Tổ chức “Quốc gia không biên giới” (Nations Without States) và “Tổ chức Giám sát Nhân quyền Thế giới” (HRW) gần đây đã đồng tổ chức Hội thảo về nhân quyền tại Trung Quốc và Ấn Độ. Gia đình của những nạn nhân bị bức hại ở Trung Quốc đã được mời tham gia và nói về trải nghiệm của gia đình họ trong suốt 22 năm chịu đựng cuộc đàn áp tàn khốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Graham Williamson
Vào ngày 13/11/2021, ông Graham Williamson, Chủ tịch của Tổ chức Nations without States, đã có bài phát biểu tại hội thảo nhân quyền. (Ảnh chụp màn hình mạng/ từ Epoch Times)

Hội thảo thảo luận về chủ đề “Trung Quốc và Ấn Độ – Ai là người vi phạm nhân quyền lớn nhất?”, với sự tham gia của các thành viên Quốc hội, cựu Chủ tịch Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới và các khách mời khác.

Diễn giả đầu tiên của hội nghị, ông Mohammed Shariff tập trung vào các hành vi vi phạm nhân quyền của Kashmiri (tại khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan), đồng thời mô tả chi tiết các hành động tàn bạo trong khu vực này. Bài phát biểu của Dân biểu Tan Dhesi của Đảng Lao động Anh nói về những vi phạm nhân quyền của chế độ ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số như người Hán, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Cô Li Jian, thành viên trong một gia đình bị đàn áp ở Trung Quốc, đã chia sẻ câu chuyện về mẹ cô, một học viên Pháp Luân Công đã bị chế độ ĐCSTQ bức hại trong suốt 22 năm.

Đặt ĐCSTQ là “Quốc giáo”, đàn áp tín ngưỡng tôn giáo khác

Ông Graham Williamson, Chủ tịch Tổ chức Quốc gia không biên giới, đã tham gia chính trường Anh trong một thời gian dài, ông là người sáng lập Đảng Tự do Quốc gia (National Liberal Party) và là thành viên của Ủy ban Điều hành Quốc gia của Công đoàn Đoàn kết.

Trong bài phát biểu của mình, ông Williamson nói rằng hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ đã dẫn đến sự áp bức đối với các tầng lớp thấp trong xã hội. Cùng với xung đột giữa các tôn giáo khác nhau, một số vụ bạo lực thường bị những người nắm quyền phớt lờ. Về phía ĐCSTQ, tổ chức này không chỉ đàn áp các dân tộc thiểu số mà còn đàn áp người Hán, đàn áp nhân quyền theo mô hình công nghiệp và có hệ thống, với sự tham gia của một số lượng lớn người dân.

Thảm họa nhân quyền Duy Ngô Nhĩ: Mất tích – Diệt chủng?
Người Duy Ngô Nhĩ dưới sự đàn áp của ĐCSTQ (Ảnh qua Đài Á châu Tự do)

Ông cho rằng ĐCSTQ thực sự muốn người Trung Quốc tin rằng chủ nghĩa cộng sản là “Quốc giáo” (tôn giáo Quốc gia). Bất cứ ai không tin vào chủ nghĩa Mác đều có thể bị coi là có vấn đề về tinh thần. Ngoài việc đàn áp người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, ĐCSTQ cũng đã cố gắng thực hiện hành vi diệt chủng văn hóa, bao gồm cả cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo.

Ông nói: “(Trung Quốc) là một quốc gia độc đảng chuyên chế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi đất nước này nhạy cảm với bất kỳ sự chống đối nào của công chúng. Ngoài những vụ bắt bớ thông thường đối với những người có tư tưởng tiến bộ, trại cải tạo và thậm chí cả tra tấn, họ còn sử dụng những cách rất mới lạ để đối phó với bên đối lập. Ví dụ, sử dụng chẩn đoán tâm thần để biện minh cho việc bỏ tù, bởi vì mọi người đều biết: những người không theo chủ nghĩa Mác đều là ‘bệnh nhân tâm thần’.”

Ông Williamson nhận định, ĐCSTQ coi hệ tư tưởng của mình là “Quốc giáo”, do đó các tôn giáo hoặc tín ngưỡng chân chính thường bị coi là mối đe dọa đối với lòng trung thành với “Quốc giáo” này. Ông đặc biệt chỉ ra rằng Pháp Luân Công đã và đang phải đối mặt với tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã chịu đựng cuộc bức hại tàn nhẫn 22 năm

Một trong những người được mời phát biểu là cô Li Jian, 36 tuổi, đến từ Trung Quốc và hiện đang sống ở nước Anh. Trong 22 năm qua, mẹ cô luôn phải chịu sự vi phạm nhân quyền và bức hại nghiêm trọng từ chế độ ĐCSTQ chỉ vì bà kiên trì với tín ngưỡng vào Pháp Luân Công.

Cô Li Jian cho biết mẹ cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Kể từ đó, bà đã sử dụng nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” được dạy trong sách của Pháp Luân Công để tự yêu cầu bản thân, cùng với việc tập 5 bài công pháp nhẹ nhàng, tình trạng lệch đốt sống cổ nghiêm trọng ban đầu và các bệnh khác đã biến mất một cách kỳ diệu. Từ một người tự ti ít nói, bà đã trở nên lạc quan và vui vẻ, đối xử tử tế với mọi người, điều này khiến cho gia đình cô ngày càng hòa thuận và hạnh phúc.

Tuy nhiên, vào ngày 20/7/1999, người đứng đầu  ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân, đã huy động bộ máy nhà nước đàn áp tàn khốc Pháp Luân Công. Mẹ của cô Li đã bị tước mất công việc với 20 năm kinh nghiệm, tiền lương hưu của bà cũng bị tước đoạt, sau đó bà phải trải qua thời gian trong nhà tù và bức hại tẩy não, cũng như bị cảnh sát ĐCSTQ liên tục quấy rối trong nhiều năm.

Năm 2001, mẹ của cô Li bị kết án 4 năm tù giam vì không từ bỏ đức tin của mình. Cô Li lúc đó mới 15 tuổi, đã buộc phải xa mẹ và không gặp lại bà cho đến 3 năm rưỡi sau đó. Mẹ của cô không chỉ bị bắt tẩy não trong tù mà còn bị buộc phải tham gia lao động nô lệ trong một thời gian dài.

Sau khi bà ra tù vào năm 2004, cảnh sát ĐCSTQ vẫn tìm đến quấy rối 4 đến 5 lần mỗi năm. Bà thường bị chửi rủa, khám xét, và đôi khi còn không thể đi phương tiện công cộng hoặc trú tại khách sạn. Cảnh sát cũng dựng một cây cột cao trước nơi ở của bà, trên đó có gắn một số màn hình nhằm vào cửa sổ căn hộ. Cả những cư dân trong tiểu khu của bà cũng bị kiểm soát và trở thành người tiếp tay theo dõi mọi động thái của bà, khiến bà không còn bất kỳ quyền con người và cuộc sống riêng tư nào.

Năm 2015, cảnh sát từng cắt điện, nước căn hộ của bà trong 5 ngày liên tục, mục đích là ép bà tham gia vào lớp đàn áp tẩy não khác.

Cảnh sát cũng thường đến trường để làm nhục cô Li Jian, mục đích là buộc mẹ của cô phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng bị tước quyền xin hộ chiếu để thăm người thân ở nước ngoài, do đó đã bỏ lỡ nhiều ngày quan trọng trong cuộc đời cô Li như lễ tốt nghiệp, kết hôn và sinh con trai ở Anh.

Năm 2016, cô Li đưa chồng người Anh và con trai 1 tuổi về Trung Quốc thăm họ hàng lần đầu. Trước sự có mặt của gia đình cô, một số cảnh sát ĐCSTQ mặc thường phục và  không xuất trình bất kỳ giấy tờ gì đã đột nhập vào nơi ở của họ, lôi mẹ của cô đi, sau đó đưa bà vào trung tâm tẩy não để tra tấn trong 30 ngày. Chồng của cô Li đã chứng kiến ​​sự ngạo mạn và coi thường pháp luật của những viên cảnh sát này, con của họ đã sợ hãi và khóc ngay tại chỗ.

Sau khi COVID-19 bắt đầu bùng phát, ĐCSTQ một lần nữa phát động cái gọi là “chiến dịch thanh linh” (xóa sổ) đối với các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 8/2020, mẹ của cô Li một lần nữa bị cảnh sát đột nhập và bắt giữ. Mặc dù không có bằng chứng  nào, bà vẫn bị kết án 20 tháng tù khi bà đã 60 tuổi. Đã 10 tháng trôi qua kể từ khi bà bị bắt và bị bỏ tù, không một thành viên nào trong gia đình được gặp bà.

“Những đau khổ mà gia đình tôi phải gánh chịu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không thể đếm xuể người Trung Quốc đang phải sống trong điều kiện địa ngục trần gian. Nhiều người đã mất đi sinh mạng trong cuộc bức hại”, cô Li buồn bã nói rằng đã 22 năm trôi qua, cuộc bức hại vẫn tiếp diễn.

Đáng sợ hơn nữa là những gì diễn ra bên trong nhà tù, nơi các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng không biết bao nhiều đòn tra tấn độc ác nhất. Cùng cực tà ác là hoạt động mổ cướp nội tạng sống một cách tàn bạo của ĐCSTQ. “Tòa án độc lập” ở Luân Đôn đã ra phán quyết vào ngày 17/6/2019, tuyên bố rằng ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người. Một số lượng lớn tù nhân lương tâm bị mổ cướp nội tạng sống để kiếm lời, trong đó, các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện của Phật gia chiểu theo nguyên lý đạo đức cốt lõi là: Chân – Thiện – Nhẫn, kết hợp với 5 bài tập công pháp nhẹ nhàng và dễ tập luyện, có tác dụng kỳ diệu trong việc chữa bệnh và tăng cường thể lực. Kết quả của một cuộc khảo sát do Tổng cục Thể dục thể thao của ĐCSTQ thực hiện vào tháng 5/1998 cho thấy rằng tổng tỷ lệ hiệu quả chữa bệnh và cải thiện sức khỏe của Pháp Luân Công là 97,9%.

Sau khi được nhà sáng lập Đại Sư Lý Hồng Chí giới thiệu lần đầu tiên tại thành phố Trường Xuân, thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 13/5/1992, Pháp Luân Công đã thu hút được khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên. Xuất phát từ sự ghen tức và nỗi lo sợ hoang tưởng rằng các học viên Pháp Luân Công nhận được quá nhiều sự hoan nghênh từ dân chúng có thể sẽ là nguy cơ cho quyền lực chính trị của mình, ĐCSTQ lúc đó do ông Giang Trạch Dân đứng đầu đã phát động chiến dịch vào tháng 7/1999 nhằm đàn áp và tiêu diệt môn tu luyện an hòa này ở Trung Quốc.

Buông bỏ nỗi sợ hãi và “kiên định nói cho nhiều người biết sự thật của cuộc bức hại”

Nhiều người tham dự hội thảo này chưa bao giờ nghe nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Khi nghe cô Li Jian chia sẻ những gì mà gia đình cô đã trải qua, rất nhiều người đã cảm thấy sốc trước sự thật tàn khốc này, một số người đã lặng lẽ rơi nước mắt.

Do bị ĐCSTQ phong tỏa và che đậy thông tin, một số người tham gia đã không hiểu được tình hình thực sự về nhân quyền ở Trung Quốc. Do đó, cô Li Jian đã bổ sung cho họ các dữ kiện về sự kiểm soát trường kỳ của ĐCSTQ đối với quyền sinh con của người dân Trung Quốc và những vi phạm nhân quyền khác.

Ông Williamson nhận xét rằng bài phát biểu của cô Li Jian rất “mạnh mẽ và đầy cảm xúc”. Ông nói với những người tham gia khác bằng lời lẽ ôn hòa nhưng kiên quyết: Cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ đã “được công nghiệp hóa và toàn diện hơn”, vì vậy ông khẳng định rằng cuộc bức hại nhân quyền ở Trung Quốc thậm chí ngày càng tồi tệ.

Sau hội thảo, cô Li Jian nói với phóng viên của tờ Epoch Times: “Mỗi lần mẹ tôi bị bắt đều để lại vết thương trong tâm hồn tôi. Tôi đã rất sợ hãi, tuyệt vọng và căm ghét. Sau này khi hiểu về Pháp Luân Công là gì và tại sao ĐCSTQ lại muốn đàn áp Pháp Luân Công, tôi đã hiểu rõ lý do gia đình tôi bị đàn áp trong 22 năm qua.”

“Bởi vì giá trị của ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ về cơ bản là trái ngược với ‘giả, ác, đấu’ của ĐCSTQ. Chỉ khi ĐCSTQ tan rã thì cuộc bức hại mới có thể chấm dứt, khi đó, những người tu luyện như mẹ tôi và gia đình của họ mới có thể không tiếp tục bị tra tấn vô nhân đạo. Vì vậy, tôi đã quyết định buông bỏ nỗi sợ hãi để đứng lên vạch trần sự tà ác của ĐCSTQ và xé bỏ lớp mặt nạ đạo đức giả của nó. Hãy để càng nhiều người càng tốt hiểu được bản chất xấu xa của nó.”

Từ tháng 9/2020, với sự giúp đỡ của một số bạn bè, cô Li Jian bắt đầu viết thư cho gần 20.000 thành viên Quốc hội và tất cả các thành viên chính quyền khu vực ở Vương quốc Anh, để nói sự thật về việc mẹ cô bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô đã nhận được nhiều sự hưởng ứng và quan tâm từ các đại biểu quốc hội.

Cô Li cho biết, cô và những người bạn của mình phải mất khoảng 6 tháng để hoàn thành việc gửi thư cho tất cả các thành viên này, những khó khăn mà mọi người đã trải qua thật sự rất đáng giá. Sau khi nhận được thư, một số nghị sĩ đã ngay lập tức gọi điện hoặc viết thư cho cô để bày tỏ sự ủng hộ.

Một số nghị sĩ đã thể hiện sự ủng hộ của họ bằng cách chia sẻ các bản xin chữ ký thỉnh nguyện chống bức hại Pháp Luân Công trên tài khoản truyền thông xã hội của họ. Mỗi lần có đến vài trăm người theo dõi đã biết được sự thật, họ đã ngay lập tức ký tên ủng hộ Pháp Luân Công và yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại tàn ác kéo dài 22 năm .

Cô Li nói: “Những thư trả lời và phản hồi này khiến tôi nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều người trong giới chính trị Anh chưa biết sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Điều này khiến tôi kiên định hơn trong việc nói cho nhiều người biết sự thật của cuộc bức hại.”

Trong quá trình gửi thư cho các nghị sĩ Anh để nói rõ sự thật, cô Li đã gặp ông Williamson và nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ ông.

Cô Li khuyến khích những người Trung Quốc bị bức hại đứng lên và phơi bày sự thật về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người dân. “ĐCSTQ bề ngoài sói chiến hung hăng nhưng thực ra rất yếu ớt và sợ hãi, bởi vì tự nó biết rằng những gì nó đã làm là đáng xấu hổ. Vì vậy, những người bị đàn áp hãy dũng cảm đứng lên vạch trần cái ác và phản đối cuộc đàn áp.”

Cô Li hy vọng rằng nhiều người hiểu sự thật hơn có thể tham gia vào đội hỗ trợ chống lại cuộc bức hại của Pháp Luân Công và cùng nhau chấm dứt thảm họa do ĐCSTQ áp đặt lên người Trung Quốc. Hiện tại đã có hơn 90.000 người tham gia ủng hộ chữ ký này tại trang web: www.change.org/supportfalungong

Dương Diệc Tuệ/ Theo Epoch Times