạt đến đỉnh điểm; vô số di tích, văn vật quý giá bị phá hủy, bị đốt, trong đó bao gồm cả mộ phần của danh nhân văn hóa, hiền triết, đế vương. Mộ của gia quyến Khổng Tử cũng không thoát được kiếp nạn này. Văn hóa truyền thống 5000 năm của Trung Hoa gặp phải đợt hủy diệt trước nay chưa từng có do ĐCSTQ gây ra.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Cách mạng Văn hóa Hồng vệ binh Chu Ân Lai Tưởng Giới Thạch