“Người cha của dân chủ Hồng Kông” Martin Lee lần đầu tiên bị kết án
- Gia Hoằng
- •
Ngày 1/4, một tòa án quận ở Hồng Kông đã ra phán quyết về vụ án “Biểu tình nước chảy ngày 18/8”, qua đó kết án hai tội danh đối với 7 nhà dân chủ không nhận tội, trong khi hai người khác chọn cách nhận tội. Đáng chú ý trong bản án này là có “người cha của dân chủ Hồng Kông”, ông Martin Lee lần đầu tiên bị kết tội.
Trong chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông hồi năm ngoái, hoạt động biểu tình kiểu nước chảy vào ngày 18/8 có đến 1,7 triệu người tham gia. Mới đây, những người khởi xướng sự kiện này đã bị kết tội “tổ chức và tham gia biểu tình trái phép”. Người được chú ý nhất trong bản án là ông Martin Lee, 83 tuổi, người bị kết án lần đầu tiên sau 40 năm hoạt động chính trị, phải đối mặt với 5 năm tù cho mỗi tội danh.
Ông Martin Lee là con trai của một tướng quân Quốc Dân đảng và là luật sư cao cấp giàu kinh nghiệm nhất ở Hồng Kông, ông vừa được đề cử giải Nobel. Trong những năm tháng xế chiều của cuộc đời, ông từ chối rời Hồng Kông vì muốn sát cánh cùng những người trẻ tuổi Hồng Kông đấu tranh cho dân chủ. Nhiều bạn hữu lâu năm của ông nói rằng kết tội ông là phát súng đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hủy diệt Hồng Kông. Hầu hết các bị cáo trong vụ án là những nhân vật chính trị kỳ cựu ở Hồng Kông, bao gồm người sáng lập Next Media là ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), chủ tịch và phó chủ tịch của Hồng Kông Alliance là ông Lee Cheuk-yan và ông Albert Ho, luật sư cấp cao Margaret Ng.
Đối mặt với phán quyết, ông Martin Lee bình thản với mái tóc bạc trắng, thỉnh thoảng trò chuyện với bạn bè thân thiết, bình tĩnh nói với giới truyền thông sau khi rời khỏi tòa án: “Khả năng đã sớm được dự đoán… Kiện có thắng có thua”, nói xong ông lên xe đi.
Vụ án hiện được hoãn đến ngày 16/4 mở lại.
Mỹ, châu Âu và Liên Hiệp Quốc quan tâm “ngày đen tối ở Hồng Kông”
Ông Martin Lee là một thủ lĩnh kỳ cựu của phe dân chủ Hồng Kông, đã đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông trong phần lớn cuộc đời, có địa vị quốc tế cao, chỉ trong năm nay ông được 2 nghị sĩ Na Uy đề cử tranh giải Nobel Hòa bình, lời kết án đối với ông một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng.
Tờ Apple Daily (Hồng Kông) đưa tin, phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Jen Psaki cho biết về kết án đối với Martin Lee và những người khác rằng, đây là một ví dụ khác về việc Bắc Kinh làm xói mòn tự do của Hồng Kông, bội ước “Tuyên bố chung Trung-Anh”. Bắc Kinh trấn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa ở Hồng Kông vì họ đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa với hơn 1,7 triệu người Hồng Kông, trong khi các đòi hỏi tự chủ và tự do của họ đã được Trung Quốc hứa hẹn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết tại một cuộc họp báo rằng các vụ truy tố chính trị một lần nữa cho thấy các quan chức ở Hồng Kông và Trung Quốc đang tấn công tất cả những người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông. Mỹ sẽ tiếp tục truy cứu giới chức Trung Quốc và Hồng Kông đã làm tổn hại quyền tự do và tự chủ cơ bản của Hồng Kông.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói rằng, ông Guterres thường nhắc lại rằng không nên có tù nhân lương tâm trong thế kỷ 21, phải bảo đảm quyền hội họp hòa bình. Văn phòng Liên minh châu Âu tại Hồng Kông cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến. Giám đốc chính sách của Tổ chức Giám sát Hồng Kông là Jonney Patterson gọi phán quyết là “kiểu chính trị độc tài điển hình, khiến ngày 1/4 trở thành ngày đen tối đối với nền dân chủ của Hồng Kông”.
Bản án của ông Martin Lee là phát súng đầu tiên giết chết Hồng Kông
Những người bạn cũ của ông Martin Lee cũng rất buồn và bị sốc về bản án dành cho ông. Đài Á châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng bà cựu Phó Chủ tịch Chi nhánh Đông đảo Hồng Kông của Đảng Dân chủ là Yang Yueqing (Dương Nguyệt Thanh) đã tham gia vào công việc của Liên minh Dân chủ Hồng Kông và Đảng Dân chủ cùng với ông Martin Lee, đồng thời là cố vấn và bạn thân trong hơn 30 năm, đã chỉ trích nặng nề ĐCSTQ sử dụng ông Martin Lee như nhát dao đầu hủy diệt Hồng Kông: “Tôi cảm thấy sốc và xấu hổ. Nếu Trung Quốc tiếp tục chơi như thế này, đặc biệt là với ông Martin Lee, đó thực sự là phát súng đầu tiên giết chết Hồng Kông. Tôi nghĩ ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông ngu xuẩn, cho toàn thế giới thấy họ ngày càng khốn nạn. Họ vẫn thường muốn dụ dỗ người Đài Loan, nhưng hành vi như vậy không thể khiến người Đài Loan chấp nhận được”.
Ông Martin Lee sinh năm 1938, cha của ông là Li Yanhe (Lý Nghiêm Hòa), một tướng của Quốc dân đảng, đã tham chiến chống Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai. Sau khi ĐCSTQ đánh bại Quốc dân đảng thì ông đưa gia đình đến Hồng Kông, khi đó ông Martin Lee mới 11 tuổi. Sau khi ông tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, ông đã theo học luật tại Anh và được cấp giấy phép hành nghề. Ông trở thành thành viên không chính thức của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào năm 1985 và từ đó bắt đầu cuộc hành trình chính trị; thời điểm đó Trung Quốc và Anh đang đàm phán về tương lai của Hồng Kông và ông Martin Lee đưa ra ý kiến của mình với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư và được Bắc Kinh bổ nhiệm làm ủy ban soạn thảo Luật Cơ bản.
Từ bỏ cuộc sống ổn định để dấn thân cho dân chủ
Tại Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ đã “tắm máu” phong trào sinh viên dân chủ, thúc đẩy ông Martin Lee đoạn tuyệt với ĐCSTQ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian (Anh) vào năm ngoái, ông nói rằng lời khuyên của cha dành cho ông là: “Đừng tin tưởng vào ĐCSTQ, khi họ cần bạn, họ sẽ cho bạn tất cả. Khi họ đạt được mục tiêu, họ sẽ bỏ rơi và chà đạp bạn”. Sau này, ông đã cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền dân chủ Hồng Kông và thành lập đảng chính trị đầu tiên của Hồng Kông: Liên minh Dân chủ Hồng Kông, sau đó phát triển thành Đảng Dân chủ, đến 2008, ông tuyên bố không tham gia Hội đồng lập pháp.
Ông Martin Lee được biết đến phổ biến với danh hiệu là “người cha của nền dân chủ Hồng Kông”, ông có địa vị cao trong giới chính trị Hồng Kông và trở thành cái gai trong mắt ĐCSTQ. Còn trong mắt những người bạn, ví như bà Dương Nguyệt Thanh nhìn ông như là một “quý tộc trong số những người Trung Hoa”, lẽ ra ông dễ dàng có cuộc sống ổn định nhưng lại chọn theo đuổi dân chủ và tự do trong suốt cuộc đời.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Martin Lee tiết lộ rằng ông đã hai lần cân nhắc rời Hồng Kông, lần đầu tiên là vào năm 1967 khi phe thân ĐCSTQ tại Hồng Kông gây bạo loạn trong nỗ lực xóa bỏ chế độ thuộc địa Anh, lần thứ hai là vào những năm 1980 khi chuyển giao chủ quyền Hồng Kông gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin. Cuối cùng ông quyết định ở lại Hồng Kông vì không thể vượt qua rào cản lương tâm của chính mình. Ông nói: “Làm sao tôi có thể rời đi khi Hồng Kông cần tôi nhất? Tôi phải đảm bảo rằng Hồng Kông có pháp quyền, sau đó chúng ta có thể hy vọng có tự do”.
Đồng hành với giới trẻ Hồng Kông trong chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ
Nhưng trước đây quan điểm chính trị của Martin Lee không được thế hệ trẻ ở Hồng Kông chấp nhận tuyệt đối. Bà Yang Yueqing nói rằng ông Martin Lee bị ảnh hưởng bởi cha mình, điều này khiến ông không đồng ý với một số người Hồng Kông về “ý thức Đại Trung Hoa”, ông không ủng hộ “Hồng Kông độc lập” và tin rằng sẽ không thành công nếu muốn Hồng Kông độc lập. Nhưng bà rất vui mừng vì ông đã có những thay đổi quan trọng trong phong trào “chống Dự luật Dẫn độ” hồi năm 2019. “Ông ấy tin rằng điều quan trọng nhất là sự đoàn kết của người dân Hồng Kông, dù là một người dân chủ hay người tự quyết như Huang Zhifeng (Hoàng Chi Phong), hay các thanh niên muốn Hồng Kông độc lập, tất cả có cùng quan điểm về tự do và dân chủ”, bà cho biết.
Những gì ông Martin Lee tuyên bố sau khi bị bắt và được tại ngoại vào tháng Tư năm ngoái cũng khẳng định sự thay đổi của ông: “Tôi cảm thấy phấn chấn, vì bao nhiêu năm nay chứng kiến giới trẻ tài ba như vậy bị bắt bớ kết án, trong khi tôi không sao… Cuối cùng tôi cũng trở thành bị cáo, tôi không hối hận về những gì mình đã làm, tôi tự hào có cơ hội sát cánh trên con đường dân chủ này với một nhóm những người Hồng Kông trẻ xuất sắc”.
Vào tháng Bảy năm ngoái, ĐCSTQ thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, khi đó tờ Guardian hỏi ông Martin Lee rằng liệu động thái này của ĐCSTQ có chấm dứt khát vọng dân chủ của Hồng Kông hay không? Ông trả lời: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép đây là sự kết thúc đối với Hồng Kông. Có thể là một thảm kịch của Hồng Kông, nhưng tôi sẽ không từ bỏ… Ngay cả khi (ĐCSTQ) giam giữ tôi và giết tôi, tôi vẫn sẽ chỉ ra lỗi của họ. Một ngày nào đó dân chủ sẽ đến với Trung Quốc”.
Gia Hoằng, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Dân chủ Hồng Kông Martin Lee Hồng Kông