“Người tốt trong thể chế ĐCSTQ” bị gạt ra rìa chỉ là sớm hay muộn
- Mạt Hạ
- •
Muốn làm “người tốt trong thể chế” thì phải chịu số phận hẩm hiu! Dường như đây đã là nhận thức chung trong xã hội Trung Quốc. Cái giá phải trả cho làm người tốt là quá lớn, không chỉ làm hại chính mình mà thậm chí đa số trường hợp còn gây nguy hại cho cả người thân gia đình, nhìn từ quan điểm lợi ích thực dụng thì làm người tốt ở Trung Quốc có hại nhiều hơn lợi.
Nếu phải phân loại người tốt Trung Quốc, có thể tạm chia thành người tốt thông thường và người tốt trong hệ thống cầm quyền, mặc dù tỉ lệ ở cả hai dạng đều chỉ là số nhỏ, nhưng không nghi ngờ gì là nhóm người tốt thông thường chiếm đại đa số, điều này cũng phản ánh rõ là người có lương tâm tốt trong hệ thống cầm quyền rất ít ỏi, gần như tuyệt chủng. Cựu Phó trưởng Công an huyện Quảng Bình tỉnh Hà Bắc Trịnh Thành Nguyệt (Zheng Chengyue), nhân vật gần đây dư luận loan tin bị sống trong đau đớn vì thân mắc nhiều loại bệnh, nằm trong số người ngoại lệ khan hiếm này.
Ông Trịnh Thành Nguyệt rất nổi tiếng ở Trung Quốc, trong đó đặc biệt nhất là từ vụ án Nhiếp Thụ Bân (Nie Shubin) mà ông theo đuổi suốt đời, tìm đến tận cùng chứng cứ để sửa án oan sai cho Nhiếp Thụ Bân.
Ai dám lên tiếng vì công lý sẽ bị hệ thống độc tài loại bỏ
Từ nguồn thông tin công khai, ông Trịnh Thành Nguyệt là Phó trưởng công an huyện Quảng Bình tỉnh Hà Bắc phụ trách điều tra hình sự, là chiến sĩ công an đầu tiên lên tiếng “một vụ án hai hung thủ”, tức là người đầu tiên nhìn lại vụ án Nhiếp Thụ Bân. Vào ngày 02/12/2016, Tòa án Tối cao xử chung thẩm đã phán quyết Nhiếp Thụ Bân vô tội, vụ án từng gây nhiều tranh luận trong nhiều năm này cuối cùng đã được minh oan. Nếu tính từ thời gian ông Trịnh Thành Nguyệt tiết lộ trước công chúng vào năm 2005 đến chung thẩm sửa lại án oan là khoảng thời gian dài hơn 11 năm.
Như chúng ta đều biết, đằng sau những vụ án oan của Trung Quốc, nguyên nhân sâu xa nhất chính là sự thất bại của nền pháp trị và thực trạng thiếu dân chủ, vì vấn đề liên quan đến vô số thế lực quyền quý, dù biết sai lầm vẫn phải chấp nhận, vì sửa lại án oan chắc chắn sự nghiệp của nhà chức trách bị ảnh hưởng, uy tín của nhà chức trách trong lĩnh vực đó bị ảnh hưởng. Trong quan trường Trung Quốc, do đường dây lợi ích liên quan nhau chằng chịt khiến công lý thường bị đè bẹp. Chuyện một số quan chức cấp cao tỉnh Hà Bắc quyết định phải xử lý giải quyết vấn đề ông Trịnh Thành Nguyệt là tiêu biểu. Vì muốn làm người cán bộ tốt, ông Trịnh Thành Nguyệt đã phải chịu số phận mà vô số người tốt Trung Quốc phải chịu: kẻ nào dám dùng công lý thách thức thể chế thì thể chế sẽ giải quyết kẻ đó trước.
Số phận Trịnh Thành Nguyệt rất khốn khổ, ông đã bị tước bỏ chức vụ, bị thể chế cầm quyền biến thành người bên lề xã hội, hầu như toàn bộ cuộc sống của ông đã tách biệt với chế độ cầm quyền và trong thực tế bị biến thành kẻ phản bội. Thậm chí ông còn làm ảnh hưởng đến người thân gia đình, công việc và tương lai của hai con ông đã bị ảnh hưởng.
Đã từ lâu trở thành “người bên lề xã hội”, và giờ đây ông Trịnh Thành Nguyệt lại bước vào khoảnh khắc sinh tử của cuộc đời. Theo giấy chứng nhận chẩn đoán bệnh của Bệnh viện nhân dân huyện Quảng Bình thì người đàn ông 58 tuổi này bị suy thận, nhiễm độc niệu, cao huyết áp trong nhóm có nguy cơ cấp 3, trướng bụng, giảm protein huyết (hypoproteinemia), thiếu máu, mất cân bằng điện giải, nhồi máu não, tiểu đường loại 2.
Một số cơ quan truyền thông tại Trung Quốc đã đưa tin và kêu gọi cư dân mạng gây quỹ cứu chữa cho ông. Ngày 10/11, trang weibo Công Ích (Gongyi) khởi xướng kế hoạch “Giúp người tốt bệnh nặng Trịnh Thành Nguyệt”, mục tiêu gây quỹ 450.000 nhân dân tệ, đến trước ngày 18 đã hoàn thành mục tiêu, đạt được 471,749 nhân dân tệ từ 7544 người tham gia quyên góp.
Kẻ phản bội trong thể chế và phe đối lập bên ngoài thể chế
Bạn thấy đấy, đây là kết thúc của người tốt ở Trung Quốc, phải trở thành người phản bội thể chế. Gần đây nếu không có sự hỗ trợ của cư dân mạng thì ông sẽ phải chịu chết vì không thể có tiền chữa bệnh, còn gia đình ông có thể bị ảnh hưởng lâu dài.
Bình tâm mà xét, ông Trịnh Thành Nguyệt đã đi được xa hơn phần lớn những người chỉ biết khinh thường thể chế. Do ông kiên quyết vì công lý, không hòa giải trước ranh giới công lý, không thể nhắm mắt theo quan niệm và kỷ luật của tổ chức, ông đám đối đầu với thể chế vì công lý.
Trung Quốc Đại lục trong hai hoặc ba thập kỷ qua gần như không có Trịnh Thành Nguyệt thứ hai, là người trong thể chế nhưng hành động chống lại thể chế là trường hợp thật khó tìm thấy được ở Trung Quốc. Trong xã hội Trung Quốc ngày nay, khi mà đa số mọi người bình thường luôn chỉ biết sống giữ mình, hầu hết mọi người từ lâu đã quen với việc hòa giải với chính thể cầm quyền, quen với diễn ngôn của thể chế cầm quyền, liệu còn mấy người nghĩ đến đối đầu với nó?
Mối nguy lớn hơn nằm ở chỗ, chính thể cầm quyền nhân danh nhiều thứ khác nhau để trừng phạt những người không phục tùng, người phản bội, từ năm 1989 đến nay nhà cầm quyền chưa bao giờ buông lỏng tìm cách kiểm soát mọi người và gia đình họ. Do đó, cái giá phải trả của việc dám thách thức thể chế độc tài là cực kỳ khốc liệt. Ví dụ, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đã qua đời năm ngoái, khiến người vợ của ông phải sống trong cảnh bị dày vò, cách đây vài tháng đã phải bỏ ra nước ngoài sống.
Dĩ nhiên, nếu không tính người trong thể chế, ở Trung Quốc hiện cũng còn nhiều người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền giống như ông Trịnh Thành Nguyệt. Họ là những người sống vì công lý, vì lương tâm nên dám mạo hiểm thân mình, nhiều người chấp nhận sống trong nhà tù, khiến người thân gia đình bị ảnh hưởng, bị gạt ra ngoài lề xã hội, tiếng nói của họ vô cùng yếu ớt, đó là điều mà hầu hết người Trung Quốc không thể hình dung được.
Chúng ta cần ngưỡng mộ những người như ông Trịnh Nguyệt Thành, sẵn sàng vì chính nghĩa và lý tưởng mà trở thành người phản bội chế độ, cho dù thực tế số người dám đương đầu như vậy thật nhỏ bé, nhưng chắc chắn họ chính là niềm hy vọng của loài người. Những người như Trịnh Nguyệt Thành là những người dũng cảm, họ dám làm những việc mà đa số người bình thường không làm được, họ hiểu thấu đáo mục đích của một cuộc đời có ý nghĩa thực sự chứ không chỉ biết vun vén giữ mình.
(Bài viết đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)
Blog Mạt Hạ
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ chế độ độc tài Trịnh Thành Nguyệt